Đêm theo chân lực lượng chống buôn lậu

Thứ Ba, 22/08/2023, 10:57

Long An có đường biên giới giáp Campuchia dài gần 135km, với nhiều đường mòn, lối mở qua lại. Địa hình tiếp giáp khá bằng phẳng, chỉ vài bước chân là có thể qua lại biên giới, nên ngoài tuồn thuốc lá ngoại và một số loại hàng hóa khác, cánh đầu nậu còn tìm cách đưa các loại gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc vào nội địa tiêu thụ.

Các loại heo, bò, gà, vịt không rõ nguồn gốc thường mang nhiều mầm bệnh như lở mồm long móng, tai xanh, virut cúm có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng, làm tổn hại cho ngành chăn nuôi và mất ổn định thị trường…

Để ngăn chặn tình trạng này, trong thời gian qua, Công an tỉnh Long An đã phối hợp với các đồn Biên phòng, Quản lý thị trường và các đơn vị chức năng chủ động nắm tình hình, qua đó đã kịp thời ngăn chặn được nhiều vụ buôn lậu, vận chuyển gia súc, gia cầm, đồng thời tổ chức tuyên truyền để người dân biên giới không trực tiếp hoặc tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu.

la 1.2.jpg -0
Một điểm của “chim lợn” đặt ngay ngã ba đường

1. Một đêm trung tuần tháng 8/2022, tôi được theo chân các trinh sát Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường và Công an huyện Vĩnh Hưng đi tuần tra phòng chống buôn bán, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm trên tuyến biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Con đường đất vào mùa mưa Nam Bộ bị các loại xe cơ giới cày xới ngang dọc tạo thành những hố nước sâu như ổ trâu, ổ voi khiến xe mô tô của trinh sát cứ chồm lên thụp xuống như ngựa lồng. Mặc dù tôi và trinh sát đã sử dụng trang phục quần sooc, áo thun cũ, dép Lào, cỡi xe Wave cũ nát, nhưng vừa đến ngã ba đường thuộc ấp Bình Châu, xã Tuyên Bình thì một nhóm nam thanh niên đang ngồi trong quán nước ven đường lập tức đứng dậy phóng tầm mắt dõi theo. Ngay sau đó là hai chiếc xe mô tô lẽo đẽo theo sau. Đang mải đánh tay lái né những hố nước thì bỗng nhiên một chiếc xe mô tô không đèn chiếu sáng từ con đường mòn trong khu rừng tràm phóng ra ngay mũi xe chúng tôi khiến trinh sát phải phanh dúi dụi, còn chiếc xe kia do một thanh niên điều khiển lập tức tăng ga chạy như bị ma đuổi và nhanh chóng mất hút, hai chiếc xe theo sau cũng đột ngột quay đầu rút lui. 

Tìm một bụi cây rậm rạp, hai chúng tôi chui vào ngồi giữa, vừa để theo dõi tình hình, vừa chờ tổ công tác xuất phát sau cùng đến nhập đoàn. Trong thời gian chờ đợi, trinh sát quay sang tôi bảo: “Những người ngồi ở ngã ba mà anh em mình gặp đầu tiên là “chim lợn” và “nài” đấy. Chim lợn thường mở quán bán nước, tạp hóa, hoặc xe cá khô nướng dọc tuyến đường biên giới để theo dõi nhất cử nhất động của lực lượng chống buôn lậu, báo tin cho “đầu nậu”.

Đêm khuya, đám muỗi rừng đông như rắc trấu không biết từ đâu lao ra rồi chui vào những phần cơ thể của chúng tôi chích không thương tiếc...

Đêm theo chân lực lượng chống buôn lậu -0
Phát hiện đầu nậu đang tập kết lợn lên xe để chuyển sâu vào nội địa

2. Trở về đơn vị, tôi được Thượng tá Lại Văn Út, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, kể cho nghe chuyện phòng, chống mua bán, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm qua biên giới. Theo Thượng tá Út, ngay sau khi dịch bệnh COVID-19 được khống chế, biên giới mở cửa trở lại thì cánh đầu nậu lại tìm cách tuồn các loại gia súc, gia cầm vào nội địa tiêu thụ gây ảnh hưởng không tốt đến ngành chăn nuôi, làm xáo trộn thị trường tiêu dùng, là nguồn làm lây lan dịch bệnh lở mồm long móng, tai xanh đối với heo, viêm da nổi cục đối với bò. Không để tình trạng này tiếp diễn, ngay từ những tháng cuối năm 2022, Đại tá Lâm Minh Hồng,  Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp với Công an các huyện biên giới, Bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường… chủ động nắm tình hình, tuần tra khép kín trên toàn tuyến biên giới để kịp thời ngăn chặn.

Ngay sau khi phối hợp với Công an các huyện biên giới Đức Huệ, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường triển khai các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình, các trinh sát phát hiện ngoài “chim lợn” án ngữ ở hầu hết ngã ba, ngã tư từ tuyến đường vành đai biên giới cho đến đầu các xóm, ấp, đầu nậu đã lợi dụng chính sách không kiểm tra đối với gia súc, gia cầm có nguồn gốc ở nội địa để nhập lậu. Theo đó, cánh “đầu nậu” đã mua chuộc sẵn một số hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm để lợn, bò, gà, vịt từ Campuchia, sau khi vượt qua biên giới nếu lỡ bị cơ quan chức năng phát hiện thì những hộ chăn nuôi này đứng ra nhận là của mình.

Từ những thông tin thu thập được, các đơn vị phối hợp đã lên kế hoạch, một mặt nắm chắc thông tin từ xa, sau đó vô hiệu hóa tai mắt của đám “chim lợn” để tổ chức đón lõng, chặn bắt các vụ vận chuyển trái phép heo, bò, gà, vịt với số lượng lớn, đồng thời phối hợp với Biên phòng, Quản lý thị trường tổ chức tuần tra biên giới để ngăn chặn những “nài” (người vận chuyển thuê) chẻ “hàng” nhỏ lẻ về các điểm tập kết. Các phương án này mang lại hiệu quả cao. Điển hình là vào đêm 21/2/2023, các đơn vị phối hợp nhận được tin từ mũi trinh sát ngoài đường biên thông báo về các đối tượng chuẩn bị tổ chức vận chuyển trái phép một đàn lợn qua biên giới tuồn vào nội địa tiêu thụ. Nhận định khả năng các đối tượng sẽ đi theo tuyến đường lộ liên xã qua ấp Bình Châu, xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng vì khu vực này có nhiều vạt rừng tràm và thưa người qua lại, các đơn vị đã bố trí một tổ công tác tổ chức đón lõng.

Ngoài ra để đề phòng các đối tượng có thể giương đông kích tây, Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Vĩnh Hưng cũng được yêu cầu tuần tra kiểm soát trên các cung đường.  Đến 3h00’ sáng ngày 22/2, khi chiếc xe ô tô tải trong diện nghi vấn mang biển số 67H-019.20 vừa lọt vào điểm phục kích liền bị dừng lại để kiểm tra hành chính. Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện trên xe có chở 45 con heo với tổng trọng lượng 4.685kg, trong đó tài xế Phạm Ngọc Tuấn, sinh năm 1968, ngụ huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp và người đi cùng là Nguyễn Văn Mau, sinh năm 1980, ngụ huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp không xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ...

Trước đó vào cuối tháng 12/2022, trong lúc phối hợp với Đồn Biên phòng Sông Trăng tuần tra khu vực ấp Láng Biển, xã Hưng Điền, huyện Vĩnh Hưng, các trinh sát phát hiện một đối tượng điều khiển xuồng máy trên kênh Cây Cỏ chở theo 15 con lợn không rõ nguồn gốc. Phát hiện tổ tuần tra, đối tượng cầm lái xuồng máy đã nhảy xuống kênh bơi sang phía đất Campuchia trốn thoát.

Không chỉ buôn bán, vận chuyển trái phép lợn không rõ nguồn gốc vào nội địa, cánh đầu nậu còn chuyển cả bò vào trong nước tiêu thụ. Lợi dụng địa hình bằng phẳng, cánh “đầu nậu” cho người giả bộ thả bò cho gặm cỏ ở sát đường biên phía nước bạn rồi tranh thủ lúc nửa đêm về sáng hoặc lúc các tổ tuần tra giao ca thì lùa cho chạy qua phần đất biên giới nước ta. Khi lùa xong, lập tức có người địa phương được đầu nậu mua chuộc từ trước dắt về tập kết tại chuồng bò nhà mình, sau đó giao lại cho “đầu nậu”.

LA_1_6-1692666029821.JPG
Vây bắt đối tượng lùa đàn bò bị bệnh lở mồm long móng từ Campuchia vào nội địa tiêu thụ

Cụ thể vào lúc rạng sáng ngày 26/4/2023, trong lúc phối hợp với Đồn Biên phòng Sông Trăng tuần tra biên giới, các trinh sát của đơn vị và Công an huyện Tân Hưng phát hiện đối tượng Trần Thanh Mỹ, sinh năm 1998 tại tỉnh Đồng Tháp đang lùa 5 con bò từ Campuchia vào nội địa thuộc địa phận ấp Láng Biển, xã Hưng Điền. Tại hiện trường, Mỹ khai nhận mua 5 con bò này của một đối tượng ở Campuchia mang về bán kiếm lời, trước đó Mỹ cũng đã lùa trót lọt vài chuyến với hàng chục con bò vào nội địa tiêu thụ.

Cũng theo Thượng tá Lại Văn Út, sau khi phối hợp với Chi cục Chăn nuôi thú y và thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lấy mẫu mang đi kiểm dịch cho kết quả toàn bộ số lợn trong tất cả các vụ đều bị bệnh lở mồm long móng; số bò thì ngoài các bệnh trên còn bị viêm da nổi cục. Từ những kết quả trên cho thấy, việc mua bán, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm từ Campuchia vào nội địa thường nhỏ lẻ, nhưng không vì thế mà xem nhẹ được bởi sự ảnh hưởng của nó nếu buông lỏng quản lý là không thể đong đếm được.

Ngoài gây mất ổn định thị trường, các loại dịch bệnh trên thân thể số gia súc, gia cầm nhập lậu còn là nguồn lây lan và nếu không kiểm soát được sẽ bùng phát trên diện rộng, khiến cho ngành chăn nuôi trong nội địa không thể cân đối được tài chính, từ đó có thể phải buộc từ bỏ việc chăn nuôi. Mặt khác các loại thịt gia súc, gia cầm mang mầm bệnh khi lưu thông trên thị trường chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Để đảm bảo ổn định thị trường, bảo vệ người chăn nuôi và sức khỏe của người tiêu dùng, theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ và công văn của UBND tỉnh Long An về việc tập trung lực lượng ngăn chặn lợn nhập lậu qua biên giới, Ban giám Giám đốc Công an tỉnh đã triển khai đến các phòng ban chức năng và Công an các huyện, thị trong tỉnh triển khai  khẩn trương các biện pháp nghiệp vụ, tiến hành rà soát nắm tình hình các điểm tập trung, các điểm trung chuyển lợn, thống kê danh sách đối tượng có biểu hiện mua bán lợn nhập lậu, các thương lái, cò, các điểm lò thu gom giết mổ để chủ động phát hiện đối tượng thu gom, mua bán trái phép lợn nhập lậu để có kế hoạch bắt giữ, xử lý nghiêm.

Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm soát chặt chẽ tất cả những tuyến đường, các tổ tuần tra của các cấp tỉnh, huyện, xã tăng cường mật phục để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vận chuyển, mua bán trái phép lợn nhập lậu.

Song song với đó, đơn vị còn phối hợp chặt chẽ với Công an các huyện biên giới tổ chức tuyên truyền cho người dân khu vực biên giới về sự nguy hiểm của heo nhập lậu, dịch bệnh có thể lây sang người và tác hại khi buôn bán, vận chuyển heo nhập lậu, không được kiểm định, không rõ nguồn gốc; vận động người dân khu vực biên giới không tiếp tay, tham gia vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, nhất là heo nhập lậu trái phép vào địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, Công an các địa phương cũng phối hợp chặt chẽ với chính quyền cấp xã tổ chức thống kê, kiểm soát đàn heo tại địa phương, đặc biệt là các xã có chung đường biên giới với Campuchia để kịp thời phát hiện sự biến động, tăng số lượng đột biến do có sự cấu kết, hợp thức hóa nguồn gốc đàn gia súc nhập lậu; hợp thức hóa, làm trái các quy định, các loại giấy tờ để vận chuyển ra khỏi địa bàn quản lý.

Đức Cương
.
.
.