Venezuela đối mặt với vòng xoáy tội phạm và buôn lậu

Thứ Hai, 28/10/2019, 21:43
Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy Liên Hiệp Quốc (UNODC) đánh giá Venezuela là quốc gia có tỷ lệ án mạng cao hàng thứ 5 trên thế giới. Còn Tổ chức Quan sát bạo lực Venezuela (OVV) cho biết bắt cóc tống tiền đang là loại tội phạm phổ biến ở thành phố, với khoảng hơn 1.000 vụ mỗi năm.

Những vụ bắt cóc thường xảy ra dọc đường biên giới Venezuela với Colombia và nạn nhân chủ yếu là những người giàu có. Tội phạm đường phố và bạo lực băng nhóm hoành hành các vùng ngoại ô nghèo nàn của các thành phố lớn ở Venezuela và mọi người đều có nguy cơ trở thành nạn nhân.

Sáng kiến “Đất nước an toàn”

Tội phạm bạo lực luôn là vấn đề nóng hổi ở Venezuela khi tổng thống Hugo Chavez nắm quyền vào năm 1999. Sau đó, chính quyền tổng thống Nicolas Maduro quyết định triển khai quân đội chống tội phạm và nơi đầu tiên nhắm đến là khu ngoại ô Petare – một trong những khu vực được đánh giá là bạo lực nhất ở Venezuela - của thủ đô Caracas. Ở Petare, quân đội hợp tác với cảnh sát lập nhiều chốt gác kiểm soát an ninh – đó là một phần trong sáng kiến gọi là “Đất nước an toàn”.

Carlos dính líu đến thế giới băng nhóm đường phố từ khi chỉ mới 13 tuổi. Cũng giống như nhiều thanh thiếu niên khác ở Petare, Carlos gia nhập thế giới đen bởi vì không có sự lựa chọn nào khác cho cuộc sống. Carlos không nói chi tiết về hoạt động tội phạm của mình nhưng bây giờ cuộc sống của anh đã thay đổi hẳn khi bước vào tuổi 30. 

Một góc trong vùng ngoại ô Petare nổi tiếng bạo lực trở thành sân vận động để quảng bá hòa bình.

Sau khi từ bỏ xã hội đen, Carlos tham gia thành lập một tổ chức giúp đỡ thanh thiếu niên rời xa cuộc sống băng nhóm bằng sự ủng hộ vật chất cũng như giáo dục và tâm lý. Tổ chức, gọi là “El Hampa Quiere Cambiar” (tạm dịch là “Tội phạm muốn thay đổi”), tìm kiếm nguồn tài trợ từ chính quyền Caracas.

Mặc dù còn hoài nghi về tính hiệu quả của quân đội trong cuộc chiến chống tội phạm, song Carlos vẫn cho rằng đó là quyết định không tồi. Carlos nói về sự phổ biến của tội phạm bạo lực ở Venezuela là do nhu cầu kinh tế và sự không được ăn học đàng hoàng cho nên “cách duy nhất để tồn tại là ăn cắp và gia nhập các băng nhóm tội phạm đường phố”.

Còn Maria Elena Delgado, 57 tuổi, có con trai và con gái cùng với một đứa cháu bị bọn tội phạm giết chết trên đường phố. Phẫn nộ, Delgado cùng với hơn 50 phụ nữ khác tham gia Proyecto Esperanza Venezuela – dự án tuyên truyền cảnh báo về bạo lực và những hậu quả khủng khiếp của nó. Hình ảnh của Delgado cùng với một số phụ nữ kiên cường khác của dự án xuất hiện ở khắp nơi trong thành phố Caracas. Do tính chất trầm trọng của bạo lực ở Venezuela cho nên nó luôn là vấn đề nổi cộm trong những chiến dịch tranh cử ở đất nước này.

Chính quyền Venezuela cho biết sau khi quân đội bắt đầu được triển khai chống tội phạm bạo lực, tỷ lệ những vụ giết người đã giảm 38% và trộm cắp giảm 34%. Tướng Marco Rojas giải thích: “Mục đích chính là khiến cho người dân cảm thấy an toàn hơn, và đây không phải là chiến dịch trừng phạt mà thật ra nó mang tính xã hội”. 

Ví dụ, đại diện của các lực lượng vũ trang Venezuela tổ chức nhiều cuộc họp với các thành viên của cộng đồng dân cư để lắng nghe các yêu cầu của họ. Ở Petare, những cuộc họp như thế được tổ chức trong các cộng đồng ủng hộ chính quyền. Và, một trong số đó là Nucleo Antonio Jose, cộng đồng ủng hộ cố tổng thống Hugo Chavez chết vì bệnh ung thư vào ngày 5-3-2013 sau 14 năm lãnh đạo Venezuela.

Keyla de las Rosas, nữ thành viên ban tổ chức các cuộc họp, nhấn mạnh chị cảm thấy an toàn hơn nhiều khi quân đội được triển khai. 

Tuy nhiên, phe chỉ trích cho rằng sáng kiến “Đất nước an toàn” của chính quyền tổng thống Nicolas Maduro không có gì mới hơn những chính sách an ninh của chính quyền trước đây. 

Từ năm 1999, chính quyền tổng thống Hugo Chavez thi hành 19 kế hoạch an ninh, theo Roberto Briceno ở OVV. Nhưng, tỷ lệ giết người vẫn cứ tăng gấp đôi hay gấp ba tùy theo các số liệu khác nhau. OVV thu thập dữ liệu từ 7 trường đại học ở Venezuela và cho biết tỷ lệ giết người cao hơn số liệu của chính quyền.

Bột mì buôn lậu từ Venezuela được bán trong một cửa hàng tại thành phố Cucuta của Colombia.

Theo các nhà phân tích, bạo lực tăng cao ở Venezuela là do sự kết hợp của nhiều yếu tố. Theo InsightCrime – nhóm cố vấn nghiên cứu về tội phạm có tổ chức ở Mỹ Latin, các yếu tố trong nước bao gồm tham nhũng trong lực lượng an ninh, vũ khí phổ biến do luật kiểm soát súng còn yếu kém, và quá nhiều tội phạm không bị pháp luật trừng phạt. 

Ngoài ra, Venezuela cũng là quốc gia trung chuyển cho bọn tội phạm ma túy buôn lậu cocaine từ nước Colombia láng giềng. Roberto Briceno nhận định điều đáng quan ngại hơn hết là chính sách an ninh của chính quyền thiếu chặt chẽ. Nhưng, Briceno cũng không phủ nhận một số tiến bộ đạt được từ khi Nicolas Maduro giữ chức tổng thống Venezuela.

Nhờ sáng kiến “Đất nước an toàn” của Maduro, Quốc hội Venezuela bắt đầu phê chuẩn luật giải trừ vũ khí được mọi người mong đợi từ lâu. Maduro cũng có chương trình sử dụng thể thao để quảng bá cho hòa bình. 

Đồng thời, Maduro cũng thông báo kế hoạch thành lập các lực lượng ủng hộ chính quyền được quân đội huấn luyện và vũ trang – đó là những “chiến binh công nhân” bổ sung vào lực lượng dân quân đang tồn tại do cố tổng thống Hugo Chavez thành lập trước đây.

Buôn lậu xăng và thực phẩm qua biên giới

Từ lâu, thành phố Cucuta của Colombia là thiên đường cho bọn buôn lậu xăng dầu. Bọn chúng mua xăng dầu được nhà nước trợ giá (với giá chỉ vài xu cho 1 gallon – khoảng 3,7 lít) ở Venezuela và sau đó đong vào những chiếc bình nhựa để bán lẻ trên đường phố Cucuta. 

Do đó, không có gì lạ khi chẳng có nhiều người đến mua xăng tại 12 trạm xăng hợp pháp ở Cucuta với giá khoảng 4 USD/gallon. Do sự chênh lệch giá cả rất lớn giữa hai bên biên giới cho nên làn sóng buôn lậu thực phẩm và nhiên liệu từ Venezuela vào Colombia hiện đang tăng mạnh.

Chủ một cửa hàng thực phẩm, nằm cách cây cầu nối liền Colombia và Venezuela chỉ vài khối nhà, thú thật: “Mọi thứ được bán ở đây đều là hàng buôn lậu từ Venezuela”. Trên một con đường đất được bọn buôn lậu sử dụng, cảnh sát Colombia ra dấu chặn lại một chiếc Ford Explorer chở sườn bò từ Venezuela. Trong khi cảnh sát đang tra vấn tài xế chiếc Ford thì một chiếc xe tải cũ kỹ khác cũng vừa trờ tới, trong đó cũng chở đầy rau quả buôn lậu. Số hàng buôn lậu bị tịch thu nhưng những vụ bắt giữ thành công như thế này rất hiếm.

Một trung tâm phục hồi nhân phẩm của dự án Proyecto Esperanza.

Khoảng 30 con đường buôn lậu kết nối thành phố biên giới Cucuta của Colombia với Venezuela, trong khi lực lượng cảnh sát không đủ để kiểm soát hết những con đường. Kết quả là: hàng tấn thực phẩm Venezuela – thịt gà, bò, phô mai, gạo, sữa bột… -  được bọn buôn lậu vận chuyển đến Cucuta mỗi ngày. Nạn buôn lậu tràn lan như thế đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu thực phẩm ở Venezuela – một trong nhiều vấn đề làm bùng nổ những cuộc biểu tình bạo lực chống chính phủ. Trong khi đó, chủ các chuỗi siêu thị bên biên giới phía Colombia than phiền họ kinh doanh ế ẩm do thực phẩm buôn lậu tràn lan từ Venezuela.

Rodolfo Mora, lãnh đạo văn phòng Liên đoàn Thương nhân Quốc gia Colombia ở thành phố Cucuta, nhận xét: “Làn sóng buôn lậu ồ ạt từ Venezuela là điều kinh khủng cho các chủ siêu thị. Nó dẫn đến tình trạng kinh tế địa phương bị suy giảm trầm trọng”. 

Trong những năm gần đây, cảnh sát Venezuela đã tịch thu tại biên giới giáp Colombia 38 tấn thịt động vật, 34 tấn phô mai và 164 tấn rau quả buôn lậu. Giới chức Venezuela và Colombia đều thừa nhận nạn tham nhũng trong lực lượng bảo vệ biên giới đã tạo điều kiện thuận lợi cho bọn buôn lậu ngày càng hoành hành.

Đại tá Rodolfo Carrero, chỉ huy lực lượng cảnh sát biên giới đóng tại thành phố Cucuta, xác nhận các băng nhóm buôn lậu ma túy cũng hoạt động mạnh ở vùng biên giới Venezuela – Colombia. 

Theo nhận định của Carrero, nạn buôn lậu lan tràn do lợi nhuận cao mà nguy cơ thấp bởi vì bọn tội phạm không hề đối mặt với mối đe dọa án tù nặng hay bị dẫn độ vì buôn lậu thực phẩm. Carrero cho biết bọn buôn lậu phải bị bắt quả tang buôn lậu thực phẩm có giá trị ít nhất 14.000 USD mới bị bắt giữ! Dân buôn lậu Venezuela sử dụng mọi phương tiện từ xe tải đến mô tô để vận chuyển hàng hóa buôn lậu qua biên giới và bọn chúng thực hiện khoảng 20 chuyến/ngày.

Theo Carrero, thực phẩm buôn lậu tịch thu sau đó sẽ được kiểm tra về vệ sinh an toàn, nếu đạt chuẩn sẽ chuyển giao cho các tổ chức từ thiện và cơ quan chính quyền. Carrero cũng thừa nhận nguồn thực phẩm Venezuela hàng ngày tuồn qua Colombia với mức độ không thể kiểm soát được. 

Nhiều người dân ở vùng biên giới cũng sống nhờ vào thực phẩm buôn lậu và cũng vì đồng tiền mà họ sẵn sàng tấn công cả cảnh sát. Ở Venezuela, buôn lậu là một phần trong cuộc tranh cãi căng thẳng về những vấn đề gây nên tình trạng thiếu thực phẩm ở đất nước này. Giới chức chính quyền cho rằng giới doanh nhân vô trách nhiệm đã ra sức tích trữ hàng hóa và buôn lậu dẫn đến tình trạng thiếu thực phẩm ở Venezuela.

Một người dân đứng xếp hàng chờ mua thực phẩm giá thấp ở vùng biên giới phía Venezuela nhận định: “Mọi thứ đều được buôn lậu và cuối cùng thì người dân chịu đau khổ”. Tình trạng thiếu thực phẩm kết hợp với tỷ lệ tội phạm tăng cao và lạm phát ở Venezuela đã mở đường cho những cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra ở thành phố miền tây San Cristobal. 

Mặc dù, cảnh sát và binh sĩ thuộc Vệ binh Quốc gia hiện nay đã kiểm soát được đường phố San Cristobal nhưng những cuộc biểu tình vẫn diễn ra lác đác tại đây cũng như nhiều thành phố khác của Venezuela.

Venezuela là một trong những quốc gia có tỷ lệ lạm phát thuộc hàng cao nhất thế giới và sự kiểm soát giá các mặt hàng thực phẩm cơ bản của chính quyền – vốn được thiết kế nhằm giúp đỡ dân lao động nghèo – đã làm nản chí các nhà sản xuất thực phẩm vì họ khó tạo ra lợi nhuận do giá cả các mặt hàng quá thấp. Ngoài ra, chính sách tiền tệ gắt gao và sự hạn chế sử dụng USD càng khiến cho việc nhập khẩu các sản phẩm thiết yếu như sữa, bột, giấy vệ sinh và dầu ăn trở nên khó khăn rất nhiều.

Chính quyền tổng thống Nicolas Maduro bắt đầu cho triển khai hình thức mua hàng bằng tem phiếu tại hơn 100 siêu thị của nhà nước trong nỗ lực chặn đứng hành vi đầu cơ hàng hoá nhưng biện pháp này cũng gây nhiều khó khăn cho người dân và bị một số chỉ trích. Giáo sư đại học Ines Ferrero nhận định nạn buôn lậu thực phẩm từ Venezuela sang Colombia “luôn tồn tại” nhưng “đó chưa hẳn là vấn đề gây nên tình trạng thiếu thực phẩm” ở Venezuela.

Trong tình hình rối ren hiện nay, chính quyền tổng thống Maduro thông qua gói tài chính triển khai dự án gọi là “Sứ mạng lương thực” nhằm cung cấp thực phẩm chất lượng cao cho người dân. Với hệ thống đăng ký sinh trắc học, người dân có thể mua thực phẩm dễ dàng đồng thời giúp chính quyền ngăn chặn được nạn mua hàng giá rẻ để buôn lậu.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.
.