Nhóm tin tặc Lulz Security: Sa lưới nhưng vẫn ngoan cố

Thứ Hai, 19/03/2012, 07:25

Ngày 6/3, các nhà chức trách Mỹ chính thức tuyên bố về việc bắt giữ 6 thành viên cao cấp của nhóm tin tặc nổi tiếng Lulz Security, từng tung hoành trên mạng toàn cầu trong nhiều tháng của năm 2011. Còn nhớ, hoạt động và sự tồn tại của Lulz Security có vẻ như tuân theo đúng phương châm của những ngôi sao nhạc rock: "Sống gấp và… chết trẻ".

Sau lần đầu tiên công bố sự hiện diện của mình vào cuối tháng 5/2011, những tin tặc thuộc nhóm này đã "quậy tưng bừng" mạng Internet trong suốt tháng 6, rồi lại tuyên bố chấm dứt hoạt động vào cuối tháng này. Nhưng chỉ cần trong khoảng thời gian chừng một tháng ngắn ngủi đó,  Lulz Security đã kịp làm "hồi sinh" tay raper Tupac Shakur, "trừng phạt" Hãng Sony và xâm nhập hàng loạt máy chủ của FBI, CIA, Thượng viện Mỹ và Cơ quan Đấu tranh chống tội phạm có tổ chức của Anh (SOCA).

Ngày 27/7/2011, Cảnh sát Anh thông báo bắt giữ được "phát ngôn viên" Jake Davis của nhóm, kẻ được coi là trực tiếp điều hành blog của  Lulz Security. Cho dù một số phương tiện truyền thông đại chúng có nghi ngờ mối quan hệ giữa kẻ bị bắt với nhóm tin tặc, nhưng chí ít có một quan điểm giúp chứng minh được điều trên - tài khoản trên Twitter của Lulz Security kể từ thời điểm đó không còn được cập nhật.

Đến tháng 9/2011, các nhà chức trách bắt giữ thêm 3 kẻ được cho là thành viên của Lulz Security: 2 tại Anh và 1 tại Mỹ. Tuy nhiên, đòn đánh thực sự làm tan vỡ Lulz Security chính là những sự kiện trong tháng 3 này, khi có đến 5 tin tặc cao cấp của nhóm này bị sa lưới.

Có điều bất ngờ là mặc dù Sabu bị bắt giữ một cách bí mật từ tháng 6/2011, nhưng tên tuổi của hắn không hiểu sao vẫn được nhắc tới trên một số trang tin, có trong danh sách những kẻ bị bắt giữ trong vụ của  Lulz Security. Ngoài trường hợp của Jake Davis đã nói ở trên, còn có một thủ lĩnh khác của Lulz Security là Ryan Ackroyd được cho là cũng bị bắt giữ từ trước đó.

Theo nhiều chuyên gia, trong số những kẻ bị sa lưới vừa rồi lại không có mặt Jeremy Hammond, kẻ được coi là đã tham gia vào việc đột nhập các máy chủ của Hãng tình báo tư nhân Strategic Forecasting từ trước đó vẫn được mệnh danh là "CIA trong bóng tối" vào tháng 12/2011.

Một kẻ bị bắt giữ khác là Donncha O'Cearrbhail bị nghi ngờ dính líu tới việc công bố một đoạn băng dài 16 phút ghi lại một cuộc họp qua điện thoại của các cơ quan mật vụ Anh và Mỹ vào tháng 1/2012.

Như để khẳng định quyết tâm của mình, Anonymous tuyên bố trên blog của mình rằng, chiến dịch bắt giữ 25 thành viên của nhóm này vào tuần trước không thể ngăn cản họ tiếp tục “cuộc đấu tranh vì tự do” của mình. Nhóm này cũng khẳng định mình là một tổ chức không có các thủ lĩnh thực sự, nên việc loại bỏ họ chắc chắn không phải là chuyện dễ dàng.

Theo đúng như thông lệ, ngay sau đợt "bố ráp" vừa qua của chính quyền, các tin tặc lại quyết định tổ chức các hành động trả đũa. Mũi nhọn lần này tập trung vào vài chục trang web có liên quan đến hãng phần mềm chống virus PandaLabs. Trên những trang web bị tấn công này có để lại một dòng thông báo đại diện cho phong trào AntiSec, được cho là tiền thân của Lulz Security, trong đó khẳng định các tin tặc sẽ hành động đến cùng

Linh Nga (tổng hợp)
.
.
.