Cảnh sát hình sự leo núi, phá án, diệt “thú độc”

Thứ Sáu, 02/02/2007, 10:00
Đã có cả chục lần tấn công đúng hang “người rừng” Thào Díu Sài (kẻ trốn trong rừng 10 năm sau khi bắn chết người cùng bản) ở, nhưng lần nào cũng thất bại. Các trinh sát hình sự Hà Giang cảm giác như gã có mắt thần, biết hết đường đi nước bước của công an. Sau này, khi hỏi cung, anh em mới biết, Sài giăng tơ nhện và đặt cành cây nhỏ ở khắp các lối đi. Nếu thấy cành cây lệch ra hướng khác, hoặc tơ nhện biến mất là gã biết có người xâm nhập.

Trong những ngày vùng biên Hà Giang nóng bỏng nhất với những vụ án "Giết người cướp trẻ em", tôi đã gặp các anh, những Cảnh sát hình sự của Công an tỉnh Hà Giang. Họ đang ngày đêm ăn gió nằm sương vùng biên viễn để bảo vệ bản làng, truy tìm "thú độc".

Truy tìm tội phạm giữa mênh mông núi rừng

Đêm ấy, trăng rằm sáng vằng vặc, tôi ngồi bên Trung tá Đặng Thanh Long, Phó phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an tỉnh Hà Giang, trong căn lều dựng tạm ở vùng biên giới huyện Yên Minh. Đằng xa, Đồn Biên phòng Bạch Đích cũng sáng ánh điện. Nửa đêm rồi, các chiến sĩ Biên phòng vẫn thức giấc, thay nhau tuần tra dọc biên giới.

Từ ngày xảy ra vụ án giết người cướp trẻ em, toàn bộ Lực lượng Biên phòng và Lực lượng Công an tỉnh Hà Giang đã vào cuộc. Các anh trải hết lực lượng ra vùng biên, nhưng 60km đường biên của huyện Yên Minh vẫn còn nhiều kẽ hở. Bọn tội phạm như những con sói, con cáo, chúng vượt biên sang “săn mồi” lúc nào, đâu có thể biết được. 

Trung tá Đặng Thanh Long nói: “Đã 5 vụ án giết người cướp trẻ em xảy ra ở Yên Minh, và có không ít lời ra tiếng vào chỉ trích công an, hỏi công an ở đâu mà để xảy ra hàng loạt vụ án như vậy, trong khi bọn giết người vẫn mất tăm mất tích. Anh em đau lắm. Đây đúng là trách nhiệm của mình. Không hoàn thành nhiệm vụ là có lỗi với đồng bào...”.

Quả thực, gánh nặng này là của các anh. Chứng kiến những cái chết oan nghiệt của đồng bào, sự mất tích của các cháu bé, các anh như ngồi trên đống lửa.

Yên Minh là vùng núi đá cao vòi vọi. Khắp nơi chỉ toàn đá là đá, đá một màu xám ngoét với những đá đứng, đá ngồi, đá lăn lóc, nhọn hoăn hoắt vểnh lên trời. Suốt một năm nay, các anh làm việc với tiêu chí “ngủ ngày cày đêm”, theo đúng nghĩa đen.

Súng bên hông, balô đầy mì tôm, lương khô và nước, các anh cuốc bộ qua hết núi gần lại đến núi xa. Đêm lạnh, sương phủ ướt đầu, ăn uống không ra sao, rồi cũng đến lúc đổ bệnh, nếu như không trúng tên bay đạn lạc của những “bóng ma” ngoài biên ải.

Sự vất vả của các anh cũng đã được đền đáp. 3 đối tượng tham gia vụ án giết người cướp trẻ em ở Sủng Tráng đã bị tóm. Bọn chúng gồm Sùng Mí Thò 34 tuổi, Chảo Mí Lềnh 29 tuổi và Mua Sái Say 27 tuổi, đều trú ở bản Há Già, xã Thắng Mố, nằm ngay cạnh xã Sủng Tráng.

Mỗi năm, Hà Giang có cả trăm vụ trọng án, lại chủ yếu xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, núi cao rừng thẳm. Các đối tượng sau khi gây án, chúng lấy rừng núi làm nơi lẩn trốn, mà rừng núi lại mênh mông. Tỉnh Hà Giang có 11 huyện, thì chỉ có 4 huyện núi đất, còn lại toàn đá là đá.

Cố giáo sư địa lý Lê Bá Thảo đã tưởng tượng mảnh đất địa đầu Hà Giang như một cái nia bột mì đang phơi ráo nước, bị ai đó vỗ mạnh làm bở tung ra một dải Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Bắc Mê...   

Đại úy Trương Văn Đạt có ngót 10 năm làm Cảnh sát hình sự, nhưng tính chi ly, có lẽ đã có đến 9 năm anh ăn trên đá, ngủ trên đá và trèo đá bắt phạm.

Mới tháng 7 vừa qua, khi Yên Minh đang sôi sục với cuộc chiến chống tội phạm giết người cướp trẻ em, anh cùng 6 trinh sát, gồm Đỗ Văn Mai, Khổng Văn Kỳ, Thiều Khắc Hưng... phải bàn giao công việc, tức tốc lên xe về bản Diếp, xã Bạch Ngọc (Vị Xuyên, Hà Giang), xã giáp với huyện Na Hang (Tuyên Quang).

Tại đây, vào lúc chập tối, Nguyễn Văn An 32 tuổi đã đâm chết anh Đại, chỉ vì Đại nhỡ tay soi đèn pin vào gã khi gã đang tè bên đường. Giết người xong, gã vác dao trốn vào rừng. Lực lượng Công an huyện chốt chặn khắp ngả, nhưng rừng rộng mênh mông, núi đá trập trùng, mà gã như con cầy, con cáo, biết tìm ở chỗ nào.

Cuộc trèo đèo, leo đá diễn ra đúng 2 ngày 2 đêm trong rừng Sam mới tóm được An. Suốt thời gian đó, mưa không lúc nào ngừng, gió không lúc nào lặng. Tấm áo mưa giữ ấm rách tả tơi, cái lạnh đã ngấm vào thịt, sức gần như đã kiệt các anh mới gặp được hắn. Cuộc vật lộn bên vách đá cheo leo với hắn diễn ra lúc 2h sáng. An cũng chẳng còn sức nhấc nổi con dao để đâm các anh nữa.

Sau này, khi ngồi ở nhà tạm giam, lúc lấy cung, câu đầu tiên hắn nói: “Em thật sự bái phục các anh. Suốt 2 ngày 2 đêm, em gần như chạy liên tục, nhưng chạy hướng nào cũng gặp các anh”.

Đúng là các anh đã thức trắng 2 ngày 2 đêm. Đồ ăn thức uống cũng không chuẩn bị được gì. Qua nương của đồng bào thì xin ngô non, củ dong riềng nhai, qua nương thảo quả thì xin củ thảo quả ăn sống. Những thứ này, các anh ăn quen rồi, quen như đồng bào của các anh sống trên núi đá, quanh năm ăn mèn mén vậy.       

Từ đầu năm đến hết tháng 10/2007, địa bàn Hà Giang xảy ra 70 vụ trọng án, trong đó, 30% số vụ xảy ra do hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, liên quan đến làm “ma” và có đến 90% số vụ xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn hẻo lánh, rừng rú, do đó, công tác, khám nghiệm, điều tra hết sức khó khăn, vất vả.

Mỗi năm xảy ra hàng chục vụ giết người có chủ ý diễn ra trong rừng, trên núi. Thủ phạm tìm cách dụ nạn nhân vào rừng sâu rồi ra tay sát hại. Khổ nhất là những vụ giết người xảy ra ở những bản làng heo hút quanh đỉnh Tây Côn Lĩnh.

Thông thường, sau nhiều ngày người dân đi làm nương hoặc đốn củi phát hiện ra, báo cho công an viên, rồi công an xã mới báo lên huyện, huyện lại báo lên tỉnh. Riêng cái hành trình đó đã mất vài ngày, rồi lại mất vài ngày cuốc bộ nữa mới đến được hiện trường.

Khi đến nơi, hầu hết các dấu vết đã biến mất vì mưa nắng. Vậy nhưng, từ đầu năm đến nay, anh em phá thành công 100% số vụ trọng án. Đây quả là thành tích đáng nể. --PageBreak--

Địa bàn rộng, đường biên giới dài 270km, tiếp giáp với 2 tỉnh lớn của Trung Quốc là Vân Nam và Quảng Tây, nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội rất phức tạp. Đặc biệt phức tạp và nóng bỏng hàng đầu là tình trạng bắt cóc trẻ em, buôn bán phụ nữ...

Trong khi đó, lực lượng Công an lại rất mỏng. Phòng PC14 có tổng cộng 50 cán bộ, chiến sĩ. Trong số đó, lại chỉ có 14 trinh sát, 7 điều tra viên, là những người trực tiếp đi địa bàn, giáp mặt với tội phạm.

Trung tá Long kể thế này: Mỗi đồng chí, ngoài việc phải thụ lý cùng lúc khoảng 10 vụ trọng án, tham gia vài chuyên án, lại phải thường xuyên đi địa bàn, làm thầy giáo đào tạo cho anh em công an ở các huyện. Công việc quanh năm suốt tháng ngập đầu.

Mười năm truy tìm... "người rừng"

Tôi đã gặp Thượng tá Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng PC14 và hầu hết các trinh sát để hỏi về một vụ án mà anh em phải leo núi, trèo đá nhiều nhất, và mọi người đều khẳng định, vụ án truy tìm Thào Díu Sài tốn nhiều công sức.

Anh em gọi gã là “người rừng” Thào Díu Sài. Cách đây hơn 10 năm, vào tháng 4/1996, do mâu thuẫn cá nhân, Thào Díu Sài, trú ở xã Thuận Hòa (Vị Xuyên), đã dùng súng kíp bắn chết một người cùng bản. Khi công an vào bản truy bắt, gã đã biệt tăm cùng khẩu súng kíp.

Năm 2005, khu vực giáp rừng thuộc xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên xảy ra tình trạng bị mất trộm sắn, ngô trên nương. Bằng linh cảm nghề nghiệp, Thượng tá Nguyễn Văn Thông đã liên tưởng ngay đến vụ án giết người 10 năm trước.

Lấy lời khai của một đối tượng buôn bán phụ nữ.

Đích thân Thượng tá Thông cùng toàn bộ lực lượng trinh sát xuống địa bàn. Sau khi leo núi chừng 3 giờ đồng hồ, các anh phát hiện trên đỉnh núi có mấy hang động. Trong hang có nhiều dấu hiệu cho thấy có người ở. Tro than vẫn còn ấm nóng.

Tuy nhiên, phục kích mấy ngày trời mà không thấy tên tội phạm xuất hiện, họ xác định hắn đã phát hiện công an truy đuổi, nên trốn sang khu vực khác.

Ba tháng sau vụ vồ trượt, tổ trinh sát nhận được thông tin tại khu vực núi đá Mào Gà có một người thoắt ẩn thoắt hiện.

Núi Mào Gà nhiều hang hốc, nên có nhiều khả năng Sài đã về trốn ở đây. Các anh lặng lẽ trườn như những con rắn vào lúc nửa đêm trong rừng, phân công chốt chặn các ngách hang và đột nhập, nhưng vẫn không thành công. Gã đã chạy mất từ bao giờ.

Các thông tin trinh sát cho thấy, hắn đã trốn sang dãy núi Thái An, một dãy núi có đỉnh Pu Tha Ca cao 2.276m, nơi giáp ranh giữa ba huyện Quản Bạ, Yên Minh và Vị Xuyên. Đây là một dãy núi đá dựng đứng, dài hơn 10km và cũng có rất nhiều hang động.

Trong cuộc leo núi Thái An, anh em mất đúng 10 ngày, chỉ có ăn rừng, ngủ rừng và cuốc bộ. Hễ thấy hang hốc nào là đột nhập. Có lần anh em suýt mất mạng vì bẫy đá do gã dựng nên. Hàng trăm viên đá lao từ vách núi xuống, không nhanh chân tránh thì mất mạng.

Có trinh sát bất cẩn, dẫm chân vào bẫy của gã, bị treo lủng lẳng lên cây vầu. Nhiều đồng chí bị lông don chọc thủng thân. Lông don nhọn và cứng không khác gì lông nhím.

Sài là chuyên gia săn thú. Bắn được con don nào, gã cắm lông don khắp ngả để bẫy các chiến sĩ. Anh em phải vừa đi vừa dùng que chọc chọc phía trước xem có bẫy hay không.

Rồi các trinh sát cũng phát hiện được gã, hắn nhảy tưng tưng như loài dê núi trên những rặng núi đá mà chưa tài nào đuổi nổi. Lần đầu tiên nhìn rõ gã là lúc anh em đứng bên này sông Miệm, bất lực trông hắn chèo bè sang bên kia sông. Hắn không khác gì người rừng, tóc dài ngang lưng, râu phủ kín mặt, chỉ mặc độc một cái khố...

Lần này, cuộc vây bắt càng vất vả hơn khi Sài đã lẩn trốn vào dãy núi Răng Cưa. Đây là dãy núi cực kỳ khủng khiếp, nằm giữa sông Lô và sông Nậm Điêng, kéo dài từ xã Phong Quang sang tận Trung Quốc.

Sở dĩ dãy núi này được gọi bằng cái tên ấy là vì đỉnh nó toàn bằng đá, lởm chởm như cái lưỡi cưa, rất khó đi lại. Khu vực này hoang vu đến nỗi, anh em đi còn bị đàn khỉ trên núi ném đá như mưa vào người.

Tổ trinh sát phải đóng vai lâm tặc, cũng vác cưa, vác rựa vào rừng, đi tìm gỗ quý. Đứng trên sườn núi, trông lên đỉnh, thấy hang hốc rất nhiều, có lẽ đến hàng ngàn hang động.

Nhiều đêm, trông thấy lửa sáng lập lòe trong hang, anh em lập tức lên đường. Nhưng dốc đá dựng đứng, đi thẳng không trèo lên được nên phải đi vòng sang bên kia núi để lên. Đi liên tục mấy tiếng đồng hồ, lửa trong hang gã ở tắt ngấm, mất dấu luôn.

Đã có cả chục lần tấn công đúng hang hắn ở, nhưng lần nào cũng thất bại. Hắn không bao giờ ở một chỗ quá vài ngày. Anh em cảm giác như gã có mắt thần, biết hết đường đi nước bước của công an.

Sau này, khi hỏi cung, anh em mới biết, hắn giăng tơ nhện và đặt cành cây nhỏ ở khắp các lối đi. Nếu thấy cành cây lệch ra hướng khác, hoặc tơ nhện biến mất là gã biết có người xâm nhập. Quả là ranh ma, quỷ quyệt.

Sau 3 tháng trời leo dọc 40km của dãy núi Răng Cưa, trinh sát Thiều Khắc Hưng cũng có cơ may trông thấy đốm lửa leo lét trên đỉnh núi. Để xác định được nơi hắn ở, anh chặt 2 cái cọc, đóng xuống đất làm điểm ngắm chính xác.

Sớm mai, khi mặt trời mọc, lấy điểm ngắm, rồi anh em phân công tiến đến từ nhiều hướng khác nhau. Nhưng hang động hắn ở nằm giữa vách núi, không có lối đi.

Nếu không đặt điểm ngắm, thì khi trời sáng, có trời mới phát hiện ra hang hắn ở, vì có hàng loạt miệng hang đen ngòm trên vách núi. Qua xem xét hiện trường, anh em nhận định, mỗi khi rời hang, hắn ròng dây xuống, lên hang, hắn kéo dây lên.

Các trinh sát bố trí nơi ẩn nấp, chỉ chờ gã tụt xuống là tóm. Trinh sát Hưng leo vòng lối khác, lên đỉnh núi, tết dây leo, rồi ròng xuống miệng hang hắn ở và tụt xuống.

Anh bất ngờ xông vào hang, Sài từ bóng tối lao ra rất nhanh. Cuộc vật lộn diễn ra ở miệng hang, trên vách núi không khác gì trong phim hành động. Sài chỉ ngừng giãy khi hai tay đã nằm gọn trong còng.      

Vậy là, sau hơn 10 năm lẩn trốn trong rừng, Thào Díu Sài cũng phải tra tay vào còng. Do lẩn trốn quá lâu trong rừng nên gã có vẻ chậm chức năng nghe và nói, thi thoảng lại rú lên như “người rừng”.

Người dân chưa hiểu hết công việc của các anh vất vả như thế nào, nên đôi khi trách cứ. Các anh cũng không thanh minh. Tóm được tội phạm, phá án thành công là sự "thanh minh" rõ ràng nhất, và phần thưởng lớn nhất mà các anh nhận được, đó là sự thanh thản

Phạm Ngọc Dương
.
.
.