Giết người vì danh dự: Hủ tục cần phải ngăn chặn

Thứ Ba, 06/04/2021, 21:33
Cô gái đã bị chém đến chết bằng dao rựa và khúc gỗ, sau khi tiết lộ cô đang hẹn hò với ai đó, trong một vụ án đã gây chấn động Indonesia. Hồi chuông về tình trạng bạo lực kèm hủ tục lại một lần nữa khiến người dân trên đất nước vạn đảo buộc phải kiên quyết hơn trong cuộc đấu tranh dai dẳng này.

Vụ việc chấn động vạn đảo

Hồi đầu tháng 5-2020, báo cáo đầu tiên về vụ giết chết một nữ sinh “vì danh dự” đã gây chấn động cả nước Indonesia và khiến các nhà hoạt động nhân quyền cảnh báo về một hiệu ứng “lây truyền” của cộng đồng người Hồi giáo trong bối cảnh làn sóng chủ nghĩa bảo thủ cực đoan tôn giáo đang gia tăng.

Ngày 9-5-2020, cô gái 16 tuổi tên Rosmini binte Darwis bắt đầu một ngày mới bình thường như bao ngày khác ở thị trấn Bantaeng miền nam đảo Sulawesi. Cô gái có sức khỏe không tốt, thường hay bị nôn mửa và ngất xỉu trong nhiều tuần. Gia đình cho rằng Rosmini bị “ma ám” nên đưa cô đến một pháp sư thay vì bác sĩ. Khi biết tin Rosmini bị bệnh, anh họ Usman của Rosmini đã đến thăm cô - một chuyến thăm dẫn đến bi kịch tử vong cho cô gái.

Rahman, anh trai 30 tuổi của Rosmini buộc tội Usman “yểm bùa” trên người em gái của mình. Sự thừa nhận của Rosmini rằng cô có mối quan hệ với Usman càng khiến tình hình trở nên u ám. Trong khi đó, Usman phủ nhận mối quan hệ tình cảm với Rosmini. Tức giận trước tiết lộ của Rosmini, Rahman bắt đầu tấn công Usman bằng một khúc gỗ. Usman bỏ chạy. Không bắt được Usman, Rahman và em trai 20 tuổi Surianto quay về bắt một người hàng xóm trẻ mà họ gặp trên đường làm con tin với mong muốn buộc người này kết hôn với Rosmini. Nhưng, người hàng xóm từ chối.

Cuối cùng, Rosmini và những người khác trong gia đình tập hợp trong một căn phòng, nơi cảnh tượng hết sức tàn bạo diễn ra. Với một con rựa và một khúc gỗ, Rahman và Surianto đã tấn công Rosmini đến chết trong khi mọi người lạnh lùng theo dõi. Những bức ảnh ghê rợn về cơ thể ướt đẫm máu của Rosmini xuất hiện trên Internet. Wawan Sumantri, cảnh sát trưởng Bantaeng, cho biết Rosmini đã không chiến đấu cho cuộc sống của mình. Cô ấy đã đầu hàng số phận.

Cô gái người Iran Romina Ashrafi, bị sát hại trong một vụ giết người vì danh dự.

Theo Wawan, Rosmini được biết đến là một cô con gái tốt, không gây rắc rối cho gia đình và thường được đối xử tốt trước ngày định mệnh đó. Hai anh trai của Rosmini, đều là nông dân, đã bị bắt vì tội giết em gái. Wawan báo cáo: “Cuộc điều tra cho thấy nạn nhân bị sát hại vì gia đình cảm thấy xấu hổ khi Rosmini không khỏi bệnh và vì Rosmini nói đang có quan hệ yêu đương với Usman. Đây là một trường hợp giết người vì danh dự”. Wawan cũng cho biết không thể chứng minh được rằng Rosmini có quan hệ tình dục với Usman.

Cái chết của Rosmini đã gây chấn động cả nước Indonesia, quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới với 270 triệu người, được biết đến với hình ảnh Hồi giáo ôn hòa. Các vụ “giết người vì danh dự” được cho là không hiếm gặp ở Trung Đông và Nam Á, những nơi mà trẻ em gái và phụ nữ sẽ bị giết nếu họ bị coi là đã mang lại sự xấu hổ cho gia đình.

Cũng vào khoảng cuối tháng 5-2020 tại Iran, nữ sinh 14 tuổi tên Romina Ashrafi bị cha giết chết bằng cây liềm khi cô gái đang ngủ. Romina Ashrafi đã bỏ trốn cùng bạn trai vài ngày trước đó. Khi cô được tìm thấy, cảnh sát đã cho phép người cha đưa cô con gái về nhà mặc dù cô gái đã nói với họ rằng cô sợ ông sẽ trừng phạt cô dữ dội.

Wawan Sumantri, Cảnh sát trưởng Bantaeng.

Tư tưởng cực đoan

Liên Hợp Quốc ước tính rằng khoảng 5.000 phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới chết hàng năm trong các vụ giết người như vậy. Nhưng họ hiếm khi nghe nói về vấn nạn này ở khu vực Đông Nam Á. Andreas Harsono, nhà nghiên cứu tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Indonesia, tin rằng cái chết của Rosmini là ghi nhận đầu tiên về vấn nạn “giết người vì danh dự” ở nước này. Harsono bày tỏ mối lo ngại về hậu quả của vấn đề và cho rằng các gia đình khác sẽ làm điều tương tự. Theo Harsono, Indonesia đang chứng kiến sự trỗi dậy của tư tưởng Hồi giáo cực đoan với hơn 700 đạo luật sharia - từ việc bắt buộc mặc áo trùm đầu, đến lệnh giới nghiêm cho phụ nữ. Nỗi ám ảnh của phụ nữ là bị kiểm tra cơ thể - từ tóc đến âm đạo, như trong trường hợp thử nghiệm trinh tiết, theo Harsono.

Ở Indonesia, những phụ nữ muốn tham gia quân đội bắt buộc phải trải qua một cuộc kiểm tra trinh tiết. Nhà tâm lý học Alissa Wahid, giám đốc quốc gia của Gusdurian Network Indonesia, một tổ chức cơ sở với các nhà hoạt động ở hơn 100 thành phố ở Indonesia, cho biết hiện tại có xu hướng chủ nghĩa bảo thủ cực đoan trên các giá trị nguyên thủy của Hồi giáo. Alissa, con gái của giáo sĩ Hồi giáo nổi tiếng và cựu tổng thống Abdurrahman Wahid, nhận định: “Đây là điều đáng lo ngại và có thể hậu quả của chúng không phải những vụ chết chóc. Nhưng dù sao nó cũng nguy hiểm đối với cuộc sống hạnh phúc, đặc biệt là đối với con gái”.

 Alissa cho biết trong các nghiên cứu của mình, phụ nữ ở một số gia đình Indonesia bị coi là gánh nặng, đổ lỗi cho việc mang lại sự xấu hổ cho gia đình nếu họ chưa lập gia đình khi đã đủ tuổi hoặc chỉ vì sống đúng với cá tính của mình. Any Rufaedah, giảng viên tâm lý học xã hội Đại học Hồi giáo Nahdlatul Ulama ở Indonesia, nhận định rằng hiệu ứng lan truyền của hành động dã man này có thể xảy ra dù ở hiện tại khá nhiều người lên án nó: “Nếu sự cố là do các giá trị văn hóa, cơ hội khuyến khích người khác làm điều tương tự là cao hơn nhiều”.

Any cho rằng nhiều hành vi bạo lực được thực hiện bởi các thành viên trong gia đình. “Điều này cũng xảy ra ở nhiều nước, thậm chí ở Mỹ. Tại sao? Bởi vì các thành viên trong gia đình là những cá nhân gần gũi nhất với bạn. Khi ai đó tức giận, các thành viên khác trong gia đình sẽ trở thành nạn nhân”. Theo Any, gia đình của Rosmini tin rằng cái chết chính là hình phạt tốt nhất cho cô gái. Any nói: “Tại sao họ lại giết một phụ nữ? Không có giải pháp nào khác? Giết người giống như một hình phạt có từ nhiều thế kỷ trước, khi mọi người không biết luật pháp hay đối thoại”. Bất kỳ sự giết chóc nào cũng phản ánh một tiêu chuẩn kép gia trưởng, trong đó tình dục ngoài hôn nhân được dung thứ cho nam giới nhưng không dành cho nữ giới. “Mọi người dân có xu hướng nói rằng phụ nữ không thể bảo vệ danh dự của chính mình”, Any nói.

Một số gia đình ở Indonesia không tin con gái cần giáo dục.

Bị tấn công vì từ chối quan hệ tình dục

Dữ liệu của chính phủ Indonesia cho thấy, số vụ bạo hành phụ nữ cao nhất xảy ra trong các hộ gia đình. Phụ nữ Indonesia cũng phải đối mặt với quấy rối tình dục thường xuyên ở các không gian công cộng, kể cả trên đường phố và các phương tiện giao thông công cộng. Các nhà hoạt động thường xuyên cảnh báo về “đại dịch” quấy rối tình dục và bạo lực chống phụ nữ ởIndonesia, sau một số vụ kinh hoàng trong thời gian sau này.

Trong một vụ, một người đàn ông ở Jakarta dùng dao rựa thẳng tay chém vợ chỉ vì cô từ chối quan hệ tình dục với anh ta - một hành động diễn ra ngay trước mắt 2 đứa con chỉ mới 7 và 14 tuổi của họ! Người mẹ may mắn sống sót sau vụ tấn công khi hàng xóm nghe thấy tiếng la hét nên nhanh chóng phá cửa và tìm thấy cô trong tình trạng nguy kịch. Người phụ nữ 34 tuổi nay đã hồi phục sức khỏe.

Vào giữa tháng 7-2019, một bà mẹ 3 con ở phía tây Java đã tấn công chồng mình bằng rìu do bị trầm cảm sau sinh. Hannah Al-Rashid, nữ diễn viên và nhà hoạt động người Indonesia, lên tiếng: “Những câu chuyện rất gây sốc vì chúng khá là tàn bạo, nhưng đồng thời tôi cũng thấy sốc khi không có nhiều phương tiện truyền thông đưa tin. Có lẽ bởi vì trong những trường hợp này, cả hai người phụ nữ đều đã kết hôn và vấn đề liên quan đến cưỡng hiếp trong hôn nhân, một sự thật mà rất nhiều người ở đất nước này phủ nhận tồn tại. Tôi nghĩ điều làm tôi sợ nhất về vấn đề ở đây là bạn có thể gọi đó là một đại dịch”.

Một phụ nữ Indonesia bị xét xử ngay nơi công cộng ở Banda Aceh vì bị bắt gặp âu yếm với bạn trai.

Mariana Amiruddin, từ Ủy ban Quốc gia về Bạo lực Chống phụ nữ (Komnas Perempuan), cho biết ở Indonesia việc phát sóng các vấn đề liên quan đến hôn nhân từ lâu đã được coi là điều cấm kỵ. Amiruddin nói: “Cưỡng dâm trong hôn nhân ở Indonesia là hành vi bạo lực gia đình. Tuy nhiên, văn hóa ở đất nước này vẫn cho rằng các bà vợ phải phục vụ tình dục [chồng của họ] trong bất kỳ hoàn cảnh nào”. Dữ liệu từ Ủy ban Quốc gia năm 2018 cho thấy số vụ bạo hành phụ nữ cao nhất xảy ra trong các hộ gia đình, với xu hướng cưỡng hiếp trong hôn nhân là một phần do nhiều phụ nữ cố gắng tiến tới lối sống hiện đại.

Kết quả từ một cuộc khảo sát được công bố bởi một liên minh các nhóm bảo vệ quyền phụ nữ báo cáo phụ nữ Indonesia cũng thường xuyên đối mặt nạn quấy rối tình dục trong không gian công cộng - bao gồm trên đường phố và trên phương tiện giao thông công cộng, tại nơi làm việc và các môi trường giáo dục. Cuộc khảo sát, được thực hiện với 62.000 người từ 34 tỉnh khắp Indonesia, tiết lộ rằng hơn 60% phụ nữ nước này từng trải qua các vụ quấy rối tình dục bằng lời nói và hơn một nửa trong số đó trở thành nạn nhân khi chưa đến 16 tuổi.

Rika Rosvianti, từ một trong các nhóm liên quan, cho biết: “Nhiều người cho rằng nạn nhân của nạn quấy rối tình dục cũng bị quy trách nhiệm rất nhiều vì bị coi là “mời” quấy rối bằng cách mặc quần áo gợi cảm hoặc đi bộ một mình vào ban đêm, Tuy nhiên, tất cả những giả định này có thể bị bác bỏ bởi kết quả khảo sát cho thấy rõ ràng rằng phụ nữ che mặt thường bị quấy rối ngay cả trong ban ngày”. Khoảng 17% phụ nữ được khảo sát cho biết họ bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng trong khi mặc áo trùm đầu, trong khi 35% cho biết họ bị quấy rối vào ban ngày, so với 21% vào ban đêm. Phát biểu tại một buổi họp báo công bố khảo sát, Al-Rashid kêu gọi công chúng nâng cao nhận thức về bạo lực chống phụ nữ, đặc biệt là trên Internet.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.
.