Chiêu trò lừa đảo trong thế giới số

Thứ Sáu, 23/09/2022, 08:30

Trong thời đại kỹ thuật số, với vô vàn ứng dụng mua hàng, mạng xã hội đã khiến vô số thói quen tiêu dùng, cuộc sống con người phụ thuộc vào Internet, các thiết bị công nghệ. Song hành với vô vàn sự tiện lợi thì đồng thời các chiêu trò lừa đảo lợi dụng vào đó không ngừng biến tướng, nạn nhân không chỉ là những người lớn tuổi mà còn cả những người trẻ tuổi am hiểu mạng xã hội, công nghệ…

1. Một chiều muộn khi trời đã nhập nhoạng, có tiếng chuông cửa nhà bà Nguyễn Mai Sinh, cán bộ hưu trí hiện đang sống cùng cháu, trú tại ngõ 460 Thụy Khuê. Một thanh niên mặc quần áo hãng vận chuyển công nghệ với lỉnh kỉnh hàng hóa đưa bà thùng giấy, bên trong là 10 suất xôi chè, thông báo chỉ cần nhận hàng và không phải thanh toán bất kỳ khoản tiền nào. Bà có hỏi lại người giao hàng (shipper) là ai gửi đồ ăn. Anh ta đáp do điện thoại hết pin nên không nhớ, không thể kiểm tra lại thông tin người gửi, chỉ biết giao đúng địa chỉ rồi vội vàng rời đi.

nguoi lon.jpeg -0
Người lớn tuổi thường có nguy cơ cao trong các giao dịch thương mại điện tử cũng như trên môi trường Internet.

Bà Sinh cho biết do tính cách luôn cẩn trọng, nên sau đó liên lạc với con cái cũng như vài người thân thường gửi đồ ăn. Nhưng không ai trong đó xác nhận là đã gửi xôi chè. Bà vứt bỏ toàn bộ thùng hàng không rõ nguồn gốc vào thùng rác. 20 giờ tối, tiếng chuông cửa lại vang lên, chàng shipper ban chiều đứng trước nhà tần ngần trình bày về việc do vội vã nên đã ship hàng nhầm địa chỉ, có lời xin lỗi và nằng nặc xin trả lại hàng. Tất nhiên, trong tình huống dàn dựng này xảy ra một số kết quả cuối cùng khác nhau, đã ăn hết, vứt bỏ hoặc còn nguyên vẹn sau bữa tối. Cụ bà hưu trí đã phải đền lại cho sự vô tình “nhầm lẫn” kể trên với số tiền là 400.000 đồng. Trong buổi họp tổ dân phố sau đó, một số hộ gia đình trong khu phố cũng phàn nàn về việc đã rơi vào tình huống y hệt cũng với chiêu trò chuyển nhầm thực phẩm như đã kể trên, với thực đơn vô cùng phong phú, xôi chè, sốt vang, trái cây… và mức giá họ phải đền bù luôn cao hơn nhiều lần so với mức giá chung. 

Chiêu thức lừa đảo này mới xuất hiện, đối tượng lừa đảo mặc quần áo các hãng xe công nghệ, luôn tỏ ra vội vàng khi giao hàng và nhắm vào các hộ gia đình có người lớn tuổi, xảy ra vào những thời điểm con cái vắng nhà. Dường như có sự chuẩn bị, theo dõi thói quen cũng như lịch sinh hoạt của từng gia đình trong từng khu vực cụ thể. Thực phẩm “đạo cụ” bằng mắt thường có thể nhận thấy được đóng gói sơ sài, kém chất lượng hoặc có thể quay vòng từ nhà này sang nhà khác, nên điều đó còn tồn tại cả những rủi ro khác về mặt sức khỏe nếu mang ra sử dụng.

2. Thương mại điện tử là một phát minh tuyệt vời của con người. Chỉ hơn 10 năm trước không ai ở Việt Nam có thể nghĩ rằng chỉ việc ngồi một chỗ, bấm bấm lên màn hình là mọi thứ trên đời được mang đến tận nhà. Hàng hóa đa dạng, thực phẩm, xe máy hay thậm chí là cả ô tô. Xuyên suốt quá trình thực hiện các thao tác giao dịch trên mạng, chúng ta để lại nhiều dấu vết về thông tin cá nhân. Đó có thể là số tài khoản, địa chỉ nhà, email, thói quen tiêu dùng… Và đơn giản nhất đôi khi chỉ là miếng dán nhãn trên hàng hóa, mà ngay sau khi nhận hàng thì đa số không hủy nó mà ném thẳng vào thùng rác. Trên tem dán định danh khách hàng được dán trên vỏ hộp, có đầy đủ thông tin cá nhân, số điện thoại di động, địa chỉ nhà.

Trên một diễn đàn mạng xã hội, có nhiều người cảnh báo cho nhau chiêu thức lừa lọc của kẻ xấu là bới rác, nhặt vỏ hộp cũ trên đó có sẵn tem nhãn từ nhà vận chuyển, dán lại rồi ship tới địa chỉ nhận và lựa chọn thời điểm để bên nhận hộ là người lớn tuổi, nhóm thiếu kỹ năng trong thời đại kỹ thuật số.

3.Mạng xã hội Facebook ngoài việc dành cho người dùng chia sẻ thông tin, kết nối người thân thì các diễn đàn mua bán bất động sản hoạt động khá mạnh. Sau hơn 2 năm dịch bệnh, cuộc sống trở lại bình thường mới, không ít người dân tìm kiếm cơ hội đầu tư vào thị trường bất động sản. Một trong những sản phẩm bất động sản được nhiều người quan tâm là đất đai để hình thành khu nghỉ dưỡng sinh thái tại một số tỉnh gần Hà Nội, đang có dự án về đường cao tốc. Tỉnh Hòa Bình là một ví dụ.

Chị Nguyễn Hồng Nhung, hiện đang công tác tại Hà Nội là một nạn nhân. Thông qua một diễn đàn về mua bán đất nghỉ dưỡng trên mạng xã hội Facebook, một đối tượng tiếp cận chào bán khu đất rộng nhiều héc-ta tại Lương Sơn, Hòa Bình, vị trí đẹp, đường sá thuận tiện với mức giá không thể rẻ hơn. Hai vợ chồng chị Nhung ngay sau đó hẹn gặp và được dẫn tới tận nơi để tiến hành giao dịch.

Đối tượng tiếp cận cho biết anh ta chỉ là “cò đất”, còn ông chủ thực sự là một cụ ông lớn tuổi người địa phương, nói tiếng Kinh không được tốt. Nhưng vướng mắc về ngôn ngữ không hề là rào cản cho thương vụ tiền tỷ, việc đầu tiên là đặt cọc trước 50 triệu đồng cho ông chủ để hoàn thiện giấy tờ. Nhưng ông cụ có trình bày là không dùng tài khoản ngân hàng, vì vậy vợ chồng chị Nhung chuyển khoản đặt cọc cho “cò đất” số tiền kể trên.

Bẵng đi vài tuần, bên bán không hề liên lạc, chàng “cò đất” cũng tắt điện thoại, nên người mua chủ động đến tận nơi gặp gỡ với cụ ông người địa phương. Ông thản nhiên cho biết không hề liên quan đến việc đặt cọc, việc hứa hẹn mua bán gì tài sản làm thủ tục xin liên lạc với người dẫn mối. Đơn giản rằng chị mua của tôi nhưng đặt cọc cho người khác nên giao dịch tạm thời chưa có giá trị. Mất thêm vài tuần truy tìm chàng “cò đất” vô danh, chị Nhung cuối cùng cũng đã tìm được văn phòng môi giới của anh ta tọa lạc trong thị trấn. Hai bên đôi co giữa tình và lý nhưng không mang lại kết quả, bên văn phòng môi giới cho biết vẫn đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục nhưng không đưa ra được bất kỳ giấy tờ nào chứng minh. Thêm 6 lần đi lại giữa Hà Nội và Hòa Bình, chị Nhung chấp nhận mất số tiền 50 triệu đặt cọc.

Sau đó chị có chia sẻ câu chuyện kể trên như một kinh nghiệm mất mát trong diễn đàn để các thành viên khác cảnh giác. Ngay sau đó nhiều nạn nhân cho biết họ cũng mắc bẫy với đối tượng kể trên với chiêu thức tương tự. Có thể hiểu mảnh đất là có thật, chủ sở hữu là ông cụ cũng là có thật nhưng giao dịch sẽ không bao giờ có thể thành công. Họ đánh vào tâm lý chán nản của người mua, khách hàng người thành phố khi phải đi lại quãng đường dài đồi núi để đòi lại số tiền đặt cọc mà đối với không ít người quan niệm con số không quá lớn để vất vả, mua bực mình cho bản thân.

Thời đại số, mạng xã hội, ứng dụng mua sắm, vô số các thói quen tiếp cận, giao dịch thương mại truyền thống cũng theo đó có nhiều thay đổi theo thời cuộc. Ngoài những thuận tiện hiện hữu có thể dễ dàng nhận thấy, thì đằng sau đó cũng luôn cần sự cảnh giác, hiểu biết, đề phòng với những chiêu thức lừa đảo từ vô cùng phức tạp cho đến đơn giản như gói xôi chè. Quan trọng hơn cả là người dân phải hết sức cảnh giác trong việc sử dụng mạng xã hội, những giao dịch mua bán trên mạng. Tuyệt đối không cung cấp, trao đổi thông tin, hình ảnh nhạy cảm để tránh bị lợi dụng, khống chế, cưỡng đoạt tài sản.

Trí Minh
.
.
.