Một số quy định mới về cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước

Thứ Hai, 08/10/2007, 18:05
Ngày 17/8/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 136/2007/NĐ-CP về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2007. Trong khi chờ Bộ Công an ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định nói trên, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, ngày 2/10/2007 đã có thông báo về thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước theo quy định tại Nghị định này.

Thông báo cho biết, công dân có nhu cầu cấp, cấp đổi, bổ sung, sửa đổi hộ chiếu phổ thông trực tiếp nộp hồ sơ và nhận kết quả tại Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thường trú hoặc nơi đang tạm trú. Khi nộp hồ sơ cần xuất trình giấy chứng minh nhân dân.

Công dân đề nghị cấp đổi hộ chiếu có thể gửi hồ sơ về Cục Quản lý xuất nhập cảnh và nhận kết quả qua đường bưu điện theo thông báo ngày 31/7/2007 của Cục Quản lý xuất nhập cảnh.

Về thời hạn trả kết quả, thông báo ghi rõ: Trường hợp nộp hồ sơ tại Công an tỉnh, thành phố thì thời hạn trả kết quả là 8 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ.

Trường hợp gửi hồ sơ xin cấp hộ chiếu đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh qua đường bưu điện thì thời hạn trả kết quả là 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ. Nếu trùng vào ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ thì thời hạn trả kết quả nói trên sẽ cộng thêm số ngày được nghỉ theo quy định của Bộ luật Lao động.

Việc nộp hồ sơ và nhận kết quả tại Công an tỉnh, thành phố qua đường bưu điện hoặc qua ủy thác tổ chức có tư cách pháp nhân cần chờ hướng dẫn của Bộ Công an.

Về thời hạn của hộ chiếu phổ thông, thông báo cho biết, kể từ ngày 15/10/2007, hộ chiếu cấp cho công dân từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn không quá 10 năm tính từ ngày cấp và không được gia hạn; hộ chiếu cấp cho trẻ em dưới 14 tuổi (cấp riêng hoặc cấp chung với hộ chiếu của cha hoặc mẹ) có thời hạn không quá 5 năm tính từ ngày cấp cho đến khi trẻ em có đủ 14 tuổi và không được gia hạn.

Hộ chiếu cấp trước ngày 15/10/2007 (bằng công nghệ in phun ảnh) có giá trị 5 năm tính từ ngày cấp. Khi hết hạn, được gia hạn không quá 3 năm, trừ trường hợp cấp cho  trẻ em dưới 16 tuổi (thời hạn 5 năm) thì không được gia hạn

N.D.
.
.
.