Sri Lanka: Giáo sĩ và nam giới quyết định độ tuổi kết hôn

Thứ Tư, 08/11/2017, 05:24
Ở Sri Lanka (đảo quốc ở Ấn Độ Dương), độ tuổi kết hôn hợp pháp là 18 nhưng trong cộng đồng người Hồi giáo rất nhiều cô gái bị buộc lấy chồng từ lúc tuổi còn nhỏ hơn nữa. Theo nhà hoạt động nhân quyền Ermiza Tegal, những cuộc hôn nhân trẻ con người Hồi giáo tăng từ 14% đến 22% chỉ trong vòng 1 năm ở khu vực phía đông Sri Lanka.

Một cô gái trẻ tên là Shafa (không phải tên thật) chỉ mới 15 tuổi đã bị buộc lấy chồng. Luật Kết hôn và Ly hôn Hồi giáo (MMDA) cho phép giới lãnh đạo cộng đồng tôn giáo này - trong đó phần đông là nam giới - quyết định độ tuổi kết hôn.

Shafa kể chuyện với những giọt nước mắt lăn dài trên má: "Trong khi đang học ôn thi, tôi đã yêu một bạn trai. Cha mẹ không thích người này và gửi gắm tôi đến ở nhà một người cậu. Lúc đang học ở đây, một vị khách quen gia đình ngỏ lời với cậu mợ tôi là muốn lấy tôi làm vợ".

Shafa bị ép buộc kết hôn khi chỉ mới 15 tuổi và bị sẩy thai do bạo lực từ người chồng.

Shafa - xuất thân từ gia đình Hồi giáo sống trong ngôi làng hẻo lánh ở Sri Lanka - đã từ chối thẳng thừng đề nghị khiếm nhã của người đàn ông. Shafa muốn lấy người con trai mà cô yêu thương sau khi học xong bậc trung học. Nhưng bất chấp sự phản đối quyết liệt từ Shafa, cậu và mợ của cô gái vẫn sắp đặt cho đám cưới lệch tuổi này. Bất cứ khi nào lên tiếng chống đối cuộc hôn nhân, Shafa đều bị đánh đập. Hai cậu mợ còn đe dọa tự sát nếu Shafa không chịu nghe lời họ.

Shafa kể và chỉ vào vết sẹo trên tay: "Tôi đã cắt tay vì không còn lựa chọn nào khác. Tôi cũng lấy cắp thuốc của cậu để uống. Vài hôm sau khi được điều trị tại một bệnh viện tư nhân, hai cậu mợ tiếp tục ép tôi phải làm vợ người đàn ông ấy". Cuối cùng, Shafa đành buông xuôi bởi vì nhận thấy không có con đường thoát thân. Về phần mình, người chồng lớn tuổi thường xuyên nghi ngờ Shafa vẫn tiếp tục lén lút quan hệ với cậu bạn trai. Shafa tố cáo: "Anh ta thường xuyên đánh đập tôi. Khi tôi báo tin đã có thai, anh ta lại tiếp tục sử dụng bạo lực với tôi".

 Khi đến bệnh viện, Shafa mới biết tin buồn là cô đã hư thai do bạo lực từ người chồng vũ phu. Shafa đến đồn cảnh sát trình báo vụ việc nhưng họ không chịu xử lý một cách nghiêm túc. Một hôm, Shafa nhận được một cuộc gọi từ nhà thờ Hồi giáo trong ngôi làng. Ở đó, người chồng tỏ ý muốn tiếp tục cuộc hôn nhân song Shafa từ chối. Vài hôm sau, Shafa bắt đầu nhận được nhiều cuộc gọi và tin nhắn từ những người lạ yêu cầu cô phải qua đêm với họ. Shafa hiểu ngay rằng chính người chồng nhẫn tâm đã công bố hình ảnh và số điện thoại của cô lên mạng xã hội nhằm trả thù.

Những kẻ gọi đến đe dọa Shafa bằng những ngôn từ thô tục hết mức, đồng thời đe dọa: "Bọn tao có được số của mày từ người chồng". Shafa cho biết cô đã ghi âm những cuộc gọi và lưu giữ các tin nhắn.

Trong khi đó, cha của Shafa không muốn dính dáng đến những chuyện đang xảy ra với con gái mình. Nhưng người mẹ thì đưa Shafa đến một trung tâm phúc lợi xã hội để được tư vấn về tâm lý và pháp lý sau cuộc hôn nhân bi kịch. Hai mẹ con phải đến trung tâm trong bí mật bởi vì việc công khai tìm kiếm sự trợ giúp tư vấn tâm lý hiện vẫn bị coi là điều cấm kỵ trong xã hội Sri Lanka.

Shafa cố ý cắt tay tự tử để phản đối cuộc hôn nhân nhưng không thành.

Mỗi năm, hàng trăm cô gái trong cộng đồng thiểu số người Hồi giáo ở Sri Lanka - giống như Shafa - bị cha mẹ hay người bảo hộ ép buộc lấy chồng sớm. Mặc dù không có độ tuổi giới hạn tối thiểu, song cuộc hôn nhân liên quan đến một cô gái dưới 12 tuổi vẫn đòi hỏi phải có sự cho phép đặc biệt từ một tòa án Hồi giáo.

Trước "luật lệ" bất thường này, những cô gái nhỏ tuổi cũng như những người mẹ của họ phải chịu đựng trong sự câm lặng suốt nhiều thập kỷ. Song hiện nay, các nhà hoạt động bảo vệ quyền phụ nữ đang cố gắng tìm kiếm sự sửa đổi MMDA, bất chấp nhiều sự đe dọa từ giới giáo sĩ Hồi giáo cũng như giới lãnh đạo cộng đồng bảo thủ khác.

Chính quyền Sri Lanka cũng đang có kế hoạch sửa đổi Hiến pháp và đây là cơ hội hành động cho các nhà hoạt động. Mới đây, Liên Hiệp Quốc (LHQ) và Liên minh châu Âu (EU) cũng thúc giục chính quyền Sri Lanka sửa đổi MMDA cũng như các luật có tính phân biệt đối xử khác tại quốc gia này. Nhưng vẫn không có nhiều hy vọng bởi vì một ủy ban do chính quyền thành lập cách đây gần 10 năm nhằm mục đích giám sát việc cải tổ MMDA đã gặp thất bại khi đưa ra những đề xuất cụ thể.

Các nhóm Hồi giáo như là Jamiyathul Ulama và Thawheed Jamaath từ lâu chống đối mọi lời kêu gọi cải tổ MMDA từ chính quyền Sri Lanka. Đại diện của nhóm Thawheed Jamaath khẳng định họ ủng hộ việc cải tổ MMDA theo đề nghị từ chính quyền song khẳng định vẫn duy trì quy định về tuổi kết hôn tối thiểu của cộng đồng.

Những cô gái Hồi giáo ở Sri Lanka là nạn nhân của hôn nhân trẻ con.

BM Arshad, thủ quỹ của nhóm, lên tiếng: "Người Hồi giáo cũng như nhóm Thawheed Jamaath không chấp nhận những cuộc hôn nhân trẻ con, song nhóm sẽ không bao giờ đồng ý quy định độ tuổi tối thiểu để kết hôn. Nhu cầu kết hôn của một cô gái cần được coi là tiêu chuẩn cho một cuộc hôn nhân. Một số cô gái có lẽ không phải kết hôn dù đã qua 18 tuổi. Đó là quyền quyết định của con người khi muốn kết hôn". BM Arshad cũng lên tiếng phủ nhận cáo buộc nhóm Thawheed Jamaath đe dọa những nhà hoạt động bảo vệ quyền phụ nữ Hồi giáo.

Trung tâm mà hai mẹ con Shafa tìm đến đã giúp đỡ hơn 3.000 phụ nữ Hồi giáo với nhiều vấn đề khác nhau trong vòng 3 năm qua - trong đó bao gồm 250 nạn nhân của hôn nhân trẻ con. Nhà hoạt động Shreen Abdul Saroor ở Mạng Hành động cho Phụ nữ (WAN) là một trong số những phụ nữ Hồi giáo dám công khai ra mặt đấu tranh. Bà lập luận: "Hôn nhân trẻ con là sự cưỡng bức hợp pháp".

Bà nhấn mạnh rằng 18 tuổi là độ tuổi hôn nhân hợp pháp cho mọi cộng đồng ở Sri Lanka, không phân biệt dân tộc hay tôn giáo. Theo phân tích của Abdul Saroor, một cô gái nhỏ tuổi chưa đủ trưởng thành về mặt cơ thể để sinh con cho một cậu bé khác đồng thời cả hai cũng sẽ không được học tập đến nơi đến chốn khi kết hôn quá sớm.

Bà giải thích: "Những cuộc hôn nhân trẻ con sẽ tác động tiêu cực đến toàn cộng đồng. Toàn bộ cộng đồng sẽ không phát triển được. Thông điệp của tôi gửi đến cộng đồng người Hồi giáo và giới lãnh đạo tôn giáo là làm ơn đừng hủy hoại tuổi thơ của những đứa trẻ này".

Mặc dù đau khổ, Shafa vẫn là học sinh giỏi trong nhà trường và có quyết tâm học tiếp lên cao. Tuy nhiên, hiện nay Shafa vẫn còn phải đối đầu với nhiều thách thức. Shafa mong muốn trở thành luật sư để có thể giúp đỡ những nạn nhân khác giống như mình.

Di An (tổng hợp)
.
.
.