Cuối năm phòng ngừa sập bẫy “việc nhẹ, lương cao”

Thứ Sáu, 19/01/2024, 21:12

Những lời mời chào tuyển dụng “có cánh”, mức lương cao, tiền thưởng nhiều, chế độ đãi ngộ hợp lý…trở thành “miếng mồi” câu dụ được rất nhiều người đang thiếu thốn về tài chính, mong muốn kiếm việc làm ngày Tết. Rơi vào “ma trận” lừa đảo, có người mất tiền, người không còn tiền thì mất tinh thần, thậm chí thương tổn thân thể khi trót đưa chân vào các chốn ăn chơi “đèn mờ”…

“Chiếc bẫy” ngọt ngào

Là công nhân bị cắt giảm hợp đồng từ hai tháng trước, chị L.T.V (30 tuổi, quê Bến Tre) không trở về quê đón Tết sớm như các chị em khác mà bám trụ lại thành phố kiếm việc làm thêm, nuôi hy vọng có chút tiền về quê trang trải cho mùa xuân sắp đến.

h4.jpg -0
Sinh viên nên tìm đến các trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm uy tín để không bị lừa đảo

Chị V. lên các trang tuyển dụng việc làm, có rất nhiều thông tin quảng cáo, tuyển làm thêm dịp Tết như: Tuyển nhân viên bán hàng kiêm mẫu ảnh chụp quần áo, có ăn trưa, lương 300.000 đồng/ngày; nhân viên đánh máy theo mẫu, 200.000 đồng/20 bài, mỗi văn bản trên 100 từ; tuyển người bình luận sản phẩm với mức lương từ 100.000 - 300.000 đồng/ngày; cộng tác viên bán vé máy bay chiết khấu hoa hồng lên đến 20%.

Chị V. thấy công việc bán hàng kiêm mẫu ảnh là phù hợp với mình, vì chị từng có thời gian bán hàng quần áo, ít nhiều có kinh nghiệm. Liên hệ số điện thoại tuyển dụng, chị V. được một người phụ nữ giới thiệu tên Lan, chủ shop quần áo thời trang tại chợ An Đông (Q.5, TP Hồ Chí Minh). Công việc của chị V. chỉ cần đến cửa hàng mỗi ngày, buổi chiều tham gia chụp mẫu ảnh khoảng 2 giờ để bà Lan bán trên các sàn thương mại hoặc gửi cho đối tác. Chị V. được hứa hẹn bao ăn trưa và chiều, ngoài hưởng ngày công sẽ được trích hoa hồng nếu bán được nhiều sản phẩm.

Tuy nhiên, bà Lan lấy lý do shop quần áo ở chợ diện tích hẹp, không phù hợp để chụp ảnh nên đề nghị chị V. tới kho hàng của mình ở Q.6. Chị V. đồng ý và đi làm ngay hôm sau.

Ngày đầu tiên làm việc, chị V. thấy khá ổn định, kho hàng sạch sẽ thoáng mát, có khoảng gần chục nhân viên đang làm việc. Công việc không vất vả, đúng như mô tả, cứ hết ngày là được lãnh lương. Làm được một tuần, chị V. được bà Lan thông tin shop bán gần hết hàng nên phải đi nhập ở chợ gần cửa khẩu biên giới Việt Nam - Campuchia. Bà Lan nói, cần nhân viên đi cùng để hỗ trợ, về trong ngày và sẽ được trả lương gấp đôi. Nghĩ đến khoản lương hấp dẫn, chị V. đã xung phong đi.

Cuối năm phòng ngừa sập bẫy “việc nhẹ, lương cao” -0
Làm hạt điều tại nhà được nhiều chị em lựa chọn trong mùa Tết này vì công việc an toàn, không có rủi ro

Xe khởi hành từ 1h sáng, dự định tới chợ vào lúc 5h để kịp lấy hàng. Đêm tối mù trời, trên con xe bán tải chỉ có chị V., một người phụ nữ lạ giới thiệu là bạn bà Lan và anh tài xế. Xe chạy đến gần sáng thì dừng lại trên một con đường thưa thớt dân cư, tài xế nói mọi người xuống xe chờ đò qua sông. Chị V. hỏi tài xế, đi chợ biên giới sao lại phải qua sông? Anh tài ậm ừ: “Chợ ở bên kia sông”.

Linh tính việc chẳng lành, chị V. nghi ngờ mình bị lừa bán sang Campuchia. Trong lúc đi bộ đến bến đò, người phụ nữ đi cùng chị V. liên tục gọi điện, còn anh tài xế thì lấy cớ đi vệ sinh rồi mất tiêu. Chị V. quá hoảng sợ, may là ở gần có khu chợ bà con đang tụ họp, chị thừa lúc người phụ nữ kia nghe điện thoại đã chạy nhanh vào trong chợ trốn thoát. Ngay sau đó, bà Lan liên tục gọi điện cho chị V. nhưng lo sợ nên chị không dám nghe. Bà Lan nhắn tin: “Ai lừa đảo gì mày mà phải trốn, làm lỡ hết việc của tao”.

Trở về nhà, chị V. nhắn tin cho bà Lan, nói khéo là gia đình có chuyện đột xuất nên phải về và cũng không thể tiếp tục làm việc cho bà Lan được nữa. Chị V.đã khóa máy, chặn số để tránh bị quấy rối. 

Sau cú sốc nhớ đời, chị V. không dám lên mạng tìm việc nữa mà đến nhà máy nhận hạt điều về gia công. Mỗi ký hạt điều lột vỏ sạch sẽ, chị V. được trả 7 ngàn đồng. Mỗi ngày, chị bóc được 20kg, thu nhập 140 ngàn. Số tiền tuy không cao nhưng được làm việc tại nhà của mình, được tự do và thoải mái, lại an toàn tuyệt đối nên chị V. cảm thấy rất hài lòng.

Công nhân mất việc làm, sinh viên được nghỉ học sớm, người lao động tự do là những đối tượng đang có nhu cầu tìm việc làm thời điểm cận Tết. Tuy nhiên, họ lại rất khó phân biệt được đâu là việc làm thật, đâu là ảo, cũng như ai là người tốt, ai khoác áo “ma quỷ” lọc lừa.

Cũng như rất nhiều người trẻ muốn có tiền trang trải mùa Tết, N.A (21 tuổi, quê Bình Phước, sinh viên năm 3) đã đi rải hồ sơ tìm việc khắp nơi. Nhưng cậu vừa trải qua kiếp nạn mà có lẽ cả cuộc đời không bao giờ quên được. N.A đăng ký việc làm trên nhiều trang mạng. Ít ngày sau, A. nhận được cuộc gọi và đề nghị kết bạn qua Zalo từ một người nhận là nhân viên của Shopee. Người này xin email của N.A và hẹn lịch phỏng vấn.

Cuối năm phòng ngừa sập bẫy “việc nhẹ, lương cao” -0
Công an xóa biển quảng cáo nhằm hạn chế những trường hợp người dân bị lừa đảo

Sau vòng phỏng vấn qua zoom, A. được xác nhận trúng tuyển làm thực tập sinh, địa điểm tại kho Shopee ở tỉnh Long An. A. được hẹn ra bến xe An Sương (huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) để xe công ty đưa đi làm. Tuy nhiên, khi tới nơi, N.A chỉ thấy có một mình tài xế. Xe chạy được một quãng đường dài thì dừng đón thêm người, gồm cả người Việt và người Campuchia. Khi A. hiểu rõ sự tình, đòi xuống xe thì bị nhóm này dùng vũ lực để lấy hết tài sản, tịch thu cả điện thoại.

Xe tiếp tục chạy thẳng qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh). Tại đây N.A được chuyển qua một xe khác đưa sang Campuchia. Sau 24h bị bắt, bằng nhiều cách, cộng với may mắn và có kỹ năng thoát hiểm tốt nên A. đã trốn thoát về lại được Việt Nam và trình báo vụ việc tới cơ quan Công an. Nhớ lại chuyến xe định mệnh ấy, N.A. vẫn còn rất hoảng sợ và ám ảnh. Cậu cho biết, từ nay đi xin việc sẽ mang hồ sơ đến tận nơi để nộp, không dám “rải” khắp nơi trên mạng nữa.

Cuối năm phòng ngừa sập bẫy “việc nhẹ, lương cao” -0
Hai đối tượng lừa đảo các cô gái vào quán karaoke

Kịch bản lừa đảo rất đa dạng, mỗi người lại rơi vào cảnh ngộ khác nhau. Trường hợp của K.L. (21 tuổi, quê Đắk Nông) là bài học xương máu cảnh tỉnh đến các bạn nữ khi đi xin việc. K.L. là sinh viên năm hai ngành Du lịch tại TP Hồ Chí Minh.

Sau khi thi học kỳ xong, L. đi tìm việc làm thêm, mong kiếm chút tiền để Tết này về quê lì xì cho bố mẹ và hai đứa em. L. lên các trang tuyển dụng trực tuyến tìm việc và nhanh chóng kiếm được việc làm bán hàng cho siêu thị với mức thu nhập từ 30 ngàn/giờ, bao ăn một bữa. Ngày đầu đi nhận việc, L. được người quản lý đón ở công viên. Anh này đưa cho L. một bịch hàng gồm: Bia, nước ngọt, bim bim, các loại bánh kẹo ngọt… L. thắc mắc sao lại lấy hàng ở công viên mà không phải ở siêu thị? Anh quản lý trấn an: “Nhận hàng xong sẽ đi tới siêu thị để bán”.

Nhưng, thật lạ, siêu thị mà người này nói chính là quán karaoke. Tại đây, L. được nhân viên quán đưa lên phòng đang có khách hát và ăn nhậu tơi bời. L. chợt hiểu rõ sự tình, cô vùng bỏ chạy ra ngoài, rồi khóc thật to. Sợ L. làm lớn chuyện, nhân viên chạy theo trấn an, nói cô đến đây không phải tiếp khách mà là giao hàng của siêu thị cho quán, xong thì về lấy lương từ siêu thị. Những gì tận mắt nhìn thấy khiến L. dứt khoát không nghe theo lời của gã quản lý nữa. Cho đến bây giờ L. vẫn cảm thấy hoang mang, cô chia sẻ: “Em từng đi làm thêm vào Tết năm ngoái, công việc khá ổn và em cũng kiếm được chút tiền. Em không ngờ năm nay mình lại gặp phải trường hợp này, em rất sốc và không dám kể cho gia đình biết”. 

Không có chuyện việc nhẹ, lương cao

Bẫy lừa đảo việc làm những ngày cận Tết giăng mắc khắp nơi, nếu không tỉnh táo, sáng suốt thì các đối tượng như mẹ bỉm sữa, học sinh, sinh viên, người lao động có thu nhập thấp… sẽ là “con mồi” ngắm tới của đối tượng lừa đảo. Rất nhiều câu chuyện buồn đã xảy ra, nhiều nạn nhân rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”. Một thực tế cho rằng, tin vào "việc nhẹ, lương cao" chỉ là ảo tưởng, vì nghề nào cũng phải "đổ mồ hôi sôi nước mắt" mới kiếm được đồng tiền.

Cuối năm phòng ngừa sập bẫy “việc nhẹ, lương cao” -0
Công an TP Hồ Chí Minh cảnh báo về thủ đoạn “việc nhẹ lương cao” thời điểm cận Tết

Vào ngày 12/1/2024, Công an TP Dĩ An (Bình Dương) đã triệt xóa đường dây chuyên dụ dỗ, lừa bán các cô gái trẻ vào quán karaoke. Nhóm này gồm: Nguyễn Văn Công (54 tuổi, quê Nghệ An), Mai Trung Dũng (43 tuổi, quê Kiên Giang) và Phan Thị Hoài Thương (26 tuổi, quê Nghệ An). Theo điều tra, Công là quản lý một quán karaoke ở phường Tân Đông Hiệp (TP Dĩ An). Để có nhân viên làm việc, Công liên hệ với Thương và Dũng hỗ trợ tìm người. Thương và Dũng lập các trang Facebook đăng thông tin tuyển dụng với lời mời chào hấp dẫn “việc nhẹ, lương cao”. Trong tháng 12/2023, hai đối tượng đã lừa được 3 cô gái và chở đến quán karaoke giao cho Công. Mỗi nạn nhân, nhóm này được trả công từ 5-8 triệu đồng. Số tiền này Công ghi nợ và trừ vào tiền công của các nữ tiếp viên. Quá trình điều tra xác định, hành vi của các đối tượng có dấu hiệu tội phạm mua bán người.

Cận Tết là thời điểm mà các đối tượng lừa đảo gia tăng hành vi phạm tội, chúng dùng nhiều chiêu trò, thủ đoạn để lừa gạt người dân, đặc biệt là nhóm người yếu thế. Tại buổi họp báo chiều 11/1, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian gần đây, không chỉ riêng thủ đoạn "việc nhẹ, lương cao", lực lượng Công an ghi nhận phương thức, thủ đoạn lừa trực tuyến của các đối tượng trong giai đoạn này triệt để lợi dụng chủ đề "Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024" để tạo ra các câu chuyện lừa đảo ngày càng tinh vi gắn với sự kiện, pháp nhân cụ thể để dẫn dụ nạn nhân “sập bẫy”.

Công an TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người lao động không tin vào lời mời tuyển dụng "việc nhẹ, lương cao" trên mạng xã hội, đặc biệt không tin vào lời hứa hẹn, mời gọi hấp dẫn công việc có thu nhập cao và dễ dàng, không yêu cầu kỹ năng hay kinh nghiệm. Sinh viên cần cảnh giác, tìm hiểu kỹ về lịch sử và hoạt động pháp lý của các công ty trước khi ứng tuyển và phỏng vấn. Qua đó, phòng chống các loại tội phạm bắt cóc, buôn bán người.

Ngọc Thiện
.
.
.