Cảnh giác ma trận lừa đảo việc làm

Thứ Hai, 06/03/2023, 20:19

Nhiều công nhân, người lao động mất việc một thời gian dài nên sau Tết, họ trở lại các thành phố lớn tìm việc, những mong ổn định cuộc sống, có tiền gửi về quê nhà nuôi cha mẹ già, con thơ dại. Nhưng, họ đã rơi vào “ma trận” được giăng mắc khắp nơi, với đủ các chiêu trò lừa đảo, nhiều người bất lực, tuyệt vọng, lâm cảnh khổ sở cùng cực...

Những lời hứa... “bao đậu”

Sau một thời gian trở về nhà ăn Tết cùng gia đình ở Thanh Hóa, anh Lê Minh Tuyền, 33 tuổi, lại tất tả vào Bình Dương xin việc làm. Trước Tết, anh Tuyền là công nhân công ty gỗ nhưng bị cắt giảm hợp đồng. Trong thời gian lang thang tìm việc tại cổng các khu công nghiệp, anh Tuyền nhặt được tờ rơi quảng cáo tuyển dụng của Công ty TNHH Hyunjin Vina ở Khu công nghiệp Vsip IIA, Bình Dương, chuyên về sản xuất ly, tô giấy với lương căn bản mỗi tháng 6 triệu đồng chưa kể tăng ca, phụ cấp, tuần chỉ làm 5 ngày. Nhà máy có điều hòa, môi trường làm việc mát mẻ.

Điều kiện làm việc rất tốt, anh Tuyền liên hệ số điện thoại trong tờ rơi để nộp hồ sơ. Người nghe điện thoại cho nick Facebook của quản lý tên Phạm Thùy Trang và hướng dẫn anh Tuyền liên hệ để được hỗ trợ. Qua trao đổi, Trang nhận là nhân sự của Hyunjin Vina sẽ đảm bảo cho Tuyền và 2 người bạn được nhận vào làm việc với chi phí 1 triệu đồng mỗi người.

Cảnh giác ma trận lừa đảo việc làm -0
Sau Tết, công nhân tập trung xin việc rất nhiều.

Anh Tuyền vui vẻ chấp nhận “chung chi” số tiền vừa với túi mình để sớm nhận được việc làm. Anh về phòng trọ khoe với bạn bè và giới thiệu họ “mối VIP” của mình.

Tuy nhiên, chờ đợi 1 tuần không thấy công ty gọi điện đi làm, anh Tuyền liên hệ với “Trang nhân sự” thì được trả lời “đang xem hồ sơ”. Chờ thêm vài ngày nữa vẫn chưa được gọi, anh Tuyền nóng lòng tới tận công ty để hỏi thì được bảo vệ giới thiệu gặp chị Trang. Anh Tuyền nói mình đã liên hệ và nộp đủ hồ sơ rồi nhưng chưa được đi làm. Bảo vệ không hiểu tại sao lại như thế, liên lấy số điện thoại của chị Trang cho anh Tuyền gọi hỏi. Lúc này, anh Tuyền mới vỡ lẽ, Trang mà anh gặp trên Facebook không phải là Trang phụ trách nhân sự của công ty. 

Về phía Công ty TNHH Hyunjin Vina Vina thì cho biết, thời gian qua có rất nhiều lao động gọi đến số tổng đài của nhà máy với nhiều lời lẽ khá nặng nề, truy hỏi vì sao đã nhận “tiền cà phê” nhưng họ không được nhận việc. Chưa kể, những mẫu tuyển dụng của công ty khi đưa lên các trang tuyển dụng đều bị công nhân vào để lại bình luận tiêu cực.

Theo bà Trang, do các mẫu tuyển dụng của công ty đều ghi thông tin liên hệ là “Ms. Trang” nên người lao động bị lừa với tài khoản Facebook, Zalo tên Trang. Công ty đề nghị người bị hại cung cấp thông tin đầy đủ để phối hợp tố cáo ra cơ quan chức năng thì người lao động lại từ chối vì không muốn rắc rối “bị mời lên mời xuống”.

Cảnh giác ma trận lừa đảo việc làm -0
Nhiều người chọn phương án làm thời vụ để duy trì cuộc sống.

Quy trình tuyển dụng ở Hyunjin Vina là bảo vệ nhận hồ sơ, nhân sự lên danh sách, lãnh đạo bộ phận phỏng vấn trực tiếp, đạt yêu cầu sẽ nhận. Do đó, tất cả cam kết “bao đậu” là mạo danh, người lao động không nên tin để tránh mất tiền.

Cùng cảnh thất nghiệp, đi tìm việc như anh Tuyền, nhưng chị Nguyễn Thị Xuyến, quê Bình Định, hiện ngụ P. An Bình, TP Dĩ An, Bình Dương lại bị lừa theo kiểu “bao đậu, bao hồ sơ”. Theo đó, chị Xuyến được bạn bè giới thiệu người đàn ông tên Bình, là trưởng nhóm tuyển dụng của công ty may tại khu chế xuất Linh Trung 2, Tp Thủ Đức, Tp Hồ Chí Minh. Chị Xuyến gọi điện thoại cho Bình để hỏi việc thì được hẹn gặp tại quán cà phê trước cổng khu chế xuất để làm hồ sơ. Thấy tình hình quá thuận lợi, chị Xuyến rủ thêm em họ cùng cảnh thất nghiệp đi cùng. Tại đây, Bình đưa ra bộ hồ sơ xin việc và lấy thông tin của hai người. Cô em họ không có căn cước công dân mà chỉ có tấm bằng lái xe từ hơn 10 năm trước. Bình nói vẫn được, vì hồ sơ là do anh ta duyệt và quyết định hết.

Để tăng thêm độ tin cậy cho “con mồi”, Bình hứa sẽ sắp xếp cho 2 hồ sơ này vào vị trí kiểm đếm sản lượng của dây chuyền may, công việc này được đi lại khắp nơi, đứng ngồi thoải mái chứ không như công nhân may, phải ngồi cả ngày. Mức lương cơ bản là 6 triệu, chưa tính tăng ca và các khoản thưởng sản lượng, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chế độ thai sản, nghỉ ốm đầy đủ. Chỉ 3 ngày sau là chị em có thể bắt đầu công việc.

Trước khi ra về, Bình nói chị Xuyến gửi 1,5 triệu tiền phí hồ sơ, cô em họ thì 2 triệu vì phải “bao đậu”. Hai chị em quá vui mừng vì kiếm được việc ưng ý lại thuận tiện nơi ở trọ nên thấy mức “hoa hồng” mà Bình đưa ra là hợp lý, có thể chấp nhận được. Vậy là những đồng tiền để dành cuối cùng chị Xuyến đã đưa cho Bình với suy nghĩ, được đi làm thì cuối tháng sẽ có tiền, sẽ bớt gánh nặng vay nợ.

Đinh ninh là mình sẽ đi làm sau 3 ngày nữa, chị Xuyến gọi điện thông báo cho chồng và gia đình biết, đồng thời nhờ vay hộ 5 triệu để ăn trong tháng chờ lĩnh lương.

Đến hẹn, chị Xuyến ở phòng trọ ôm điện thoại trong tay để chờ cuộc gọi từ Bình nhưng chờ cả ngày không thấy ai gọi. Chị nóng lòng gọi vào số điện thoại của Bình để hỏi thì đầu dây không bắt máy, chị Xuyến nghĩ bụng, có lẽ anh ta đang bận làm việc, sẽ gọi lại sau. Hết ngày thứ ba vẫn không thấy tăm hơn Bình đâu, chị em Xuyến chạy tới quán cà phê hôm nọ để tìm Bình nhưng không thấy. Bây giờ biết tìm Bình ở đâu. Không ai biết lai lịch của anh ta. Trong đầu vẫn nhớ đến tên công ty mà Bình nhắc trong quá trình ghi hồ sơ, chị Xuyến vào hỏi bảo vệ thì được trả lời, công ty không tuyển lao động và cũng không có ai là “Bình nhóm trưởng” cả.

Tuyệt vọng và bất lực, hai chị em ôm nhau khóc nức nở vì uất ức. Những ngày sau, chị Xuyến đi lang thang tìm việc ở các công ty khu vực Bình Dương, Thủ Đức, Tp Hồ Chí Minh. Rút kinh nghiệm từ lần trước, đến công ty nào chị Xuyến cũng vào tận nơi để hỏi. May mắn đã mỉm cười với chị Xuyến, một công ty đóng gói bao bì nhận chị vào làm thời vụ với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Chị Xuyến nghẹn ngào kể: “Làm thời vụ thì mình thiệt thòi nhiều thứ lắm, từ bảo hiểm đến các khoản phúc lợi đều không có, nhưng đây là phương án trước mắt để duy trì cuộc sống, chờ cơ hội các công ty lớn tuyển dụng”.

Bẫy lừa giăng mắc khắp nơi

Tại Bình Dương, Đồng Nai và Tp Hồ Chí Minh những năm chưa có dịch bệnh, để tìm được một công việc là điều dễ như trở bàn tay. Thậm chí, các công ty còn mang bàn ghế ra tận đường để chào đón lao động và hầu như không có chuyện “cò” việc làm lừa đảo công nhân đi xin việc như hiện nay. Đa số người lao động đều không lường trước được tình huống này, họ vẫn hồn nhiên suy nghĩ như chuyện của mấy năm về trước nên mới rơi vào “bẫy” của phường lừa đảo.

Cảnh giác ma trận lừa đảo việc làm -0
Anh An vẫn chưa tìm được việc làm.

Anh Trần Văn An, 36 tuổi, quê Khánh Hòa - một nạn nhân từng 2 lần “mắc lưới” lừa đảo đã chua xót cho biết, trước Tết Nguyên đán anh bị thất nghiệp nên phải ráo riết tìm việc mới. Tại các khu công nghiệp và khu chế xuất, đối tượng thấy anh An là biết ngay đang tìm việc nên tiếp cận. Trong xe của chúng có sẵn bộ hồ sơ xin việc, ghi rõ tên công ty chìa ra khiến anh tin ngay. Sau khi điền thông tin, chúng bảo anh nộp 3 triệu gọi là tiền thế chân vào làm, sau 1 tuần làm ổn định sẽ trả lại. Trong túi anh An chỉ còn 1,8 triệu, tưởng chúng không lấy nhưng không ngờ chúng đồng ý cầm số tiền đó và hẹn ngày mai gặp trước cổng công ty đưa nốt tiền còn lại để vào làm. Hôm sau, anh An mang tiền tới cổng công ty thì thấy hai tên đã đứng chờ sẵn, chúng nhận xong tiền thì nói anh An vào công ty để làm và nói ở chỗ anh Mạnh, trưởng phòng nhân sự. Anh An mừng quá, chạy vào cổng thì bị bảo vệ ngăn lại, anh nói y như chúng dặn thì bác bảo vệ cười chua chát, ông bảo anh An: “Sao đi tin cái bọn lừa đảo này, mấy ngày nay cũng có vài người như cậu tới theo sự chỉ dẫn của chúng, có người ôm mặt gục khóc tại chỗ. Công ty đang cắt giảm lao động mà tuyển cái gì”.

Tưởng nhận cú lừa cay đắng sẽ tỉnh ngộ và sáng suốt ra nhưng anh An không thể ngờ, mình tiếp tục bị lừa thêm một lần nữa.

Qua Tết, anh đến thẳng các công ty hỏi xem có tuyển dụng công nhân không. Tất cả đều từ chối vì không có đơn hàng. Ra quán nước ngồi nghỉ mệt thì anh gặp một chị tên Minh, giới thiệu là bên cung ty cung ứng việc làm tỉnh Bình Dương. Nhìn vẻ bề ngoài, Minh có vẻ là dân văn phòng, ăn nói điềm đạm, lịch thiệp. Minh nói cho anh biết là hiện nay rất khó để kiếm việc vì tình hình thế giới biến động, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong nước rất lớn. Nếu ai nói tìm việc giúp thì chứng tỏ đó là kẻ lừa đảo, đừng tin. Nghe lời “từ tận đáy lòng” của Minh, anh An nhẹ lòng. Minh đưa cho anh An tấm danh thiếp có địa chỉ công ty cung ứng việc làm đồng thời lấy số điện thoại của anh để khi nào chọn được việc phù hợp sẽ gọi. Anh An kể việc mình từng bị lừa, Minh nghe xong tỏ ý thương xót, an ủi: “Bên em là công ty liên doanh với tất cả các khu công nghiệp của Bình Dương và Tp Hồ Chí Minh, nhu cầu tuyển dụng như thế nào chúng em đều nắm được. Quy trình của chúng em là giới thiệu việc làm cho công ty, công ty sẽ trả thù lao cho chúng em, ngoài ra không hề lấy tiền phí của người lao động”.

Xong buổi nói chuyện đầy tin tưởng và hy vọng với Minh, ngay hôm sau, anh An nhận được điện thoại giới thiệu là công ty cung ứng việc làm, chỗ “chị Minh”. Họ hỏi anh về nhu cầu việc làm thế nào, yêu cầu mức lương ra sao và lấy các thông tin cá nhân của anh.

Sau đó thì hướng dẫn anh An vào một đường link để đăng ký việc làm trực tuyến, tại đây sẽ có công ty vào chọn lao động.

Để có tài khoản, bắt buộc anh An phải ghi thông tin thẻ ngân hàng, phải cung cấp mật khẩu để đăng nhập, sau khi đăng nhập thì chủ thẻ có quyền đổi mật khẩu. Nghe đến đây, chợt anh An thấy có gì đó không ổn, kiểu giống với các vụ lừa đảo trên mạng mà bạn bè của anh từng dính phải. Anh An nhanh chóng thoát ra khỏi app và chặn ngay số điện thoại vừa gọi đến.

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Dương cho biết, trước và sau Tết, nhiều nhà máy giảm, hết đơn hàng nên công nhân mất, thiếu việc, tuyển dụng mới cũng ít chỉ tiêu hơn so với cùng kỳ. Hiện, cung lao động đang vượt nhu cầu của các doanh nghiệp. Người lao động khó tìm được việc làm ưng ý so với trước.

Theo ông Tuyên, pháp luật quy định nhà tuyển dụng, đơn vị cung ứng nhân lực không được phép thu bất kỳ khoản tiền nào của người tìm việc. Công nhân tìm việc cần đến trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh, huyện, thị xã để được giới thiệu hoặc tới công ty nộp hồ sơ, gọi điện vào tổng đài doanh nghiệp để được tư vấn.

“Việc trúng tuyển vào một vị trí nào đó còn tùy thuộc vào sức khỏe, trình độ, tay nghề, không nên tin “bao đậu” để mất tiền oan”, ông Tuyên khuyến cáo.

Ngọc Thiện
.
.
.