Cảnh báo đa cấp biến tướng
Đa cấp biến tướng, một thời “vươn vòi” về tận các làng quê, thôn xóm, sự dối trá, lọc lừa khiến cuộc sống hàng nghìn người bị đảo lộn, nó trở thành bóng ma ám ảnh mỗi gia đình. Những cuộc càn quét của mô hình đa cấp biến tướng tưởng như bị tiêu diệt cách đây vài năm, khi các cơ quan chức năng quyết tâm “dọn dẹp”. Thế nhưng bây giờ, đa cấp quay trở lại “giăng bẫy” nhiều học sinh, sinh viên…
Một lần lọt vào “động bàn tơ”
“Bán hàng đa cấp” có lẽ là cụm từ không còn xa lạ với sinh viên chốn thị thành, nhưng với những bạn sinh viên vừa mới chân ướt chân ráo bước lên thành phố thì vẫn còn quá lạ lẫm. Bởi vậy cho nên nhiều bạn sinh viên vì muốn trang trải học phí, đỡ đần cha mẹ mà đã vô tình sa bẫy “đa cấp”.
Nhận định được nhu cầu cấp thiết này, mô hình lừa đảo đa cấp đã vẽ ra nhiều kịch bản để câu nhử, lôi kéo nhiều bạn trẻ bước chân vào “vòng xoáy đa cấp”. Chúng tung ra các chiêu như: Cần tuyển người trực siêu thị mini, canh rạp phim, đánh máy thuê, nhân viên cửa hàng tiếp thị sữa vinamilk…với mức lương từ 6-8 triệu/tháng, làm bán thời gian. Đây đều được xem là công việc làm thêm phù hợp với học sinh, sinh viên và cũng sẽ không ai nghi ngờ gì với những lời rao tuyển dụng như thế.
Thùy Trang, sinh viên năm 2 Trường Cao đẳng nghệ thuật ở TP Hồ Chí Minh vừa trải qua một cú sốc về tinh thần khi “bập bênh ngay miệng hố” đa cấp, suýt mất trắng 12 triệu đồng. Trang kể, một lần đi đọc sách ở thư viện thì gặp Quý đi tiếp thị trà giải nhiệt. Sau khi uống trà miễn phí, Trang được Quý nhiệt tình làm quen, hỏi chuyện học hành, cuộc sống. Quý tâm sự, bản thân là sinh viên năm nhất, gia đình khó khăn nên đã nhanh chóng kiếm việc làm thêm. Quý may mắn được công ty nhận vào làm với vai trò nhân viên bán hàng. Quý khoe, mỗi tháng cô chỉ đi tiếp thị hai ngày còn lại ngồi ở phòng máy lạnh lên đơn hàng cho các đại lý, mức thu nhập đều đặn 7 triệu đồng/tháng, chưa kể thưởng doanh số.
Nếu Trang muốn làm thêm, Quý sẵn sàng hỗ trợ và sẽ giới thiệu để công ty thu nhận. Trang cũng đang rất cần việc làm, cô cũng đã đi tìm vài nơi nhưng không phù hợp, nay nghe bạn cùng tuổi, lại học cùng ngành nên Trang muốn tìm hiểu thử, nếu tốt sẽ làm. Sáng hôm sau, Trang được Quý dẫn tới công ty, nằm trong con hẻm nhỏ xa tít tắp ở phường Tân Đông Hiệp, quận 12, TP Hồ Chí Minh.
Công ty là một căn phòng nhỏ chật hẹp và rất ồn ào, Trang thấy nghi ngờ, vì nó rất khác so với lời giới thiệu của Quý. Bước vào phòng, Trang có chút ngỡ ngàng vì toàn những gương mặt trẻ măng, ở tuổi 18 đến 20, ăn mặc lịch sự, son phấn các kiểu.
Trang được một chị xưng là trưởng nhóm phỏng vấn. Những tưởng buổi phỏng vấn sẽ diễn ra rất nghiêm túc và chuyên nghiệp thì lại như cuộc nói chuyện phiếm chẳng đâu vào đâu. Vẫn chưa hiểu gì thì trưởng nhóm nói Trang sẽ học việc 3 ngày rồi ra cửa hàng làm việc luôn.
Lúc này, Trang được Quý tiếp sức bằng lời dụ dỗ: “Văn phòng chỉ là nơi hội họp gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm thôi, sau đó nhân viên chúng mình sẽ được phân bổ ra cửa hàng để làm việc”.
Tin lời Quý, Trang tham gia khóa đào tạo việc làm ba ngày. Ngày thứ nhất, không phải học hành gì cả mà chỉ việc ngồi nghe những câu chuyện tình cảm gia đình từ các thành viên trong văn phòng. Ngày thứ hai Trang được nghe những triết lý viễn tưởng như: Cách làm chủ ước mơ, du lịch năm châu bốn biển. Ngày thứ ba thì nội dung cao siêu hơn, đại loại kiểu đón đầu xu thế, vươn tầm thời đại… Những câu chuyện cứ thao thao, người này nói xong thì người khác lại chen vào, khiến Trang không có cơ hội để nói. Mỗi lần Trang xen được một câu hỏi “thế công việc cụ thể của em là gì?” Thì mỗi người lại trả lời ậm ừ, lảng tránh, cuối cùng Trang không biết mình sẽ làm việc gì và mức lương, chế độ ra sao.
Khi nhóm “triết gia” nói chán chê cả buổi thì Trang cũng nói được vài câu. Trang hỏi, nếu gia nhập thì được gắn bó với công ty đến khi nào? Ngay lập tức, trưởng nhóm nói “đến già cũng được”, khi hỏi qua phần chế độ đãi ngộ thì lại được “vẽ” ra tương lai sẽ thành thủ lĩnh, thu nhập trên 100 triệu/tháng. Kết thúc ba ngày học việc, thực chất là không học gì cả và Trang cũng chẳng nắm được bất cứ triết lý nào.
Trang được chuyển qua bộ phận nhân sự. Tại đây, Trang phải ghi vào tờ khai thông tin cá nhân, ngành nghề đang học, gia đình và hiện trạng cuộc sống ở TP Hồ Chí Minh cùng mức lương mong muốn. Làm xong đơn, Trang được kế toán thông báo nộp 12 triệu đồng để xuống cửa hàng làm việc. Số tiền này là tiền mua hàng của công ty, đây là quy định bắt buộc với bất cứ nhân viên nào.
Trang cảm giác đích thị bị lừa nên từ chối khéo, nói hôm nay không mang theo tiền, hẹn hôm sau quay lại nộp. Bộ phận nhân sự nhắn tin cho trưởng nhóm nói chuyện với Trang, cô này hỏi hiện giờ Trang có bao nhiêu thì cứ nộp, còn lại mai nộp tiếp hoặc chuyển khoản cũng được. “Nhân sự cửa hàng đang thiếu, em nên bắt đầu công việc ngay kẻo trễ, lương tháng sẽ được tính từ ngày hôm nay”, trưởng nhóm nói với Trang.
Trang một mực nói mình không có tiền, vì đã nộp học phí hết rồi. Gặng hỏi, thuyết phục chán chê vẫn không moi được tiền của Trang nên trưởng nhóm tỏ vẻ khó chịu, nói nửa vời: “Thôi tùy em, ngày mai mang tiền đến nộp thì nhận việc”.
Trở về nhà, Trang thở phào vì vừa thoát khỏi “động bàn tơ”. Ba ngày học việc toàn phải nghe những chuyện trên trời dưới biển, vu vơ, viển vông, mục đích chính chỉ là dụ dỗ nạn nhân phải nộp tiền. Trang gọi điện cho Quý dò la xem ngày Quý vào làm có phải nộp tiền không? Sau một hồi tra hỏi, Quý khai thật là mình đã nộp mất 15 triệu vào đây chỉ để nhận mấy gói trà giải nhiệt. Quý cho biết, sau khi nộp tiền, ứng viên sẽ nhận hàng, đây được xem là tiền mua hàng chứ không có chuyện được xuống cửa hàng làm việc, lãnh lương 7 triệu/ tháng. Quý biết bản thân đã bị cuốn vào vòng xoáy đa cấp nhưng vì xót khoản tiền lớn đã trót nộp vào nên đã dùng sản phẩm trà đi quảng cáo, nhằm bán hàng để vớt vát lại chút ít. Đồng thời, Quý cũng nhân cơ hội này lôi kéo thêm “con mồi” vào tròng và sẽ được nhận 50% số tiền mà người đó nộp.
Bị Trang lật tẩy chiêu trò, Quý khóc và xin Trang không tung hình ảnh của mình lên mạng xã hội, sẽ ảnh hưởng xấu đến việc học tập của cô ở trường.
“Mê cung” đa cấp
Những buổi lên lớp giàu triết lý cuộc sống, công việc, tương lai được vẽ như bức tranh chỉ có trời xanh và hoa hồng. Và cuối cùng, muốn gắn bó và cống hiến trọn đời cho công ty chỉ cần nộp 12 - 15 triệu đồng sẽ trở thành nhà lãnh đạo tiềm năng, với mức thu nhập trên 100 triệu đồng/tháng. Nhiều bạn trẻ vì quá u mê mà đưa chân vào con đường này.
Mới đây, chị Thùy Vân, quê Bình Phước phản ánh với phóng viên việc em gái chị là Thùy Tiên mới 18 tuổi vào đại học năm nhất, đi kiếm việc làm thêm thì bị lừa bán hàng đa cấp.
Theo đó, Thùy Tiên đang ngồi đọc sách ở cổng trường thì có một bạn nữ phát tờ rơi đến hỏi thăm. Bạn này đưa cho Tiên tờ rơi cần việc làm của cửa hàng tiện lợi đang cần tuyển nhân viên làm theo ca, ưu tiên sinh viên.
Thùy Tiên cũng đang muốn đi làm nên đã cho số điện thoại của mình. Hôm sau, có người gọi Tiên đi phỏng vấn, địa điểm là quán cà phê. Người hẹn là nữ nhưng người gặp Tiên là nam. Lời đầu tiên, anh này phân bua ngay: “Do công ty đang sửa chữa nên phải ra quán cà phê ngồi, mong em thông cảm. Em sẽ làm việc ở cửa hàng này”, anh ta vừa nói vừa chỉ tay qua cửa hàng tiện lợi ngay đối diện.
Tiên thấy công việc rất hợp với thời gian rảnh của mình nên đồng ý ngay và được đưa cho phiếu điền thông tin. Xong việc, anh này dẫn Tiên đi tới một quán cà phê khác, nói là họp nhóm liên kết các cửa hàng, mục đích cho Tiên biết mặt và làm quen các đồng nghiệp.
Vừa gặp Tiên, đồng nghiệp đã “bâu” lại hỏi thăm, chuyện trò rôm rả. Vài người nhận đồng hương nói cười tíu tít rồi bàn luận những chuyện tương lai cao xa mộng ảo khiến Tiên cứ ngơ ngác, không hiểu mấy người này là nhân viên bán hàng hay là triết gia thế giới? Họ tư vấn, hỏi han, làm thân... rồi bắt đầu chuyển hướng sang công việc khác, vẽ vời một tương lai tươi sáng doanh thu trăm triệu, nói những điều tiêu cực về gia đình để Tiên mủi lòng. Và cuối cùng, muốn ngày mai đi làm ngay thì phải đóng 15 triệu, gọi là tiền thế chân. Không để cho Tiên trình bày, người phỏng vấn nói chặn ngay: “Tiền này vẫn là tiền của em, khi nào em làm đủ một tháng thì công ty sẽ hoàn lại”. Vì quá mong việc làm, Tiên đã lấy tiền đóng học phí ra để nộp với suy nghĩ, một tháng sau có lương thì sẽ bù đắp vào.
Đóng tiền xong, Tiên được tặng một túi sản phẩm bao gồm: Dầu gội, sữa tắm, kem chống nắng với lời căn dặn “đây là công việc ban đầu của em”. Vẫn giọng lấn lướt, người quản lý giải thích cho Tiên hiểu rõ, sau khi bán hết các sản phẩm này, Tiên sẽ được nhận lương và công ty sẽ bố trí cho một vị trí bán hàng ở cửa hàng. Hiện tại, theo quy định của công ty, nhân viên mới phải có một tháng thử thách thực tế bằng việc đi tiếp thị sản phẩm bên ngoài.
Đã trót giao tiền vào tay kẻ ác, Tiên ngậm đắng nuốt cay ôm túi sản phẩm đi bán dạo và nhân cơ hội lôi kéo thêm nạn nhân nhằm gỡ gạc lại số tiền đã mất. Tuy nhiên, Tiên bán chẳng ai mua với mớ sản phẩm không rõ nguồn gốc và đắt “lòi” kia, cũng không dễ gì cô dụ dỗ được người khác, bởi Tiên chưa đủ trình độ. Sự việc bại lộ, Thùy Tiên buộc phải nói rõ sự thật với gia đình, mong được tha thứ.
Ván bài đa cấp thực ra rất đơn giản nhưng hiệu quả vì đánh trúng tâm lý và nhu cầu của đối tượng cần tìm việc làm. Điều quan trọng nhất của loại hình lừa đảo này là nó biến nạn nhân trở thành người tiếp tay. Người tham gia không chỉ bỏ tiền túi của bản thân mình mà họ phải tiếp tục đi tìm những khách hàng khác làm vật thế thân cho mình. Khi đã trở thành một mắt xích của tổ chức lừa đảo, việc dừng lại và tố cáo nó bao giờ cũng khó hơn việc tiếp tục đâm lao phải theo lao.
Theo luật sư Nguyễn Thị Hồng Thắm (đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh), nhiều người, dù biết rõ biến tướng của bán hàng đa cấp, nhưng khi rơi vào mê cung này, họ thật sự không gỡ ra được bởi những lời đường mật cũng như sự đeo bám của đối tượng.Một trong những lý do khác đó là bị chính người thân của mình lôi kéo vào hệ thống bán hàng đa cấp. Bản thân những người tham gia, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên phải có ý thức cảnh giác với lòng tham của chính mình, đồng thời phải có sự phản biện khi tiếp nhận những thông tin ấy và tham gia các chương trình một cách thận trọng.
Bất kỳ ai tham gia các hoạt động bán đa cấp cần phải tìm hiểu thật kỹ về các hoạt động của nó, các điều kiện ràng buộc về các sản phẩm mà mình mua để bán hay sử dụng. Nếu có dấu hiệu bất thường, lừa đảo cần mạnh dạn lên tiếng, phản ánh với các cơ quan chức năng để chặn đứng mọi hành vi lừa đảo.