Nguy cơ hình thành những “làng nghề” tội phạm công nghệ cao
Đáng chú ý, ở một số địa phương đã xuất hiện nhiều ổ nhóm tội phạm lừa đảo qua mạng có tính chất “truyền nghề”, hình thành những “làng nghề lừa đảo công nghệ cao” đã và đang lôi kéo nhiều thanh thiếu niên, trí thức trẻ tham gia...
Truy tìm nguồn gốc tội phạm lừa đảo nạp thẻ điện thoại
Ngày 27/10, Đại tá Lê Hồng Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) Công an Hà Nội cho biết, sau một thời gian điều tra, đơn vị đã làm rõ 2 ổ nhóm tội phạm gồm 6 đối tượng sinh sống tại Quảng Trị, chuyên "hack" tài khoản của các cá nhân đang sinh sống tại nước ngoài rồi giả danh họ lừa đảo người thân nạp thẻ cào điện thoại nhằm chiếm đoạt tài sản.
Ổ nhóm thứ nhất gồm 4 đối tượng: Hoàng Hữu Hạnh ở thành phố Huế; Nguyễn Hoàng Thái, Đào Xuân Thắng, Hoàng Anh Quang cùng ở Triệu Phong, Quảng Trị. Theo khai nhận của các đối tượng, khoảng đầu tháng 6/2015, Hạnh lên mạng xã hội facebook tìm và tham gia làm thành viên các hội nhóm người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại nước ngoài. Sau đó, Hạnh vào website "weebly.com" (là trang web cho phép thiết kế giao diện trên máy tính, điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng) thiết kế một website có giao diện giống hệt trang facebook.com rồi copy đường dẫn này đăng lên trang facebook cá nhân.
Để thu hút người xem, Hạnh dẫn đường link bằng các tin tức giật gân, đánh vào tâm lý tò mò của người xem. Khi người xem click vào đường dẫn này sẽ hiện ra một trang yêu cầu đăng nhập lại tài khoản facebook và mật khẩu. Làm theo hướng dẫn này, đồng nghĩa người sử dụng facebook đã vô tình cung cấp thông tin tài khoản cho Hạnh.
Có trong tay mật khẩu tài khoản của chủ facebook, Hạnh nhanh chóng đổi mật khẩu khác, chiếm quyền quản trị tài khoản facebook. Hạnh khai thác thông tin của chủ tài khoản, đặc biệt tìm hiểu các mối quan hệ của họ thể hiện qua tin nhắn facebook để nắm được cách nói chuyện, thông tin giữa chủ tài khoản với bạn bè, người thân trong danh sách.
Tiếp đó, Hạnh giả danh chủ tài khoản giới thiệu đang làm đại lý thu mua thẻ cào điện thoại giá cao ở nước ngoài và rủ làm ăn chung bằng cách nhờ mua thẻ cào với số lượng lớn, gửi mã thẻ, số seri qua facebook. Thẻ cào chiếm đoạt được, Hạnh nạp vào tài khoản mở tại website thecaosieure của Công ty CP dữ liệu trực tuyến Phúc Thành để rút tiền mặt ra.
Cơ quan điều tra làm rõ, sáng 24/6, với thủ đoạn trên, Hoàng Hữu Hạnh đã chiếm quyền quản trị facebook "Thuong Nguyen" của chị Nguyễn Thị Thương quê Chương Mỹ, Hà Nội, hiện đang học tập tại Nhật Bản để lừa đảo những người trong danh sách bạn bè của Thương. Trong vai "Thuong Nguyen", Hạnh đã rủ anh Nguyễn Tiến Quý ở Quốc Oai, Hà Nội buôn chung thẻ cào. Không biết chị Thương đã bị Hạnh hack facebook nên anh Quý đã chuyển cho Hạnh 10 triệu đồng.
Chiều cùng ngày, Hạnh tiếp tục sử dụng tài khoản "Thuong Nguyen" nhắn tin cho anh Nguyễn Văn Trường cũng ở Chương Mỹ nhờ mua 20 triệu đồng thẻ cào để kinh doanh. Như vậy, chỉ trong ngày 24/6, thông qua tài khoản "Thuong Nguyen", Hạnh đã lừa đảo chiếm đoạt được 30 triệu đồng.
Cũng vẫn thủ đoạn trên, đầu tháng 7/2015, Hoàng Hữu Hạnh chiếm đoạt tài khoản facebook "Hoang Bi", lừa đảo bạn bè "mua giúp thẻ cào điện thoại" để kinh doanh tại nước ngoài, chiếm đoạt 38 triệu đồng. Tuy nhiên, do không biết cách rút tiền mặt ra nên Hạnh phải nhờ Đào Xuân Thắng rút hộ và phải ăn chia thêm với Thắng.
Mở rộng điều tra, Đội 3 Phòng PC50 Công an Hà Nội làm rõ từ đầu tháng 3-2015 đến cuối tháng 9/2015, Đào Xuân Thắng và Nguyễn Hoàng Thái đã chiếm đoạt được gần 40 tài khoản facebook để lừa đảo mua thẻ cào điện thoại, chiếm đoạt tổng số tiền trên 100 triệu đồng. Do chưa đủ tuổi để mở tài khoản ngân hàng nên Thắng và Thái phải mượn tài khoản của Hoàng Quang Anh "chứa" tiền chiếm đoạt được, sau đó nhờ Quang Anh trực tiếp cầm CMND ra phòng giao dịch rút tiền hộ hoặc dùng thẻ ngân hàng của Quang Anh đi rút tiền tại các cây ATM.
Cùng thời gian này, Đội 3 Phòng PC50 Công an Hà Nội đã làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn tương tự của một ổ nhóm khác gồm Lê Văn Tài và Võ Văn Tùng ở Triệu Phong, Quảng Trị. "Bí kíp" cướp nick facebook của Tài là dò tìm mật khẩu theo thông tin cá nhân mà chủ tài khoản đăng công khai trên trang facebook đó như tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại liên hệ…
Một trong những nạn nhân của Tài là chị Lê Thị Huyền ở Đông Anh, Hà Nội. Chị Huyền có chồng đang làm việc tại Ba Lan. Đầu tháng 5-2015, sau khi "cướp nick" facebook của chồng chị Huyền, Tài giả làm chồng chị này chát qua tin nhắn nói nhu cầu sử dụng thẻ cào các mạng Viettel, Vinaphone, Mobiphone của người Việt Nam ở nước ngoài rất lớn nhưng do khan hiếm nên giá thẻ đang tăng cao gấp đôi giá trong nước.
Tài nói chị Huyền đi gom thẻ cào để kinh doanh. Tưởng là chồng mình nên chị Huyền đã chuyển tổng cộng 27 triệu đồng tiền thẻ cào cho Tài. Kẻ lừa đảo nạp những mã số thẻ cào do chị Huyền cung cấp vào tài khoản tạo trước tại website thecaosieure.com rồi nhờ Võ Văn Tùng rút tiền mặt hộ qua tài khoản ngân hàng với tiền công 100.000 đồng/1 triệu tiền mặt rút được.
Hành vi của các đối tượng trong 2 ổ nhóm nêu trên có dấu hiệu vi phạm tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo Điều 226b Bộ luật Hình sự. Sau khi xác minh, làm rõ, Phòng PC50 đã bàn giao các đối tượng và hồ sơ cho Phòng PC46 Công an tỉnh Quảng Trị xử lý theo thẩm quyền.
Thực tế báo động
Theo Thượng tá Hà Thị Hằng, Phó trưởng phòng PC50 Công an Hà Nội, với sự phát triển mạnh của mạng xã hội Facebook đã góp phần thu hẹp khoảng cách không gian, trở thành một kênh thông tin liên lạc quan trọng và tiện lợi của những người Việt Nam ở nước ngoài với người thân, bạn bè trong nước. Tuy nhiên, facebook cũng đang bị những đối tượng xấu lợi dụng để hoạt động phạm tội.
Một trong những thủ đoạn phổ biến đang được các đối tượng "truyền nghề" cho nhau là lên mạng tìm kiếm người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, sau đó cướp "nick" của họ, nghiên cứu lịch sử trò chuyện của họ để tìm ra những người thân nhất, dùng những lời lẽ tương tự như vậy nói chuyện với bị hại tạo niềm tin rồi thực hiện việc lừa đảo nạp thẻ cào điện thoại với số lượng lớn.
Đáng chú ý, quá trình điều tra các vụ lừa đảo với thủ đoạn trên, Cơ quan Công an đã làm rõ "xuất xứ" của loại tội phạm này phần lớn xuất phát từ… Quảng Trị. Trước đó, tháng 8/2014, Phòng PC50 Công an Hà Nội đã phát hiện, chuyển Cơ quan CSĐT khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Việt Anh, ở thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị do hành vi "cướp" nick facebook của chị Nguyễn Thị Loan, một người Việt Nam đang sinh sống tại Hồng Kông để lừa đảo, chiếm đoạt 40 triệu đồng tiền thẻ cào của một người bạn chị Loan ở Hà Nội.
Mới đây nhất, ngày 2/10, 2 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt gần 1 tỉ đồng đã bị PC46 Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế bắt giữ gồm Trần Long Hạc (22 tuổi, trú đường Hai Bà Trưng, phường 3, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) và Võ Thị Tuyết Nhi (20 tuổi, trú đường Lê Duẩn, phường 1, thị xã Quảng Trị), đều là sinh viên đại học ở Huế.
Theo cáo buộc của Cơ quan điều tra, từ năm 2013 đến khi bị bắt giữ, Trần Long Hạc đã tạo một website giả đăng nhập facebook để chiếm đoạt trên 500 tài khoản của người dùng facebook rồi cùng Võ Thị Tuyết Nhi truy cập, lừa hàng trăm người nạp thẻ cào điện thoại các mạng Vinaphone, Mobifone, Viettel, sau đó sử dụng các tài khoản tại một số ngân hàng… để rút tiền mặt. Số tiền gần 1 tỉ đồng chiếm đoạt được, Hạc và Nhi sử dụng đi du lịch và tiêu xài cá nhân.
Tại tỉnh Quảng Trị, ngày 4/9/2015, TAND tỉnh Quảng Trị đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử và tuyên phạt Võ Đình Tuấn (tức Đen, SN 1994, trú tại Hải Vĩnh, Hải Lăng, Quảng Trị) 12 năm tù về tội "Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản".
Theo hồ sơ vụ án, tháng 6/2013, Tuấn nhiều lần đi chơi game tại quán điện tử thì thấy một số đối tượng sử dụng mạng Internet để lừa đảo chiếm đoạt thẻ cào điện thoại qua mạng xã hội facebook nên đã học theo và chiếm đoạt được hàng trăm tài khoản mạng xã hội của người Việt Nam đang sinh sống hoặc làm việc ở nước ngoài rồi nói chuyện với người thân của họ ở quê nhà nhờ mua hộ thẻ cào điện thoại các loại.
Để quy đổi mệnh giá tiền thẻ cào thành tiền mặt, Tuấn đăng ký 8 tài khoản tại ví điện tử của một trang web. Sau đó, chuyển toàn bộ số tiền thu được vào 3 tài khoản được lập tại ngân hàng để rút tiền mặt. Từ tháng 6/2013 đến 10/2014, Tuấn đã sử dụng mạng Internet thực hiện việc chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền lên tới 944 triệu đồng.
Cũng thủ đoạn này, từ tháng 10/2013 đến tháng 5/2014, Trần Hữu Đạt (19 tuổi, ở xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) đã chiếm đoạt của các bị hại trên mạng xã hội facebook số tiền gần 300 triệu đồng. Ngày 8-9 vừa qua, TAND tỉnh Quảng Trị đã xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Trần Hữu Đạt 5 năm tù giam.
Nguy cơ hình thành "làng nghề tội phạm lừa đảo công nghệ cao"
Trao đổi với PV Chuyên đề ANTG, lãnh đạo Phòng PC50 Công an Hà Nội cho biết, qua các vụ án đã được khám phá liên quan đến hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội facebook, nếu như ở tỉnh Quảng Trị nổi lên hiện tượng "truyền nghề" cướp nick facebook của người Việt Nam ở nước ngoài để lừa đảo mua thẻ cào điện thoại, thì ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam lại là "đất" hoạt động của các ổ nhóm tội phạm lừa đảo "tin nhắn trúng thưởng".
Điển hình là ổ nhóm tội phạm 9X tại thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam gồm 11 đối tượng lập 117 website mạo danh các chương trình trao thưởng của các nhãn hiệu Piagio, Honda để phát tán tin nhắn rác trên các mạng xã hội Facebook, Zalo, Garena, lừa đảo chiếm đoạt trên 8,3 tỉ đồng của hàng nghìn nạn nhân trên toàn quốc.
Công an Thừa Thiên - Huế khám phá ổ nhóm lừa đảo chiếm đoạt gần 1 tỉ đồng bằng thủ đoạn "cướp" nick Facebook lừa mua thẻ cào điện thoại. |
Theo tài liệu của Cơ quan Công an, nhóm tội phạm này thường xuyên tụ tập ở các quán Internet tại thị trấn Nam Phước để bàn bạc, thực hiện hành vi lừa đảo. Chúng sử dụng tài khoản facebook để gửi tin nhắn trúng thưởng nhằm thu hút người dùng truy cập vào các website giả mạo. Sau đó người dùng bị yêu cầu nhập thông tin cá nhân như chứng minh thư nhân dân, năm sinh, địa chỉ, tài khoản mật khẩu facebook…
Các đối tượng buộc nạn nhân gửi 3 mã thẻ điện thoại có mệnh giá 500.000 đồng với lý do làm 3 "bộ hồ sơ gốc" để nhận giải. Sau khi làm theo và liên hệ lại, người dùng tiếp tục nhận được yêu cầu gửi thêm từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng với lý do đóng thuế VAT, làm phí vận chuyển, nhận mã OTP để hoàn tất thủ tục nhận thưởng. Ham trúng thưởng, không ít người đã mắc bẫy, gửi tiền cho… tội phạm.
Thượng tá Hà Thị Hằng, Phó trưởng Phòng PC50 Công an Hà Nội phân tích, hầu hết các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các hình thức "tin nhắn trúng thưởng" hoặc nhờ mua thẻ cào điện thoại nêu trên đều trong độ tuổi 9X. Khi bị bắt, các đối tượng khai do kiếm tiền quá dễ nên đã "truyền nghề" cho nhau, từ đó hình thành nên các ổ nhóm, đường dây tội phạm công nghệ cao tập trung tại một số địa phương như Quảng Trị, Quảng Nam. Ngồi một chỗ, gây án qua mạng nhưng lại thu được tiền tỉ, điều này lý giải vì sao nhiều đối tượng đã bị bắt giữ, xử lý song mầm mống tội phạm vẫn tiềm ẩn.
Đây là hồi chuông báo động đối với chính quyền và các cơ quan chứcnăng của 2 tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam nói riêng và các địa phương khác trên toàn quốc trước nguy cơ hình thành những "làng nghề lừa đảo công nghệ cao" đã và đang phá hỏng thế hệ trẻ.