Lừa đảo trúng thưởng qua điện thoại: Chiêu cũ, nạn nhân mới

Thứ Sáu, 21/03/2014, 20:45

Đánh vào sự thiếu hiểu biết của nhiều chủ thuê bao điện thoại, các đối tượng lừa đảo đã vẽ ra những giải thưởng "trong mơ" để rồi chiếm đoạt tiền của họ (qua thẻ cào). Thủ đoạn này không phải là quá mới mẻ, song dường như nó đang có tốc độ lan truyền chóng mặt, thậm chí đã hình thành những ổ nhóm lừa đảo mang tính chất chuyên nghiệp… Công an TP Hà Nội vừa phá một ổ nhóm như vậy.

I. Một ngày đẹp trời, ông Nguyễn Đình Phúc (trú tại Uy Nỗ, Đông Anh, Hà Nội) nhận được một cuộc gọi với giọng Hà Nội "chuẩn" và ngọt như mía lùi. Phía đầu dây tự nhận là nhân viên thuộc "Tổng công ty Viễn thông quân đội Viettel". Nhân viên này vui mừng thông báo với ông rằng số thuê bao của ông đã may mắn trúng thưởng với số tiền lên tới 137 triệu đồng trong chương trình khuyến mãi cho thương binh, nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Công ty Viettel. Ông Phúc sẽ được nhận tiền mặt là 100 triệu đồng cùng với một chiếc xe máy trị giá 37 triệu đồng.

Đang choáng ngợp trước sự may mắn bất ngờ, ông Phúc được "nhân viên Viettel" yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân để làm hồ sơ lĩnh thưởng và nộp 600 nghìn đồng thẻ cào điện thoại Viettel để lấy mã số nhận thưởng. Sau khi đã làm đúng như yêu cầu trên, ông Phúc tiếp tục nhận được điện thoại từ một người xưng là của Sở Giao thông gọi đến, yêu cầu ông nộp 3,6 triệu  đồng để làm thủ tục đăng ký giấy tờ cho xe máy trúng thưởng.

Không một chút nghi ngờ, ông Phúc đã mua đủ chừng ấy thẻ cào để nạp như phía đầu dây bên kia yêu cầu. Có lẽ số giải thưởng quá lớn đã khiến ông Phúc bị mê muội, khi tiếp tục nạp thêm 6,3 triệu đồng cho một đối tượng xưng là người của Chi cục Thuế gọi đến để thu tiền thuế của giải thưởng. Sau khi đã nộp đủ 10,5 triệu đồng, ông Phúc chờ mãi mà không thấy phần thưởng của mình đâu. Gọi lại cho các số điện thoại kia thì đều chỉ thấy… ò í e. Biết mình bị lừa, ông Phúc đã làm đơn trình báo lên Công an Hà Nội.

Cách đây chưa lâu, tại Nghệ An cũng đã xảy ra một trường hợp bị lừa đảo với thủ đoạn tương tự như trên. Nạn nhân là ông Hà Phi Học trú tại xã Đồng Văn (Quế Phong, Nghệ An) đã bị chiếm đoạt tới 25 triệu đồng.

Ông Học kể lại. Một buổi chiều, ông nhận được cuộc gọi từ đầu số 0166 của một thanh niên tự nhận là người của Tổng công ty Viễn thông Quân đội Viettel. Người thanh niên nói giọng Hà Nội vui mừng thông báo ông đã nhận được giải thưởng với tổng trị giá 180 triệu đồng trong chương trình quay số ngẫu nhiên. Cơ cấu giải thưởng bao gồm một xe máy SH trị giá 110 triệu đồng và 70 triệu đồng tiền mặt.

Ông Học được yêu cầu đọc số chứng minh nhân dân, làm hồ sơ nhận tiền mặt và hồ sơ xe máy, đồng thời thanh toán 1,5 triệu đồng phí đăng ký xe bằng việc nạp thẻ cào điện thoại. Tin là thật, ông Học vội làm theo trong lòng khấp khởi vì món lợi bất ngờ. Nhiều ngày sau đó, người thanh niên tiếp tục gọi điện thoại yêu cầu ông nộp lúc 2 triệu, lúc 5 triệu bằng thẻ cào điện thoại để "hoàn tất hồ sơ", "trả tiền công quay phim" và tiền làm "lễ nhận thưởng".

Chưa hết, người thanh niên còn thông báo: "Chúng tôi đang ở Vinh, chuẩn bị vào Đài truyền hình tỉnh để mời phóng viên đi quay phim, đưa tin, vì vậy ông phải nộp tiếp 4 triệu bằng thẻ cào để thuê truyền hình"; rồi cả 2 triệu đồng để làm từ thiện thông qua quỹ "Vì người nghèo"…

Ông Học cứ đinh ninh rằng đoàn quay số trúng thưởng đang trên đường mang tiền và xe đến cho mình nên không mảy may nghi ngờ. Cứ mỗi lần nghe điện thoại xong, ông lại đi vay nóng anh em, bà con để mua thẻ.

Sau hàng chục lần nộp thẻ với số lượng thẻ cào lên đến cả trăm chiếc (tổng số tiền lên đến 25 triệu đồng), ông Học mới cảm thấy nghi ngờ và đến hỏi cán bộ xã. Lúc này, ông mới biết mình bị lừa, số điện thoại kia cũng tắt máy luôn.

Thời gian qua, tình trạng kẻ gian lợi dụng sự cả tin của khách hàng để thực hiện các hành vi lừa đảo qua điện thoại dường như có chiều hướng gia tăng. Chiêu thức của các đối tượng lừa đảo là mạo danh các nhà mạng, nhắn tin hoặc gọi điện cho khách hàng thông báo trúng thưởng với giá trị lớn, sau đó yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, nạp tiền, chuyển tiền vào tài khoản đã được chỉ định,… hoặc giả danh bạn bè, người thân nhờ nạp thẻ cào.

Đầu tháng 4/2013, Công an huyện Nam Đàn (Nghệ An) liên tiếp nhận được trình báo của nhiều bị hại, chủ yếu là người dân trên địa bàn với nội dung bị kẻ xấu dùng lời lẽ ngon ngọt nhắn tin gọi điện lừa mua thẻ cào để trúng thưởng. Hình thức dùng sim rác, gọi đến các số điện thoại thông báo trúng thưởng tiền mặt, xe máy đắt tiền rồi yêu cầu chủ thuê bao nộp lệ phí trúng thưởng.

Đơn cử như chị Cao Thị Hạnh (trú tại xóm 4, xã Phúc Thành) nhận được cuộc điện thoại từ đầu số 0162. Một người đàn ông tự nhận mình là nhân viên của trung tâm công bố kết quả trúng thưởng chi nhánh một ngân hàng ở TP Đà Nẵng. Người này thông báo chị là 1 trong số 21 người may mắn nhận được giải thưởng nhân dịp kỷ niệm 21 năm thành lập chi nhánh ngân hàng. Tổng giá trị giải thưởng lên đến 195 triệu đồng (trong đó gồm 150 triệu đồng tiền mặt, một chiếc xe máy trị giá 38 triệu đồng, 1 chiếc tủ lạnh trị giá 7 triệu đồng).

Sau khi thông báo trúng thưởng, người đàn ông này đề nghị chị Hạnh đọc số chứng minh nhân dân để làm hồ sơ nhận thưởng. Đồng thời, chị Hạnh được yêu cầu nộp tiền phí giao dịch là 8,4 triệu đồng bằng cách mua thẻ cào điện thoại rồi đọc mã số thẻ cho anh ta. Tuy nhiên, khi đã trả tiền lệ phí trúng thưởng, người trao thưởng vẫn như bóng chim tăm cá. Gọi vào số máy trên thì chị Hạnh được thông báo là phải nộp vào 15 triệu đồng nữa mới hoàn thành thủ tục nhận thưởng. Thấy sự việc nhập nhèm nên chị Hạnh tìm đến Cơ quan Công an trình báo.

Cho đến cuối tháng 5/2013, Cơ quan Công an huyện Nam Đàn đã làm rõ nhóm đối tượng ở xã Kỳ Sơn (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã gây ra hơn 30 vụ lừa đảo bằng hình thức gọi điện yêu cầu nộp thẻ cào điện thoại - cũng là nhóm đối tượng đã lừa đảo chị Hạnh. Nạn nhân của chúng rải đều từ Bắc đến Nam và Tây Nguyên, số tiền chúng chiếm đoạt được lên đến hàng trăm triệu đồng.

Một hacker đang lừa nạp thẻ điện thoại sau khi hack được một chủ tài khoản Facebook và tang vật của một vụ lừa đảo trúng thưởng qua điện thoại.

II. Trở lại với vụ việc của ông Phúc, sau khi tiếp nhận thông tin Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC 50), Công an TP Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an thành phố và Tập đoàn Viettel áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức xác minh về ổ nhóm đối tượng tự xưng là nhân viên Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel gọi điện thoại cho khách hàng nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau một thời gian khẩn trương điều tra truy bắt, đến ngày 26/2 vừa qua, Cơ quan Công an đã tóm được một nhóm đối tượng ở vùng rừng núi Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

Các đối tượng gồm: Trương Văn Chỉ (23 tuổi); Nguyễn Tuấn Anh (23 tuổi), Trần Xuân Hùng (20 tuổi) và Nguyễn Thị Xuân (57 tuổi) cùng trú tại Kỳ Lạc (Kỳ Anh, Hà Tĩnh).

Trương Văn Chỉ; Nguyễn Tuấn Anh và Trần Xuân Hùng.

Tại Cơ quan Công an các đối tượng khai, trong quá trình sinh sống tại địa phương, các đối tượng biết tại xã Kỳ Lạc, Kỳ Anh có rất nhiều người thường xuyên gọi điện thoại vào các số thuê bao bất kỳ giả mạo là cán bộ ngân hàng hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, thông báo khách hàng trúng thưởng để lừa đảo. Tuấn Anh đã bàn bạc với Chỉ và Hùng để thực hiện.

Chỉ giả làm nhân viên Viettel, Hùng giả làm người của Sở Giao thông vận tải, Tuấn Anh giả là người bên Chi cục Thuế. Ba đối tượng kẻ tung người hứng, lần lượt gọi điện vào số điện thoại của các bị hại để tiến hành hành vi lừa đảo. Sau khi đã lừa trót lọt hơn 10 triệu đồng của ông Phúc, các đối tượng đã bán cho đối tượng Nguyễn Thị Xuân với giá bằng 70% giá trị mệnh giá thẻ. Số tiền chiếm đoạt được từ hành vi lừa đảo trên các đối tượng chia nhau ăn tiêu hết.

Một điều tra viên thuộc PC 50 cho chúng tôi biết, mặc dù số tiền mà nhóm Chỉ, Tuấn Anh, Hùng chiếm đoạt (hiện tại) không phải là lớn, song hành vi của các đối tượng gây ra là rất nghiêm trọng, gây bức xúc đối với nhiều chủ thuê bao điện thoại cũng như với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bị chúng lừa đảo hoặc giả danh để lừa đảo.

Để triệt phá thành công ổ nhóm này, PC 50 đã phải dày công nghiên cứu các phương thức thủ đoạn của chúng. Và thực sự các đối tượng đã hoạt động một cách có tổ chức, với những thủ đoạn rất tinh vi để đưa nạn nhân vào tròng.

Sau khi được các bậc "đàn anh" trong nghề chỉ dạy, Tuấn Anh (là một kẻ vô nghề nghiệp) đã rủ thêm Hùng (cũng là một kẻ suốt ngày lêu lổng chơi bời) và Chỉ (đang là sinh viên năm cuối của một trường đại học ở Nghệ An) cùng bày mưu tính kế. Trước hết, các đối tượng đi mua một số máy điện thoại phổ thông, pin "trâu" cùng nhiều sim rác về rồi rủ nhau… lên rừng để hành nghề. Hàng ngày các đối tượng dùng sim rác rồi "mắc võng" trên cây để gọi lần lượt vào các số thuộc mạng di động Viettel.

Có người bắt máy, chúng lập tức giả giọng của nhân viên Viettel ở Hà Nội bịa ra một chương trình trúng thưởng nhân dịp kỷ niệm nào đó. Các đối tượng cũng cất công mày mò trên mạng Internet để đọc thông tin về các dịp kỷ niệm này. Sau đó để tạo sự tin tưởng - khi gặp thuê bao nói giọng vùng miền nào thì các đối tượng sẽ phân công nhau giả giọng giống với giọng nói của vùng miền đó - để yêu cầu nạn nhân chuẩn bị hồ sơ lĩnh thưởng.

Ban đầu, các đối tượng chỉ yêu cầu nạn nhân nộp một khoản lệ phí nhỏ. Khi thấy cá đã cắn câu, số tiền sẽ ngày một tăng thêm, và nạn nhân phần vì thiếu thông tin, phần vì tiếc số tiền đã bỏ ra nên "đâm lao phải theo lao". Ngoài vụ lừa đảo ông Phúc ra, còn không ít nạn nhân bị nhóm đối tượng trên lừa, song vì ngại ngần mà họ không dám ra trình báo.

Chính vì thủ đoạn tinh vi như trên, Cơ quan Công an cũng phải mất rất nhiều công sức để tìm ra các đối tượng. Địa bàn các đối tượng hoạt động ở một xã vùng núi, cách thành phố Hà Tĩnh gần 100km. Khi các trinh sát tiếp cận gần đến nơi thì không ít lần bị mất dấu đối tượng. Bên cạnh đó, vì các đối tượng sử dụng sim rác nên việc xác định chính xác người đã từng sử dụng sim đó để lừa đảo cũng không phải là việc đơn giản.

Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ dày dạn, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của Công an huyện Kỳ Anh, các trinh sát của PC 50 đã có mặt tại xã Kỳ Lạc, tiến hành bủa vây và bắt gọn nhóm đối tượng trên, đồng thời di lý ra Hà Nội để tiếp tục mở rộng điều tra

Thiếu tá Phạm Đức Hà - Đội trưởng Đội 2, Phòng PC50 cảnh báo: Qua quá trình điều tra nắm tình hình, Cơ quan Công an còn phát hiện hàng chục đối tượng ở một số xã trên địa bàn huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cũng đã lập các nhóm để tổ chức lừa đảo với hình thức nạp thẻ cào để lĩnh thưởng.

Để tránh bị các đối tượng lừa đảo, các chủ thuê bao điện thoại cần hết sức cảnh giác trước những số điện thoại "lạ" gọi đến thông báo trúng thưởng. Nếu có bất cứ nghi ngờ gì thì có thể gọi đến tổng đài để hỏi cho rõ. Đồng thời nhà mạng khi có chương trình khuyến mãi hoặc bốc thăm trúng thưởng cần thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngoài ra, Thiếu tá Hà cũng cho biết hiện trên các mạng xã hội đang xảy ra hiện tượng "hack" chủ tài khoản để lừa nạp thẻ điện thoại. Các hacker sau khi lấy được tài khoản mạng xã hội (Facebook, Twitter…) sẽ nhắn tin đến danh sách các bạn bè trong Friendlist để nhờ mua giùm thẻ điện thoại. Chủ tài khoản nào thiếu cảnh giác thì rất dễ mất tiền oan với các đối tượng.

Minh Tiến
.
.
.