Nỗ lực “hồi sinh” những đứa trẻ đánh bom ở Afghanistan

Thứ Ba, 11/09/2018, 09:24
Ở thủ đô Kabul của Afghanistan có một trung tâm giáo dưỡng đặc biệt dành cho thanh thiếu niên. Nơi đây tập trung rất nhiều những em từng một thời được Taliban và IS huấn luyện để chuyên gài bom ám sát.

Ehsan là một trong số 27 thiếu niên đang có mặt tại trung tâm giáo dưỡng từng được lực lượng Taliban và Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chiêu mộ, huấn luyện để chuyên thực hiện các vụ cài cắm các thiết bị nổ tự chế (IED).

Một vài em, trong đó có Ehsan, từng bị giam giữ tại nhà tù Bagram nằm bên ngoài thủ đô Kabul, vốn là nơi trước đây do Mỹ quản lý. Những đứa trẻ khác ở cùng trung tâm sợ không muốn giao du với chúng. “Mấy đứa đó quá chính trị và quá nguy hiểm”, một thiếu niên bị phạt tù vì tội giết người giải thích.

Việc sử dụng IED đã tăng cao tại Afghanistan trong năm ngoái, gây thương vong cho khoảng 3.043 người và hiện vẫn tiếp tục được các lực lượng cực đoan sử dụng. Những đứa trẻ như Ehsan được coi là “công cụ” đánh bom đặc biệt giá trị. Độ tuổi cũng như tầm vóc còn nhỏ khiến chúng dễ ngụy trang, trà trộn để cài cắm IED hơn. Tại trung tâm giáo dưỡng, ngoài những em được huấn luyện đặt bom còn có những em từng được sử dụng trong nhiều vai trò quân sự khác của lực lượng Taliban.

Báo cáo năm 2016 của Tổ chức giám sát nhân quyền (HRW) cho biết Taliban đã huấn luyện và sử dụng thanh thiếu niên trong một loạt các chiến dịch quân sự, đặc biệt trong việc cài đặt IED. Kể từ năm 2016, số trẻ em được chúng tuyển dụng cho việc này ngày càng tăng.

Những đứa trẻ bị buộc tội chống lại an ninh quốc gia được học tập và dạy nghề trong trung tâm giáo dưỡng thanh thiếu niên ở Kabul.

Ehsan chào đời chỉ vài tuần sau khi chính quyền Mỹ điều những binh sĩ đầu tiên của họ tới Afghanistan. Trong những năm tháng đầu đời, ký ức của em vẹn nguyên những tháng ngày hạnh phúc, bình yên ngắn ngủi bên gia đình, người thân sau khi chế độ Taliban sụp đổ năm 2001. Là anh lớn trong một gia đình ngoan đạo gốc miền đông Afghanistan, tuổi thơ đi học của Ehsan bắt đầu tại ngôi trường được mở ra không lâu sau thời gian Mỹ chiếm đóng và cũng ở gần với nhóm tái thiết của Mỹ.

Năm 13 tuổi, một người bác tới gặp Ehsan và rủ em đi theo. “Em tin ông ấy vì ông ấy là bác em. Em không biết ông ấy làm việc cho Taliban... Ông ấy đưa em tới chỗ Taliban, rồi họ yêu cầu em gài bom trong thành phố, vì là trẻ con, em sẽ không bị để ý. Khi em từ chối, họ đánh đập em nhiều lần. Em đã rất sợ”, cậu bé kể, khẳng định và rồi thề độc rằng em không phải một thành viên của Taliban.

Ehsan đã gài bom ám sát bên đường ngay trong quận của mình. Những quả bom ấy đã cướp đi sinh mạng của 6 người dân thường và làm bị thương 8 người khác. Sau vụ tấn công, em bị bắt. Trong thời gian bị giam giữ tại nhà tù địa phương ngay tại quận, em đã gặp những đứa con của một trong những người đàn ông từng chết vì bom của em. “Chúng tới gặp em trong tù. Chúng trạc tuổi em. Bọn em đã không nói chuyện, nhưng đó là một khoảnh khắc rất đau đớn”, em nói, gương mặt cực kỳ khó tả.

Sau đó Ehsan được chuyển tới nhà tù Bagram do Mỹ xây. Tại đây em bị giam giữ cùng các đối tượng khác cũng bị buộc tội cấu kết với Taliban. Nhà tù này khi còn dưới quyền kiểm soát của Mỹ từng nhiều tai tiếng trong chuyện hành hạ tù nhân. Trên thực tế, kể từ khi Chính phủ Afghanistan tiếp nhận năm 2013, tình hình tại nhà tù Bagram vẫn không thay đổi

Hiện tại cuộc sống tại Trung tâm giáo dưỡng Ehsan đang ở hoàn toàn đối lập với môi trường nhà tù Bagram. Ở đây có lớp học, thư viện, phòng tập gym, sân bóng chuyền, phòng máy tính và nhiều khóa dạy nghề khác. Mọi thứ tập trung vào việc cải tạo và phục hồi hơn là giam giữ. Những đứa trẻ tại trung tâm được đối xử như những nạn nhân hơn là tội phạm. Chúng được tham gia các lớp học thông thường để tiếp tục chương trình phổ thông.

Ngoài ra các em còn được hỗ trợ đào tạo nghề và tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa và cả các buổi tư vấn tâm lý thường kỳ. Tuy nhiên trung tâm chỉ đủ chỗ cho khoảng 200 em, vốn là một phần nhỏ so với số các em cần được giúp đỡ tương tự tại Afghanistan.

Nhiều cơ quan cấp bộ, trong đó có Bộ Y tế và Bộ Giáo dục đang phối hợp chặt chẽ để cung cấp các dịch vụ liên quan cho trung tâm. Bên cạnh đó còn có sự tham gia của các tổ chức quốc tế như Quỹ Nhi đồng LHQ và tổ chức Children in Crisis nhằm tạo ra một môi trường lành mạnh hơn. Tuy nhiên những lực lượng nổi dậy vẫn đang xâm nhập mạnh vào các khu vực nông thôn và chúng vẫn đang sử dụng nhiều thủ đoạn để tiếp cận những đứa trẻ yếu thế, dễ tổn thương. Và đây thực sự là thách thức với chính quyền Afghanistan.

Trung tâm giáo dưỡng vị thành niên ở Kabul dành một nguồn lực đáng kể cho việc hỗ trợ những đứa trẻ từng bị “tẩy não” có cơ hội phục thiện, trong đó có nhiều hoạt động tư vấn không chỉ với các chuyên gia tâm lý mà cả với các lãnh đạo tôn giáo và các học giả. Phần quan trọng của công việc này là giúp các em nhận thức rõ và lánh xa tư tưởng Hồi giáo đã bị Taliba bóp méo.

Năm trong số 7 bé trai tại trung tâm kể về những gì các em từng được huấn luyện khi còn ở các trại của Taliban. “Taliban thường bảo bọn em là họ đang tiến hành cuộc thánh chiến chống lại chính phủ và các lực lượng nước ngoài. Và chúng em cần phá hủy tất cả đường sá và công trình hạ tầng để khiến họ suy yếu”, em Ahmad 17 tuổi nói. “Em đã tin họ vì họ cho chúng em xem các băng video ghi lại cảnh người Mỹ tấn công các nhà thờ Hồi giáo và đốt kinh Quran”. Tuy nhiên Ahmad cũng nói thêm là tới giờ em đã nhận ra Taliban đã nói dối.

Tuy nhiên không dễ để “đập vỡ” những gì đã trở thành “thâm căn cố đế” sau nhiều năm bị nhồi nhét trong trí não một đứa trẻ.

“Đứa trẻ nào cũng bướng bỉnh, và chúng tôi phải làm việc với từng đứa, chậm rãi và kiên nhẫn” - ông Noori, bảo vệ ở Trung tâm giáo dưỡng  nói. Bởi cũng theo ông, vì quá trình bị tẩy não của chúng cũng chậm và phức tạp nên quá trình phục thiện cho chúng cũng sẽ đòi hỏi một thời gian tương ứng như vậy.

Trần Đắc Luân
.
.
.