Những chiến dịch bí mật của tàu ngầm Queenfish

Thứ Hai, 01/12/2008, 15:00
Cực Bắc của trái đất từ trước vẫn được nhiều người nhìn nhận là một khu vực yên bình, tránh xa được những náo nhiệt, xung đột và cả chiến tranh của con người.

Tuy nhiên trên thực tế, dưới lòng đại dương Bắc Cực từ thời chiến tranh lạnh đã là nơi ẩn giấu nhiều kế hoạch và âm mưu của các cường quốc nhằm biến nơi đây thành một bàn đạp quan trọng nếu có chiến tranh xảy ra. Cuốn sách mới xuất bản tại Mỹ đã phần nào giúp hình dung ra cuộc chiến bí mật dưới lòng đại dương lạnh giá này.

Trong cuốn sách mới có tên "Unknown Waters" do Nhà xuất bản University of Alabama Press công bố, tác giả đồng thời cũng là cựu Thuyền trưởng Alfred Scott McLaren đã mô tả chi tiết một chiến dịch bí mật của tàu ngầm mang tên Queenfish của Mỹ.

Đây là con tàu đầu tiên của Mỹ đã mạo hiểm luồn lách dưới những tảng băng trôi khổng lồ của Bắc Cực để do thám và vẽ bản đồ chi tiết khu vực thềm lục địa của Siberia. Đây chỉ là phần mở đầu trong một kế hoạch quy mô của Mỹ nhằm chuẩn bị cho các chiến dịch dưới nước ở Bắc Cực, hy vọng sẽ giành được ưu thế và sự bất ngờ trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự với Liên Xô.

McLaren khi đó đang là thuyền trưởng của Queenfish, một trong những tàu ngầm hiện đại nhất của Hải quân Mỹ vào thời điểm đó. Queenfish là loại tàu ngầm đầu tiên được chế tạo để có thể hoạt động quanh năm tại các vùng biển rộng lớn ở vùng cực. Tàu được trang bị cả một hệ thống thủy âm đặc biệt giúp dễ dàng xác định được những địa hình phức tạp nhất nằm dưới đáy biển.

Ngoài ra, Queenfish còn có thiết bị chuyên để phát hiện ra các tảng băng trôi: từ mũi cho đến đuôi tàu có lắp đặt tổng cộng 7 bộ cảm biến âm giúp thủy thủ đoàn có thể xác định được độ dày của tảng băng trôi ngay trên đầu họ. Đó là chưa kể con tàu được trang bị đầy đủ vũ khí đạn dược và thủy lôi.

Ngày 5/8/1970, Queenfish bắt đầu đi vào vùng biển Cực Bắc, nổi lên mặt nước để hoàn tất những thủ tục chuẩn bị cuối cùng, trước khi lặn sát khu vực thềm lục địa Siberia để thực thi sứ mạng do thám bí mật của mình.

Theo tác giả McLaren, tàu ngầm Queenfish đã phải hoạt động trong điều kiện cực kỳ bí mật và hầu như không được gây bất cứ tiếng động nào khi di chuyển phía dưới những tảng băng Bắc Cực ngay gần khu vực thềm lục địa của Liên Xô.

Dưới sự chỉ huy của Thuyền trưởng McLaren, các thủy thủ đoàn đã len lỏi và vẽ ra bản đồ hàng ngàn dặm dưới đáy biển để tìm kiếm những lộ trình an toàn nhất dành cho các tàu ngầm.

Để hoàn tất được nhiệm vụ này, chiếc Queenfish đã phải hoạt động ở những độ sâu nhỏ, ngay phía dưới những núi băng trôi (với phần chìm dưới nước của băng lên tới 30 mét), luôn tiềm ẩn nguy cơ có thể phá hủy chiếc tàu cùng với 117 thủy thủ đoàn. Một nguy cơ khác lại nằm ở chỗ, con tàu có thể bị mắc kẹt bất cứ lúc nào giữa những núi băng mà không thể gọi hỗ trợ hay bổ sung nhiên liệu.

Tàu ngầm Queenfish tại Trân Châu Cảng sau chiến dịch do thám tại Cực Bắc.

Trên thực tế, Queenfish đã có lần bị kẹt như vậy. Nhưng may mắn là con tàu đã thoát ra được sau gần một tiếng đồng hồ tìm cách chui ra khỏi bẫy băng. Cũng theo tác giả, chiếc Queenfish trong quá trình thực thi nhiệm vụ do thám của mình đã không ít lần tiến sát tới lãnh thổ Liên Xô, nơi có thể quan sát thấy bờ bằng kính tiềm vọng.

Sau 2 tháng hoạt động do thám đầy căng thẳng, McLaren cùng các thủy thủ đoàn trên chiếc Queenfish cuối cùng cũng đã quay trở về căn cứ Nome tại Alaska một cách an toàn. Hai năm sau, McLaren được thưởng Huy chương "Vì những công lao xuất sắc" - một phần thưởng cao nhất của quân đội Mỹ trong thời bình.

Theo các nhà sử học, một thời gian sau chuyến do thám mạo hiểm của Queenfish, Bắc Cực trên thực tế đã trở thành một địa bàn cạnh tranh của những hoạt động quân sự, là nơi Liên Xô bố trí những tàu ngầm mang tên lửa của mình, trong khi các tàu ngầm xung kích của Mỹ cũng không ngừng áp sát và theo dõi.

Nhiệm vụ hàng đầu của các tàu Mỹ tại đây là phải tiêu diệt ngay các tàu ngầm Xôviết, nếu như Chiến tranh lạnh trở thành "nóng". Nhiệm vụ này cần phải được tiến hành hết sức nhanh chóng và chính xác, sao cho các tàu ngầm của Liên Xô không kịp phóng các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân vào lãnh thổ nước Mỹ. Nước Mỹ đã đóng tổng cộng 36 tàu ngầm tương tự như Queenfish (được xếp vào lớp tàu Sturgeon) để sử dụng cho mục đích này.

Nhiều luật gia và chuyên gia quân sự đã cho rằng, cuốn sách của McLaren không chỉ cho phép tìm hiểu kỹ về những chiến dịch bí mật tại Bắc Cực vào thời Chiến tranh lạnh, mà còn có thể gây ra nhiều phản ứng về mặt chính trị. Vấn đề là theo như nội dung của sách, tàu ngầm Queenfish của Mỹ đã không ít lần xâm phạm vùng lãnh hải của Liên Xô.

Hành vi ngang ngược này có thể dẫn tới việc nhiều hội nghị quốc tế nêu ra câu hỏi về quyền lợi thực sự trên các tuyến hàng hải của tàu bè Mỹ. Câu chuyện về một chiến dịch xa xưa từ thời Chiến tranh lạnh đã vô tình có được tính "hợp thời" hơn, nhất là trong bối cảnh nhiều quốc gia (không chỉ có Nga và Mỹ) đang tranh cãi về vấn đề chủ quyền tại Bắc Cực - là nơi được đánh giá khi băng tan do điều kiện khí hậu sẽ mở ra nhiều lộ trình hàng hải mới cùng những mỏ tài nguyên thiên nhiên giàu có khác

Linh Nga (tổng hợp)
.
.
.