Chống săn bắt, buôn bán động vật hoang dã: Trên "nóng”, dưới than… khó đủ thứ

Thứ Bảy, 02/01/2021, 14:50
Cuối tháng 7-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 29/CT-CP về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã (ĐVHD), chỉ rất rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương.

“Tăng cường thực thi pháp luật quốc gia, Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và các điều ước quốc tế liên quan là quan điểm chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhất quán của Việt Nam”, Chỉ thị nêu rất rõ quan điểm của Việt Nam với thế giới.

Tuy nhiên, thực tế như kết quả điều tra của nhóm phóng viên mới chỉ tại một vài địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng săn, bắt, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ bất hợp pháp các loài ĐVHD thông thường và có các loài trong danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ vẫn còn diễn biến phức tạp; công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này bên cạnh những kết quả đạt được vẫn đang bộc lộ nhiều điều bất cập và có phần xuất phát từ nguyên nhân buông lỏng, chủ quan. 

Khi hỏi thăm về nạn săn bắt, kinh doanh các loại ĐVHD, chim rừng, tại địa bàn, nhất là khu vực lân cận các khu bảo tồn, trong đó có các khu Ramsar được biết đến như Vườn quốc gia (VQG) Tràm Chim (Đồng Tháp), Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (Long An), bên cạnh những con số liên quan đến kết quả đạt được thời gian qua, điểm chung mà PV Chuyên đề ANTG nhận được từ chính quyền địa phương và lực lượng chức năng là “gặp nhiều khó khăn”, nổi lên là do ý thức bảo vệ, bảo tồn của người dân chưa cao, nhiều người chưa từ bỏ thói quen thích... ăn thịt ĐVHD, dân buôn đủ mọi mánh khóe đối phó, trong khi lực lượng chức năng, chuyên trách mỏng, luật lại chưa đầy đủ, thống nhất, thiếu tính răn đe. 

Bán chim trên đường Quản Lộ - Phụng Hiệp (Hậu Giang).

Sau hôm chứng kiến thực tế nạn săn bắt, kinh doanh chim chóc, rắn, rùa bên ngoài VQG Tràm Chim, chúng tôi có cuộc làm việc với ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp. Phấn khởi khi nghe ông Ngoan cho biết nhờ cách làm linh hoạt, mềm mại nên 2 năm trở lại đây, ở VQG không xảy ra cháy rừng, góp phần tốt cho việc bảo tồn đa dạng sinh học tại đây.

Tuy nhiên, ông Ngoan cũng băn khoăn khi có nhiều khó khăn đặt ra từ công tác quản lý nhà nước, thực thi pháp luật để bảo vệ ĐVHD, nhất là những loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo đúng quy định. “Cái vướng và khó nhất là phải chứng minh ĐVHD được săn bắt trong rừng. Nên nếu ngoài chợ, người bán nói là con này bắt ngoài đồng, hay nuôi thì mình đâu xử phạt được? Đây cũng là nguyên nhân cái chợ chim bên Long An tồn tại, kiểm lâm Long An đâu phạt được”, ông Ngoan nói.

Thực tế này cũng là điều chúng tôi được nghe khi làm việc với Hạt trưởng Kiểm lâm liên huyện Tam Nông - Tân Hồng Nguyễn Phú Cường và Chi cục trưởng kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Tấn Thành. Ông Thành nói, trước đây, công tác quản lý thuận lợi khi quy định pháp luật ghi cụm từ động vật “có nguồn gốc từ rừng”. “Tôi đi họp ở trên, có quan điểm nếu vậy thì phải rà lại ông cố, ông sơ động vật ấy nữa. Nên ghi lại thành “khai thác từ rừng”. Làm sao chứng minh được điều này. Đồng Tháp chỉ có 1,6% đất rừng. Trong ruộng, trong vườn tạp, ao của người dân cũng có ĐVHD sinh sống vậy”.

Hạt trưởng Nguyễn Phú Cường cho biết, theo Luật Lâm nghiệp, động vật phải khai thác trong rừng thì mới coi đó là “động vật rừng”, mới thuộc đối tượng điều chỉnh của luật. Với các loài động vật quý hiếm và thông thường cũng vậy. “Nghị định 35/2019/NĐ-CP của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp) hướng dẫn thực hiện Luật Lâm nghiệp chỉ ghi “động vật rừng”.

Trong khi đó, CITES thì chỉ ghi thuật ngữ “ĐVHD”; Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng vậy. Mà ĐVHD thì không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Lâm nghiệp. Cùng một con nhưng 2 thuật ngữ khác nhau thì sao xử lý được”, ông Cường phân tích.

Các lãnh đạo của lực lượng kiểm lâm tỉnh Đồng tháp cũng khiến chúng tôi bất ngờ khi cho biết, tình trạng người dân dùng lưới trời bắt chim rừng vùng giáp ranh VQG giờ không còn(!?). Còn việc mua bán ĐVHD tại chợ Tam Nông là có nhưng chỉ có 2 hộ, số lượng không nhiều, chủ yếu là chim, rắn thông thường.

“Kiểm tra, thấy là chúng tôi tịch thu, thả về tự nhiên. Hoạt động vận chuyển cũng không có. Bên chợ chim Thạnh Hóa có lúc được báo chí phản ánh rằng nguồn gốc chim, ĐVHD là được chuyển từ Đồng Tháp sang. Thực tế bên đây có bao nhiêu người bắt đâu. Chúng tôi cũng đâu có phát hiện vụ vận chuyển nào đâu”, ông Cường nói.

Khi chúng tôi hỏi về tình trạng lách luật, “rửa nguồn” bằng cách xin giấy phép nuôi chỉ là cái cớ để hợp thức hóa số ĐVHD thu từ nguồn ngoài vào, đem bán, ông Cường cho biết có phát hiện 1 trường hợp. Khi đối chiếu giữa số lượng mà hộ này mang ra chợ bán với số lượng được đăng ký trên sổ sách, có chênh lệch cao hơn. Hạt kiểm lâm Tam Nông - Tân Hồng đã xử phạt”, ông Thành cho biết.

Ông Khoa còn cho biết một thực tế khó khăn khác: “VQG rộng trên 7.300ha, chu vi hơn 60km nhưng bảo vệ rừng chúng tôi chỉ được quyền lập biên bản ban đầu hành vi xâm hại rừng, sau đó chuyển giao vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền. VQG lại không có vùng đệm trực thuộc, bên đây mương là vùng lõi, bên kia là đất của người dân. Chính đặc thù này mà người dân rất dễ xâm nhập vào rừng. Khi thấy có người dùng dụng cụ để “me” chim bay ra từ rừng, chúng tôi phải gọi kiểm lâm tới, không tự xử được”.

Tại Long An - nơi có chợ ĐVHD quy mô và nhộn nhịp nhất miền Tây, nằm cách khu Ramsar Láng Sen không xa, lãnh đạo ngành Kiểm lâm tỉnh khẳng định chắc nịch với PV Chuyên đề ANTG: Sau khi có dư luận báo chí phản ánh, không còn tình trạng bày bán, giết mổ, treo chim ngược gây phản cảm nữa do lực lượng tuần tra cơ động kiểm tra liên tục và đặt “mắt thần” trong chợ(!?).

“Tuần nào chúng tôi cũng kiểm tra đột xuất mấy chuyến. 29 hộ được cấp giấy  phép kinh doanh cho phép mua bán động vật rừng, ĐVHD có nguồn gốc hợp pháp, hiện có 26 hộ đang hoạt động. Các hộ đều ký cam kết không bán ĐVHD không rõ nguồn gốc”.

Khẳng định với PV như vậy nhưng Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lê Hữu Lợi, cũng nhìn nhận thực trạng vẫn tiếp tục tồn tại mà chúng tôi từng được nghe kể tại “địa ngục” ĐVHD. Đó là các cá nhân mua bán tại chợ luôn tìm cách đối phó bằng cách chỉ trưng bày các loài có giấy tờ hợp pháp; còn số không có nguồn gốc hợp pháp được giấu bên trong cửa hàng hoặc nơi khác. Khi có người hỏi mua thì mới đem ra hoặc giới thiệu “hàng” mà họ đang có. Khi bị kiểm tra, họ nhanh chóng tẩu tán tang vật, đóng cửa ki-ốt hoặc tỏ thái độ không chấp hành, thậm chí hăm dọa, chống đối anh em làm nhiệm vụ”.

Cũng nêu ra bao khó khăn, trong đó có những bất cập từ quy định pháp luật, khó chứng minh được đâu là động vật rừng được bắt từ rừng, đâu là được bắt từ ngoài đồng, ông Lợi cho biết nhiều tỉnh miền Tây cũng bị vướng giống nhau. “Chúng tôi có phản ánh nhưng trên cũng chỉ ghi nhận thôi. Giờ vướng thì mình không xử lý thôi chứ chẳng đề xuất gì nữa”, ông Lợi nói. Với Thông tư 47/2012/TT-BNNPTNT, danh mục động vật rừng thông thường còn thiếu nhiều loài, hiện chưa được bổ sung, dẫn đến khó xử lý.  

Một thực trạng “đau đầu” mà lực lượng chức năng nhiều địa phương gặp phải, đó là tình trạng dân bán ĐVHD bỏ của chạy lấy người. Nhắc lại câu chuyện cá thể rái cá lông mượt... vô chủ tại Thạnh Hóa, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Long An cho biết, trong số 14 vụ mà Hạt kiểm lâm Thạnh Hóa - Tân Thạnh và Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng xử lý vừa rồi, có tới 11 vụ không xác định người vi phạm. Phát hiện bóng dáng lực lượng đến kiểm tra, người bán mang động vật bất hợp pháp ra khỏi sạp, sau đó không nhận của mình.

Những cá thể rùa này được phóng viên ghi tại quầy Tám Rắn, chợ nông sản Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.

Có dẹp được chợ nông sản Thạnh Hóa không, chúng tôi hỏi? Ông Lê Hữu Lợi, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Long An cho biết: “Hiện chủ yếu vẫn thực hiện các biện pháp để quản lý chứ tôi chưa nghe nói chủ trương dẹp chợ này. Bởi tại đây còn có bán nông sản khác nữa mà. Giờ mình nhắc nhở người bán đảm bảo vệ sinh, bán động vật có nguồn gốc rõ ràng, không treo ngược, mổ giết chim gây phản cảm thôi”. Tuy nhiên, nếu mình không dẹp chợ và chỉ làm như lâu nay, xử lý người săn bắt, tiêu thụ giống như chỉ tập trung ngăn phần ngọn, chừa phần gốc là nguyên nhân chính? “Cái này, UBND tỉnh có chỉ đạo, điều tra, xác minh đường dây lớn, cung cấp sản phẩm cho chợ đó”, ông Lợi nói.

Riêng việc lợi dụng chính sách gây nuôi theo “chiêu” mua ĐVHD bên ngoài bù vào đúng với số vừa xuất bán, ngành Kiểm lâm Long An nói rất khó kiểm soát để xem có/không có việc này bởi không đủ người và “trực chiến” tại cơ sở để giám sát.

Thực tế, trước khi đặt chân tới chợ Thạnh Hóa, chúng tôi cũng đã tìm hiểu về hiệu quả của các cơ sở được cấp phép nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và ĐVHD nguy cấp thuộc các phụ lục CITES, cho mục đích thương mại. Trừ rắn ráo trâu, cá sấu, trăn, còn lại những loài khác, rất nhiều người nói việc nuôi thương mại không có hiệu quả. Do việc nuôi chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên các cá thể nuôi rất chậm lớn, thậm chí bị chết hàng loạt. Trong khi đó, tại tỉnh Long An, trừ vườn thú Mỹ Quỳnh (xã Tân Mỹ, huyện Cần Giuộc) hiện được phép nuôi nhiều ĐVHD cho mục đích phục vụ vườn thú, trưng bày, còn lại có 12 hộ rắn (chủ yếu là rắn ráo trâu với tổng đàn 2.432 con); 5 hộ nuôi rùa (với tổng đàn 815 cá thể, gồm các loài rùa hộp lưng đen, rùa câm, rùa núi vàng, rùa đất lớn, rùa răng, rùa đất Pukil); 23 hộ nuôi cầy vòi hương (tổng đàn 243 con), một vài hộ nuôi cá sấu nước ngọt, trăn, diều, vẹt...

Nhắc con số này để thấy, lượng ĐVHD được bày bán chỉ riêng tại chợ Thạnh Hóa không biết bao nhiêu cá thể có nguồn gốc từ nguồn nuôi hợp pháp trong tỉnh. Lãnh đạo ngành Kiểm lâm tỉnh Long An nói ĐVHD, động vật rừng được bày bán tại chợ Thạnh Hóa, có chim trĩ đỏ, rắn hổ hành, rắn ráo trâu, ráo thường, rắn trun, rùa răng, chim công,... đều có nguồn gốc hợp pháp có xác nhận của kiểm lâm một số địa phương, trong đó có tỉnh lân cận Đồng Tháp.

Trong khi đó, Chi cục Kiểm lâm Đồng Tháp cho biết trong số 135 cơ sở, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh được cấp phép đăng ký nuôi ĐVHD, động vật rừng nhưng chủ yếu là nuôi... cá sấu nước ngọt (59 cơ sở, trên 106.000 cá thể), kế đến là trăn đất, trăn gấm, rắn, cầy vòi hương; việc gây nuôi chủ yếu nhỏ lẻ...

Vể số lượng ĐVHD được “gom” qua các đợt kiểm tra của lực lượng kiểm lâm, thể hiện qua con số “thả về tự nhiên”, chúng tôi thấy cũng chẳng đáng kể so với những gì đang tồn tại tại các “điểm nóng” mua bán. Tại Đồng Tháp, trong số hơn 30 kg rắn mà lực lượng kiểm lâm tỉnh phát hiện, tịch thu thả về môi trường tự nhiên, chúng tôi không hề thấy có rắn hổ ngựa, hổ mang mà chỉ rắn thông thường (hổ hành, rắn nước, rắn trun, bông súng); chim thì chưa tới 5 kg (còng cọc, vạc); không hề có cá thể rùa nào.

Tại Long An, báo cáo đến hết tháng 11-2020, đã có trên 205 lượt kiểm tra nhưng chỉ phát hiện tịch thu, thả về tự nhiên chỉ gần 50kg rắn (chủ yếu là rắn thông thường), một số loài chim,...

Khi chúng tôi đề cập đến chuyện gắn camera tại các “điểm nóng”, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm xác nhận tại chợ Thạnh Hóa đã có lắp đặt. Tại VQG Tràm Chim, lãnh đạo ngành chức năng nói cũng có camera “nhưng một khi người ta cố ý muốn lén vào thì mình thua. Camera cũng có điểm mù, rồi còn tùy thuộc thời tiết, ánh sáng chứ đâu phải lúc nào mắt thần cũng bắt gặp được hết”.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp thì cho rằng, việc gắn camera, kèm với việc niêm yết danh mục từng loại chim trời, ĐVHD, gắn với mức xử phạt với từng hành vi... tại chợ nông sản Tam Nông như gợi ý của chúng tôi là “ý kiến hay, có thể sẽ nghiên cứu, áp dụng”.

(Còn tiếp)

Binh Huyền
.
.
.