Đặc nhiệm chống khủng bố bị cáo buộc vi phạm nhân quyền

Thứ Ba, 08/05/2018, 10:18
Cảnh sát đặc nhiệm chống khủng bố Densus 88 - bao gồm 400 thành viên được thành lập vào ngày 30-6-2003, sau vụ đánh bom khủng bố ở đảo Bali năm 2002 - được Mỹ và Australia tài trợ, trang bị vũ khí và huấn luyện đặc biệt chống khủng bố trong nước.

Densus 88 được đánh giá thành công đáng kể trong cuộc chiến chống lại các ổ khủng bố liên quan đến phong trào Hồi giáo Jemaah Islamiyah ở miền trung đảo Java. Con số 8 được coi là số may mắn ở châu Á, nhưng theo chuẩn tướng Pranowo con số “88” thể hiện số người Australia bị giết chết trong vụ đánh bom khủng bố ở đảo Bali năm 2002.

Densus 88 nhận được sự trợ giúp kỹ thuật điều tra một cách tích cực từ các cơ quan nước ngoài, bao gồm Cảnh sát liên bang Australia. Lực lượng được Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), FBI và Sở Mật vụ Mỹ (SS) cũng như lực lượng đặc biệt Australia và một số cơ quan tình báo khác huấn luyện tại Megamendung, cách Jakarta 50km về phía nam.

Densus 88 được thiết kế chống lại mọi mối đe dọa khủng bố từ đánh bom cho đến bắt cóc con tin. Và, biệt đội bao gồm nhiều nhà điều tra, chuyên gia về các loại chất nổ và một bộ phận những xạ thủ bắn tỉa.

Densus 88.

Giới chức ngoại giao Mỹ khẳng định các nỗ lực của Mỹ “về thực chất nhằm tăng cường khả năng của chính quyền Indonesia trong các chiến dịch triệt phá các ổ khủng bố và tiến hành những cuộc điều tra tội phạm liên quan đến khủng bố”. Năm 2009, Densus 88 mở chiến dịch truy quét các phần từ khủng bố ở miền trung đảo Java giết chết Noordin Mohama Top, người được coi là nằm trong số những tên khủng bố nguy hiểm nhất khu vực Đông Nam Á.

Vào đầu tháng 8-2009, Densus 88 cũng bắn hạ 2 nghi can khác và tìm thấy 500kg chất nổ trong cuộc đột kích vào một căn nhà ở khu Bekasi gần thủ đô Jakarta của Indonesia. Tháng 6-2011, Densus 88 bắt giữ một nghi can khủng bố ở Bandung và ngày hôm sau trao trả xác của người này về cho gia đình. Tuy nhiên, có nhiều báo cáo liên tục cáo buộc lực lượng cảnh sát Indonesia giết chết các nghi can một cách bất hợp pháp không qua xét xử và vi phạm nhân quyền trầm trọng. 

Ngày 20-12-2012, một nhóm người vũ trang bắn chết 4 thành viên của lực lượng cảnh sát cơ động và làm bị thương 3 người khác ở Poso, đảo Sulawesi. Cảnh sát Indonesia tức thì phản ứng, sau đó vài nghi can bị bắt giữ và tra tấn. Nhưng, đó chưa phải là vụ việc duy nhất.

Vào tháng 1-2013, Densus 88 tiến hành một loạt chiến dịch ở các đảo Makassar, Sulawesi và Lombok, giết chết 11 nghi can chỉ trong vòng 2 ngày. Những người này tự nhận có quan hệ với “Nhóm Santoso” được coi là chịu trách nhiệm trong những vụ tấn công khủng bố trước đó và những đe dọa đánh bom.

Lực lượng Densus 88 bắt giữ một nghi can khủng bố được cho là có liên quan đến Al-Qaeda.

Sau hàng loạt những chiến dịch chống khủng bố gây chết người của Densus 88, các nhóm nhân quyền bắt đầu lên tiếng cáo buộc biệt đội do Mỹ và Australia huấn luyện cũng như tài trợ mạnh có hành động quá bạo lực, thậm chí giết cả những người vô tội. Và, điều khác thường là ngay đến những phần tử Hồi giáo cực đoan cũng chỉ trích Densus 88 vi phạm nhân quyền.

Đài Voice of al-Islam (VOI) tuyên bố những vụ giết người như thế là “quá đáng” và lập luận rằng điều đó chỉ gây thêm lòng oán hận của các cộng đồng người Hồi giáo. Năm 2012, lực lượng Densus 88 bị chỉ trích kịch liệt khi được triển khai đến Tây Papua và tấn công những ngôi làng để săn lùng những phần tử ly khai.

Năm 2014, Cảnh sát Quốc gia Indonesia đối mặt với sức ép đòi giải tán Densus 88 sau sự xuất hiện một video trên YouTube cho thấy hình ảnh những sĩ quan cảnh sát trói gô, tra tấn và nhục mạ một nghi can khủng bố. Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát quốc gia cho biết họ sẽ không nhượng bộ trước mọi sức ép cho đến khi nào bảo đảm Indonesia không còn một phần tử khủng bố.

Chuẩn tướng Boy Rafli Amar, người phát ngôn của cảnh sát quốc gia, tuyên bố: “Chúng tôi đã biết vụ việc trong video. Poso từng là trung tâm của những xung đột và hàng chục nạn nhân đã bị giết chết. Luật pháp phải được thực thi để bảo vệ các nhóm khác trong cộng đồng. Lãnh đạo Cảnh sát quốc gia nhất định sẽ giải tán Densus 88 nếu như có người có thể bảo đảm đất nước không còn bóng một tên khủng bố nào”.

Ông Din Syamsuddin - là Chủ tịch Muhammadiyah, tổ chức Hồi giáo lớn hàng thứ hai của Indonesia - kêu gọi Cảnh sát Quốc gia phải thay đổi đường lối trong cuộc chiến chống khủng bố và có tính chuyên nghiệp hơn nữa nhằm ngăn chặn những tội ác vi phạm nhân quyền tiếp tục xảy ra trên đất nước đông dân Hồi giáo này.

Diên San (tổng hợp)
.
.
.