Cuộc đời kỳ lạ của một siêu lừa

Thứ Tư, 19/05/2021, 09:37
Chuyện đời của "trùm lừa đảo" nước Mỹ Frank Abagnale đã thu hút sự chú ý của khán giả trên toàn thế giới sau khi cuốn tự truyện “Hãy bắt tôi đi nếu các người làm được” của gã được chuyển thể thành bộ phim cùng tên năm 2002.

Bộ phim được sản xuất bởi “ông trùm Hollywood” Steven Spielberg với sự góp mặt của 2 diễn viên từng đoạt giải Oscar Leonardo Di Caprio và Tom Hanks. Kịch bản cuốn hút cùng diễn xuất tài tình của 2 ngôi sao đã mang lại cho bộ phim rất nhiều giải thưởng danh giá và khoản lợi nhuận khổng lồ.

Cuốn tự truyện kể về những cú lừa kéo dài từ năm 1965 đến năm 1969 của Frank. Trong 4 năm ngắn ngủi, Frank đã đóng giả một phi công của Hãng hàng không Pan American, một bác sĩ ở bang Georgia, một luật sư làm việc tại phòng công tố vùng Baton Rouge ở Louisiana, và một giáo sư giảng dạy ở Đại học Brigham Young. 

Ngoài ra, “siêu lừa” còn kí ngân phiếu giả và hưởng lợi 2 triệu USD ở 26 quốc gia khác nhau. Theo như lời Frank, gã đã thực hiện những phi vụ này trót lọt khi còn rất trẻ và bị FBI truy đuổi.

Tuy bộ phim khẳng định rằng mọi tình tiết đều là thật, nhưng có lẽ việc tạo ra một cuộc đời đầy màu sắc mới là trò lừa công phu nhất của Frank. Gần đây, quyển sách “Màn lừa đảo lớn nhất thế giới: Tóm lấy sự thật khi chúng ta có thể” của phóng viên Alan C. Logan đã tuyên bố câu chuyện đời của Frank hoàn toàn là bịa đặt.

Frank Alabagne ở thời điểm hiện tại.

Lừa đảo từ... bé

Frank William Abaglane sinh năm 1948 tại New York và lớn lên ở khu New Rochelle. Cha của Frank là người Mỹ gốc Ý và ông sở hữu một cửa hàng nơi anh em Frank thường giúp việc khi rảnh rỗi, còn mẹ của Frank là người Pháp. Frank là một học sinh giỏi và từng đỗ vào trường trung học dự bị Iona - một trong những ngôi trường hàng đầu nước Mỹ.

Nạn nhân đầu tiên của “siêu lừa” chính là… cha của Frank. Năm 15 tuổi, Frank được cha tặng một chiếc thẻ tín dụng để mua xăng và nghịch tử đã giả chữ kí của cha, rút khoảng 3.400 USD để tiêu xài. Lúc này, Frank bắt đầu viết ngân phiếu giả để lừa đảo các ngân hàng nhưng sớm bị phát hiện và cảnh cáo. 

Vẫn không biết sợ, Frank tiếp tục nghĩ ra các mánh khoé mới để trục lợi và bị FBI bắt năm 16 tuổi. Gã bị đặc vụ FBI Richard Miller tra hỏi, và phải trình diện thẩm phán liên bang Sherrill Halbert sau đó. Tuy nhiên Frank không phải nhận án phạt nặng do chưa đủ tuổi vị thành niên.

Sau đó, Frank nhận ra cho dù mỗi tờ ngân phiếu đều có một dãy số seri riêng biệt nhưng nếu thay đổi vài chữ số trong dãy số đó, ngân hàng thường sẽ không phát hiện ra và vẫn sẽ rút được tiền. Mánh lừa đảo này đặc biệt hiệu quả vào thập niên 60 khi các ngân hàng chưa sử dụng công nghệ cao để lưu trữ dữ liệu. 

Để trông thành đạt hơn khi viết ngân phiếu giả, Frank quyết định đóng giả một phi công. Đầu tiên, siêu lừa gọi điện cho hãng hàng không Pan Am, tự xưng là một phi công đang làm việc cho hãng và yêu cầu hãng cung cấp cho mình một bộ đồng phục mới do hiệu giặt là đã làm thất lạc đồng phục cũ. Tiếp theo, Frank làm một thẻ nhân viên và một bằng phi công giả. 

Sử dụng tư cách phi công Pan Am, gã đã bay 250 chuyến bay miễn phí đến 26 nước và lưu trú ở rất nhiều khách sạn mà không mất đồng nào. Vốn rất khôn khéo, Frank không chọn các chuyến bay của hãng Pan Am do lo sợ các phi công chính hiệu sẽ nhận ra mình là “đồ giả” hoặc bị các nhân viên Pan Am yêu cầu xuất trình giấy tờ.

Trong cuốn tự truyện của mình, Frank kể lại rằng có một phi công đã từng mời siêu lừa lái thử chiếc máy bay lúc đó đang bay ở độ cao 9.100m. May mắn cho 140 hành khách và chính Frank, gã đã mò mẫm và tìm được nút… lái tự động. Được biết, Frank lúc này mới chỉ 17 tuổi.

Sau 2 năm làm phi công “dỏm”, Frank bắt đầu sợ bị phát hiện và quyết định trốn sang bang Georgia. Khi điền mẫu đơn tìm nhà, Frank tuỳ tiện điền nghề nghiệp của mình là bác sĩ do sợ chủ nhà sẽ liên hệ với Pan Am để xác minh nếu anh ta khai mình là phi công. Sau khi làm bạn với một bác sĩ thật, Frank nhận giám sát 7 bác sĩ nội trú khi bạn mình bận. 

Để che mắt tất cả, Frank cho phép 7 bác sĩ này thể hiện tay nghề thoải mái và để họ xử lý các ca bệnh trong đêm thay mình. Gã suýt bị lột mặt nạ khi y tá thông báo có một ca cấp cứu cho một “em bé xanh” và Frank không hiểu cụm từ đó chỉ một bệnh nhân bị ngạt thở. Sau sự cố này, gã rời bỏ thân phận bác sĩ do lo sợ mình có thể gây nguy hại đến tính mạng của người bệnh.

Sau đó, Frank làm giả học bạ và bằng tốt nghiệp trường Luật Harvard. Do không có một chút kiến thức cơ bản nào về luật và bang Louisiana cho phép thí sinh dự thi nhiều lần, gã đã thi thử 2 lần để tìm hiểu cấu trúc đề và sau khi ôn luyện chăm chỉ suốt 2 tháng, Frank đã đỗ. Gã được nhận vào Văn phòng Chưởng lý Louisiana khi mới 19 tuổi và làm việc ở đây 8 tháng.

Siêu lừa Frank sa lưới tại Montpellier, Pháp năm 1969 do bạn gái cũ, một tiếp viên hàng không của hãng Air France, nhận ra gã đang sử dụng danh tính giả và lập tức báo cảnh sát. Ngay sau khi cảnh sát Pháp bắt giữ siêu lừa, 12 quốc gia khác nơi trùm lừa đảo từng tung hành cũng yêu cầu dẫn độ để xét xử. 

Sau một phiên toà kéo dài 2 ngày, Frank phải chịu án phạt 1 năm tù ở nhà tù Perpignan, Pháp. 6 tháng sau, Frank được giảm án và bị dẫn độ sang Thuỵ Điển, rồi bị xử phạt nửa năm tù ở đây vì tội lừa đảo. 

Khi sắp bị dẫn độ để xử án ở Ý, một thẩm phán Thuỵ Điển đã yêu cầu Bộ Ngoại giao Ý huỷ hộ chiếu của Frank. Do không còn hộ chiếu, gã bị đưa về Mỹ để xét xử.

Khi bị dẫn độ về Mỹ, Frank trốn khỏi máy bay nhân lúc hỗn loạn ở sân bay. Lợi dụng bóng đêm, gã vẫy một chiếc taxi và đi đến ga Trung tâm, New York. 

Sau khi dừng lại ở Bronx để thay đồ và nguỵ trang, gã lấy chìa khoá của chiếc két chứa 20.000 USD (tương đương 100.000 USD ngày nay) và đi tàu hoả đến sân bay Montreal - Piere Elliott Trudeau nhằm mua vé máy bay đến Sao Paulo, Brazil. 

Cuộc trốn chạy thất bại sau khi một cảnh sát Canada nhận ra và bắt giữ Frank tại quầy bán vé, rồi giao nộp tên lừa đảo cho cảnh sát Mỹ.

Frank được ân xá năm 1974 với điều kiện cựu siêu lừa sẽ phải hỗ trợ chính quyền liên bang điều tra các vụ lừa đảo. Sau một thời gian dài sinh sống ở Texas và không thể tìm được việc làm do có tiền án tiền sự, Frank nộp đơn làm cố vấn an ninh cho các ngân hàng và lập tức được nhận nhờ vào “kinh nghiệm” dày dạn của mình. 

Frank cùng vợ là Kelly thành lập một công ty an ninh tên Abagnale, tiếp tục hợp tác với FBI thêm 40 năm và thậm chí còn được mời giảng dạy ở Học viện FBI. Thú vị hơn, Frank và đặc vụ đã bắt giữ mình là Joseph Shea đã trở thành bạn bè thân thiết sau khi ra tù.

Siêu lừa chụp ảnh cùng ngôi sao Leonardo DiCaprio - diễn viên thủ vai mình trong phim "Hãy bắt tôi đi nếu các người làm được".

Sự thật về những chuyến phiêu lưu như phim

Phóng viên Alan C. Logan bắt đầu nghi ngờ những câu chuyện của Frank Abaglane sau khi xem bộ phim “Hãy bắt tôi đi nếu các người làm được” năm 2002, thế nhưng anh cũng không tìm hiểu thêm về vụ án. 18 năm sau, Alan xuất bản một cuốn sách về Robert Vernon Spears - một thầy mo chuyên lừa đảo, bị tình nghi đã đặt bom trên chuyến bay 967 và giết chết 42 người năm 1969.

Các độc giả của Alan bắt đầu so sánh Robert với Frank, và Alan do rảnh rỗi đã quyết định nghiên cứu kĩ hơn cuốn tự truyện của siêu lừa. Những phát hiện của anh đã khiến anh sửng sốt.

Alan bắt đầu tra cứu các bài báo cũ và những tài liệu đáng tin cậy để xâu chuỗi câu chuyện thật sự. Thậm chí phóng viên này còn trò chuyện với những người quen biết Frank, bao gồm cả nữ tiếp viên hàng không đã lật mặt gã năm 1969.

Thì ra, Frank chỉ đóng giả làm phi công hãng TWA vài tuần và trong khoảng thời gian này, gã gặp gỡ một tiếp viên hàng không tên Paula Parks. Do phải lòng người đẹp, Frank tìm hiểu lịch làm việc của cô và bất chấp việc Paula không hề có thiện cảm với mình, Frank bám theo Paula khắp mọi nơi, kể cả khi Paula về Baton Rouge thăm cha mẹ. 

Do yêu quý cậu thanh niên đẹp trai và hoạt ngôn, ông bà Parks đã mời Frank ăn cơm và ở lại trong phòng của con mình vài tuần. Để lấy lòng tin của gia đình, Frank liên tục đưa ông bà Parks đến các nhà hàng sang trọng và mua tặng họ rất nhiều quà bằng chính ngân phiếu mà gã đã lấy trộm của cặp vợ chồng tốt bụng. 

Frank lấy cắp 1200 USD và lừa rất nhiều cơ sở kinh doanh ở Baton Rouge, bất chấp tuyên bố của trùm lừa đảo trong cuốn tự truyện rằng gã không bao giờ lừa người dân mà chỉ nhắm vào khách sạn, các hãng hàng không và ngân hàng. Frank bị lật tẩy và bị bắt tại Baton Rouge một thời gian ngắn sau đó.

Theo như giấy tờ chính thức của sở cảnh sát địa phương mà tác giả Alan thu thập được, Frank phải ngồi tù năm 17 tuổi đến năm 20 tuổi. Điều này cho thấy câu chuyện của Frank về những cú lừa khắp thế giới và bị FBI truy nã quốc tế là hoàn toàn sai sự thật.

Cũng theo ghi chép của chính quyền địa phương, Frank được trả tự do năm 1974 và chuyển đến Friendswood, Texas nhưng lại bị bắt tại đây vì ăn trộm. 

Sau khi ra tù, một viên cảnh sát khuyên Frank nên kể về hành trình hoàn lương của mình và Frank đã nghe theo. Đầu tiên, gã tổ chức những buổi trò chuyện nhỏ để kể lại câu chuyện đời mình, nhưng rồi những lời kể càng lúc càng được phóng đại. 

Frank bắt đầu liên hệ với một nhà sản xuất chương trình truyền hình và xuất hiện trên chương trình “Kể lại sự thật” trên đài truyền hình quốc gia vào năm 1977. 

Các nhà sản xuất của “Kể lại sự thật” không hề kiểm tra những câu chuyện của Frank, và nhờ vào tài ăn nói, gã nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Frank liên tục được mời tham dự những chương trình khác như “Ngày hôm nay” của MC Tom Brokaw và “Tối hôm nay” của MC Johnny Carson.

Năm 1978, phóng viên trẻ Stephen Hall đã nghe Frank kể lại trên TV chuyện gã và 2 quân nhân từng lấy cắp tiền mặt ở điểm giao tiền tại sân bay Logan. Sau khi điều tra, Stephen đã khẳng định câu chuyện này là dối trá. 

2 tháng sau, một phóng viên trẻ khác tên Ira Perry lại tiếp tục lật tẩy vụ việc Frank tuyển chọn các nữ sinh đại học Arizona làm tiếp viên cho hãng hàng không Pan Am và chuyện gã trục lợi 2,5 triệu USD của hãng hàng không này. 

Khi được Ira phỏng vấn, phát ngôn viên của Pan Am là Bruce Haxthausen cho biết bộ phận an ninh và tất cả các nhân viên đều chưa bao giờ nghe đến sự vụ này, và nếu mất 2,5 triệu USD thì chắc chắn Pan Am sẽ biết. 

Đáng tiếc là những bài báo của 2 phóng viên chỉ được đăng tải trên một số tờ báo địa phương, còn Frank lúc đó đang ở thời kì đỉnh cao danh tiếng, đi khắp đất nước để diễn thuyết.

Những bài báo vạch trần sự dối trá của Frank không hề ảnh hưởng gì đến danh tiếng của gã mà ngược lại, siêu lừa liên tục xuất hiện trên TV. Khi được hỏi về những bài báo này, Frank trả lời rằng Pan Am quá… xấu hổ để thừa nhận rằng họ đã bị một thiếu niên lừa 2,5 triệu USD. 

Sau khi những lời đồn bị quên lãng, gã viết một cuốn sách bán chạy. Cuốn sách này được dựng thành một vở nhạc kịch Broadway và phim “Hãy bắt tôi đi nếu các người làm được”. 

Phóng viên Alan nhận xét rằng việc bộ phim được chỉ đạo sản xuất bởi huyền thoại Steven Spielberg và có 2 ngôi sao đóng vai chính đã càng khiến mọi người tin vào chuyện đời của Frank hơn.

Những lời dối trá của Frank vẫn là một chủ đề nóng trong một xã hội mà tin giả được mạng xã hội phóng đại và lan truyền: “Tin giả ngày nay được truyền bá với tốc độ nhanh khủng khiếp. Nhiều người nổi tiếng liên tục đưa ra những thuyết âm mưu lố bịch và dần dần, chúng ta khó có thể phân biệt đâu là thật, đâu là giả.” 

Anh Alan cũng nêu ra bài học từ câu chuyện của Frank Abagnale, đó là mọi người không nên dễ dàng tin tưởng vào những gì người khác nói mà nên tự mình kiểm chứng kĩ càng tất cả mọi việc: “Tôi nghĩ sau khi đọc xong quyển sách của tôi, mọi người sẽ hoài nghi chính tôi. Tư duy phản biện là một phẩm chất quý giá trong xã hội ngày nay”.

Huyền Thi (theo báo nước ngoài)
.
.
.