Vũ khí chợ đen – Đầu mối của những vụ khủng bố

Thứ Ba, 24/11/2015, 12:30
Không phải chỉ đến khi thủ đô Paris, Pháp bị khủng bố, người ta mới đặt ra vấn đề mua bán vũ khí trên thị trường chợ đen mà ngay từ năm 1980, các chuyên gia quân sự trên thế giới đã ước tính tổng giá trị của các thương vụ mua bán vũ khí bất hợp pháp vào thời điểm ấy đã lên tới 60 tỉ USD/năm, trong đó 80% là súng cá nhân.

Các loại vũ khí được mua bán chợ đen nhiều nhất là súng AK, M16 cùng các biến thể của nó, tiểu liên UZI, súng trung lên RPD, M60, súng ngắn Colt, Smith Wesson, TT, Beretta, K54, K59, súng phóng lựu RPG (B40, B41), tên lửa vác vai Stinger v.v… do các ông trùm lái súng như Monzer al-Kassar, Pierre Beaumarchais, Viktor Bout, Samuel Cummings, Adnan Khashoggi, Leonid Minin, Sarkis, Soghanalian, Dale Stoffel… điều hành.

Mua súng dễ như mua kẹo

Xế trưa một ngày cuối tháng 6/2015, một chiếc xe bán tải hiệu Toyota từ thị trấn Al Bukamal, Syria lao nhanh trên con đường bụi mù tiến về một ngôi làng nhỏ nằm kề thị trấn Al Qaim Haditha, Iraq. Có vẻ như tài xế rất thông thạo địa hình của khu vực này nên khi vào làng, sau nhiều lần rẽ phải, rẽ trái, anh ta dừng lại trước một dãy nhà có những bức tường màu vàng đất bao kín xung quanh.

Một cửa hàng bán súng chợ đen ở Yemen.

Ba người đàn ông trên xe bước xuống, tiến đến cánh cửa nhỏ đã mở sẵn. Rất nhanh chóng, cửa đóng sập lại ngay sau khi họ bước vào. Trong căn phòng rộng trải thảm, chủ nhà Abdulah "Sik" đã có mặt. Qua mấy câu thăm hỏi vô thưởng vô phạt, một trong ba người đàn ông vào đề ngay: "Chúng tôi cần mua 100 khẩu AKM và 20.000 viên đạn". Abdulah "Sik" gật đầu: "Vâng, có đấy! Nhưng 1.500USD/khẩu. Hàng sẽ được giao tại nơi các ông yêu cầu".

Rồi Abdulah "Sik" khẽ xoay nghiêng người, vỗ tay 3 tiếng. Giây lát, một thiếu niên khoảng 16 tuổi cầm ra một khẩu AKM nước thép mờ đục, báng gỗ đã bay mất lớp quang dầu màu nâu đỏ. "Súng cũ, giá đắt" - người đàn ông nói. Abdulah "Sik" cười: "Nếu ông muốn mua súng mới thì 2.000USD/khẩu, còn mua hàng "lắp ráp" thì 1.000USD/khẩu".

Gọi là "lắp ráp" nhưng những khẩu AKM ấy đều bắn tốt, chỉ là trên thân súng không hề có khắc tên của hãng sản xuất cũng như không có số sêri theo quy định quốc tế mà thôi. Theo các chuyên gia vũ khí của Liên Hiệp Quốc, dòng AK là loại súng bị làm nhái nhiều nhất vì cấu tạo đơn giản, dễ sản xuất, không cần đòi hỏi phải có những nhà máy và dụng cụ tối tân. Một xưởng nhỏ ở Liban có thể cho ra lò 20 khẩu AK 47 mỗi ngày bằng cách mua lại nòng súng, cơ bẩm, kim hỏa và bộ khóa nòng - là hàng thanh lý từ Afghanistan hoặc Iraq khi quân đội của các quốc gia này thay thế súng cũ bằng những chủng loại mới tối tân hơn.

Ở Chechnya, những tay lái súng thậm chí còn đặt các xưởng sản xuất lậu, đúc cho họ nguyên cả nòng súng và các phụ kiện, căn cứ vào bản vẽ thiết kế. Vẫn theo các chuyên gia vũ khí Liên Hiệp Quốc, trên thế giới hiện có khoảng 200 triệu khẩu súng cá nhân mà nguồn gốc xuất phát từ thị trường chợ đen. 9/10 số súng này nằm trong tay những nhóm khủng bố, các tổ chức tôn giáo cực đoan, những phần tử nổi dậy chống chính phủ, các băng đảng xã hội đen, các nhóm cướp biển…, số còn lại là người dân tại những vùng đang xảy ra giao tranh ở Đông Âu, Trung Đông, Nam Á, châu Phi…, mua để bảo vệ bản thân và gia đình mình.

Những loại vũ khí được tìm mua nhiều nhất là súng trường tấn công AK47, M16 cùng các biến thể của nó như AK74, AKM, M4, AR15, XM18, M16A2. Bên cạnh đó, còn có những loại súng trung liên như M60, RPD, súng chống tăng RPG, M72. Một khẩu AK47 chính hãng, còn tốt, giờ đây có giá 700 USD, tăng 200 USD so với một tháng trước, năm 2006 nó chỉ có giá 150 hoặc 200 USD. Một khẩu M4 có lắp thêm ống phóng đạn cối 40mm - là loại vũ khí hiện đang được sử dụng trong quân đội Mỹ có giá 15.000 USD. Một khẩu AK47 nòng ngắn do Trung Quốc sao chép của Nga, được dân Pakistan, Afghanistan gọi là khẩu "Bin Laden" vì ông trùm của tổ chức khủng bố Al-Qaeda  trước khi bị tiêu diệt thường mang bên mình, hiện có giá 1.200 USD, tăng khoảng 20% so với tháng trước. Một khẩu súng ngắn tự động TT do Nga sản xuất, mua ở chợ đen là 250 USD trong lúc 15 năm trước, nó chỉ là 15 USD.

Đường đi của những vũ khí chợ đen

Trên bản đồ vũ khí chợ đen thế giới, người ta ghi nhận có 4 điểm nóng. Một là khu vực miền Tây bán đảo Balkans, bao gồm Serbia, Montenegro, Bosnia, Croatia và Slovenia, hai là Ukraine, ba là Syria, Iraq, Afghanistan, Lybia và bốn là Yemen.

Một ống đựng chất phóng xạ cesium bị bắt giữ ở Mondova tháng 2/2015.

Bán đảo Balkans chẳng hạn, sau những cuộc chiến tranh liên miên diễn ra vào thập niên 90 thế kỷ trước, có khoảng 4 triệu khẩu súng hiện không nằm trong sự kiểm soát của chính phủ các quốc gia trong vùng, hầu hết xuất xứ từ Nga. Riêng Ukraine, con số này là 4,5 triệu khẩu. Ông George Uchaikin, Chủ tịch Hội đồng Giám sát Hiệp hội chủ sở hữu súng Ukraine cho biết: "Bây giờ, mua súng ở thủ đô Kiev là chuyện rất đơn giản, giống như mua một gói thuốc lá". Ông Aleksandr Tereshuk, Giám đốc Cảnh sát Kiev nói thêm: "Thời gian qua, vũ khí bất hợp pháp tuồn vào Kiev đã tăng lên gấp nhiều lần, gồm súng ngắn, tiểu liên, lựu đạn và thậm chí là súng phóng lựu". Ngay cả Tổng thống Ukraine Poroshenko cũng phải thừa nhận rằng đã có hàng nghìn khẩu súng được lén lút đưa ra khỏi những khu vực xảy ra chiến sự với phe ly khai rồi sau đó, nó được báo cáo là tổn thất mà thực tế thì nó đi ra… chợ đen!

Tại Iraq, Afghanistan, với số tiền viện trợ khổng lồ của Chính phủ Mỹ, quân đội hai quốc gia này thừa điều kiện để thay thế dòng súng chủ lực của bộ binh là AK47 bằng những loại khác hiện đại hơn. Lượng súng thừa một phần bị binh sĩ đánh cắp, bán ra thị trường chợ đen, còn hầu hết đều được thanh lý mà bên mua là những công ty kinh doanh vũ khí hợp pháp nhưng sau đó họ bán cho ai thì khó mà kiểm soát được. Hồi tháng trước, một xe tải chở hàng đông lạnh bên trong chất đầy súng trường tự động, súng phóng lựu, súng bắn tỉa, kính nhìn đêm và đạn dược đã bị lực lượng hải quan Syria bắt giữ khi đang trên đường từ Iraq đến Syria. Theo lời khai của tài xế, một người Iraq đã trả cho anh ta 20.000 USD để vận chuyển số vũ khí này vào Syria.

Trong khi đó, các nguồn tin từ Liban cho biết, hơn 2 tuần qua, đã có một lượng lớn vũ khí được chuyển đến Tripoli. Nguồn gốc cũng như điểm đến cuối cùng của số hàng này vẫn là điều bí ẩn. Theo các nguồn tin từ Cơ quan An ninh Liban, số vũ khí, chủ yếu là AK47 và súng chống tăng RPG có thể sẽ được đưa vào Syria để bán cho các nhóm nổi dậy chống chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad, đồng thời cũng không loại trừ khả năng nó được bán cho IS. Và mặc dù nước này đã có những nỗ lực trong việc chấm dứt nạn buôn lậu vũ khí bằng cách triển khai quân ở phía nam, dọc biên giới với Syria, nơi tổ chức Hezbollah đang hoạt động nhưng chính tình hình bất an ở các nước Trung Đông và Bắc Phi đã tạo điều kiện cho thị trường vũ khí chợ đen nở rộ.

Tại Yemen, hằng hà sa số các loại súng ống đạn dược - kể cả súng chống tăng B40, B41, B69 được bày bán công khai ở khu chợ Jihana. Hầu hết số vũ khí này được những tay lái súng mua ở Lybia sau khi chế độ Gaddafi sụp đổ. Nó chính là nguồn cung cấp cho các tổ chức khủng bố như Al- Qaeda trên bán đảo Arập (AQAP), phiến quân Houthis và lẽ dĩ nhiên là cả IS. Trong một nỗ lực kiểm soát việc buôn bán súng đạn, Chính phủ Yemen đã tiến hành một chiến dịch tầm cỡ quốc gia nhằm giải tán các chợ buôn bán vũ khí, kể cả Jihana. Và mặc dù cảnh sát đã đóng cửa được khoảng 300 tiệm bán súng ở 18 khu chợ nhưng chỉ sau 6 tháng, các tiệm này lại được phép tái hoạt động.

Chất nổ và vũ khí hạt nhân

Không chỉ súng ống, chất nổ cũng được coi là mặt hàng hút khách trên thị trường chợ đen. Theo các chuyên gia vũ khí Liên Hiệp Quốc, từ năm 2000 trở về trước, mỗi năm có khoảng 40.000 tấn chất nổ các loại như TNT, C4, Fuminat thủy ngân (dùng để làm kíp nổ) được mua bán bất hợp pháp. Tuy nhiên, hiện nay một số tổ chức khủng bố - chủ yếu là IS và Al-Qaeda không mua chất nổ thành phẩm nữa vì đắt tiền, nguy hiểm khi vận chuyển mà chúng chuyển sang mua công thức chế tạo những loại chất nổ này - chủ yếu từ các vật liệu dễ kiếm như phân bón, lưu huỳnh, diêm sinh… rồi thuê mướn chuyên gia để thực hiện. Tiếp theo, nó được cài vào trong những chiếc áo, gọi là "áo bom, đai bom" hay "áo tự sát".

Súng AK và súng chống tăng RPG là những mặt hàng bán chạy nhất trên thị trường chợ đen.

Để làm ra một chiếc "áo bom" hoàn chỉnh, có thể sử dụng bất cứ lúc nào thì phải cần đến những “chuyên gia” về chất nổ - và Mohamad al Ali (được IS mệnh danh là Ali hóa học) là một chuyên gia tầm cỡ. Những chiếc "áo bom" do y sản xuất rất đáng tin cậy, đặc biệt là nó không nổ ngoài ý muốn. Nó không rộng quá để người mặc phải lúng túng, cũng không chật quá để gây ra cảm giác khó chịu. Nhất là khi kẻ đánh bom tự sát choàng thêm chiếc áo khoác bên ngoài để ngụy trang thì nếu chỉ nhìn bằng mắt thường, rất khó phát hiện.

Thông thường, những kẻ chế tạo "áo bom" không bao giờ được Al-Qaeda hay IS cho phép xuất hiện quanh những mục tiêu sẽ bị đánh bom vì y là "của hiếm", đồng thời có nguy cơ bị phát hiện. Vì vậy, rất ít khi cơ quan an ninh của những nước bị Al-Qaeda hay IS tấn công bắt được nhân vật này. Ngay cả trường hợp nếu "Ali hóa học" bị bắt thì những "học trò" của y vẫn tiếp tục sản xuất ra hàng loạt "áo bom" khác, kế thừa từ kiến thức của y.

Không chỉ chất nổ, vũ khí hạt nhân cũng là một mặt hàng được các tổ chức khủng bố săn lùng trên thị trường chợ đen. Tại Moldova, một quốc gia nhỏ bé và nghèo nàn ở Đông Âu, theo Hãng tin AP, trong 5 năm qua chính quyền nước này phối hợp cùng Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), đã chặn đứng 4 vụ buôn lậu nguyên liệu phóng xạ để bán cho các tổ chức cực đoan ở Trung Đông, trong đó có một vụ xảy ra hồi tháng 2/2015, do một nhân vật có tên Valentin Grossu, bán chất cesium với số lượng đủ để đầu độc hàng chục nghìn người mà bên mua là IS.

Những cuộc nói chuyện do FBI ghi âm được cho thấy IS coi Mỹ là mục tiêu hàng đầu. Constantin Malic, một cảnh sát Moldova tham gia 4 cuộc điều tra cho biết: "Qua điện thoại, Valentin Grossu nói rằng hắn thực sự muốn bán nguyên liệu hạt nhân cho IS vì chỉ có IS mới đủ khả năng mở những tấn công ngay trong lòng nước Mỹ".

Tuy nhiên, căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa Nga và các nước phương Tây về vấn đề Ukraine khiến nhà chức trách Moldova gặp khó khăn khi điều tra về cách thức mà bọn buôn lậu vũ khí hạt nhân chuyển cesium ra khỏi nước Nga, đồng thời Cảnh sát Moldova thường quá nôn nóng khi bắt giữ nghi phạm. Hầu hết họ chỉ bắt được kẻ trung gian khi mới đang trong giai đoạn trao đổi mẫu hàng. Do đó, những tên chủ chốt có đủ thời gian để tẩu thoát cùng với nguyên liệu phóng xạ và điều này đã khiến thị trường chợ đen hạt nhân ở khu vực Balkan nằm ngoài tầm kiểm soát.

Theo các chuyên gia vũ khí Liên Hiệp Quốc, việc xác định nguồn gốc và đường đi, đích đến của các nguyên liệu hạt nhân trên thị trường chợ đen vô cùng khó khăn. Tiến sĩ Matthew Bunn, Giáo sư chính trị học, Đại học Harvard, Mỹ, bình luận: "Ở giai đoạn mà IS bành trướng như vệt dầu loang, thật khủng khiếp khi chứng kiến những tên buôn lậu nguyên liệu chế tạo bom hạt nhân đang kết nối với những kẻ… giết người".

Cao Trí (tổng hợp)
.
.
.