Cuộc chiến băng đảng trong nhà tù nữ Honduras

Thứ Năm, 31/08/2023, 10:07

Ngày 20/6/2023 là cột mốc không thể nào quên với những tù nhân ở trại cải tạo cho phụ nữ Támara, Honduras. Vào ngày hôm đó, một nhóm tù nhân đã phá ngục, giam cầm tất cả các quản giáo và xả súng vào các tù nhân khác thuộc về băng đảng đối địch.

Đến khi cảnh sát thiết lập lại được trật tự thì đã có 46 tù nhân bị giết, hoặc là bị bắn chết hoặc là bị thiêu sống trong phòng giam của họ. Vụ thảm sát Támara chỉ là “bề nổi” của “tảng băng chìm”, tức các nhà tù nữ ở Honduras. Thay vì là nơi đưa người phạm tội trở lại con đường đúng đắn, nhà tù nữ ở Honduras lại đang trở thành “chiến trường” giữa các băng đảng vô cùng manh động.

Để tồn tại

Adriana là một trong số ít tù nhân may mắn sống sót sau vụ thảm sát Támara. Cô bị trúng đạn vào chân nhưng lại gặp được nhân viên y tế băng bó. Adriana thuật lại mọi chuyện với phóng viên Honduras: “Chúng (các đối tượng phá ngục) đều là thành viên của băng Barrio 18. Chúng ở khu tù 2 thì phá cửa ra được, sau đó đi sang khu tù 1. Đứa nào cũng xách súng AR-15 hoặc là mang dao rựa. Chúng nhìn thấy ai là giết”.

ben.jpg -0
Bên trong một nhà tù dành cho phụ nữ ở Honduras

Cũng như nhiều nhà tù khác ở Honduras, trại cải tạo Támara bị chia rẽ giữa hai băng đảng tội phạm lớn nhất quốc gia này: MS-13 và Barrio 18. Vụ thảm sát Támara không phải lần đầu tiên bạo lực xảy ra tại trại cải tạo. Vào tháng 5/2020, một số tù nhân thuộc Barrio 18 đã dùng dao găm và dao rựa sát hại sáu người bị chúng coi là “chim mồi” cho MS-1.

Adriana là thành viên của MS-13. Ngay từ ngày đầu tiên vào trại cải tạo, cô đã biết mình sẽ phải chiến đấu nếu muốn sống. Cô kể lại: “Cả anh tôi và chồng tôi đều ngồi tù. Tôi biết rõ là trong tù chật chội và tham nhũng đến chừng nào. Ở trong này “đại bàng” là “vua” chứ không phải quản giáo. Ai muốn sống trong tù thì phải chấp nhận làm “trâu ngựa” cho băng đảng”.

Cảnh sống trong trại cải tạo phụ nữ Támara quả là cơn ác mộng. Nhà tù không có đủ buồng giam nên nhiều khi 40, 50 tù nhân phải chen chúc trong một căn phòng thiết kế chỉ cho 10 người. Nhiều người còn không chen được nên phải trải đệm ngủ ngoài trời. Trong môi trường ấy, những người vào tù vì tội móc túi chen lấn với các đối tượng đang chịu án giết người. Lực lượng quản giáo không thể nào giữ được quyền kiểm soát nhà tù, những “ông chủ” thực sự phải là các đầu trùm.

Trại cải tạo phụ nữ Támara là nhà tù duy nhất dành cho phụ nữ ở Honduras. Trước đây còn có nhà tù nữ San Pedro Sula, nhưng chính phủ Honduras đã buộc phải đóng cửa cơ sở này vì tình trạng bạo lực và tham nhũng. Nhiều tên trùm băng đảng từ nhà tù San Pedro Sula sau đó được chuyển sang Támara và khiến tình hình tại trại cải tạo càng thêm phần hỗn loạn.

Nữ tù nhân Lourdes Osorto trả lời phỏng vấn hãng tin Insight Crime: “Chúng tôi lúc nào cũng sống trong sợ hãi. Cứ vài ngày là người của băng Barrio 18 lại đánh người tập thể... Tôi không thuộc băng đảng nào, nhưng tôi bị bủa vây bốn phía bởi các băng đảng. Họ đánh nhau thì tôi chỉ có chết. Không sớm thì muộn thì sẽ lại có người chết”.

Cuộc chiến băng đảng trong nhà tù nữ Honduras -0
Cánh cửa dẫn vào khu buồng giam bị tù nhân phóng hỏa

Chỉ mấy tháng sau cuộc phỏng vấn trên, Lourdes bị sát hại trong vụ thảm sát Támara. Cô bị bắt vì tội buôn bán ma túy và rửa tiền. Lourdes phải vào tù trong khi mang thai. Con gái cô bị sát hại cùng với mẹ.

Phần lớn tù nhân khi mới vào trại cải tạo đều cố gắng tránh thu hút sự chú ý về hướng mình để giữ an toàn cho bản thân. Nhưng chỉ sau một hai trận đòn bởi các đấng “anh”, “chị” thì ai cũng phải chọn phe nếu muốn sống. Nhiều người bắt đầu bằng việc chạy vặt cho các “đại bàng”. Trại cải tạo Támara có cả một “nền kinh tế ngầm”. Cái gì tù nhân cũng có thể mua được, từ nước nóng đến ma túy. Họ thiếu tiền mặt thì lấy mì gói hoặc phiếu ăn thay tiền. Các băng đảng trong tù luôn cần một lực lượng lao động để tham gia “nền kinh tế ngầm” nhằm kiếm lời cho ông trùm.

Sau hơn nửa năm làm chân sai vặt, Adriana được “thăng cấp”. Công việc mới của cô là “giáo dục” cho các thành viên MS-13 khác mới vào tù, quản lý nguồn trợ cấp từ thân nhân người tù gửi vào, và đảm bảo các “chị em” luôn bảo vệ lẫn nhau. Không ít lần cô phải sử dụng nắm đấm để bảo vệ bản thân và đồng lõa. Adriana kể: “Tôi đánh bất kỳ ai dám khiêu khích tôi. Có lần tôi đánh một người đến mức gãy mấy cái răng... Bọn Barrio 18 lần nào nhìn thấy tôi cũng đe dọa sẽ giết tôi. Tôi thì chỉ cười và nói rằng: “Chết vì băng đảng thì tao không sợ”.

Sau một trận ẩu đả diễn ra giữa năm 2019, Adriana bị tống vào phòng biệt giam đến tám tháng. Ở trong một căn phòng chưa đầy 10m2, 5 người phụ nữ phải chen chúc nhau trong điều kiện không có ánh sáng hay nước uống, còn không khí thì chỉ có lấy qua một cái lỗ thông gió. Người nào ra khỏi phòng biệt giam thì da cũng hóa màu vàng.

Thời gian ở phòng biệt giam là quá sức với Adriana. Cô cảm thấy quá mệt mỏi với việc phải dùng vũ lực hằng ngày. Adriana quyết định “đi tu” ngay trong chùa. Nhiều thành viên băng đảng ở Honduras khi muốn ngừng làm tội phạm nhưng muốn giữ mạng thường là tín đồ đạo Tin Lành. Adriana làm vậy vì mong được sống trong yên bình. Sự lựa chọn của cô tuy vậy đến quá muộn.

Vụ thảm sát

Vào buổi tối ngày xảy ra vụ thảm sát, Adriana đang chuẩn bị đi ngủ thì nghe thấy tiếng người kêu cứu: “Cháy nhà rồi! Cho chúng tôi ra!”. Ngọn lửa bắt đầu từ văn phòng quản giáo rồi lan ra khu buồng giam. Một số quản giáo và tù nhân cố gắng dùng nước và bình cứu hỏa để dập lửa nhưng không được. Lợi dụng thời cơ này, những thành viên băng Barrio 18 phá cửa buồn giam rồi tấn công các tù nhân khác. Họ được trang bị dao găm, dao rựa, gậy gộc và dây thừng.

Cuộc chiến băng đảng trong nhà tù nữ Honduras -0
Cảnh sống chật chội trong nhà tù phụ nữ ở Honduras

Adriana kể lại: “Chúng nhắm vào sáu phụ nữ cũng là tín đồ Chúa như tôi. Chúng tôi bèn lấy thân mình chặn cửa buồng giam lại nhưng không được vì chúng đông quá. Bọn chúng bắt ba người ra khu tập thể dục rồi dùng tạ đánh họ đến chết. Những người ở gần đó nói rằng bọn Barrio 18 đánh người đến vài tiếng đồng hồ... Hai người khác chạy đến được khu tù 1 thì bị đuổi kịp. Họ cũng bị đánh rồi thắt cổ đến chết”.

Nạn nhân cuối cùng là một phụ nữ đang mang thai. Những kẻ côn đồ phá cửa phòng y tế rồi đâm chết nạn nhân. Adriana chỉ thoát chết bằng cách trốn dưới gầm giường. Cô lấy chăn cuốn quanh người vừa để không bị nhìn thấy, vừa nhằm át đi những tiếng thét của người đang bị giết.

Phải đến khi vụ thảm sát kết thúc lúc tảng sáng hôm sau thì cảnh sát mới xuất hiện. Adriana lò dò bước ra ngoài cửa thì bị một đối tượng Barrio 18 đâm dao vào chân. Kẻ đó còn nói với cô: “Bọn tao sẽ chặt mày ra từng mảnh, nhưng không phải là hôm nay”.

Nhà chức trách bất lực

Vị trí giám đốc trại cải tạo phụ nữ Támara có sự thay đổi hai tháng trước khi vụ thảm sát xảy ra. Giám đốc Érika Rodríguez bị cách chức vì tội nhận hối lộ. Thay thế bà Érika là Reyna Girón, một cựu thanh tra cảnh sát. Bà Reyna khi lên nắm quyền đã đưa ra một số chính sách mới nhằm cải thiện cuộc sống của tù nhân. Tuy vậy vị tân giám đốc không thể làm gì được vấn đề bạo lực băng đảng trong nhà tù.

Trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình Canal 11 trước khi vụ thảm sát xảy ra, bà Reyna Girón cho biết: “Bạo lực khó lòng tiếp diễn trong nhà tù sau khi chúng tôi phân chia thành viên các băng đảng vào từng khu tù khác nhau... Mọi vấn đề trong tương lai có thể được giải quyết bằng cách nói chuyện thẳng thắn với tù nhân. Tình hình ở trại cải tạo Támara đã trở lại bình thường”.

Cuộc chiến băng đảng trong nhà tù nữ Honduras -0
Số vũ khí tịch thu được sau vụ thảm sát trong nhà tù

Sau vụ thảm sát Támara, ban quản lý trại cải tạo nói riêng và chính quyền Honduras nói chung vẫn giữ thái độ lẩn tránh trong các phát ngôn. Phải đến khi thân nhân của các nạn nhân trong vụ thảm sát lên tiếng thì nhà chức trách mới có động thái đầu tiên. Việc họ làm là di chuyển tất cả tù nhân là thành viên MS-13 sang nhà tù El Porvenir. Không hiểu vì lý do gì mà sáu tháng sau đó số tù nhân trên lại được chuyển về Támara. Tất cả các thành viên MS-13 được phân vào khu tù 1, còn người của Barrio 18 ở những khu tù còn lại. Tù nhân không được bước ra khỏi khu tù của mình. Các hoạt động giáo dục và lao động công ích thì gần như bị xóa bỏ hoàn toàn.

Việc thay đổi cơ cấu tù nhân không có tác dụng gì mấy đối với “cán cân quyền lực”. Barrio 18 vẫn nắm quyền kiểm soát phần lớn nhà tù, trong đó có khu vực sân tù, phòng y tế, nhà nguyện, lớp học, và văn phòng quản giáo. Một quản giáo giấu tên trả lời Insight Crime: “Người của MS-13 không dám ra sân tập thể dục, đến phòng y tế lấy thuốc, hay là qua nhà nguyện để cầu nguyện... Chúng tôi biết rằng như thế này là không chấp nhận được, nhưng lực lượng chúng tôi quá mỏng để quản lý nhà tù”.

Hiện nay ở khu tù 1 có khoảng hơn 100 thành viên của MS-13 bị giam giữ. Vụ thảm sát đã khiến họ trở nên bạo lực hơn. Nhiều tù nhân bắt đầu tổ chức luyện tập và sản xuất vũ khí tự chế. Có thông tin cho biết súng đã được tuồn vào trại cải tạo. Trong vụ thảm sát Támara có một số đối tượng Barrio 18 được trang bị súng ngắn và tiểu liên. Không có lý do để nghi ngờ rằng MS-13 đang sử dụng cùng những con đường buôn lậu từ ngoài vào tù để “chạy đua vũ trang” với kẻ thù của mình.

Adriana trả lời phỏng vấn: “Bây giờ tối nào tôi cũng đi giày mà ngủ, rồi còn tập thói quen ngủ được một hai tiếng thì lại thức dậy một lần để nghe ngóng. Bây giờ trại cải tạo là vùng chiến sự nên tôi phải tập làm lính để sống được”.

Tổng thống Honduras Xiomara Castro mới đây đã cách chức một loạt quan chức an ninh, trong đó có Bộ trưởng An ninh Ricardo Sabillón và thứ trưởng Julissa Villanueva, người đang giữ chức giám đốc cục nhà tù quốc gia. Giám đốc trại cải tạo Támara là Reyna Girón cũng bị cách chức. Quyền quản lý hệ thống nhà tù quốc gia được giao cho quân đội. Chính phủ đang lên kế hoạch xây dựng nhà tù quy mô lớn trên quần đảo Thiên Nga cách bờ biển Honduras 153 km. Mục tiêu của nhà tù này là cắt hẳn liên lạc giữa các tù nhân và đồng bọn bên ngoài. Những biện pháp trên sẽ cần thời gian mới phát huy hết hiệu quả, và trong khoảng chờ đó nhiều khả năng tình trạng bạo lực băng đảng trong các nhà tù Honduras sẽ còn tiếp diễn.

Lê Vũ
.
.
.