Anh: Thực phẩm trộm cắp và thị trường chợ đen

Chủ Nhật, 31/12/2023, 10:50

Kết thúc năm 2023, Hiệp hội các nhà bán lẻ Anh quốc cho biết đây là năm kỷ lục về các vụ trộm cắp hàng hóa, chủ yếu là rượu, thịt, pa tê, xúc xích, bơ, pho mai, bánh kẹo, đồ hộp…, rồi được bán trên thị thường chợ đen. Trong bối cảnh giá cả tăng vọt, ngày càng nhiều người Anh tìm mua những loại thực phẩm này…

1. Lúc ấy là 10 giờ sáng trên con phố Leeds gần trung tâm thủ đô London, Daniel (tên đã thay đổi) phóng viên của tờ Economic Review đến cạnh một cô gái tóc vàng, mắt xanh, thân hình nhỏ nhắn, ngồi trong chiếc xe hơi Mini Cooper đời 2000 cửa kính đã hạ xuống, thấy rõ cái ống hút thuốc lá điện tử thò ra khỏi túi áo. Khẽ gật đầu chào, Daniel hỏi: “Có gì bán không?”.

choden1.jpg -0
Sau khi vô hiệu hóa mã vạch, kẻ trộm nhét chai rượu vào áo khoác.

Cô gái ngước lên với cái nhìn dò xét: “Anh là cảnh sát hả? Muốn mua thì vào siêu thị chứ sao hỏi tôi”.  Daniel trả lời: “Không, không đời nào! Chả là tôi có vợ và 2 đứa con phải nuôi. Tôi lại đang thất nghiệp, mua rẻ chút nào hay chút nấy”.

Vẫn với cái nhìn dò xét, cô gái im lặng nhưng khi Daniel dợm bước đi, cô gọi giật: “Này, này!”. Thêm một phút suy nghĩ, cô bước xuống mở cốp xe lôi ra một cái túi: “Đây! Tôi có 20 gói gồm thịt bò băm, sườn bò, bít tết, mỗi gói 250 gram, 5 hộp bơ, 3 hộp sườn sốt nướng. Ở siêu thị Sainsbury's tất cả có giá 97 bảng nhưng nếu anh lấy hết, tôi tính 70 bảng”.

Daniel làm ra vẻ ngần ngừ: “Tôi chỉ có 60 bảng. Nếu cô đồng ý thì sẽ còn những lần sau. Nhưng mà… có rắc rối gì không khi tôi đem nó về nhà?”. Cô gái lắc đầu: “Yên chí. Tất cả mã vạch kiểm tra đã cắt bỏ. Nếu cần thì cứ đến đây tìm tôi, từ 9 giờ…”.

Ở London, phố Leeds là một trong vài con phố chuyên bán thực phẩm chợ đen ăn cắp từ những siêu thị hoặc những xe tải chở hàng cho siêu thị. Người bán thường ngồi trong chiếc xe nhỏ như đang chờ ai đó với những gói hàng để sau cốp xe. Họ rất tự tin bởi cảnh sát chẳng có lý do gì để kiểm tra xe của họ. Khi đã thỏa thuận xong giá cả, hàng sẽ được trao tay và dĩ nhiên là bằng tiền mặt! 

Theo báo cáo của Hiệp hội bán lẻ Anh quốc, số liệu từ các siêu thị ở London cho thấy 2023 là năm kỷ lục về nạn trộm cắp khiến họ thiệt hại 1 tỷ bảng Anh. Andrew Goodacre, giám đốc điều hành Hiệp hội cho biết khủng hoảng chi phí sinh hoạt đã khiến nhiều người “nghĩ ra cách khác để tìm nguồn thực phẩm thiết yếu”. Ông nói: “Có cầu ắt có cung! Nhiều cửa hàng trước đây chưa từng gặp phải nạn trộm cắp thì bây giờ, bọn đạo chích sẽ khoắng sạch những thứ dễ tiêu thụ”. Bà Emmeline Taylor, giáo sư Khoa Tội phạm học, Đại học London cho biết vật giá gia tăng đã khiến người tiêu dùng nhắm mắt làm ngơ trước những thực phẩm bị đánh cắp và rất nhiều người sẵn sàng mua đồ ăn cắp chỉ để tiết kiệm một vài bảng Anh.

Vẫn theo bà Emmeline Taylor: “Tại siêu thị Chatham, tôi đã chụp ảnh một phụ nữ ăn cắp chai rượu vang Sauvignon giá 170 bảng rồi nhét vào áo khoác. Khi ra ngoài, tôi ngỏ ý muốn mua chai rượu ấy và được đồng ý với giá 120 bảng. Trong thâm tâm, tôi thắc mắc tại sao kẻ cắp có thể mang nó ra khỏi quầy tính tiền mà không bị máy soi phát hiện nhưng lúc về nhà, xem kỹ chai rượu tôi mới biết mã vạch in trên nhãn chai đã được dán đè lên bằng một miếng giấy mỏng, trên có tráng một lớp chì…”.

Wendy, sĩ quan cảnh sát thuộc Lực lượng OPAL, chuyên chống tội phạm có tổ chức cho biết ngày 1/12 vừa rồi, một xe container đông lạnh của Hãng Strensham chở đầy pho mai trị giá khoảng 50.000 bảng Anh đã bị “dọn sạch” trên đường M5 khi tài xế ghé vào một cửa hàng thức ăn nhanh để ăn trưa. Trước đó, ngày 26/11, một xe tải khác chở đầy hàng gia dụng gồm bột giặt, xà bông, sữa tắm cũng đã bị đánh cắp ở khu Hartlebury Trading gần Kidderminster. Nó đã góp phần thiệt hại 1,35 triệu bảng Anh cho Hãng Strensham nếu tính từ đầu năm đến giờ bởi trong khoảng thời gian ấy, đã có 12 xe hàng của Strensham rơi vào tay bọn trộm cắp. Sĩ quan Wendy nói: “Sẽ có nhiều cơ hội hơn nữa cho các băng nhóm khi việc giao hàng đang trong giai đoạn nước rút để kịp đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng lễ Giáng sinh”.

2. Ba ngày sau, phóng viên Daniel quay lại phố Leeds và lần này anh vẫn thấy cô gái tóc vàng ngồi trong xe Mini Cooper. Sau vài câu chào hỏi, cô cho biết tên cô là Tina nhưng Daniel hiểu đó là tên giả. Tina nói: “Hôm nay tôi có sôcôla, rượu vang, rượu mạnh và thịt xông khói. Anh có thể mua từng món”. Khéo léo điều tra sau khi đồng ý mua 4 hộp sôcôla, 2 chai rượu vang và 1kg thịt xông khói với giá 175 bảng - nghĩa là rẻ hơn thị trường khoảng 25 bảng, Daniel được Tina cho biết tất cả những thứ cô bán ở đây được mua lại từ những kẻ khác.

Tina nói: “Trước kia tôi là quản lý văn phòng của một công ty. Đó là công việc rất tốt nhưng tôi phải bỏ vì tôi liên tục nhận được những đe dọa tấn công tình dục của một lão sếp. Khi bỏ việc, tôi rơi vào khủng hoảng cả về tinh thần lẫn tài chính nên tôi phải chọn cách này để tồn tại. Tôi giấu gia đình rằng tôi vẫn đang đi làm. Nếu cha mẹ tôi biết được sự thật, niềm tin của họ với tôi sẽ sụp đổ”.

choden2.jpg -1
Hàng hóa trộm cắp bị tịch thu.

Vẫn theo lời kể của Tina, trung bình mỗi ngày cô bỏ ra 150 bảng để mua những đồ trộm cắp của một băng nhóm, hoạt động ở siêu thị Asda và Trung tâm bán lẻ thực phẩm Heron Foods. Băng nhóm này gồm 5 đứa trẻ, trong đó một đứa khuyết tật: “Chúng lấy cắp thịt gà, thịt heo, thịt bò, xúc xích, bơ, pho mai, thường chỉ khoảng 5kg, tất cả đều bị cắt hết mã vạch nhưng tôi không biết chúng cắt bằng cách nào”.

Ông Henry Ferguson, quản lý của Trung tâm bán lẻ thực phẩm Heron Foods nói: “Hôm nay là thịt nhưng ngày mai có thể là sôcôla, rượu - nghĩa là bất kỳ mặt hàng nào có thể tiêu thụ nhanh chóng. Từ đầu năm đến nay, trung tâm chúng tôi đã ghi nhận 2.157 vụ đánh cắp nhưng bộ phận bảo vệ không bắt được một vụ nào. Chúng che chắn cho nhau khỏi sự quan sát của camera an ninh rất bài bản”. Ông George Osbrn, quản lý cửa hàng quần áo All Clothers cho biết cửa hàng ông liên tục xảy ra những vụ mất cắp , phần lớn là những loại áo phông giá chỉ 10 hoặc 15 bảng. Ông nói: Sau khi vô hiệu hóa mã vạch kiểm tra, chúng mặc vào rồi ung dung qua cửa tính tiền”.

Wendy, sĩ quan cảnh sát thuộc Lực lượng OPAL cho biết họ đã cảnh báo các công ty vận tải phải rất thận trọng trong quá trình giao hàng đồng thời đề nghị người dân không mua quà Giáng sinh hoặc thực phẩm trên thị trường chợ đen vì nạn trộm cắp đang lên đến đỉnh điểm vào quãng thời gian bước sang năm mới: “Các món quà tặng như đồng hồ, điện thoại thông minh, nước hoa, đồ chơi trẻ em nằm trong số những loại sản phẩm mà các băng nhóm tội phạm có tổ chức đang nhắm đến. OPAL đã ghi nhận 140 vụ trộm cắp các mặt hàng này, xảy ra  ở khu Tây Mercia, gần gấp đôi số vụ trong Giáng sinh năm ngoái”.

Theo báo cáo của Hiệp hội các cửa hàng tiện lợi (ACS), số liệu được công bố hôm 1/12 cho thấy lạm phát vẫn ở mức 8,7% trong 5 tháng cuối năm, gây áp lực lên Ngân hàng Anh trong việc tăng lãi suất. Mặc dù giá thực phẩm đã giảm nhưng thực tế vẫn tăng 0,9% tại các siêu thị, dẫn đến nhiều siêu thị hạn chế số lượng hàng bày trên kệ để giảm nguy cơ bị đánh cắp, cũng như gắn thêm chip bảo mật cho các loại thực phẩm như bít tết, phô mai và bơ. Gần 80% các nhà bán lẻ với khoảng 48.000 thành viên được ACS khảo sát cho biết khủng hoảng chi phí sinh hoạt đã sinh ra trộm cắp, phần lớn liên quan đến một băng nhóm tội phạm có tổ chức ở Tây Yorkshire, hoạt động đã nhiều năm cùng những băng nhóm ở West Midlands và Merseyside nhưng thật không may, hầu hết thành viên băng nhóm đều biết rằng cảnh sát hiếm khi để ý đến bất cứ thứ gì bị đánh cắp có giá dưới 50 bảng!

3. Với người tiêu dùng, khi trả lời phóng viên Daniel, phần lớn đều cho rằng họ không biết những thứ họ mua là đồ ăn cắp mà đơn giản vì nó rẻ! Christerfield, cư dân sống ở Westham nói: “Tôi không thấy có bất kỳ vấn đề đạo đức nào xung quanh việc mua hàng ăn cắp. Bạn bước vào siêu thị và thấy một sản phẩm nào đó được bày bán với giá 20 bảng chẳng hạn nhưng bạn có thể mua nó ở lề đường Leeds chỉ với 15 bảng thì tại sao bạn lại không mua?”, còn với bà Jane Eve thì: “Tôi lĩnh lương 240 bảng mỗi tuần nhưng phải chi cho việc học hành của 4 đứa con, chi cho nhà cửa, điện nước, điện thoại, tivi hết 150 bảng. Còn lại 90 bảng tôi biết ăn uống thế nào đây? Vì vậy, mua “hàng giá rẻ” là cách tôi chọn lựa”.

choden3.jpg -2
Một thùng hàng trên xe tải bị bọn trộm phá ra để lấy cắp.

Với các cơ quan thực thi pháp luật, một trong những biện pháp mà họ đưa ra là tăng cường nhân sự tại các điểm nóng, đặc biệt là vào buổi tối tại các bãi xe tải đồng thời liên tục đưa ra những khuyến cáo cho các tài xế: “Nếu bạn đang dừng nghỉ ở các trạm dịch vụ trên đường cao tốc và bạn nhận có thấy điều gì đó đáng ngờ, chẳng hạn vài kẻ lạ mặt lảng vảng quanh chiếc xe của bạn thì xin vui lòng báo cho chúng tôi qua cổng thông tin trực tuyến Cảnh sát Tây Mercia để chúng tôi có thể điều tra”. Đặc vụ Dan Griffiths thuộc bộ phận trinh sát Tây Mercia cho biết: “Với những tài xế chở hàng,  chúng tôi khuyên họ trước khi bắt đầu hành trình, hãy quyết định nơi họ sẽ đỗ xe qua đêm và thông báo cho chúng tôi biết vị trí. Khi đỗ xe, hãy chọn nơi mà tài xế có thể nhìn thấy nó dễ nhất. Lúc quay trở lại, cần kiểm tra thật kỹ thùng hàng”.

Theo Cơ quan Vận chuyển hàng hóa và tội phạm phương tiện vận tải quốc gia (NaVCIS), nơi đây đã lập bản đồ các điểm nóng về trộm cắp tại hơn 10 bãi đỗ xe ở London và từ đầu năm đến nay, họ đã nhận hơn 5.000 tin báo, dẫn đến việc bắt giữ 56 vụ với 117 người. Bên cạnh đó, Chính phủ Anh cũng đồng ý chi 52,5 triệu bảng để cải thiện tình trạng an ninh ở các bãi đỗ xe như lắp thêm camera quan sát, đặt rào chắn, hệ thống chiếu sáng cùng các thiết bị khác.

Về phía các cửa hàng bán lẻ và các siêu thị, ngoài việc tăng cường lực lượng bảo vệ giám sát tại từng khu vực bán hàng, bổ sung chip bảo mật lên từng mặt hàng, họ còn kêu gọi cảnh sát công bố danh sách những tên trộm đã bị nhận diện. Fiona Malone, người điều hành Tenby Stores, một cửa hàng độc lập ở Wales cho biết: “Nhiều kẻ trộm hoạt động tại cửa hàng của tôi đã được cộng đồng và cảnh sát biết đến nhưng chúng vẫn nhởn nhơ. Theo tôi, cảnh sát nên áp dụng cách tiếp cận “không khoan nhượng” đối với hành vi trộm cắp này”.

9 giờ sáng, như thường lệ phố Leeds lại nhộn nhịp người đi bộ cùng những chiếc xe hơi đỗ từng dãy bên lề đường. Một thanh niên khoảng 25 tuổi trong bộ quần áo tươm tất, vai khoác cái túi vải căng phồng, lơ đãng nhìn dòng người qua lại như khách nhàn du. Phóng viên Daniel nói: “Thấy vậy mà không phải vậy. Bạn cứ đến hỏi anh ta xem. Thế nào anh ta cũng có thứ gì đó để bán. Bảo đảm là hàng mới lấy cắp tối hôm qua và được giữ trong tủ lạnh nếu là thịt, bơ, pho mai hoặc sữa bột”.  Ở một góc khác, một phụ nữ đứng tuổi nét mặt hớn hở vì vừa mua được 4 hộp sôcôla Cadbury - là nhãn hiệu nổi tiếng của nước Anh với giá hời.

Bà cười toe toét: “Tiết kiệm được 60 bảng mà vẫn có quà Giáng sinh, Năm mới, “hàng xịn” cho 4 đứa  cháu ở nhà”, còn Tina lúc vừa nhìn thấy Daniel đã đon đả: “Hôm nay anh mua gì? Em có gà tây xông khói vừa ra lò đêm qua, giá chỉ 125 bảng nguyên con 3 ký. Món này đón Năm mới với rượu vang Chardoney thì tuyệt. Nếu lấy 2 chai em tính 300 bảng thôi…”.

Vũ Cao (Theo Economic Review)
.
.
.