Costa Rica, từ thiên đường du lịch trở thành trung tâm “logistics” ma túy

Thứ Sáu, 04/10/2024, 08:22

Những khu rừng nhiệt đới tươi tốt của Costa Rica, nơi từng là thiên đường du lịch, đang bị các băng đảng xâm nhập để tìm kiếm tuyến đường buôn lậu ma túy mới từ Nam Mỹ tới châu Âu và Bắc Mỹ.

“Cuộc sống trong lành” đã bị vấy bẩn

Trước khi Christian Puchi lên đường làm việc trong rừng, ông đã đảm bảo rằng dao rựa của mình được buộc chặt vào hông và những người kiểm lâm khác được xịt thuốc chống muỗi. Họ nhảy lên thuyền và di chuyển qua đám đông khách du lịch. Những du khách háo hức cầm chặt ống nhòm, hy vọng có thể nhìn thoáng qua những chú rùa nổi tiếng của Costa Rica. Nhưng Puchi và những người đồng nghiệp không có được cảm giác phấn khích như thế. Họ chỉ hy vọng… trở về mà không bị thương.

Nhóm của Puchi có thể xử lý được những con ếch độc, rắn độc và cá sấu. Nhưng với quá ít nhân lực và trang bị không đầy đủ, họ không thể chống lại mối đe dọa nguy hiểm nhất hiện đang ẩn núp trong các công viên quốc gia: những băng đảng ma túy.

“Chúng tôi từng tập trung vào bảo tồn, tìm dấu vết báo đốm, tổ rùa hay các đàn chim. Nhưng giờ đây, chúng tôi còn phải lo lắng thêm về mạng sống của mình khi nơi này đã trở thành kho chứa ma túy”, Christian Puchi, 49 tuổi, một kiểm lâm đã lăn lộn với khu rừng trong hơn 20 năm, cho biết.

Costa Rica, từ thiên đường du lịch trở thành trung tâm “logistics” ma túy -0
Những khu rừng nhiệt đới của Costa Rica vốn được xem như thiên đường du lịch đang bị tội phạm biến thành tuyến đường vận chuyển ma túy. Ảnh: Tripavisor.

Costa Rica, thường được coi là một trong những điểm đến lý tưởng nhất của du khách tại vùng Caribe, đã thoát khỏi tệ nạn băng đảng đã lan tràn khắp khu vực này từ lâu. Khẩu hiệu quốc gia của họ, "pura vida" (cuộc sống trong lành), trong nhiều thập kỷ đã thu hút những cặp đôi đi hưởng tuần trăng mật, những người đi “chữa lành” yêu thích yoga hoặc những người đam mê ngắm chim, đem lại cho Costa Rica mỗi năm ít nhất 2 tỷ USD và đóng góp vào sự thịnh vượng của đất nước.

Nhưng giờ đây, những khu rừng tươi tốt bao phủ một phần tư diện tích Costa Rica đang bị các băng đảng ma túy xâm nhập để tìm kiếm tuyến đường buôn bán mới nhằm trốn tránh chính quyền. Và, các công viên quốc gia, như công viên Tortuguero, bỗng trở thành thiên đường cho những kẻ buôn ma túy.

Ở đó, các băng đảng không gặp nhiều sự kháng cự. Công viên quốc gia Tortuguero chỉ có chưa đến 300 nhân viên kiểm lâm chịu trách nhiệm tuần tra 1,3 triệu hecta rừng được bảo vệ. Họ chỉ được trang bị vũ khí phù hợp để săn bắt động vật nhỏ chứ không phải để đọ sức với súng tiểu liên tự động của bọn buôn ma túy. Và họ cũng không có đủ nghiệp vụ lẫn khả năng tự bảo vệ mình để chống lại những băng đảng khát máu, sẵn sàng tiêu diệt bất cứ ai phát hiện ra chúng.

Costa Rica, từ thiên đường du lịch trở thành trung tâm “logistics” ma túy -0
Kiểm lâm Costa Rica được trang bị vũ khí tối thiểu và không có quyền bắt giữ phải chịu trách nhiệm tuần tra hàng triệu hecta rừng. Ảnh: New York Times.

Thỏi nam châm mới trên bản đồ ma túy

Một quan chức cấp cao của Costa Rica cho biết, sản lượng cocaine tăng mạnh ở Colombia kết hợp với hoạt động mở rộng ảnh hưởng của các băng đảng ma túy Mexico và vị trí địa lý nằm trên “ngã tư” của Costa Rica đã biến đất nước này thành thỏi nam châm mới trên tuyến đường ma túy liên lục địa.

Để tìm hiểu rõ hơn, có thể lấy băng đảng Gulf Clan của Colombia làm ví dụ. Tổ chức tội phạm này chuyên vận chuyển cocaine qua Thái Bình Dương bằng những con tàu ngầm thô sơ đến bờ biển phủ đầy rừng của Costa Rica. Sau đó, chúng lợi dụng địa hình phức tạp, với những khu rừng ngập mặn rậm rạp đan xen các kênh rạch và rừng mưa nhiệt đới làm bình phong che chắn để chuyển ma túy cho những băng đảng mafia địa phương.

Theo lực lượng tuần duyên Costa Rica, khoảng 70% lượng ma túy tuồn vào nước này đều đi qua bờ biển Thái Bình Dương. Phần lớn cocaine sau đó được các nhóm địa phương hợp tác với các băng đảng ma túy Mexico vận chuyển bằng đường bộ đến một cảng ở bờ biển phía đông của đất nước, nơi chúng được trà trộn vào các thùng trái cây xuất khẩu để chuyển ra nước ngoài.

Một trong những cửa ngõ trung chuyển ma túy nhộn nhịp nhất là cảng Moin. Nằm ở thành phố Limon, cách Công viên quốc gia Tortuguero khoảng 60 km về phía nam, Moin là cảng lớn nhất của Costa Rica. Cảng Moin đã giúp đất nước đáp ứng nhu cầu dứa và chuối đang bùng nổ từ Mỹ và châu Âu, nhưng cũng là điểm xuất khẩu cocaine chính từ Costa Rica tới hai khu vực này.

Cảng Moin lần đầu tiên được mở vào năm 2019. Chỉ một năm sau, Costa Rica đã trở thành điểm trung chuyển cocaine lớn nhất thế giới. Các băng đảng Mexico và Colombia hiện sử dụng các kho trái cây ở Limon để cất giữ ma túy, làm bình phong để gửi các container cocaine ra nước ngoài và “rửa tiền” thông qua các trang trại nông nghiệp.

Costa Rica, từ thiên đường du lịch trở thành trung tâm “logistics” ma túy -0
Một nhóm biên phòng Costa Rica đi tuần, nước này không có quân đội và lực lượng chấp pháp quá mỏng khiến họ khó trấn áp các băng đảng ma túy.  Ảnh: New York Times.

Nông sản rất khó phân loại để kiểm tra an ninh và rất dễ bị bầm dập; chúng cũng cần được vận chuyển sớm tới tay khách hàng trước khi thối rữa. Điều này gây áp lực thông quan nhanh chóng lên các lực lượng ở cảng và đó cũng là kẽ hở để các băng đảng ma túy lợi dụng, biến Moin thành điểm xuất phát cho hàng tấn cocaine chuyển tới Bắc Mỹ cũng như châu Âu.

Ngoài trà trộn vào nông sản xuất khẩu, còn nhiều cách khác để trung chuyển ma túy qua ngả Costa Rica. Chính quyền nước này gần đây phát hiện ra rằng các nhóm tội phạm đã thuê thợ lặn để hàn vỏ tàu ngầm vào đáy tàu chở hàng để có thể giấu tới 1,5 tấn cocaine. Họ cũng phá được một vụ tập kết hàng vạn chai soda chứa đầy cocaine đã chuyển thành dạng lỏng để chờ vận chuyển sang châu Âu và Trung Đông.

Randall Zuniga, Giám đốc Cục Điều tra Tư pháp của Costa Rica, cho biết việc phát hiện cocaine dạng lỏng cho thấy hoạt động của các băng đảng tại đây đã phát triển tới một mức độ tinh vi hơn rất nhiều. Cũng vì thế, Costa Rica đang nổi lên như một trung tâm “logistics” quan trọng của hoạt động buôn bán ma túy toàn cầu.

Năm ngoái, nhà chức trách Costa Rica đã thu giữ 21 tấn cocaine, nhưng Bộ trưởng Mario Zamora Cordero cho biết hàng trăm tấn vẫn được vận chuyển qua nước này trót lọt hàng năm. Và, không chỉ cocaine khiến các quan chức Costa Rica lo lắng. Fentanyl cũng đang bắt đầu xâm nhập. Vào tháng 11 năm ngoái, phòng thí nghiệm fentanyl đầu tiên của Costa Rica bị cảnh sát địa phương hợp tác với Cục Phòng chống ma túy Hoa Kỳ (DEA) phát hiện và phá hủy.

Nhiều viên fentanyl sản xuất tại đây đã được chuyển đến Mỹ và châu Âu, theo một bức điện tín từ đại sứ quán Mỹ tại San Jose gửi về nước. “Costa Rica là mục tiêu chính của các băng đảng sản xuất fentanyl”, bức điện tín được đánh dấu là “nhạy cảm” và được gửi đến Washington vào năm ngoái có đoạn: “Các tổ chức này đang quyết tâm biến Costa Rica thành một trung tâm mới”.

Costa Rica, từ thiên đường du lịch trở thành trung tâm “logistics” ma túy -0
Các băng đảng thường giấu ma túy vào những container hoa quả xuất khẩu sang châu Âu và Bắc Mỹ từ cảng Moin ở bờ biển phía đông Costa Rica. Ảnh: New York Times.

 Những kỷ lục chết người đe dọa đất nước

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Costa Rica đã vượt qua Mexico để trở thành điểm trung chuyển cocaine hàng đầu thế giới đến Bắc Mỹ, châu Âu và nhiều nơi khác vào năm 2020. Năm ngoái, Mexico đã trở lại vị trí dẫn đầu nhưng Costa Rica vẫn bám sát phía sau.

Để đáp ứng nhu cầu cho “ngành công nghiệp” buôn bán và vận chuyển ma túy đang bùng nổ, các băng đảng tại Costa Rica mọc lên như nấm sau mưa. Tờ El Pais (Tây Ban Nha) thống kê rằng đất nước Caribe này hiện có khoảng… 340 tổ chức tội phạm lớn nhỏ. Và, do nguồn sống chính đều nằm ở ma túy nên băng đảng nào cũng có đội ngũ sát thủ khát máu, sẵn sàng ra tay tàn độc để tranh địa bàn, giành mối hàng với đối phương.

Với những dữ liệu như vậy, cuộc khủng hoảng an ninh tại Costa Rica là khó tránh khỏi, nhất là khi quốc gia này có lực lượng cảnh sát rất mỏng (chỉ khoảng 15.000 cảnh sát cho dân số 5,2 triệu người). Ở Costa Rica hiện tại, trường học cũng trở thành hiện trường tội phạm, các bậc phụ huynh bị bắn chết khi đưa con đến lớp. Các túi nilon chứa đầy chân tay bị cắt rời thường xuyên được phát hiện trong công viên. Những thành viên băng đảng xông vào bệnh viện bắn chết đối thủ. Cảnh sát cũng bị sát hại khi tham gia truy quét ma túy.

Theo thống kê của Reuters, Costa Rica đã khép lại năm 2022 với kỷ lục 656 vụ giết người. Nhưng năm 2023 kỷ lục ấy lập tức bị xô đổ khi đất nước Caribe này ghi nhận tới 907 vụ án mạng (đạt tỷ lệ 17,2 vụ trên 100.000 dân), qua đó chứng kiến năm đẫm máu nhất trong lịch sử. Năm nay, với trung bình 2,3 vụ giết người xảy ra mỗi ngày tính đến 10/9, Costa Rica dự kiến sẽ kết thúc năm với 864 án mạng. Dù con số này có thể không chạm tới kỷ lục của năm 2023, nhưng nó vẫn biến Costa Rica thành một trong những đất nước kém an toàn nhất vùng Caribe.

“Những gì chúng ta đang chứng kiến, chúng ta chưa từng thấy trước đây. Các tổ chức tội phạm địa phương có liên quan đến các băng đảng nước ngoài đã tạo ra một thách thức vượt quá khả năng của lực lượng cảnh sát hiện tại” - Mario Zamora, Bộ trưởng An ninh Costa Rica, than thở trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

Thực trạng đáng buồn mà ông Zamora đề cập đang đe dọa đẩy Costa Rica đi theo con đường của những quốc gia ma túy “cộm cán” lân cận là Ecuador và Honduras, nơi có tới hàng nghìn vụ giết người mỗi năm, nơi các chính trị gia bị tội phạm sát hại như cơm bữa và nền kinh tế sụp đổ vì bạo lực. 

Để tránh khỏi viễn cảnh tồi tệ, chính phủ Costa Rica đang có kế hoạch tăng số lượng cảnh sát thêm 10%. Nhưng với nhiều người, chừng đó là không đủ. Sau khi giải thể quân đội cách đây 70 năm và là một trong vài quốc gia hiếm hoi không có quân đội, đất nước hòa bình này có rất ít phương tiện để ngăn chặn bạo lực. Vì thế, đã bắt đầu có những tiếng nói yêu cầu xem xét lại việc phi quân sự hóa Costa Rica.

Mauricio Boraschi, một công tố viên cao cấp chuyên về tội phạm ma túy tại San Jose, cho biết cuộc khủng hoảng an ninh hiện tại đã khiến nhiều người Costa Rica, những người được dạy từ khi còn nhỏ về tính đặc biệt của quốc gia, phải tự vấn về chính bản sắc này.

“Chúng ta đang bị nhấn chìm bởi cơn sóng thần ma túy”, Boraschi nói, “Nó khiến chúng ta phải nhìn vào gương và tự hỏi: “Chúng ta là ai? Và làm sao chúng ta có thể thoát khỏi điều này?”.

Nguyễn Khánh
.
.
.