Hai mặt của cảnh sát đặc nhiệm chống khủng bố

Thứ Ba, 24/04/2018, 06:39
RAB (viết tắt của Bangladeshi Rapid Action Battalion) là đội đặc nhiệm phản ứng nhanh của lực lượng cảnh sát quốc gia Bangladesh - được thành lập ngày 26-3-2004 và bắt đầu các chiến dịch từ ngày 14-4-2004 - nằm dưới sự chỉ huy của Mohammad Sohail và được coi là lực lượng bán quân sự tinh nhuệ của chính quyền Nam Á này.

Theo các tài liệu ngoại giao Mỹ do Wikileaks tiết lộ, trong 2 năm 2008 và 2009, giới quan chức ngoại giao Mỹ ở Dhaka mặc dù rất lo ngại trước tình trạng RAB vi phạm nhân quyền, song họ vẫn coi lực lượng là viễn cảnh tốt nhất cho hàng loạt chiến dịch chống khủng bố ở Bangladesh. Ngay đến những người chỉ trích RAB mạnh mẽ cũng phải thừa nhận RAB có nhiều thành công trong việc ngăn chặn sự phát triển hoạt động khủng bố Hồi giáo ở Bangladesh.

Sohail cho biết thành viên RAB được tuyển mộ từ những người giỏi nhất trong quân đội, hải quân, không quân, cảnh sát và vệ sĩ biên giới. Bản thân Sohail cũng xuất thân từ hải quân. Thành viên cả nam lẫn nữ của RAB thường xuyên tuần tra quanh các đường phố thủ đô Dhaka, vũ trang súng trường tấn công, mặc sắc phục toàn màu đen, quấn khăn đen trên đầu, mang giày đen và kính đen nên họ còn được gọi là “Men in Black”.

Lực lượng RAB thi hành nhiệm vụ ở Quảng trường quốc gia Bangabandhu..

Sohail nhấn mạnh: “Những thách thức ở một đất nước như Bangladesh là vô cùng to lớn. Các nhóm quân sự, tội phạm ma tuý có mặt khắp nơi. Dhaka hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của 5 đến 7 ông trùm mafia”.

 Sohail nêu bật những khó khăn mà RAB phải đối mặt tại những khu vực khó kiểm soát của Bangladesh như là Sundarbans, khu rừng rộng lớn ở miền nam nước này. Khoảng 8.500 thành viên RAB giữ gìn an ninh cho đất nước Bangladesh có khoảng 150 triệu dân, và từ năm 2004 có 34 thành viên RAB bị giết chết khi đang làm nhiệm vụ và hơn 400 người khác bị thương. Nhưng phản ứng của công chúng đối với RAB rất khác nhau.

Ví dụ như Nicolas Haque, phóng viên của đài Al Jazeera ở Bangladesh, cho rằng người ta sẽ cảm thấy an toàn hơn khi RAB có mặt xung quanh.

Trong khi một người Mỹ sống ở Dhaka phát biểu ông không tán đồng những phương pháp hành động của RAB nhưng lại đánh giá cao những gì họ đang làm. Còn người dân sống tại những vùng hẻo lánh, nhất là phụ nữ, nói họ cảm thấy yên tâm hơn khi lực lượng RAB có mặt trong khu vực.

Mặc dù vậy, Sultana Kamal - giám đốc “Ain o Salish Kendra” (ASK), nhóm nhân quyền đặt trụ sở chính ở Dhaka – nhận định cách thức mà RAB vận dụng để đối phó với tội phạm là vượt ngoài khuôn khổ luật pháp Bangladesh, và được coi là không được phép trong một xã hội văn minh. Những cuộc đọ súng giữa RAB và bọn tội phạm gây ra khá nhiều thương vong cho dân thường và đó là lý do khiến RAB trở thành hình ảnh đáng kinh sợ trong con mắt nhiều người Bangladesh.

Tháng 3-2010, nhà nhiếp ảnh Shahidul Alam chuẩn bị tổ chức một cuộc triển lãm ảnh về những vụ giết người ngoài luật pháp có tên gọi là “Đọ súng”, nhưng đã bị RAB ngăn cản. Cuối cùng gallery buộc phải đóng cửa trước khi cuộc triển lãm mở màn. Một vụ việc khác làm xấu đi hình ảnh RAB trong mắt người Bangladesh là vụ bắn vào chân trái học sinh 16 tuổi Limon Hossain mà Sohail nói đó là người của một tên tội phạm ma tuý nguy hiểm Morshed Jamaddar ở làng Jhalakati.

Vụ việc xảy ra vào ngày 23-3-2011 và 4 ngày sau các bác sĩ Bangladesh đã phải cắt cụt chân của Limon Hossain để cứu mạng cậu bé. Gần như mỗi ngày kể từ đó tên của Hossain thường xuyên xuất hiện trên các mặt báo của Bangladesh và trở thành lời buộc tội RAB đã hành xử như quan toà trong sứ mạng quét sạch tội phạm và tham nhũng khỏi đất nước Nam Á này.

Năm 2004, Bangladesh được coi là “hang ổ của chủ nghĩa khủng bố”. Ví dụ điển hình nhất là ngày 17-8-2005, khi 500 quả bom đồng loạt xé nát 63 trong số 64 khu vực của Bangladesh. Sau đó, Jamaatul Mujahideen Bangladesh, một nhóm khủng bố được cho là có quan hệ với Al Qaeda, tuyên bố nhận trách nhiệm về loạt nổ bom gây rúng động cả nước Bangladesh này. RAB phản ứng ngay lập tức.

Nếu như Mỹ mất gần 10 năm để tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden, thì RAB chỉ mất chưa đầy 6 tháng để tóm cổ Banla Bhai và Shaykh Abdur Rahman, 2 kẻ chủ mưu trong vụ đánh bom khủng bố đồng loạt ngày 17-8-2005! Theo báo cáo của Sohail, từ năm 2004 RAB bắt giữ 104.000 người, tịch thu hơn 10.000 vũ khí bất hợp pháp, tất cả đều được sản xuất ở nước ngoài.

Bất chấp mọi sự chống đối mạnh mẽ nhằm vào RAB, Mỹ cũng nhìn nhận RAB là đồng minh đáng giá trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Trong khi đó giới ngoại giao Mỹ cho rằng RAB có thể phát triển thành một lực lượng tương đương với FBI ở khu vực Nam Á.

Theo Brad Adams, nhiều vấn đề liên quan đến RAB nảy sinh khi thành viên của biệt đội bắt đầu nắm quyền gìn giữ công lý trong tay. Adams nhận định: “RAB bắt đầu tự quyết về số phận tội phạm vì họ không tin vào hệ thống toà án hình sự”. Các tổ chức nhân quyền cáo buộc RAB đôi khi tấn công cả người dân vô tội đồng thời họ luôn sử dụng bạo lực để tra khảo những nghi can mà họ bắt giữ.

Tháng 5-2011, HRW công bố một báo cáo về một số vụ tra tấn và giết người của RAB, bao gồm một vụ trong đó thành viên RAB đã giết lầm một người đàn ông chỉ vì người này có biệt danh giống như tội phạm. Sohail cho rằng báo cáo của HRW chỉ là “tập sách trách oán phiến diện của tội phạm và gia đình họ”.

Anthony Sarker, quản lý khách sạn, mô tả “RAB là những anh hùng thật sự đối với dân nghèo. Họ giống như những tên cướp biển mặc đồ đen”. Mặc dù thừa nhận thành viên của RAB có hành động vượt quá quyền hạn, song Sarker cho điều đó là cần thiết bởi vì “hệ thống tư pháp không hoạt động nên cách hữu hiệu nhất để kiểm soát tội phạm là theo cách của RAB”.

Diên San
.
.
.