Vụ án “Mua bán trẻ em” xảy ra tại chùa Bồ Đề: Hành trình đi tìm sự thật
Việc nhận nuôi trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi… hiện nay ở một số chùa là việc làm hết sức nhân đạo và mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện triết lý từ bi của Phật giáo Việt Nam. Vì vậy, vụ án mua bán trẻ em xảy ra tại chùa Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội) đã gây xôn xao dư luận những ngày qua…
Sự mất tích bí ẩn của bé trai ở chùa Bồ Đề
Anh Nguyễn Thành Long (ở phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) không giấu được sự trầm ngâm, buồn bã khi kể lại nguồn cơn sự việc đã buộc anh phải làm đơn đề nghị điều tra sự mất tích bí ẩn của bé Cù Nguyên Công - sự việc đang khiến dư luận "dậy sóng" những ngày qua.
Là doanh nhân thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo, chùa Bồ Đề là một trong những địa chỉ mà vợ chồng anh nhiều lần thăm viếng, giúp đỡ các cháu nhỏ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi được nuôi dưỡng tại đây. Tháng 10/2013, với sự kết nối của anh Long, Quỹ Missia của Tập đoàn Quốc tế Vision đã đồng ý tài trợ cho chùa Bồ Đề số hàng hóa trị giá hàng trăm triệu đồng dành cho việc chăm sóc trẻ.
Ngày 31/10/2013, trong buổi trao quà từ thiện do Quỹ Missia phối hợp cơ sở chăm sóc sức khỏe Hương Sen và Công ty Nguyễn Thành Gia tổ chức, vợ chồng anh Long được Nguyễn Thị Thanh Trang, người quản lý nhà mở chùa Bồ Đề bế một bé trai sơ sinh đến "gợi ý" nhận đỡ đầu cho cháu bé. Theo lời Trang thì cháu bé sinh ngày 26/10/2013 và bị bỏ rơi, được đưa vào chùa ngày 28/10.
Thương cảm hoàn cảnh cháu bé mới sinh đã bị bỏ rơi, mặc dù đã có 3 con nhỏ nhưng với tấm lòng thiện nguyện, vợ chồng anh Long đồng ý nhận làm bố mẹ đỡ đầu cho bé. Vợ chồng anh đặt tên cháu là Cù Nguyên Công với ý nghĩa "Cù" là theo họ của nhà chùa đặt cho các bé trai được nương nhờ cửa Phật, còn "Nguyên Công" là hàm ý sau này lớn lên cháu sẽ thành công và đạt được nhiều hoài bão. Khi đưa cháu về nhà chăm sóc, vợ chồng anh Long thường gọi cháu bé là "Lãi".
Theo anh Long, mặc dù vợ chồng anh trình bày nguyện vọng được đưa cháu Lãi về ở nhà mình nhưng sư trụ trì chưa đồng ý với lý do nhà chùa chưa có tiền lệ và còn "tùy duyên". Tuy nhiên, nhà chùa vẫn tạo điều kiện để hàng tuần, vợ chồng anh được đón Lãi về nhà. Trong thâm tâm, vợ chồng anh Long luôn coi bé Lãi như con đẻ nên có lần phát hiện cháu ốm, hai vợ chồng thay nhau chăm bé 10 ngày liền trong bệnh viện.
"Đến ngày 29/11/2013, bác sĩ khám cho cháu Lãi nói cháu vẫn viêm phổi nặng, kê thuốc kháng sinh để điều trị tại nhà cho cháu và dặn vài hôm sau quay lại khám, nếu không tiến triển thì có thể phải nhập viện lại. Tuy nhiên, chiều 31/12, chị Trang quản lý nhà mở gọi điện thoại cho vợ tôi nói phải đưa bé Lãi về chùa ngay vì có đoàn kiểm tra. Ngay tối hôm đó, vợ tôi buộc phải đưa cháu về chùa theo yêu cầu" - anh Long kể lại.
Anh Long (bên trái) gặp gỡ người nhà chồng của Phạm Thị Nguyệt tại Phú Xuyên ngày 4/8 với hy vọng về cháu Cù Nguyên Công. |
Đến ngày 4/1/2014, khi vợ anh Long đến chùa đón Lãi về chăm và đưa cháu đi khám lại bác sĩ thì cháu Lãi không còn ở chùa nữa. Theo anh Long thì nghi vấn về sự mất tích của bé Lãi tức Cù Nguyên Công bắt đầu từ đó. Mặc dù chỉ chăm sóc cháu một thời gian nhưng với tình thương yêu chân thành của một người mẹ, vợ anh Long đã bị sốc nặng khi nhiều lần đến chùa tìm cháu bé, chị chỉ nhận được những câu trả lời về bé Lãi.
"Chính những câu trả lời không rõ ràng về cháu bé của những người có trách nhiệm ở chùa đã khiến tôi linh cảm có chuyện không minh bạch. Với lương tâm của người cha, tôi thấy mình phải có trách nhiệm đi tìm sự thật. Cho dù không được nuôi cháu nữa nhưng vợ chồng tôi chỉ thực sự yên tâm khi biết cháu đang ở đâu, có được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt hay không" - anh Long bộc bạch.
Thời gian tiếp theo, với kiến thức của một người học luật, anh Long đã ghi lại toàn bộ nhật ký về Lãi và khéo léo buộc những người ở chùa Bồ Đề phải cung cấp thông tin về cháu bé.
Đến ngày mùng 4 Tết Giáp Ngọ, sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, xác minh, anh Long đã tìm gặp được Trần Thị Thu H., mẹ của cháu Cù Nguyên Công. Từ H., anh Long có được số điện thoại của Phạm Thị Nguyệt, người nhận nuôi cháu bé. Ban đầu qua điện thoại, Nguyệt nói dối là H. đã gian díu với chồng cô ta sinh ra bé Công nên Nguyệt đã buộc H. phải giao cháu bé cho cô ta nuôi.
"Qua điện thoại, vợ chồng tôi tha thiết xin được thăm cháu một lần và chuyển quần áo, đồ dùng mà chúng tôi đã mua sắm cho cháu nhưng Nguyệt tìm cách từ chối, không cung cấp địa chỉ. Ban đầu cô ta hứa khi nào trời ấm lên sẽ đưa cháu bé đến nhà chúng tôi. Vợ chồng tôi luôn thấp thỏm chờ đợi. Thế nhưng đến tháng 3/2014, Nguyệt cắt liên lạc, thay đổi số điện thoại. Chắp nối những nghi vấn về cháu bé, chúng tôi đã quyết định làm đơn đề nghị Cơ quan Công an điều tra" - anh Long cho biết.
Còn nhiều điều cần được tiếp tục làm sáng tỏ
Có nuôi con mới hiểu được lòng cha mẹ. Gương mặt buồn bã, những tiếng thở dài của anh Long trên chuyến xe về gia đình nhà chồng của Phạm Thị Nguyệt tại xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, Hà Nội khiến chúng tôi nhói lòng. Mặc dù tại Cơ quan điều tra, Phạm Thị Nguyệt khai ngày 27/6/2014, cháu Cù Nguyên Công (đã được Nguyệt đổi tên là Phạm Gia Bảo) đã mất vì bệnh phổi và được chôn cất tại quê chồng, thế nhưng vợ chồng anh Long vẫn nuôi hy vọng. Vậy là trưa 4/8, trong cái nắng oi ả, anh Long đã cùng chúng tôi lên đường về Phú Xuyên.
Hai vợ chồng ông Phạm Văn Còn và bà Đinh Thị Tươi ở thôn Trình Viên, xã Phú Túc tỏ rõ thái độ bức xúc khi kể về Phạm Thị Nguyệt, theo ông bà thì cực chẳng đã họ phải nhận vì con trai. Bà Tươi cho biết, năm 2001, cậu con trai thứ 3 là Phạm Văn Hữu (35 tuổi) ra Hà Nội học nghề sửa chữa xe máy dẫn Nguyệt về nhà, giới thiệu là bạn gái. Lúc đó Nguyệt giới thiệu tên là Minh Trang. Mặc dù chưa kết hôn nhưng Hữu thuê nhà ngoài Hà Nội chung sống với Nguyệt như vợ chồng.
Năm 2006, Hữu đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, bà Tươi đến ở cùng Nguyệt để trông nhà giúp. Khi đó, Nguyệt thuê nhà tại xóm 7 Định Công. Ở với Nguyệt vài tháng, bà Tươi phát hiện Minh Trang không phải là tên thật của bạn gái con trai bà. Cùng với nhiều biểu hiện khuất tất khác của Nguyệt, năm 2009 -2010, khi Hữu về Việt Nam, bà Tươi đã cất công đi Ninh Bình để điều tra lý lịch "con dâu tương lai".
Xòe ra một tập ảnh, bà Tươi cho biết đó là những bằng chứng bà đã thu thập được để chứng minh rằng trước khi đến với Hữu, Nguyệt đã có chồng và 2 con gái ở Ninh Bình. "Vợ chồng tôi đã cho thằng Hữu xem hết bằng chứng, khuyên nó nên chấm dứt quan hệ với con Nguyệt nhưng nó không tin và không nghe bố mẹ. Bực quá tôi gọi con Nguyệt về, đưa ảnh cho nó xem thì nó bảo không biết gì. Tôi mắng, bảo nhà này không có loại con dâu như thế và cấm cửa. Thế nhưng thằng Hữu nhà tôi như ăn phải bùa phải bả, vẫn thuê nhà ngoài Hà Nội sống chung với con Nguyệt. Vợ chồng tôi cũng không biết làm thế nào" - bà Tươi bực bội.
Đối tượng Nguyệt và Trang bị Cơ quan điều tra bắt khẩn cấp về hành vi mua bán trẻ em. |
Theo bà Tươi thì tháng 3/2014, Nguyệt đưa về 3 đứa trẻ là Phạm Đức Anh, Phạm Gia Bảo, Phạm Gia Hân, nói là con của Nguyệt và Hữu, trong đó Gia Bảo và Gia Hân khoảng 3 tháng tuổi là sinh đôi một trai một gái. Dù không tin nhưng vì Hữu nhận đó là con của anh ta nên vợ chồng bà Tươi cũng coi những đứa trẻ là cháu của mình. Tuy nhiên, Nguyệt chỉ đưa 3 đứa trẻ về rồi lại ra Hà Nội ngay trong ngày.
Đến chiều 21/6, bà Tươi nhận được điện thoại của anh Hữu thông báo bé Gia Bảo ốm nặng khó qua khỏi, đang ở bệnh viện. Bà Tươi vội vàng thu xếp đến bệnh viện nhưng đến chiều hôm sau 27/6, cháu Gia Bảo đã qua đời vì bệnh sởi biến chứng. Trong đêm, gia đình bà Tươi đã đưa xác cháu bé về chôn cất tại nghĩa trang của thôn.
Sau khi cúng 3 ngày cho cháu bé, Nguyệt nhờ bà Tươi hàng ngày thắp hương, cúng cơm cho bé Gia Bảo rồi ra Hà Nội. Bẵng đi cho đến cách đây ít ngày, Nguyệt và Hữu về xã làm thủ tục đăng ký kết hôn. Hữu nói với bố mẹ chọn ngày tốt để tổ chức đám cưới cho hai người. Chưa đầy 1 tuần sau thì xảy ra việc Nguyệt bị Cơ quan Công an bắt giữ về hành vi mua bán trẻ em.
Tại Cơ quan Công an, bước đầu Phạm Thị Nguyệt khai nhận cả 3 đứa trẻ mà cô ta đã mang về quê chồng nêu trên không phải là con đẻ mà là con nuôi. Hiện vụ việc đang được Cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ. Trường hợp cần thiết, Cơ quan điều tra sẽ tiến hành khai quật, pháp y để làm rõ cháu bé Phạm Gia Bảo đã bị chết theo lời khai của Nguyệt có đúng là cháu Cù Nguyên Công theo đơn đề nghị điều tra của anh Nguyễn Thành Long hay không?
Trên đường từ Phú Xuyên về Hà Nội, chúng tôi và anh Long cùng chung một tâm trạng trĩu nặng. Những ngày qua, vụ án mua bán trẻ em xảy ra tại chùa Bồ Đề đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân. Hành vi của những kẻ như Nguyễn Thị Thanh Trang lợi dụng công việc nhân đạo nơi cửa Phật để trục lợi cá nhân, vi phạm pháp luật khiến dư luận hết sức bất bình, lên án.
Thực tế trong những năm qua, việc nhận nuôi trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, người già không nơi nương tựa… của một số chùa là một hoạt động mang tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc, mang đậm triết lý từ bi của Phật giáo Việt Nam. Đây cũng là những địa chỉ tin cậy để người dân, các tổ chức và cá nhân hảo tâm gửi gắm tấm lòng thiện nguyện, sự hỗ trợ tích cực bằng vật chất và tinh thần để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh nương bóng cửa Phật.
Vụ án chưa khép lại. Còn rất nhiều điều mà Cơ quan điều tra sẽ làm sáng tỏ trong thời gian tới để xử lý nghiêm minh những đối tượng vi phạm pháp luật. Cửa chùa từ bi luôn rộng mở song cũng không thể dung thứ cho những kẻ cố tình làm hoen ố sự trong sáng, thanh tịnh của chốn tôn nghiêm.
Khởi tố vụ án, bắt khẩn cấp 2 đối tượng mua bán trẻ em Ngày 4/8, Trung tá Nguyễn Cao Khải, Đội phó Đội Phòng chống tội phạm buôn bán người, Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an TP Hà Nội cho biết, Cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án hình sự "Mua bán trẻ em” xảy ra tại chùa Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội). Ngày 3/8, Cơ quan CSĐT đã thực hiện Lệnh bắt khẩn cấp 2 đối tượng về hành vi mua bán trẻ em theo Điều 120 Bộ luật Hình sự gồm: Nguyễn Thị Thanh Trang (36 tuổi) ĐKHK tại phố Mai Hắc Đế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, là người quản lý nhà mở tại chùa Bồ Đề và Phạm Thị Nguyệt (35 tuổi), quê Khánh Hòa, Yên Khánh, Ninh Bình, thuê trọ tại Giáp Nhất, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Trước đó, ngày 1/8/2014, Cơ quan CSĐT (PC45) Công an Hà Nội nhận được đơn trình báo của anh Nguyễn Thành Long (ở phường Việt Hưng, quận Long Biên) đề nghị điều tra những nghi vấn xung quanh việc mất tích của cháu Cù Nguyên Công, một bé trai ở chùa Bồ Đề được vợ chồng anh Long nhận đỡ đầu và thỉnh thoảng đón về nhà chăm sóc. Sau khi nhận đơn, PC45 đã phối hợp Công an quận Long Biên khẩn trương tổ chức xác minh, điều tra, làm rõ mẹ đẻ cháu Công là Trần Thị Thu H. (35 tuổi) ở Cẩm Khê, Phú Thọ. Tháng 10/2013, do sinh cháu Công trong hoàn cảnh không hôn thú và không có khả năng nuôi dưỡng nên H đã gửi cháu vào chùa Bồ Đề. Còn Nguyệt và Trang là 2 đối tượng trực tiếp mua bán cháu Công. Trong đó, Trang là người cấu kết, bàn bạc để đưa cháu bé vào chùa sau đó tìm cách đưa bé ra ngoài chùa, bán cho Nguyệt với giá 35 triệu đồng. Trang cho chị H, mẹ cháu bé 10 triệu đồng. Theo lời khai của Phạm Thị Nguyệt tại Cơ quan Công an thì cô ta mua cháu Công ngày 11/1/2014, đến ngày 27/6 cháu Công bị bệnh tử vong. Liên quan đến vụ việc trên, Cơ quan điều tra đã triệu tập ni sư Thích Đàm Lan - trụ trì chùa Bồ Đề tới làm việc và ghi lời khai. "Với tài liệu hiện tại thì nhà sư Thích Đàm Lan chưa có dấu hiệu liên quan đến vụ mua bán trẻ em này" - Trung tá Nguyễn Cao Khải thông tin. Tuy nhiên, Trung tá Khải cũng cho biết, việc nhận nuôi trẻ ở chùa Bồ Đề trong thời gian qua mặc dù là việc làm nhân đạo nhưng chưa đúng quy định của pháp luật. |