"Đạo Hà Mòn" – Trò dối trá của bọn phản động Fulro

Thứ Sáu, 14/06/2013, 18:15

Song song với chiêu thức tự dựng lên cái gọi là "Tin Lành Đề Ga", bọn phản động Fulro tiếp tục lợi dụng câu chuyện "Đức mẹ hiện hình" của đạo Công giáo để bịa đặt ra cái gọi là "Đạo Hà Mòn" ở Tây Nguyên nhằm lừa phỉnh người dân. Năm 2012 tại địa bàn một số làng của xã Hà Ra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, một số đối tượng phản động theo tổ chức Fulro đã kích động người dân địa phương thực hiện những âm mưu chống phá chính quyền. Chúng bắt người dân địa phương nộp tiền, gạo, lương thực… để tiếp tế cho các đối tượng Fulro đang lẩn trốn trong rừng. Vì nghe theo chúng, nhiều người dân đã bỏ bê nương rẫy, dẫn đến đói nghèo, bệnh tật...

Đứng đầu tuyên truyền những luận điệu sai trái của cái gọi "Đạo Hà Mòn" ở Tây Nguyên là Y Gyin, A Tách, A Hyum, Chi, Lý…cùng một số đối tượng khác lợi dụng sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin của bà con ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số, thêu dệt, dựng lên chuyện "Đức mẹ hiện hình" để tuyên truyền, lừa bịp bà con, nhằm phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc, gây mất an ninh trật tự.

Y Gyin (60 tuổi), trú tại làng Ktu Hơ Moong, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum là một người đàn bà mù chữ nhưng lại có mưu sâu lừa bịp bà con đi "Đạo Hà Mòn" do bà ta tưởng tượng và dựng lên. Y Gyin khai nhận rằng, 10 năm trước trong một lần nhóm họp một số người dân tại nhà, bà ta đã nghĩ ra việc phải làm thế nào lôi kéo được nhiều người đi theo mình, để bản thân mình được tôn trọng như các chức sắc tôn giáo chính thống ở nhà thờ.

Y Gyin có lòng tham vô đáy và bà ta  đã nghĩ ra việc mượn danh tôn giáo để ru ngủ người dân. Vì thế bà ta mời một số người đến nhà mình rồi dựng chuyện nói: "Tôi thấy đức mẹ Maria hiện lên nói đây là lần cuối cùng mẹ hiện lên, mẹ nói các con phải tin và nghe theo lời dạy bảo của mẹ để có cuộc sống sung túc hơn…". Sau đó bà ta cho nhiều người tung tin lên thành cái gọi là "Hà Mòn" hay cái gọi là "Đạo Y Gyin" để lừa phỉnh bà con các làng đồng bào dân tộc thiểu số nghe theo và đóng góp tiền bạc, lương thực, thực phẩm cho các đối tượng cầm đầu hoạt động Fulro.

Chúng liên tục tung ra các luận điệu bịa đặt, nhảm nhí: "Người nào đi theo "Hà Mòn" của bà Y Gyin thì không phải lao động vẫn sung sướng, ốm đau không chữa cũng khỏi bệnh, vay vốn không phải trả; ai tin theo Y Gyin thì khi chết sẽ được lên thiên đường, ai không theo sẽ bị đày xuống địa ngục…".

Ngoài ra, bọn chúng còn tuyên truyền, khống chế không cho bà con nhận các mặt hàng chính sách, chương trình hỗ trợ của Nhà nước với đồng bào dân tộc thiểu số, cấm tham gia các hoạt động do các cơ quan đoàn thể, chính quyền ở địa phương tổ chức…

Luận điệu bịa đặt bậy bạ này được A Tách, A Hyum chép lại và phát tán bằng tiếng Bahnar trong nhiều làng ở Kon Tum và Gia Lai, Đắk Lắk. Đồng thời, các đối tượng còn dựa vào kinh thánh về Đức mẹ Maria của đạo Công giáo để sao trích, tự biên soạn ra các tài liệu như: "Thông điệp Đức mẹ hiện hình" hay "Sứ điệp Đức mẹ Maria" nhằm lôi kéo, kích động giáo dân từ bỏ đạo chính thống, không đến nhà nguyện, nhà thờ để theo cái gọi "Hà Mòn" của Y Gyin.

Các đối tượng Chi, Lý, Runh, Jơnh, ở xã Hra, huyện Mang Yang (Gia Lai) và A Tách, A Hyum ở Kon Tum... thực hiện âm mưu đen tối của bọn phản động Fulro đã buộc những người theo cái gọi là "Hà Mòn" hàng tháng phải đóng góp 50.000 đồng, nếu tháng nào không đóng tiền kịp thì tháng sau đó phải đóng gấp đôi. Riêng ở Gia Lai đã có khoảng 10 lần các đối tượng cầm đầu, cốt cán gom tiền và đưa lên Kon Tum cho Y Gyin, mỗi lần 2 đến 5 triệu đồng.

Theo Y Gyin giải thích, tiền thu này để mua các vật dụng làm lễ dâng "Đức mẹ". Nhưng thực chất Y Gyin đã sử dụng toàn bộ số tiền thu được để tiêu xài cá nhân.

Hành vi lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi của Y Gyin cùng các đối tượng còn gây chia rẽ đoàn kết dân tộc và tạo nên những mâu thuẫn giữa các tín đồ tôn giáo chân chính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự. Nguy hiểm hơn, là bọn phản động Fulro lưu vong đã lợi dụng hoạt động của Y Gyin cùng đồng bọn để tập hợp lực lượng, kích động chống phá chính quyền, gây mất ổn định về an ninh trật tự ở một số địa bàn trên Tây Nguyên.

Y Gyin cùng tang vật, hung khí của bọn phản động Fulro.

Trước thực trạng đó, chính quyền, các cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum đã chỉ rõ, vạch trần những thủ đoạn lừa bịp, sai trái của Y Gyin cùng  một số đối tượng cầm đầu cốt cán khác ở các địa phương và khuyên răn, nhắc nhở Y Gyin cùng nhóm đối tượng không nên lợi dụng tôn giáo hoạt động sai trái, gây tội ác với nhân dân, trái với đạo đức tôn giáo... Thế nhưng bọn chúng vẫn luôn lén lút nhóm họp trái phép, lẩn trốn ra rừng tiếp tục hoạt động. Trong quá trình lẩn trốn, các đối tượng cầm đầu đã sử dụng điện thoại di động để liên lạc, móc nối với các đối tượng Fulro lưu vong ở nước ngoài, nhận chỉ đạo hoạt động chống phá chính quyền.

Tại các làng Kret Krot, KDung và Bơ Chăt, xã H'ra, huyện Mang Yang (Gia Lai), các đối tượng cầm đầu như Runh, Byưk, Jơnh đã tập hợp thanh thiếu niên trong các làng tổ chức tập võ, mua cung tên, dao, rựa và nhiều loại hung khí nguy hiểm khác để nhằm chống lại các cơ quan chức năng. Đồng thời, bọn chúng  ngăn cản không cho người dân, các đội công tác của chính quyền, đoàn thể vào làng. Bọn chúng khống chế dân làng không cho tiếp cận với cán bộ làm công tác dân vận...

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với một số đối tượng cầm đầu tham gia tổ chức phản động Fulro tại các làng Kret Krot, KDung 1 và Bơ Chăt thuộc xã H’ra, huyện Mang Yang (Gia Lai) về hành vi phá hoại chính sách đoàn kết, theo Điều 87 Bộ luật Hình sự  nước CHXHCN Việt Nam.

Quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra cũng đã thu giữ nhiều tài liệu tuyên truyền phản động và các loại hung khí như cung tên, dao rựa, gậy gộc, giáo mác do bọn phản động Fulro lôi kéo những người quá khích chuẩn bị để chống chính quyền. Thể hiện rõ âm mưu chống đối chính quyền của bọn phản động nữa là tại nhà của các đối tượng cầm đầu, đã tiến hành đào hầm để hoạt động, tổ chức tập võ để chống đối v.v…

Sau khi các đối tượng cầm đầu như A Tách, A Hyum ở Kon Tum bị bắt, thì các đối tượng Chi, Đinh Lý và một số đối tượng cầm đầu, cốt cán khác cũng lần lượt sa lưới pháp luật hoặc ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật. Một trong những đối tượng cầm đầu là Runh (34 tuổi) trú ở làng Kret Krot, xã H’ra, Mang Yang, Gia Lai, đã thú nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và khai nhận rằng, y hoạt động phạm tội theo sự chỉ đạo của A Tách ở Kon Rẫy, Kon Tum, cùng một số đối tượng Fulro khác.

Theo Runh khai nhận, A Tách đã chỉ đạo phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc theo âm mưu phản động từ bên ngoài của Nếp, Di… và người đứng đầu là Ksor Kơk. Từ sự chỉ đạo của các đối tượng phản động Fulro lưu vong ở Mỹ như Ksor Kơk, Di, Nếp… và A Tách, A Hyum ở Kon Tum, Runh đã cùng các đối tượng Byưk, Jơnh… trú ở xã H’ra, Mang Yang, Gia Lai, tuyên truyền, lôi kéo kích động một số người dân ở địa phương, chống phá chính quyền, phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc. Bọn chúng kích động, lôi kéo một số người dân sử dụng hung khí như dao, nỏ, cung tên… chống lại cơ quan thi hành công vụ, tụ tập trái phép, gây rối an ninh trật tự…

Rõ ràng hoạt động của Y Gyin về chuyện bịa đặt cái gọi là "Đạo Hà Mòn" rồi cấu kết với một số đối tượng cầm đầu, cốt cán khác như Đinh Lý, Chi, Vung, H'rôn, A Tách, A Hyum… để liên lạc, móc nối, nhận sự chỉ đạo của tổ chức Fulro lưu vong bên ngoài nhằm chống phá chính quyền, gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, gây nên nhiều tội ác với đồng bào người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên là hành vi vi phạm pháp luật hết sức nghiêm trọng…

Ying, 34 tuổi, trú tại làng Bơ Chăt, xã H’ra (Mang Yang, Gia Lai), người được các đối tượng cầm đầu giao "phụ trách" khung ngầm cấp làng đã thú nhận: "Mình nghe theo Runh, Byưk, Jơnh... hoạt động chống phá chính quyền. Bây giờ, biết việc mình làm là sai rồi, mong Nhà nước khoan hồng, tha thứ để được về làm ăn với gia đình".

Còn Nưk, người một thời cũng bị bọn Fulro lừa phỉnh, nhưng bây giờ đã thức tỉnh nhận ra: "Bọn phản động Fulro không giúp gì cho dân làng mà chỉ kích động dân làng đi biểu tình, chống phá chính quyền, phá hoại cuộc sống bình yên của dân làng mà thôi".

Rõ ràng, với những thủ đoạn o ép và các luận điệu tuyên truyền sai sự thật, lừa bịp dân làng của bọn phản động Fulro như: "Thành lập nhà nước riêng cho người dân tộc thiểu số, không làm mà lại hưởng sung sướng...", chỉ là sự ảo tưởng, lừa mị. Hành động trên do các đối tượng: ATách, Ahyum ở Kon Rẫy (Kon Tum); Runh, Byưk, Jơnh, ở làng Kret Krot, xã H’ra, Mang Yang (Gia Lai) đã tuyên truyền, nhằm lôi kéo, đe dọa và khống chế  một số người dân nhẹ dạ nghe theo Fulro nhằm tăng cường hoạt động chống phá chính quyền, gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, chia rẽ tôn giáo, phá hoại cuộc sống bình yên của nhân dân. Khi bị bắt, chính các đối tượng này cũng đã thú nhận bản thân chúng cũng vì hám lợi mà nhẹ dạ cả tin nghe theo lời bọn phản động Fulro để lừa dối dân làng và trở thành những "con rối" để các đối tượng Fulro giật dây.  

Các bị cáo phạm tội phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc được đưa ra xét xử công khai và thú nhận tội lỗi trước dân làng.

Giữ cho buôn làng bình yên

Ngày 28/5 vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã mở phiên tòa lưu động, xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với 8 bị cáo bị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai, truy tố về tội "Phá hoại chính sách đoàn kết", theo Điều 87 Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Theo cáo trạng, các đối tượng: Runh, Jơnh tên thường gọi là Chình, Byưk, cùng trú tại làng Kret Krot, xã H’ra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai; Đinh Hrôn, Đinh Lứ, cùng trú ở xã An Thành, huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai; A Hyum, tên thường gọi là Bã Kôl; A Tách tên thường gọi là Bă Hlôl ở huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum; và Y Gyin, ở làng Ktu Hơ Moong, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, đã có hành vi lợi dụng lòng tin của một số người dân nhằm hoạt động chống phá chính quyền.

Tại phiên tòa xét xử công khai, các bị cáo đều thú nhận hành vi phạm tội của mình. Căn cứ vào hồ sơ vụ án và các chứng cứ pháp lý theo quy định pháp luật, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo A Tách: 11 năm tù; Runh: 10 năm tù; Jơnh: 9 năm tù; A Hyum và Byưk mỗi bị cáo 8 năm tù; Đinh Lứ và Đinh Hrôn mỗi bị cáo 7 năm tù; Y Gyin: 3 năm tù.

Việc Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đưa các đối tượng trên ra xét xử và tuyên phạt mức án tương xứng với các hành vi phạm tội của từng bị cáo, đã được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Bây giờ cuộc sống người dân ở làng Kret Krot (Gia Lai), Kon Tụ (Kon Tum) đã bình yên trở lại.  Tại các làng Kret Krot, Kdung, Bchắt… của xã H’ra, lũ trẻ được tự do tung tăng cắp sách đến trường, bà con được tự do đi lên rẫy, xuống đồng để chăm lo sản xuất, đảm bảo cuộc sống. Cùng với chính quyền, các cơ quan đoàn thể, cán bộ chiến sĩ Công an huyện Mang Yang, Công an Gia Lai, Cục An ninh Tây Nguyên... đã tích cực đến từng gia đình vận động bà con sớm nhận ra lẽ phải, không nghe theo những lời xúi giục của kẻ xấu, giúp dân làng yên tâm lao động sản xuất, sớm ổn định cuộc sống

Ngọc Như
.
.
.