Ngày 31/10/2011, Khai mạc Đại hội đồng Interpol lần thứ 80 tại Hà Nội:

Interpol Việt Nam với cuộc chiến chống tội phạm xuyên quốc gia

Thứ Ba, 01/11/2011, 15:30
Qua kênh INTERPOL, Lực lượng Cảnh sát Việt Nam đã bắt giữ và trao trả trên 200 đối tượng truy nã cho cảnh sát các nước Mỹ, Hàn Quốc, Australia... phối hợp với cảnh sát nước ngoài bắt giữ và dẫn độ về nước 49 đối tượng truy nã của Việt Nam. Trong đó có đối tượng Bùi Hữu Tài và Nguyễn Thành Thắng được FBI (Mỹ) xếp vào danh sách 2 trong 10 đối tượng nguy hiểm nhất của năm 1998; đối tượng Nguyễn Hải Nam phạm tội giết người ở Đức…

Năm 1923, các nhà lãnh đạo cảnh sát một số nước châu Âu đã đề ra sáng kiến thành lập một Ủy ban Châu Âu về chống tội phạm có tên gọi là “Ủy ban Cảnh sát hình sự quốc tế”. Năm 1965, Ủy ban Cảnh sát hình sự quốc tế được chính thức đổi tên thành “Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế - Interpol” viết tắt là ICPO - INTERPOL, trụ sở đóng tại thành phố Lyon, Cộng hòa Pháp. Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế hoạt động với các tôn chỉ, mục đích sau:

Duy trì và phát triển sự hợp tác có đi có lại ngày càng rộng rãi của tất cả các lực lượng cảnh sát các nước thành viên, trong khuôn khổ luật pháp hiện hành ở tất cả các quốc gia và trên tinh thần của tuyên ngôn nhân quyền.

Xây dựng và phát triển tất cả những định hướng nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế phòng, chống các vi phạm pháp luật.

Nghiêm cấm mọi hoạt động can thiệp vào những hoạt động mang tính chính trị, quân sự, tôn giáo hoặc phân biệt chủng tộc.

Tới thời điểm hiện tại, Interpol đã  trở thành tổ chức quốc tế lớn thứ ba thế giới với mạng lưới thành viên lên tới 188 quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó có Việt Nam.

Luôn hướng tới việc thúc đẩy các nước thành viên duy trì và đảm bảo an ninh thông qua việc cung cấp thông tin và bằng chứng của nhiều nhóm đối tượng tội phạm với nhiều loại hình phạm pháp khác nhau, Interpol chịu trách nhiệm lưu trữ một cơ sở dữ liệu toàn cầu, thực hiện truy tìm và phát lệnh truy nã các đối tượng phạm tội tới từng nước thành viên, tổ chức và phối hợp hoạt động quy mô “vượt ngoài biên giới”. Không chỉ trực tiếp là cơ quan đầu não về chống tội phạm, Interpol còn có nhiệm vụ đào tạo lực lượng tác chiến tại các nước thành viên với hai tôn chỉ “kết nối cảnh sát toàn cầu vì một nền hòa bình chung” và “chống tội phạm thông qua hợp tác quốc tế tăng cường”.

Nhân kỳ họp Đại Hội đồng Interpol lần thứ 80 được tổ chức tại Hà Nội, Chuyên đề ANTG xin chuyển tới bạn đọc những tư liệu mới nhất về hiệu quả hoạt động của tổ chức Interpol toàn cầu và Văn phòng Interpol Việt Nam.

Đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Ban chỉ đạo tổ chức Kỳ họp Đại hội đồng Interpol lần thứ 80. ảnh: Công Gôn.

Ronald K. Noble - Tổng thư ký Interpol: “Chúng ta sẽ chiến thắng khi hợp tác với nhau trên mọi phương diện"

Nhiều thập niên trước đây, vai trò của Interpol chưa thực sự nổi bật, người ta chỉ biết mơ hồ qua phim ảnh và tiểu thuyết hình sự. Thậm chí, trong lịch sử tồn tại và phát triển của Interpol, nhiều lần tổ chức này còn đứng trước những lời chỉ trích bóng gió về cách thức hoạt động trong những chiến dịch truy bắt trên phạm vi toàn cầu. Rằng, cơ cấu tổ chức này quá rắc rối, công nghệ không theo kịp thời đại và những "lỗ hổng" khiến thông tin nhạy cảm không cánh mà "bay" tới báo giới.

Tuy nhiên, sự thật là không một ai biết rõ về Interpol như chính những người trong cuộc. Với tiêu chí cải tiến và cập nhật tiến bộ khoa học công nghệ, Interpol ngày nay đã thiết lập một mạng lưới toàn cầu với hệ thống máy tính "siêu khủng", điều hành bởi những "cựu binh" giàu kinh nghiệm nhất, tái tổ chức toàn bộ cơ cấu hoạt động và thắt chặt hơn nữa an ninh bảo mật nội bộ, chính thức "đánh bại" mọi chỉ trích của người ngoài cuộc.

Trên 150 nước thành viên được liên kết thông qua máy tính, và hoạt động trong vòng luật pháp rộng lớn chưa từng có, vượt xa biên giới của một quốc gia, cho phép truyền tin với thời gian chưa đầy 2 phút. Bên trong Interpol là một trung tâm hoạt động ngày đêm với những nhân viên đủ màu da, ngôn ngữ, theo dõi khắp nơi trên thế giới những sự kiện từ nhỏ tới lớn, có thể gây nguy hại cho toàn cầu.

Interpol những năm gần đây đã thu thập được một ngân hàng dữ liệu liên quan đến hoạt động phi pháp và tội ác: hơn 68.000 dấu vân tay của tội phạm, 73.000 mẫu ADN và tên của 12.000 nghi can khủng bố. Hiện nay, Interpol vừa là ngân hàng dữ liệu toàn cầu vừa là mạng lưới liên lạc công nghệ cao. Và cơ quan này đã sử dụng cả hai hệ thống trên để chống lại các dạng tội phạm quốc tế mới.

Nơi đây là một hệ thống cảnh báo và vây bắt rất đáng gờm: một cơ sở dữ liệu điện tử khổng lồ và khả năng kết nối thông tin "tưởng chừng như không thể" từ hàng loạt các nguồn cung cấp khác nhau như hộp đen máy bay, số điện thoại, hồ sơ và mã số của những nghi can từng bị Interpol "điểm danh".

Khi khuynh hướng toàn cầu hóa phát triển, nạn khủng bố gia tăng, thì tội ác và âm mưu gây tội ác có thể nảy mầm từ một góc hiu quạnh trên trái đất, nhưng chỉ mấy tiếng đồng hồ sau rất có thể nổ ra tại một nơi phồn hoa đô hội ở cách đó hàng ngàn cây số. Thiếu Interpol là không thể và coi nhẹ Interpol là sai lầm chiến lược tệ hại nhất trong cuộc chiến chống tội ác.

Sau biến cố 11/9, vai trò Interpol càng trở nên quan trọng và vị lãnh đạo mới của tổ chức, Ronald K. Noble, đã phải lên tiếng rằng: "Sức mạnh và thành công của Interpol nằm trong mối liên kết chặt chẽ của tất cả các nước thành viên. Chúng ta chỉ thực sự chiến thắng mọi “nỗ lực” tàn phá hòa bình nhân loại khi chúng ta hợp tác với nhau, trên mọi phương diện".

Hơn 4 tháng trước (7/6/2011), Interpol đã kêu gọi các hãng hàng không thế giới cần nhanh chóng lập ngân hàng hộ chiếu quốc tế để ngăn chặn những hành động khủng bố tương tự như vụ tấn công nước Mỹ 11/9/2001. Theo ông Noble, việc chia sẻ ngân hàng hộ chiếu sẽ cho phép cơ quan chức năng dễ dàng phát hiện những hộ chiếu giả, bị thất lạc hay bị đánh cắp và Interpol coi đây là nguy cơ số 1 đối với an ninh thế giới. Chưa dừng lại ở đó, Interpol còn gây chấn động khi từng ra lệnh truy nã những nhân vật "máu mặt" trên chính trường.

Ngày 29/9/2011, Interpol đã phát lệnh bắt giữ ông Saadi Gaddafi, con trai của Tổng thống bị lật đổ Gaddafi, với các tội danh biển thủ tài sản bằng vũ lực và đe dọa vũ trang trong thời gian lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Libya. Điều này khiến người ta liên tưởng tới cuộc truy lùng của Interpol đối với con gái cả của cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein 1 năm rưỡi về trước với cáo buộc bà ta về tội kích động bạo lực và hỗ trợ tài chính cho một mạng lưới khủng bố.

Nhiều chuyên gia nghiên cứu lịch sử Interpol dự đoán, "sức mạnh" của tổ chức cảnh sát toàn cầu này sẽ không ngừng tăng lên, cả về lượng và chất. Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo rằng, song song với đó là sự bất ổn về chính trị, nền hòa bình bị gián đoạn cùng những bất công xã hội trở thành những rào cản chính "khó có tổ chức quốc tế nào đủ mạnh để vượt qua và chế ngự". Khi ấy, vai trò của Interpol trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, đặc biệt là nhiệm vụ đối đầu với những loại hình phạm tội xuyên biên giới, hoạt động trên nhiều quốc gia với những hình thức tổ chức ngày càng tinh vi và khó nhận biết.

Đại tá Đặng Xuân Khang (bên phải) và các sĩ quan của Văn phòng Interpol Việt Nam trao đổi thông tin với Đoàn Cảnh sát Nhật Bản.

Văn phòng Interpol Việt Nam và những hiệu quả trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có tính quốc tế liên quan đến Việt Nam

Thông qua các khuôn khổ hợp tác và không ngừng cải tiến, nâng cao hệ thống thông tin, viễn thông hiện đại, Lực lượng Cảnh sát Việt Nam đã thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý, trao đổi thông tin tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài với các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương của Việt Nam và cảnh sát các nước.

Kết quả 20 năm qua đã tiếp nhận và xử lý trên 44.749 lượt thông tin, trong đó có 12.379 lượt thông tin liên quan đến công tác truy nã quốc tế, 12.714 lượt thông tin liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự xuyên quốc gia, 3.324 lượt thông tin liên quan đến tội phạm kinh tế, 2.990 lượt thông tin về tội phạm ma túy và trên 13.122 lượt thông tin liên quan đến tương trợ tư pháp hình sự.

Qua kênh INTERPOL, Lực lượng Cảnh sát Việt Nam đã bắt giữ và trao trả trên 200 đối tượng truy nã cho cảnh sát các nước Mỹ, Hàn Quốc, Australia... phối hợp với cảnh sát nước ngoài bắt giữ và dẫn độ về nước 49 đối tượng truy nã của Việt Nam. Trong đó có đối tượng Bùi Hữu Tài và Nguyễn Thành Thắng được FBI (Mỹ) xếp vào danh sách 2 trong 10 đối tượng nguy hiểm nhất của năm 1998; đối tượng Nguyễn Hải Nam phạm tội giết người ở Đức…

Đối với tội phạm hình sự, từ năm 1991 đến nay, Lực lượng Cảnh sát Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước, cơ quan thi hành pháp luật nước ngoài xác minh làm rõ nhân thân lai lịch, tiền án, tiền sự, hoạt động phạm tội của trên 1.000 đối tượng liên quan đến các chuyên án lớn về hình sự của các đơn vị nghiệp vụ, công an địa phương, cảnh sát các nước. Tham gia phối hợp điều tra, xác minh hơn 2.500 vụ việc liên quan đến hoạt động phạm tội giết người, cướp tài sản, nhập cư bất hợp pháp, mua bán người, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia…

Đối với tội phạm kinh tế, lực lượng cảnh sát đã tiếp nhận và xử lý 3.324 lượt thông tin liên quan  trên 1.000 vụ việc. Qua công tác phối hợp đấu tranh, lực lượng cảnh sát đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ trong nước, các cơ quan thi hành pháp luật nước đã điều tra, khám phá nhiều vụ án kinh tế nghiêm trọng, đặc biệt phát hiện 235 vụ lừa đảo gây thất thoát tài sản nhà nước, xác minh làm rõ hàng ngàn đối tượng, trên 180 tổ chức có tư cách pháp nhân (là các công ty, ngân hàng, quỹ tín dụng…) liên quan đến các hoạt động tội phạm kinh tế như rửa tiền, buôn lậu và đặc biệt là hoạt động lừa đảo thuế VAT.

Phối hợp điều tra, khám phá và bóc gỡ hàng chục đường dây buôn lậu thuốc lá, xe ôtô, xăng dầu từ nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại, phối hợp khám phá nhiều đường dây, băng nhóm rửa tiền, chuyển tiền bất hợp pháp từ nước ngoài vào Việt Nam.

Đối với tội phạm ma túy, qua công tác phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ trong nước, các cơ quan thi hành pháp luật nước ngoài, thời gian qua, Lực lượng Cảnh sát Việt Nam đã xác minh làm rõ hàng ngàn đối tượng, địa chỉ có liên quan đến các hoạt động phạm tội ma túy xuyên quốc gia như buôn bán vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới, tàng trữ và sử dụng ma túy, trồng cây cần sa…

Những thông tin xác minh thu được đã giúp bóc gỡ nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam không chỉ trong phạm vi các nước trong khu vực mà liên quan tới cả châu lục, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi… bắt giữ nhiều đối tượng và thu giữ một lượng lớn ma túy. Chỉ tính riêng trong 5 năm từ năm 2006 đến tháng 6/2011 đã phát hiện, bắt giữ 397 vụ, 820 đối tượng phạm tội ma túy có yếu tố nước ngoài.

Đối với tội phạm sử dụng công nghệ cao và tội phạm môi trường, Lực lượng Cảnh sát Việt Nam đã phối hợp rất chặt chẽ và hiệu quả với cảnh sát các nước thành viên Interpol xử lý và trao đổi nhiều lượt thông tin phục vụ công tác điều tra xử lý của các cơ quan chức năng trong và ngoài nước.

Đối với tội phạm khủng bố, 5 năm trở lại đây, Lực lượng Cảnh sát Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý gần 60 vụ việc liên quan đến hoạt động của các đối tượng khủng bố hoặc nghi khủng bố; trong đó chủ yếu là các yêu cầu của Cảnh sát Mỹ, Anh, Pakistan, Ban Tổng thư ký Interpol… Ngoài ra, Lực lượng Cảnh sát Việt Nam đang quản lý danh sách, thông tin cá nhân của trên 1.000 đối tượng có lệnh truy nã quốc tế về tội khủng bố cũng như hàng ngàn đối tượng nghi có liên quan đến các tổ chức khủng bố quốc tế.

Ngày 4/11/1991, trong phiên họp đầu tiên của kỳ họp Đại Hội đồng Interpol lần thứ 60 tại thành phố Penta De Este, Urugoay, Đại Hội đồng Interpol đã chính thức thông qua đơn xin gia nhập Tổ chức của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) Việt Nam với đa số phiếu tán thành. Lực lượng Cảnh sát Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 156 của Tổ chức Interpol, mở ra một cơ chế hợp tác đa phương về thực thi pháp luật trên phạm vi rộng nhất từ trước đến nay.

Tại kỳ họp Đại Hội đồng Interpol lần thứ 78 tại Singapore vào năm 2009, Ban Tổng Thư ký và các nước thành viên đã bỏ phiếu thống nhất đồng ý chọn Việt Nam đăng cai tổ chức Kỳ họp Đại Hội đồng Interpol lần thứ 80.

Lễ khai mạc và các phiên họp toàn thể sẽ diễn ra từ ngày 31/10 đến 3/11/2011 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội. Chủ đề của kỳ họp Đại Hội đồng Interpol lần thứ 80 là: “Kết nối Cảnh sát toàn cầu vì một thế giới hòa bình hơn. Tăng cường quan hệ đối tác, xây dựng năng lực và đổi mới”.

Kỳ họp lần này là cơ hội để Việt Nam khẳng định nỗ lực trong phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia; chiến lược phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm xuyên quốc gia nói riêng của Việt Nam trong thời gian tới với các nước trên toàn thế giới.

Đặng Huyền - Ngọc Mai
.
.
.