Những điều chưa biết về cảnh sát du lịch Hàn Quốc

Thứ Sáu, 16/12/2016, 10:25
Ngày cuối cùng trong chuyến trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc kéo dài 1 tuần cùng với các đồng nghiệp ở ASEAN, vì mải mê ngắm các cửa hàng mà tôi đã đi lạc khỏi Myeongdong - khu phố buôn bán sầm uất nổi tiếng ở thủ đô Seoul. Nhưng thật may mắn, nhờ có sự giúp đỡ từ sĩ quan cảnh sát trong lực lượng cảnh sát du lịch Hàn Quốc mà tôi đã kịp trở lại khách sạn khi chỉ còn nửa tiếng nữa là tới giờ ra sân bay.

Thực tế là cả buổi sáng hôm đó và các buổi tối của những ngày trước đó, tôi đã từng đi đi lại lại nhiều lần trên khu phố mua sắm Myeongdong vì từ khách sạn đến khu phố chỉ cách có 15 phút đi bộ. Đã tự nhủ là buổi chiều phải ra sân bay thì mấy tiếng buổi trưa ở lại để nghỉ ngơi. Ấy thế nhưng khi sắp xếp lại đồ đạc, thấy sót một số đồ cần phải mua, lại thêm tin nhắn của người bạn nhờ tìm hộ bộ mỹ phẩm, tôi đành liều mình chạy ra Myeongdong. Tọa lạc ngay tại trung tâm thủ đô Seoul, Myeongdong là một thiên đường thời trang đúng nghĩa với một bộ sưu tập cửa hàng của các hãng thời trang và mỹ phẩm hàng đầu xứ kimchi.

Hôm đó lại là thứ 7 nên dòng người đổ về khu phố này càng lớn. Lang thang qua từng cửa hiệu, cuối cùng, tôi cũng tìm thấy shop hàng có thứ đồ mà mình đang cần tìm ở cuối con phố. Mua bán xong, vừa bước ra khỏi cửa thì bị choáng ngợp ngay bởi một hàng mũ, hàng phụ kiện điện thoại. Thấp thoáng xa xa lại thấy có cửa hiệu túi da vốn là hãng yêu thích nên tôi lại đi tiếp. Cứ thế, sự hấp dẫn của các món hàng khiến tôi cứ bước như người mộng du và cuối cùng khi dừng lại thì thấy mình đứng giữa một khu phố lạ hoắc.

Nhiệm vụ chính của cảnh sát du lịch Hàn Quốc là bảo vệ du khách khỏi nạn trộm cắp, lừa đảo ở thủ đô Seoul và hướng dẫn các du khách trong trường hợp họ bị lạc đường.

Hốt hoảng nhìn đồng hồ, tôi sợ hãi khi phát hiện ra rằng chỉ còn có hơn một tiếng nữa là tới giờ ra sân bay. Chạy đi chạy lại 2 cửa hàng hỏi đường, tôi vẫn chưa thể hình dung ra mình ở đâu. Chợt cô bé bán hàng mỹ phẩm đưa tay chỉ cho tôi một cửa hiệu nhỏ có viền xanh bao quanh cửa. Tưởng là cửa hàng bán đồ gì, tôi giơ tay giơ chân ra hiệu là không muốn mua hàng. Cô bé mỉm cười kéo tay tôi thật mạnh tiến về cửa hiệu đó. Hóa ra đó là phòng làm việc của cảnh sát du lịch Hàn Quốc. Vì mắt cận, lại không đeo kính nên tôi chả nhìn ra được dòng chữ “Korea Tourist Police” màu trắng to chình ình ở phía trên cửa.

Đón tiếp tôi là một sĩ quan cảnh sát tên Park khá đẹp trai, nụ cười tươi và cao dễ đến hơn 1m8. Khi nghe tôi trình bày lại quá trình lạc đường cũng như địa chỉ khách sạn tôi đang nghỉ, Park đã đưa ra một bản đồ, hướng dẫn tôi tỉ mỉ cách đi. Anh ta còn hỏi đi hỏi lại rất nhiều lần rằng tôi có dám chắc là tự đi về một mình được hay không. Tôi cười bảo “chắc chắn” nhưng đến khi ra cửa thì thấy anh ta gọi giật lại và bảo chờ để đưa về.

Trên đường đi, Park tâm sự với tôi rằng, anh gia nhập lực lượng cảnh sát du lịch Hàn Quốc từ những ngày đầu thành lập vào năm 2013.  Nhiệm vụ chính của Park và các thành viên trong đội là bảo vệ du khách khỏi nạn trộm cắp, lừa đảo ở thủ đô Seoul và hướng dẫn các du khách trong trường hợp họ bị lạc đường, như tôi chẳng hạn.

Ngoài ra, cảnh sát du lịch Hàn Quốc còn có nhiệm vụ thực thi luật pháp, trật tự, hạn chế việc người bán hàng và các xe taxi tăng giá ép khách. Họ cũng chính là người thực thi việc phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng với mức phạt 200.000 won, tương đương 200 USD…

Chỉ vào bộ đồ ấn tượng với áo khoác màu xanh nước biển, quần đen, áo sơ mi màu xám cùng chiếc mũ nồi màu xanh trên đầu và kính mát, Park còn tiết lộ với tôi rằng, đội ngũ cảnh sát du lịch Hàn Quốc ngay từ ngày đầu thành lập đã có trang phục kiểu này. Cảnh phục của họ được thiết kế dựa trên phong cách thời trang của ngôi sao đang nổi khắp toàn cầu Psy với bài hát “Gangnam Style”.

Trước khi được nhận vào làm, Park đã phải trải qua một khóa huấn luyện khá bài bản và chặt chẽ về ngoại ngữ và kiến thức cơ bản về du lịch tại Tổng cục Du lịch Hàn Quốc. Câu đầu tiên mà những cảnh sát du lịch như Park luôn phải nhớ là họ không chỉ là người thực thi pháp luật mà họ còn là “đại sứ du lịch trên đường phố” của Hàn Quốc.

Theo lời kể của Park thì tại Seoul, chính quyền thành phố đã cho lắp hệ thống camera giám sát nhưng đến nay, việc tuần tra của cảnh sát du lịch vẫn phát huy tác dụng hơn cả. Mỗi ngày, các sĩ quan cảnh sát du lịch phải thay phiên nhau đi bộ tuần tra 2 tiếng/lần khắp khu vực mà mình phụ trách.

Ngạc nhiên trước vốn tiếng Anh khá phong phú và giọng nói phát âm chuẩn của Park, tôi đã hỏi về nơi mà anh cảnh sát này được đào tạo. Park bảo, không chỉ có mình anh mà các đồng nghiệp khác trong lực lượng cảnh sát du lịch đều đã tốt nghiệp Đại học Cảnh sát, vừa đi nghĩa vụ quân sự về và có chứng chỉ tiếng Anh. Ngoài ra anh còn biết tiếng Nhật và tiếng Trung Quốc được hiển thị trên chiếc huy hiệu mà anh đeo trước ngực.

 Mải nói chuyện, chúng tôi đã về đến cửa khách sạn lúc nào không hay. Chia tay sĩ quan cảnh sát trẻ tuổi Park, tôi vẫn ấn tượng bởi nụ cười thân thiện và lời dặn dò đầy trách nhiệm rằng hãy lưu số điện thoại hướng dẫn du lịch 1330 để có thể liên lạc một cách dễ dàng với cảnh sát du lịch mỗi khi có dịp tới Hàn Quốc.

Lục tìm thông tin trên Internet, tôi được biết thêm rằng, hiện lực lượng cảnh sát du lịch Hàn Quốc có 4 đồn cảnh sát du lịch được đặt tại những điểm đông khách du lịch nhất của Seoul là Myeongdong, Insa-dong, Itaewon và Hongdae. Ngoài ra còn có lực lượng cảnh sát du lịch tại thành phố biển Busan và sân bay quốc tế lớn nhất Hàn Quốc Incheon.

Với lượng khách du lịch nước ngoài tới Hàn Quốc ngày càng tăng trong những năm gần đây, lực lượng cảnh sát du lịch đang chạy đua với thời gian để hoàn thiện nhân sự tại những đồn cảnh sát mới mở. Dự kiến vào cuối năm, ngoài các sĩ quan cảnh sát thông thạo tiếng Anh, Nhật, Trung, các sĩ quan cảnh sát thông thạo tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng được triển khai để giúp đỡ du khách biết những thứ tiếng này. Mục tiêu là để chuẩn bị cho sự thành công của Olympic mùa đông 2018.

Huyền Chi (tổng hợp)
.
.
.