Phiến quân Houthi – Mối nguy hiểm của lục địa đen

Thứ Ba, 07/11/2017, 15:18
Tại châu Phi, bên cạnh các nhóm Hồi giáo cực đoan như Al-Shabaab, Nhóm huynh đệ Hồi giáo, Boko Haram thì còn có nhóm phiến quân Houthi. Houthi đang thực sự trở thành mối hiểm nguy cho lục địa đen khi mà 1/4 diện tích đất nước Yemen vẫn nằm trong tay họ…


Bài 1: Houthi, Họ là ai?

Nếu tính từ giữa thập niên 1990 đến nay, theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu chính trị châu Âu (EU), toàn thế giới đã xuất hiện khoảng 27 tổ chức Hồi giáo cực đoan mà trong đó, nhiều tổ chức như Al-Qaeda, IS, Abu Sayyaf, Maute, Jemaah Islamiya, Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant, Những con hổ giải phóng Tamil…, đã gây ra những vụ khủng bố kinh hoàng, làm thiệt mạng hàng trăm nghìn người vô tội.

Tại châu Phi, bên cạnh các nhóm Hồi giáo cực đoan như Al-Shabaab, Nhóm huynh đệ Hồi giáo, Boko Haram thì còn có nhóm phiến quân Houthi. Vẫn theo báo cáo của Viện Nghiên cứu chính trị châu Âu, Houthi đang thực sự trở thành mối hiểm nguy cho lục địa đen khi mà 1/4 diện tích đất nước Yemen vẫn nằm trong tay họ…

Sự ra đời của nhóm Houthi

Houthi, theo tiếng Arab có nghĩa là “Đạo quân của đức Allah” mà khởi đầu của nó là phong trào Shia-led của những người Hồi giáo dòng Shiite, xuất hiện ở Sa'dah, miền bắc Yemen vào những năm 1990. Shia-led nhắm đến tầng lớp trung lưu để rao giảng thần học Hồi giáo.

Anh em Hussein al-Houthi (trái) và Mohammed al-Houthi, hai kẻ sáng lập nhóm Houthi.

Năm 1992, hai anh em Hussein al-Houthi và Mohammed al-Houthi, thành viên của Shia-led, đứng ra thành lập một tổ chức gọi là “Thanh niên tin tưởng” (Belive Young - viết tắt là BY). Chỉ trong 3 năm, đã có gần 20.000 sinh viên tham gia BY. Sử dụng các bài giảng của Mohammed Hussein Fadhlallah - một học giả người Liban và Hassan Nasrallah, Tổng thư ký tổ chức Hezbollah ở Liban, anh em Hussein al-Houthi, Mohammed al-Houthi truyền bá cho họ những tư tưởng cực đoan, chống lại “mối đe doạ” của khối Arab lúc ấy đang có ảnh hưởng ở Yemen và người Mỹ.

Năm 2003, sau cuộc chiến tranh Iran, Iraq, nhóm BY công khai bộc lộ quan điểm chống Mỹ, chống Do Thái. Trong những buổi cầu nguyện vào mỗi ngày thứ sáu tại đền thờ Hồi giáo Saleh, Sana'a, thủ đô Yemen, nhóm BY hô vang những khẩu hiệu nhắm vào người Mỹ. Việc ấy đã khiến chính quyền Yemen lo ngại vì nếu hôm nay họ hô “Cái chết sẽ đến Mỹ” thì ngày mai, biết đâu họ lại chẳng hô: “Cái chết sẽ đến với tổng thống Yemen”.

Năm 2004, Cơ quan An ninh Yemen bắt giữ 800 thành viên BY vớI lý do âm mưu tổ chức bạo loạn. Nhằm xoa dịu tình hình, Tổng thống Yemen là ông Ali Abdullah Saleh đã mời Hussein al-Houthi tham dự một cuộc họp hòa giải, tổ chức tại thủ đô Sana'a nhưng Hussein từ chối.

Giọt nước tràn ly, ngày 18-6-2004 Tổng thống Saleh ra lệnh bắt giữ Hussein. Dưới sự chỉ huy của Mohammed al-Houthi , em ruột Hussein, nhóm BY Hussein phản ứng bằng cách tung ra một cuộc nổi dậy chống lại chính quyền. Trong cuộc nổi dậy này, Hussein bị giết ngày  10-9-2004. Mãi đến năm 2010, một thỏa thuận ngừng bắn giữa nhóm BY và Chính phủ Yemen mới đạt được.

Phiến quân Houthi chuẩn bị nã đạn cối vào quân chính phủ Yemen.

Sau cái chết của Hussein al-Houthi, nhóm BY đổi tên thành nhóm Houthi. Năm 2011, khu vực Trung Đông xảy ra nhiều biến động lớn như cuộc Cách mạng Tunisie, Cách mạng Ai Cập, Mùa xuân Arab trong lúc tại Yemen, tình trạng thất nghiệp, tham những và suy thoái kinh tế đã dẫn đến những cuộc biểu tình, yêu cầu Tổng thống Saleh từ chức. Một số lớn binh sĩ Yemen đào ngũ, mang theo vũ khí chạy sang phía Houthi đã khiến cho thực lực của Houthi tăng lên đáng kể. Tính đến cuối năm 2011, Houthi đã có hơn 40.000 tay súng, được Al-Qaeda chi nhánh Bắc Phi yểm trợ tích cực.

Cuộc “Cách mạng Yemen” và sự trỗi dậy của Houthi

Ngày 27-1-2011, một cuộc biểu tình do Houthi lãnh đạo đã nổ ra ở thủ đô Sana'a với 20.000 người tham dự. Đến ngày 2-2, Tổng thống Saleh tuyên bố sẽ không tham gia ứng cử nhiệm kỳ kế tiếp vào năm 2013, và cũng không “truyền ngôi” cho con trai mình.

Tuy nhiên, sự nhượng bộ này không làm phía Houthi hài lòng vì cho rằng đây chỉ là sự bịp bợm, Saleh tuyên bố chỉ để “chữa cháy” nên Houthi tiếp tục tổ chức những cuộc biểu tình ở những thành phố lớn trên khắp đất nước, dẫn đến những cuộc đụng độ giữa người biểu tình và quân đội chính phủ khiến hàng chục dân thường thiệt mạng.

Nhằm cứu vãn tình hình, cuối tháng 4-2011, Tổng thống Saleh đồng ý ký thỏa thuận với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) để tổ chức này đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Chính phủ Yemen với nhóm Houthi. Tuy nhiên, sau 3 lần thương thảo, GCC rút lui vì Tổng thống Saleh không chấp nhận một số điều khoản bất lợi cho mình.

Cảnh tan hoang ở thành phố cảng Aden sau khi bị Houthi pháo kích.

Ngay lập tức Sheikh Sadiq al-Ahmar, người đứng đầu liên minh các bộ tộc Hashid theo đạo Hồi - là một trong những nhóm bộ tộc mạnh nhất Yemen đã tuyên bố ủng hộ Houthi bằng cách cử lực lượng vũ trang tham gia các cuộc biểu tình, chống lại quân chính phủ. Chiến tranh nổ ra trên những đường phố ở thủ đô Sanaa cùng một số thành phố khác.

Chỉ trong 3 ngày, với sự trợ giúp của những người lính Yemen đào ngũ, phiến quân Houthi chiếm quyền kiểm soát tòa nhà Bộ Nội vụ, Hãng thông tấn nhà nước và Hãng hàng không quốc gia Yemen. Tại thành phố ven biển Zinjibar, chỉ trong vài giờ, khoảng 300 tay súng Houthi và bộ tộc Hashid đã kiểm soát hoàn toàn thành phố, giết chết 5 cảnh sát trong đó có 1 sĩ quan. Ở thị trấn Loder, 2 lính chính phủ bị giết khi Houthi đánh vào nơi này.

Ngày 28-5, với sự dàn xếp của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, một lệnh ngừng bắn được ký kết giữa Chính phủ Yemen và phiến quân Houthi trong lúc các cuộc biểu tình đòi lật đổ Tổng thống Saleh vẫn tiếp diễn. Ngày 29-5, quân đội Yemen tung ra một cuộc càn quét, dọn sạch những người biểu tình khỏi vị trí của họ ở quảng trường Ta'izz bằng súng máy và xe ủi. Những người lãnh đạo Houthi gọi sự kiện này là một vụ thảm sát nên vì vậy, ngày 31-5, họ hủy bỏ lệnh ngừng bắn, chiếm đóng tòa nhà Quốc hội Yemen cùng nhiều văn phòng của các cơ quan công quyền.

Ngày 1-6, các đơn vị thuộc Lực lượng Vệ binh Cộng hòa trung thành với Tổng thống Saleh, do một người con trai của Saleh chỉ huy, chiếm Bộ Tư lệnh Sư đoàn Thiết giáp số 1 chỉ vì đơn vị này đứng trung lập trong cuộc xung đột giữa những người trung thành với Tổng thống Saleh và nhóm phiến quân Houthi. Những trận đánh khốc liệt đã nổ ra tại những nơi do Houthi chiếm giữ. Điện, nước bị cắt.

Một người con trai khác của Tổng thống Saleh chỉ huy một đơn vị Lực lượng đặc biệt tấn công vào tòa nhà hành chính Hassaba nhưng không chiếm lại được. Nhóm bộ tộc Hashid được sự ủng hộ của Sư đoàn Bộ binh số 1, quân đội Chính phủ Yemen, cũng đã đánh chiếm văn phòng Bộ Tổng tham mưu cùng một cao ốc 5 tầng ở khu phố Saleh Hadda.

Đỉnh điểm là ngày 3-6, Houthi tổ chức đánh bom một đền thờ Hồi giáo, đúng vào giờ cầu nguyện của Tổng thống Saleh cùng các quan chức chính quyền. Kết quả là ông Saleh bị thương ở cổ và phổi, bị bỏng 40% diện tích cơ thể và nhiều người khác bị thương, trong đó có thủ tướng, phó thủ tướng, một số thượng nghị sĩ, thống đốc thủ đô Sanas. Riêng 5 thành viên trong đội bảo vệ tổng thống đều thiệt mạng.

Ngày hôm sau, 4-6,  Phó Tổng thống Abd Rabbuh Mansur Hadi đảm nhận vai trò tổng thống trong khi Saleh bay sang Arab Saudi điều trị vết thương. Nhóm Houthi yêu cầu chính phủ phải chuyển giao quyền lực nhưng Quốc hội Yemen cho biết sự vắng mặt của Tổng thống Saleh chỉ là tạm thời và ông sẽ sớm trở lại để tiếp tục lãnh đạo. Bên cạnh đó, Quốc hội Yemen cũng bác bỏ những đòi hỏi của nhóm Houthi và của nhóm bộ tộc Hashid, bao gồm việc thành lập một hội đồng chuyển tiếp với mục đích chuyển giao quyền lực từ chính quyền Saleh sang một chính phủ lâm thời nhằm giám sát các cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên ở Yemen.

Ngày 6-8, sau khi xuất viện, Tổng thống Saleh không quay về Yemen mà vẫn ở lại Arab Saudi, điều hành đất nước từ xa. Theo lệnh Saleh, quân đội đã nổ súng vào những người biểu tình ở quảng trường Change Square, đồng thời pháo kích vào quận Al-Hasaba ở Sanaa, nơi thủ lĩnh của nhóm bộ tộc Hashid là ông Sadeq al-Ahmar đang có mặt ở đó.

Đến ngày 9-9, lính bắn tỉa thuộc quân đội Yemen lại tiếp tục nhắm vào những người biểu tình ở quảng trường, giết chết ít nhất 28 người và làm bị thương hơn 100 người. Khi dư luận thế giới lên án những cuộc tấn công nói trên, Thứ trưởng Bộ Thông tin Yemen đã cho rằng vụ việc gây ra bởi “những kẻ không rõ danh tính”.

Từ đó đến cuối tháng 9, phiến quân Houthi và nhóm bộ tộc Hashid chuyển sang đấu tranh bạo lực. Họ tiến đánh căn cứ chính của Lực lượng Vệ binh Cộng hòa mà hoàn toàn không gặp phải bất kỳ một sự kháng cự nào. Lính vệ binh bỏ chạy, để lại toàn bộ vũ khí. Một đơn vị lính vệ binh do con trai Tổng thống Saleh chỉ huy lúc ấy đang ở bên ngoài căn cứ đã quay về giải vây nhưng sau vài phút giao tranh ngắn ngủi với một nhóm vũ trang thuộc bộ tộc Hashid, cũng cắm đầu bỏ chạy. Tổng số người thiệt mạng của cả đôi bên lẫn dân thường trong các cuộc giao tranh là 225 người và hơn 1.000 người bị thương.

Ngày 29-11, Tổng thống Saleh bay tới thủ đô Riyadh, Arab Saudi để ký vào bản thỏa thuận do Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh đứng ra làm trung gian, nội dung tiến hành chuyển đổi chính trị ở Yemen. Theo đó, trong vòng 30 ngày, ông sẽ nhường lại chức vụ tổng thống cho Phó Tổng thống Abd Rabbuh Mansur Hadi để đổi lấy quyền miễn trừ, cả ông lẫn gia đình sẽ không bị truy tố.

Ngày 21-2-2012, một cuộc bầu cử tổng thống đã được tổ chức tại Yemen. Kết quả Phó Tổng thống Abd Rabbuh Mansur Hadi nhận được 99,8% số phiếu bầu. Ngày 22-2, Hadi tuyên thệ tại tòa nhà quốc hội Yemen để trở thành tổng thống, kết thúc nhiệm kỳ kéo dài 33 năm của Ali Abdullah Saleh.

Tuy nhiên, nhóm Houthi không đồng ý với những thay đổi chính trị ấy vì theo họ, đây chỉ là màn hài kịch “bình mới rượu cũ”. Cuối năm ấy, phiến quân Houthi kiểm soát hai tỉnh ở Yemen là Saada và Al Jawf, đồng thời bao vậy tỉnh thứ ba là Hajjah để chẩn bị mở đường tiến đánh thủ đô Sanaa. Được sự yểm trợ về vũ khí và tài chính của Al-Qaeda chi nhánh Bắc Phi, Houthi trở thành nhóm Hồi giáo cực đoan mạnh nhất lục địa đen vào thời điểm này…

Cao Trí (theo Global Witness)
.
.
.