Những đối tượng có tiền án phạm tội ấu dâm sẽ bị cấm xuất cảnh

Thứ Ba, 06/06/2017, 12:47
Nhằm ngăn chặn những đối tượng từng phạm tội ấu dâm có thể tái phạm hành vi ở những nơi khác ngoài lãnh thổ mà họ cư trú, Chính phủ Australia sẽ hủy bỏ hộ chiếu và cấm những đối tượng này xuất cảnh.

Dự luật cấm các đối tượng phạm tội ấu dâm xuất cảnh ra nước ngoài được Bộ trưởng Ngoại giao Australia Julie Bishop cùng Bộ trưởng Tư pháp Michael Keenan công bố vào ngày 30-5 và sắp được trình lên Quốc hội Australia. Ngoại trưởng Julie Bishop cho biết, căn cứ vào dự luật mới sẽ sớm được trình lên Quốc hội, hộ chiếu của khoảng 20.000 tên tội phạm ấu dâm nằm trong danh sách quản lý của cơ quan chức năng sẽ bị hủy bỏ.

Theo bà Bishop, gần 800 đối tượng có tiền án ấu dâm của nước này đã xuất ngoại trong năm 2016, khoảng một nửa số đó đã tới các quốc gia Đông Nam Á. Cuối năm 2016, Thủ tướng Malcolm Turnbull khi nói về đối tượng “khách du lịch tình dục trẻ em” đã thốt lên: “Họ là một trong những thứ sâu bọ kinh tởm nhất mà bạn có thể tưởng tượng” và những đối tượng này là “một sự hổ thẹn cho Australia”.

Bộ trưởng Ngoại giao Australia Julie Bishop và Bộ trưởng Tư pháp Michael Keenan.

Trong một vụ việc xảy ra vào năm 2016, Robert Andrew Fiddes Ellis, công dân Australia, đã nhận mức án 15 năm tù giam vì xâm hại tình dục 15 em gái từ 7 đến 17 tuổi ở Bali, Indonesia, trong vòng 2 năm. Do điều kiện địa lý, những kẻ ấu dâm thường có xu hướng đi các tour du lịch giá rẻ tới những nước thuộc khu vực Đông Nam Á hoặc các quốc đảo ở Thái Bình Dương để tiếp tục “tìm mồi” nhằm thỏa mãn nhu cầu bệnh hoạn trong khi không cần tốn nhiều chi phí.

Bộ trưởng Tư pháp Michael Keenan khẳng định: “Cho đến nay chưa quốc gia nào từng thực hiện hành động quyết liệt và dứt khoát như vậy để ngăn chặn công dân ra nước ngoài tiếp tục lạm dụng trẻ em, và chúng tôi sẽ làm điều này”.

Ông Keenan còn cho biết,  2.500 trường hợp mới bị kết tội cũng sẽ bị đưa vào danh sách và 3.200 trường hợp nghiêm trọng sẽ bị cấm đi ra nước ngoài suốt đời, trong khi những người khác bị cấm vài năm và được xem xét cấp lại hộ chiếu nếu trong một thời gian dài họ không có biểu hiện tái phạm.

Ngoại trưởng Julie Bishop cũng ghi nhận công sức của thượng nghị sĩ độc lập bang Victoria Derryn Hinch, là người tham gia soạn thảo dự luật này. Ông khẳng định không hề biết việc tội phạm ấu dâm vẫn được phép xuất cảnh cho đến khi nhận được lá thư của nữ diễn viên người Australia kiêm nhà hoạt động vì quyền trẻ em Rachel Griffiths.

Trong bức thư, cô Rachel Griffiths viết: “Nếu chúng ta có thể tịch thu được hộ chiếu của một cá nhân bị phá sản, vậy tại sao chúng ta không thể cấm những kẻ tội phạm ấu dâm của nước ta không được tới Myanmar?”.

Ảnh minh họa.

Dự luật này sẽ là cách ngăn chặn các đối tượng phạm tội ấu dâm du lịch tới những khu vực ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ Australia. Quy định cấp hộ chiếu hiện hiện nay vẫn cấp cho tội phạm ấu dâm trong trường hợp họ cần xuất cảnh vì lý do công việc hợp pháp hoặc vì lý do gia đình, cũng như vẫn cấp cho những trường hợp đang sống tại nước ngoài muốn trở về Australia khi thị thực của họ hết hạn.

Thượng nghị sĩ Hinch cho biết, ông đã làm việc chặt chẽ với chính phủ để soạn thảo dự luật này, và sẽ có những trường hợp ngoại lệ, bao gồm các sự kiện thân nhân gia đình khẩn cấp.

Đối với tội phạm ấu dâm, nước Mỹ được xem là nơi có biện pháp xử lý khá mạnh tay; cho dù phạm tội ở nước ngoài, công dân Mỹ vẫn có thể bị truy nã và xét xử khi về nước. Theo luật được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 2003, các quan chức liên bang được trao nhiều quyền hạn hơn để truy tố những người nghi ngờ lạm dụng trẻ em ở nước ngoài. Nhờ quyền hạn mở rộng này, các quan chức có thể điều tra và truy tố các công dân Mỹ đang ở nước khác.

Một trong những mục tiêu của họ là đập tan mạng lưới Internet ngầm được những kẻ ấu dâm sử dụng để chia sẻ hình ảnh của trẻ em hoặc cách thức du lịch ở những nước có ngành công nghiệp tình dục trẻ em phát triển. Sáng kiến này phù hợp với 2 ưu tiên của chính quyền Tổng thống Bush trước đây: thi hành chương trình nghị sự cứng rắn hơn ở nước ngoài nhằm bảo vệ quyền lợi của người Mỹ ở quê nhà và tấn công vào cái mà Tổng thống Bush gọi là “tội ác đặc biệt” của hành vi buôn bán và bóc lột trẻ em.

Theo New York Times, một số nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Mỹ Latinh được xem là nơi trú ẩn cho những kẻ gạ gẫm trẻ em. Trong bối cảnh đó, các cơ quan của Cục Di trú và Hải quan, thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ phải hết sức nỗ lực. Lực lượng này đã tiến hành hàng chục cuộc điều tra các đối tượng ở Campuchia, Philippines, Thái Lan, Sri Lanka, Ấn Độ, Nga, Mexico, Costa Rica và những nơi khác. Xã hội Mỹ cũng có cái nhìn khắc nghiệt, đầy kỳ thị với người phạm tội này.

Ngay trong nhà tù, tội phạm ấu dâm luôn là những kẻ bị khinh thường, căm ghét nhất. Đã có rất nhiều trường hợp tội phạm loại này bị hành hung, thậm chí bị giết bởi những tù nhân khác trong lúc thi hành án. Sau khi mãn hạn tù, họ tiếp tục phải tuân theo những hình thức quản chế nghiêm ngặt, chẳng hạn như, không được uống rượu bia hay sử dụng đồ uống có cồn dưới mọi hình thức. Nhiều bang còn cấm tội phạm ấu dâm sử dụng máy tính do lo ngại họ dùng mạng xã hội để dụ dỗ nạn nhân.

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.
.