Giới trẻ hút cần sa và con đường trở thành tội phạm
1. Cuối năm 2014, khi làm bảo vệ tại một quán bar ở phố Bà Triệu, Nguyễn Mạnh Hưng (SN 1982) ở M7 tập thể Mai Hương, phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội "bập" vào cần sa. Theo khai nhận của Hưng, cuối mỗi buổi làm việc, khi bar đóng cửa, các nhân viên lại tụ tập hút cần sa.
"Hút cần sa giống như hút thuốc lá, nên khi được mời, em cũng hút thử xem sao. Vì mọi người nói hút thứ này không gây nghiện như heroin" - Hưng kể. Lần đầu thử, Hưng cho biết "thấy bình thường", nhưng từ những lần sau, cần sa mang lại cho anh ta cảm giác sảng khoái, vui vẻ, thích nói chuyện với mọi người, cảm giác những câu chuyện cởi mở dù rằng những người trong nhóm hút không quen nhau. Cần sa khiến Hưng quên đi áp lực về món nợ tiền tỉ do làm ăn thua lỗ trước đó.
Tốt nghiệp trung cấp xây dựng, Hưng từng làm giám sát công trình cho một tổng công ty lớn, sau đó chuyển sang làm chủ thầu. Ban đầu, công việc làm ăn khá thuận lợi. Tuy nhiên đến năm 2012, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, giá vật liệu xây dựng tăng cao, công trình đội giá khiến Hưng thua lỗ, nợ nần triền miên. Thất nghiệp, Hưng trở thành nhân viên bảo vệ của quán bar.
Hiện việc mua bán cần sa trên mạng xã hội khá phổ biến. |
Nguyễn Mạnh Hưng khai, ở bar rất sẵn cần sa. Khách mang đến hút rồi chia cho nhân viên bar sử dụng. Được hút miễn phí nên Hưng cũng muốn thử cảm giác của loại ma túy đang là mốt trong giới trẻ xem sao. Hưng cố biện minh rằng hút cần sa thì không bị nghiện, vì có lần anh ta "nghỉ" 1-2 tuần không sử dụng cũng không thấy cảm giác "thèm" thuốc. Nhưng mỗi lần có áp lực công việc, trả nợ, Hưng lại tìm đến cần sa để được xả stress. Đó chính là lúc Hưng đã nghiện cần sa, nhưng anh ta đã không nhận ra.
Làm được khoảng 4 tháng thì quán bar bị đóng cửa. Hưng lại trở thành kẻ thất nghiệp. Tìm cần sa để giải khuây, sẵn lúc đang gặp khó khăn về kinh tế, Hưng tính chuyện mua cần sa về chia nhỏ bán kiếm lời, vừa có tiền trả nợ, lại có cái hút miễn phí. Anh ta tìm mối mua "hàng" và khách hàng chính là số nhân viên làm việc tại quán bar trước đây, trong đó có Nguyễn Ngọc Anh.
Khi bị bắt giữ, Ngọc Anh khai nhận biết và sử dụng cần sa khi làm việc tại quán bar này. Hầu hết khách đến quán bar đều chơi "cỏ" và cho nhân viên của quán sử dụng. Sau đó, Ngọc Anh tìm mối bán cần sa để mua giúp hoặc bán cho khách.
Là kẻ chuyên "phân phối" cần sa, Nguyễn Mạnh Hưng khai, khách hàng mua thứ "cỏ" độc này chủ yếu là giới trẻ. "Bây giờ việc giới trẻ hút cần sa khá phổ biến. Họ hút ngay tại các quán nước vỉa hè, quán cà phê, giải khát hay trong quán bar. Sở dĩ cần sa đang trở nên phố biến bởi người sử dụng có thể dùng công khai, bất kể lúc nào và chỗ nào vì cách hút giống như thuốc lá, cắt nhỏ quấn thành điếu bằng giấy tự cuốn hoặc hút bằng điếu cày. Người nghiện cần sa ban đầu đều có một suy nghĩ giống nhau là hút cho vui, hút thử xem sao vì cần sa không gây nghiện. Và sai lầm cũng bắt đầu từ đây…" - Nguyễn Mạnh Hưng thú nhận.
2. "Ban đầu nó chỉ dùng cần Việt. Nhưng khi nghiện nặng, nó phải chuyển sang cần Mỹ, rồi cả hàng đá nữa. Thể lực của nó yếu dần. Gần đây, nó có biểu hiện giảm trí nhớ nghiêm trọng…" - bà Nguyễn Thị M., mẹ của Lai Thắng Lợi (SN 1988) - con nghiện cần sa bị bắt khi mua hàng của Nguyễn Mạnh Hưng cho biết.
Bà M. kể, Lợi nghiện cần sa cách đây khá lâu, từ khi còn học đại học. Những lời xì xào của người thân buộc bà phải để ý quan sát, phát hiện sự bất thường của con trai. Bà thấy nó thường xuyên mang kéo trong người và những tờ giấy mỏng dạng giấy cuốn thuốc lá trong ví. Sau này, bà mới biết kéo dùng để cắt vụn cần sa rồi cuốn thành điếu giống như thuốc lá. Lợi hay thức khuya, ham chơi điện tử, thường xuyên chơi qua đêm.
Thời gian đầu khi phát hiện con nghiện cần sa, bà bị sốc nặng. Từ đó bà tự mày mò tìm hiểu xem đó là loại ma túy gì, cách điều trị ra sao. Dày công đưa con đến các cơ sở điều trị, có thời gian, Lợi đã bỏ được cần sa khoảng nửa năm. Bản thân Lợi cũng nhận thức được cần sa là thứ nguy hiểm, độc hại. Nhưng rồi không hiểu vì lý do gì, nó sử dụng trở lại.
"Nó hay ra quán nét chơi điện tử. Những đứa nghiện cần sa hay tụ tập ở đó. Có lần cai được rồi nhưng khi ra quán, những đứa dùng cần sa tại đó cho hút lại. Thế là tái nghiện. Cần sa khiến chúng nó chơi điện tử mấy ngày liền không biết mệt mỏi. Sau đó, chúng về nhà lăn ra ngủ mê man".
Những lúc có thuốc, Lợi tỏ ra rất vui vẻ, cười đùa, nói chuyện cởi mở với mọi người, có chuyện gì cũng kể. Nhưng khi thiếu thuốc, Lợi trở nên lầm lì, cáu bẳn, không thích tiếp xúc với mọi người, thậm chí ngồi cả ngày chẳng nói câu nào.
Nhiều lần, bà M nói chuyện thẳng thắn với con về cần sa, để hiểu con hơn. Lợi một mực cho rằng hút cần sa thì không gây nghiện, thích thì hút thôi, không thích thì bỏ vài tháng cũng không thấy nhớ. Nhưng thực tế, nó ngày càng nghiện nặng hơn. Từ chỗ sử dụng "cần Việt" chỉ 200.000 đồng/túi/ngày, Lợi tăng liều nên phải chuyển sang dùng "cần Mỹ" có giá 600.000 đồng/túi/ngày.
Được mẹ giao cho một sạp hàng tại chợ đêm để lo cuộc sống nhưng khi đã phê cần sa, Lợi bỏ bê cả việc kinh doanh, triền miên trong các quán điện tử đến sáng mới về rồi lăn ra ngủ. Để có tiền sử dụng cần sa, Lợi nhiều lần "cắm đồ" như điện thoại, xe máy.
3. Thượng tá Nguyễn Văn Đức, Đội trưởng Đội 7 Phòng PC47 Công an Hà Nội rất trăn trở khi nói rằng, hiện tượng sử dụng cần sa trong thanh thiếu niên hiện nay không còn là số ít mà khá phổ biến. Thậm chí, các đối tượng còn lập ra các trang facebook riêng để mua bán cần sa.
Điều nguy hiểm là trên các trang facebook này, có hàng chục ngàn thanh niên tham gia, thường xuyên chia sẻ ảnh, status, comment dạy nhau cách sử dụng cần sa, thậm chí cả hạt giống cây cần sa và cách trồng cây, thu hoạch. Đối tượng sử dụng và mua bán cần sa chủ yếu ở độ tuổi dưới 30 và hầu hết chưa có tiền án tiền sự. Cần sa có nguồn gốc tại Việt Nam và các nước châu Á được gọi là cỏ, pin, tài mà, bồ đà. Gần đây, xuất hiện các loại cần sa có nguồn gốc từ Mỹ, Úc với tên gọi "tê giác mắt đỏ".
Hai đối tượng Nguyễn Mạnh Hưng, Nguyễn Ngọc Anh và tang vật thu giữ. |
Hiện nay, việc mua bán cần sa chủ yếu qua điện thoại và mạng xã hội. Các đối tượng nhắn tin giao dịch, thỏa thuận giá cả, địa điểm giao nhận hàng… Sau khi thỏa thuận, tiền được chuyển vào tài khoản và hàng được đóng gói giao tận nơi nên gây rất nhiều khó khăn cho Cơ quan Công an trong việc phát hiện, bắt giữ.
Điển hình như ngày 9/6 vừa qua, Công an quận Nam Từ Liêm đã bắt giữ Trần Quốc Thịnh (SN 1991, ở Can Lộc, Hà Tĩnh) vận chuyển 2.406,98gr cần sa từ Hà Tĩnh ra bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) để tiêu thụ. Thịnh khai nhận trước đó thấy một trang cá nhân trên mạng xã hội rao bán cần sa nên Thịnh mua thử 100.000 đồng.
Gói cần sa này được đóng gói và gửi về Hà Tĩnh qua đường xe khách cho Thịnh. Từ đó, thanh niên này tiếp tục lên mạng và được dạy cách mua bán cần sa với số lượng lớn. Được 3 khách ở Hà Nội đặt mua 2,5kg cần sa, Thịnh lên mạng mua với giá 7 triệu đồng/kg, mang ra Hà Nội bán được 11 triệu đồng/kg thì bị bắt giữ.
Theo Thượng tá Phạm Quỳnh, Phó trưởng phòng PC47 Công an Hà Nội, nghiện cần sa nguy hiểm không kém các chất ma túy khác, người nghiện từ chỗ tăng liều dẫn đến các nguy cơ trở thành tội phạm mua bán trái phép ma túy và các loại tội phạm khác. Tuy nhiên nhiều bạn trẻ và gia đình hiện nay chưa ý thức hết được tác hại của loại ma túy này mà cho rằng sử dụng cần sa chỉ giống như hút thuốc lá, không gây nghiện.
Qua tìm hiểu các đối tượng nghiện cần sa cho thấy, sự lạm dụng cần sa của giới trẻ thường khởi đầu từ việc nghe nói dùng cần sa làm tinh thần phấn khởi, yêu đời nên muốn thử cho biết. Sau vài lần thử thấy hay hay, hấp dẫn bèn thử nữa. Tiếp đến là giai đoạn bị ám ảnh với cảm giác thích thú, kích động nên dùng thường xuyên hơn và dùng mọi thủ đoạn để có thuốc.
Giai đoạn cuối cùng là dùng bất cứ thuốc nào khác thay thế để thỏa mãn cảm giác mong muốn. Đó là điểm nguy hại vì khởi đầu từ cần sa, người sử dụng có thể đi tới nghiện các loại ma túy độc hại hơn như hồng phiến, heroin, rượu mạnh, các hóa chất kích thích tâm thần khác… Cần sa gây ảo giác khiến người sử dụng không kiểm soát được hành vi của mình, là nguy cơ phát sinh các loại tội phạm.
Thượng tá Nguyễn Văn Đức cảnh báo, để ngăn chặn cần sa đang thâm nhập sâu trong giới trẻ, trước hết các bậc phụ huynh cần quan tâm, theo dõi và phát hiện khi con em mới chớm vào loại ma túy này để có biện pháp ngăn chặn kịp thời, đặc biệt là các gia đình có con trẻ có những biểu hiện bất minh về thời gian, hay đi chơi khuya, hay tụ tập ở quán bar, thức khuya chơi game dẫn đến sức khỏe suy sụp.
Dấu hiệu sớm nhất thường là thay đổi thái độ và hành động của chúng như học hành đang chăm chỉ, tiến bộ trở thành chểnh mảng, hay trốn học hoặc đi học trễ; tính tình thay đổi, kém tập trung, mau quên; ăn ngủ thất thường, hay than phiền chóng mặt, mệt mỏi, bước đi không vững, mắt đỏ hoe. Nhiều em trở nên hoang tưởng, hoảng hốt một cách vô cớ. Trên quần áo, trong phòng ngủ có mùi cần sa. Hay mang theo người giấy cuốn thuốc, kéo… Cha mẹ có thể tự kiểm tra con có sử dụng cần sa không bằng các test thử nhanh nước tiểu.
Ngày 14/8, Phòng PC47 Công an Hà Nội cho biết, đơn vị đang làm thủ tục khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi mua bán trái phép ma túy đối với Nguyễn Mạnh Hưng (SN 1982, ở M7 tập thể Mai Hương, phường Bạch Mai) và Nguyễn Ngọc Anh (SN 1993, ở C4 tập thể Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Trước đó, 20 giờ 20 phút ngày 7/8, tại đầu ngõ 86 phố Nguyễn Phong Sắc, Đội 7 Phòng PC47 kiểm tra, bắt quả tang Nguyễn Mạnh Hưng đang mang theo 3 gói cần sa trọng lượng 12,825gr đi bán. Hưng khai đã bán ma túy được 5 tháng nay. Nguồn gốc số ma túy trên do Hưng mua của Nguyễn Ngọc Anh. Mỗi lần Hưng mua 100gr cần sa với giá 2,5 triệu đồng, về chia nhỏ thành 16 gói bán lẻ 200.000 đồng/gói. Căn cứ tài liệu thu thập được và tang vật vụ án, ngày 8/8, Cơ quan CSĐT đã ra lệnh bắt khẩn cấp và tạm giữ đối với Nguyễn Ngọc Anh. |