Những chiến công của lính đặc nhiệm hình sự Hà Nội

Thứ Sáu, 28/08/2009, 10:35
Ở Phòng Cảnh sát Hình sự của CATP Hà Nội có một đơn vị mà những người lính ở đây được coi là “đặc biệt tinh nhuệ” - đó là Đội Đặc nhiệm hình sự. Lính đặc nhiệm hình sự thường ít khi xuất hiện, nhưng nơi nào họ có mặt, thì chắc chắn đó phải là những điểm nóng, cực nóng... Với bề dày chiến công của 18 năm qua, Đội Cảnh sát đặc nhiệm hình sự xứng đáng được đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân...

Quyết đoán như... lính đặc nhiệm

Tiết trời tháng 8, không đến nỗi nóng lắm mà căn phòng tầng 3 nhà số 7 Thiền Quang của Đội Cảnh sát hình sự (CSHS) Đặc nhiệm gần như không còn hơi mát. Chiếc điều hòa liên tục phả hơi lạnh mà chẳng ăn thua là bao bởi cánh cửa phòng liên tục đóng mở, trinh sát ra vào liên tục. Có người về phòng trực tiếp báo cáo tình hình, có anh dẫn người về lấy lời khai ngay tại phòng. Lại có trinh sát về thoáng chốc, mở tủ lấy hồ sơ ra viết mấy dòng rồi lại đi ngay.

Ngay cả Trung tá, Đội trưởng Võ Hồng Phương cũng vừa trò chuyện với tôi, vừa nghe và gọi điện thoại liên hồi. Có trinh sát về báo cáo không liên lạc được với người cần gặp, Đội trưởng Phương lập tức yêu cầu anh lính trẻ cung cấp số và gọi đi ngay lập tức... Nhịp điệu công việc rất khẩn trương là điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được nơi đây.

Có thể đến giờ phút này, nhiều người chắc vẫn không khỏi tự hỏi: Đặc nhiệm hình sự khác với đặc nhiệm chống khủng bố của lực lượng Cảnh sát Bảo vệ và hỗ trợ tư pháp như thế nào? Người ta vốn vẫn quen với hình ảnh những chiến sĩ đặc nhiệm cao lớn trông thật "hầm hố", lúc nào cũng nai nịt gọn gàng, sẵn sàng trèo tường đột nhập, giải cứu con tin. Vậy còn đặc nhiệm hình sự thì sao?

Trao trả tài sản cho người bị hại.

Trung tá Phương cười xuề xòa và cho biết, Đội CSHS Đặc nhiệm được thành lập từ tháng 3/1992, tính đến nay đã 17 năm có lẻ, tiền thân là Đội đặc biệt thuộc PC14 Công an Hà Nội. Nguyên văn mô tả chức năng nhiệm vụ của Đội CSHS Đặc nhiệm này như sau: Phòng chống khủng bố, bạo loạn, giải cứu con tin...; Phòng chống các loại tội phạm nguy hiểm như giết người, cướp tài sản, tội phạm cướp có vũ trang, các băng, ổ, nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, côn đồ hung hãn, đâm thuê chém mướn, hoạt động theo kiểu "xã hội đen", đối tượng buôn bán, tàng trữ và sử dụng vũ khí trái phép; Truy bắt số đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm và cuối cùng là thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt khác mà cấp trên giao phó.

Chức năng đầu tiên chỉ nghe thôi đã thấy rõ là... đặc nhiệm rồi. Mà thực tế là cũng đến tận bây giờ, rất nhiều người vẫn còn chưa quên chiến công tuyệt vời trong vụ giải thoát cháu bé người Nhật ở khu Làng văn hóa Việt - Nhật số 14 phố Thụy Khuê, Hà Nội. Phát súng duy nhất đầy bản lĩnh, chuẩn xác cao độ của Đội trưởng Nguyễn Việt Chức (hiện là Thượng tá, Phó trưởng phòng PC14) nơi ngã 3 Than Muội, Chi Lăng (Lạng Sơn) giải thoát tức thì con tin đã trở thành kinh điển. Rồi đến vụ giải thoát con tin ở Cầu Giấy cũng "ly kỳ" không kém.

Sau khi cướp tài sản tại một quán Internet, bị truy đuổi, Khổng Tuấn Linh đột nhập vào nhà chị Nguyễn Thị Pha ở Trung Kính, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội dùng dao khống chế chị Pha và con gái lên tầng 2 và cố thủ trên ấy, thách thức tất cả. Một tay kẹp cổ Huyền, con gái chị Pha, một tay lăm lăm con dao nhọn, Linh đã đạt được một số thỏa hiệp ban đầu hòng thoát thân...

Nhưng rồi với lòng quả cảm, ý thức xả thân quên mình vì nhiệm vụ, nhân một phút kẻ bắt cóc lơ là, Trung úy Dương Minh Tùng của Đội CSHS Đặc nhiệm đã bất ngờ khống chế được Linh, giải thoát cho con tin bé nhỏ đang run lên trong kìm tay kẻ thủ ác.

Một nhát dao của tên tội phạm xuyên thủng hai lớp áo đặc chủng cũng chẳng làm người trinh sát trẻ nao núng. Hoàn thành nhiệm vụ, đem về trọn niềm vui cho thân nhân người bị nạn mới thực sự là liều thuốc trị thương hữu hiệu nhất đối với người lính CSHS Đặc nhiệm mỗi khi xông trận...

Và gần đây nhất, các trinh sát Đội CSHS Đặc nhiệm Hà Nội lại đóng vai trò chủ công trong vụ giải thoát một vụ bắt cóc con tin, tống tiền chính cháu ruột mình của một người đàn bà đã mất hết nhân tính. Lưu lạc lên phía Bắc đã lâu, Nguyễn Thị Thu Hà đột nhiên trở về gia đình và cũng... bất ngờ bắt cóc bé Dương Diệu Vy, để đòi gia đình cô em gái phải nộp 250 triệu đồng tiền chuộc... Các trinh sát thuộc hai đội Điều tra Trọng án và CSHS Đặc nhiệm đồng loạt được tung vào cuộc. Toàn bộ mưu ma chước quỷ, thay tráo sim, số để đánh lừa Cơ quan Công an của "mẹ mìn" Nguyễn Thị Thu Hà bị lật tẩy.

Qua 5 ngày chui lủi, rốt cục kẻ bắt cóc tống tiền cháu ruột đã bị các trinh sát dũng cảm, mưu trí tóm gọn tại nhà nghỉ Tân Tân ở thị trấn Đồng Đăng, Lạng Sơn ngay trước khi thị định tẩu thoát qua bên kia biên giới. Nhìn nụ cười ngây thơ của cô bé Vy, tất thảy những ai có mặt trong buổi "bàn giao" hôm ấy đều xúc động không cầm được nước mắt và thầm cảm ơn người chiến sĩ công an nhân dân, vì nước quên thân, vì dân phục vụ.

Chiến tích ấy cũng một lần nữa khẳng định khả năng hợp đồng tác chiến cực kỳ hiệu quả của lực lượng CSHS Đặc nhiệm dưới sự chỉ đạo nhất quán, tập trung của tập thể lãnh đạo Công an thành phố và lãnh đạo PC14.--PageBreak--

Chuẩn như... lính đặc nhiệm

Còn như chức năng "phòng chống các loại tội phạm nguy hiểm như giết người, cướp tài sản, truy bắt số đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm..." thì đích thị là của CSHS rồi. Cũng bảo vệ hiện trường, cũng tìm dấu vết, thu thập chứng cứ; cũng tổ chức điều tra và phá án như các đội nghiệp vụ khác của PC14. Trung tá Võ Hồng Phương cho hay, một năm, Đội CSHS Đặc nhiệm tổ chức điều tra và phối hợp điều tra, khám phá ngót nghét gần 100 vụ lớn nhỏ. "Có người bảo CSHS Đặc nhiệm như con dao pha. Ngẫm lại thấy cũng đúng" - Đội trưởng Phương cười rất tươi.

Ai từng đi qua khu vực Điếm canh đê Hội Xá, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội đều phải khâm phục khả năng phân tích, đánh giá tuyệt vời và một tư duy nghiệp vụ cực kỳ tốt của những người đã tham gia phá vụ án giết người cướp tài sản xảy ra tại đây.

Lợi dụng đêm hôm trời tối, giữa đồng không mông quạnh, đám kẻ cướp đã đâm chết ông Nguyễn Văn Núi và đâm trọng thương con rể ông là anh Đỗ Đức Thiện, cướp đi một xe máy trị giá hơn 20 triệu đồng. Vụ án được giao cho Đội CSHS Đặc nhiệm. 8 tiếng đồng hồ triển khai rà soát khẩn trương, nhóm đối tượng 7 tên bị tóm gọn. Tang vật và hung khí gây án bị thu giữ. Vụ án tuy không lớn, nhưng gây ra một luồng dư luận đồn thổi rất xấu, ảnh hưởng tới đời sống của dân cư trong vùng.

Việc khám phá nhanh vụ án đã giải tỏa tức thì nỗi băn khoăn trong quần chúng nhân dân, đồng thời thể hiện bản lĩnh vững vàng về nghiệp vụ, tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm của toàn Đội. Còn nhớ hôm tổ chức khen thưởng "nóng" Ban chuyên án ngay tại trụ sở phường Phúc Lợi, nhiều người dân quanh vùng đã tập trung bên ngoài trụ sở chỉ để... xem "mấy ông đặc nhiệm mặt mũi ra làm sao mà giỏi thế!".

Và đặc biệt như lính đặc nhiệm

"Mông lung" nhất trong bản mô tả chức năng nhiệm vụ của Đội CSHS Đặc nhiệm có lẽ là mục cuối: Thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt khác mà cấp trên giao phó! Thế nhưng đây lại là một trong những nhiệm vụ chính của Đội CSHS Đặc nhiệm bởi tội phạm luôn phát sinh muôn hình, muôn vẻ, và đã là lính hình sự thì không bao giờ chấp nhận sự tồn tại của chúng. Một trong những nhiệm vụ đặc biệt ấy là triệt phá đám "thủy tặc" trên sông Hồng xảy ra mới hồi đầu năm 2008.

Mấy năm trở lại đây vào mùa khô nước xuống thấp, lòng sông để lộ cồn bãi và nhiều chướng ngại vật đe dọa an toàn đường thủy nội địa. Trong khi đó xuất hiện nhiều tàu thuyền có tải trọng lớn đi sai luồng dẫn đến mắc cạn. Lợi dụng tình trạng này, các dịch vụ cứu hộ cứu nạn mọc lên như nấm sau mưa.

Dọc tuyến sông Hồng từ Phú Thọ về Hà Nội khoảng 70km có tới 6 công ty cứu hộ, cứu nạn và nhiều dịch vụ hoa tiêu khác. Có công ty chọn phương án làm ăn không lành mạnh hành xử theo "luật rừng" để giành quyền cứu hộ. Đã từng xuất hiện tình trạng một tàu mắc cạn nhưng có đến... vài công ty cứu hộ đến "xí phần" gây ra xô xát. Rồi phải chờ cho các công ty này giải quyết xong thuyền mới được cứu. Và dĩ nhiên chủ tàu sẽ phải chịu giá cắt cổ.

Áp giải đối tượng trong một vụ án.

Thấy thủ đoạn "ăn vạ" bị lộ tẩy, các đối tượng chuyển sang thành lập các công ty chuyên cứu hộ, cứu nạn phân chia địa bàn hoạt động. Một số công ty lợi dụng giấy phép kinh doanh để ép các chủ tàu thuyền phải ký hợp đồng cứu hộ cứu nạn dài hạn với chúng, thậm chí ngang nhiên cưỡng đoạt tiền của các chủ tàu.

Nổi lên trong đám đó là những nguồn tin về ổ nhóm lưu manh do Đỗ Mạnh Báu, tức Báu "Cửu" cầm đầu cùng hàng chục đối tượng khác đội lốt Công ty TNHH chức năng cứu hộ đường sông chuyên dùng xuồng máy đi cưỡng đoạt tiền của chủ tàu, thuyền qua khúc sông Hồng đoạn Chèm.

Nắm bắt tâm lý e ngại bị trả thù, lại thêm giá trị tàu, thuyền thường lớn và là miếng cơm manh áo của cả gia đình, Báu "Cửu" cho đàn em ngang nhiên đe dọa các chủ tàu, thuyền phải nộp lệ phí để qua khúc sông này, nếu không sẽ gây rắc rối. "Lệ phí" cho mỗi lần quá giang tuy không lớn tùy thuộc vào tải trọng phương tiện, song thống kê cho hay có những tháng "đàn em" Báu "Cửu" thu về trên 200 triệu đồng. Nhức nhối còn ở chỗ nhiều chủ tàu, thuyền đã phát sinh tâm lý hoang mang, mất lòng tin vào các cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận...

Nhớ lại Chuyên án VA145P bắt gọn đám "thủy tặc" Báu "Cửu", Đội phó, Thượng úy Trần Văn Hải khẳng định chính quyết tâm của lãnh đạo Phòng PC14 đã truyền xuống từng cán bộ chiến sĩ, khích lệ anh em phải phá bằng được vụ án.

Những ngày giáp tết Kỷ Sửu, trời rét đậm. Đội phó Hải thay phiên cùng các trinh sát, cứ 4-5 người một tổ, liên tục đóng giả dân chài để lên các tàu, thuyền trực tiếp thu thập chứng cứ về hành vi của đám Báu "Cửu" và đàn em. Lúc thì bắt thuyền từ cầu phao Khuyến Lương đi ngược lên sông Lô, Phú Thọ. Khi lại theo xà lan chở cát vàng từ sông Lô xuống hạ lưu.

Hải trình trên dưới 100km cũng "ngốn" mất của các anh 8 tiếng đồng hồ lênh đênh làm thủy thủ. Lúc đóng giả lái thuyền, có khi lại đóng vai thợ máy. Có những lần anh em phải vào vị trí boong, thả neo thăm luồng, "tắm" cả nước sông lẫn mồ hôi giữa trời rét căm căm. "Người này ốm nằm nhà, đồng đội khác lên thay, quyết tâm thu thập bằng được đầy đủ chứng cứ của đám thủy tặc ấy" - Thượng úy Hải nhớ lại.

Thế rồi quyết tâm ấy cũng được đền đáp. Cả nhóm đối tượng bị "hốt" gọn. 3 tên bị bắt quả tang, 4 đối tượng khác bị khám xét, bắt khẩn cấp. Cảnh yên bình được trả lại cho khúc sông Chèm. Vụ án đến nay đã tiến đến những công đoạn cuối cùng của quá trình tố tụng. Những người dân vùng khúc sông Chèm sẽ còn mãi mãi nhắc tên những chiến sĩ Công an thủ đô đã đem lại bình yên nơi đây. Còn các anh, những người lính CSHS Đặc nhiệm, lại tiếp tục với cuộc hành trình đấu tranh với cái ác. Lặng lẽ để rồi lập những chiến công lớn

Việt Anh
.
.
.