Cần ngăn chặn hành vi đòi nợ kiểu xã hội đen

Thứ Tư, 24/03/2021, 08:25
Để đạt mục đích gây sức ép đòi nợ, các đối tượng (đích thân người cho vay, hoặc người được chủ nợ thuê mướn) đã tạt sơn, ném chất bẩn (mắm tôm, dầu nhớt) vào nhà con nợ hoặc nhà người thân, người liên quan đến "con nợ". 


Không chỉ tạo ra hình ảnh dơ bẩn, mất mĩ quan, nhếch nhác, mà kiểu khủng bố, dằn mặt này còn khiến những người sống trong nhà luôn nơm nớp lo sợ, bị hàng xóm dị nghị. Nhiều trường hợp các gia đình bị tạt sơn, chất bẩn không liên quan gì đến món nợ "trời ơi" từ người thân trong gia đình gây ra nhưng sự liên lụy gây hoang mang, lo lắng mà họ phải gánh chịu thì quá lớn, quá dai đẳng. Những hành vi này phải bị xem như tội ác.

Tiệm thuốc tây của bà M liên tiếp 6 lần bị tạt chất bẩn

Công an quận 12, Công an TP Hồ Chí Minh vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 6 đối tượng về hành vi "cưỡng đoạt tài sản" và tiếp tục điều tra xử lý hành vi "cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự" do 2 đối tượng Nguyễn Đình Tuấn (sinh năm 1982) và Mai Công Nam (sinh năm 1997) cầm đầu. Điều đáng nói là căn nhà mà các đối tượng này "khủng bố" bằng chất bẩn không liên quan gì đến món nợ mà các đối tượng cho mượn.

Đó là câu chuyện của nhà ông Hà Ngọc Lễ, ngụ KP3, phường Trung Mỹ Tây, Quận 12. Cửa nhà bị tạt sơn đỏ, mắm tôm, dầu nhớt, kính cửa sổ bị ném vỡ tung tóe nhiều lần khiến gia đình ông luôn sống trong nơm nớp lo sợ. Từ cuối năm 2020 đến những tháng đầu năm 2021, gia đình ông Lễ liên tục hứng chịu các cuộc "khủng bố" như vậy. Ngoài bị tạt sơn, chất bẩn, thì gia đình ông Lễ còn bị các nhóm người quấy rầy, đe dọa bằng cách gọi điện, nhắn tin và kéo người đến chửi mắng. Căn nhà bị dây chét bởi chất bẩn, hàng xóm ra vào cũng đầy tiếng dị nghị, gia đình ông Lễ triền miên sống trong tâm trạng bất ổn.

Ông Lễ cho hay, nguyên nhân là do người em rể Phạm Ngọc Phương (sinh năm 1975) ở cùng nhà có vay mượn tiền nhiều người, trong đó có vay của Tuấn và Nam số tiền hơn 1,4 tỷ đồng nhưng mất khả năng chi trả. Giữa tháng 6-2020, ông Lễ yêu cầu Phương dời đi chỗ khác sinh sống. Sau khi Phương dời đi thì Tuấn và Nam liên tục kéo người đến gây áp lực bắt ông Lễ trả nợ thay.

Để "mua" sự yên ổn, tháng 9-2020, ông Lễ chấp nhận đưa cho Tuấn 100 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền, Tuấn và nhóm người tiếp tục uy hiếp ông Lễ để đòi số tiền còn lại. Ông Lễ cho rằng mình không liên quan thì không thể trả nợ nên bọn chúng giở trò uy hiếp ông như vậy. Chịu hết xiết cảnh bị "khủng bố" tinh thần, ông Lễ đã trình báo vụ việc với Công an.

Nhận thấy nhóm người của Tuấn và Nam có dấu hiệu "cưỡng đoạt tài sản", Công an quận 12 vào cuộc điều tra bắt giữ Tuấn và Nam cùng 4 đối tượng khác. Đối với ông Lễ, việc Công an quận 12 vào cuộc điều tra nhanh, xác định đối tượng và bắt giữ phần nào giúp gia đình ông Lễ ổn định tinh thần và cuộc sống không bị xáo trộn.

Camera ghi lại hình ảnh một số vụ các đối tượng tạt sơn, chất bẩn vào nhà riêng

Cũng như ông Lễ, vì món nợ trời ơi mà em trai gây ra khiến gia đình bà N.T.M (ngụ đường Phú Định, phường 16, quận 8) đã 6 lần bị "khủng bố" bằng chất bẩn. Ngoài việc nhà cửa dơ bẩn, mất mỹ quan, nhiều tài sản trong tiệm bị hư hại, bản thân bà M bị thương khi các đối tượng ném chất bẩn vào nhà. Bà M làm đơn trình báo với Công an. Công an quận 8 nhanh chóng xác định được nguyên nhân và các đối tượng gây ra vụ việc trên. Theo đó, thông qua các mối quan hệ, em trai bà M là Nguyễn Hoài Trung (sinh năm 1979, quê Tiền Giang) đã nhờ Nguyễn Thành Chương (sinh năm 1979) đứng ra vay giúp 32 triệu đồng với lãi suất 10%/tháng. Sau khi trả lãi được vài tháng, Trung mất khả năng chi trả. Số tiền gốc và lãi lên đến 160 triệu đồng. Trung tắt máy, bỏ trốn. Tự dưng gánh số nợ lớn, Chương và vợ là Trần Thị Thẻn (sinh năm 1988) tìm cách bắt người nhà Trung trả nợ thay.

Biết bà M. là chị ruột của Trung có tiệm thuốc tây trên đường Phú Định (quận 8), Chương đến gây áp lực để buộc bà M. trả nợ thay cho em trai. Vợ chồng Chương, Thẻn tìm gặp Châu Văn Phú (sinh năm 1991, ngụ quận 8) để nhờ đòi nợ giùm và thống nhất phương thức là dùng mắm tôm ném vào nhà bà M. để gây sức ép. Hai bên thỏa thuận phi vụ "bom bẩn" có giá 5 triệu đồng. Đòi được nợ vợ chồng Chương sẽ chia tiền cho Phú. Phú thuê một số đối tượng liên tục từ tháng 12-2020 đến tháng 3-2021 6 lần tạt sơn, chất bẩn vào nhà bà M. Không những thế các đối tượng còn gọi điện, nhắn tin đe dọa bà M gây áp lực đòi nợ...

Hầu hết nạn nhân của những vụ tạt sơn, chất bẩn bị "khủng bố" tinh thần đều là người ngoài cuộc nhưng có dính líu xa gần với người mượn nợ và bỗng dưng trở thành nạn nhân và phải hứng chịu cảnh "khủng bố". Các vụ tạt sơn nguyên nhân dường như giống nhau đến 90%, con nợ dính bẫy vay nặng lãi, mất khả năng chi trả, các đối tượng đe dọa, khủng bố người thân của họ cốt để lấy lại được tiền. Có đối tượng trực tiếp đến đòi nợ, một số khác thông qua việc đòi nợ thuê.

Nhiều vụ việc đã được khám phá, xử lý hình sự nhưng dường như tình trạng tín dụng đen kéo theo hoạt động đòi nợ với các hành vi tạt sơn, chất bẩn, "khủng bố" tinh thần vẫn còn phổ biến. Theo một cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là việc cho vay nặng lãi đa phần vẫn được xem là quan hệ dân sự. Trong khi đó, việc xử lý hình sự chỉ dành cho các đối tượng được thuê mướn quăng chất bẩn, tạt sơn nhưng hình phạt vẫn còn nhẹ nên chưa đủ sức răn đe.

Các đối tượng sử dụng hình thức hoạt động không gây ảnh hưởng đến tính mạng của nạn nhân, thiệt hại từ việc tạt sơn, ném chất bẩn không gây thiệt hại lớn về vật chất, chỉ nhằm hù dọa, gây tâm lý lo lắng, sợ ảnh hưởng đến cuộc sống, danh dự, uy tín. Sợ hàng xóm dị nghị nên những người bị "khủng bố" cắn răng trả nợ thay để "mua" sự yên ổn. Ngoài ra một số người bị "khủng bố" vì sợ ảnh hưởng nên âm thầm chịu đựng mà không trình báo với Công an dẫn đến việc tội phạm ngày càng lộng hành.

Luật sư Nguyễn Văn Trường - Văn phòng luật sư Trường - Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng tuy pháp luật đã mạnh tay dẹp các công ty đòi nợ thuê nhưng vẫn còn đó những giao dịch ngoài luồng giữa chủ nợ và các đối tượng được thuê mướn ngoài xã hội. Các đối tượng được thuê mướn "khủng bố" thường chỉ bị xử phạt hành chính, mà mức phạt khá nhẹ, chỉ từ 1-2 triệu đồng (quy định tại Nghị định 167/NĐ-CP) cho nên không đủ sức để răn đe. Các đối tượng được thuê mướn (đa phần là các con nghiện) với mức giá vài ba trăm ngàn đồng một lần cũng đã có thể ngang nhiên "hành động" giữa ban ngày...

Đối tượng vay nặng lãi chủ yếu là các con bạc, những người thua lỗ trong làm ăn, phải giải quyết gấp vấn đề của mình nên sẵn sàng vay với lãi suất cao. Đến khi không thể trả nợ thì bỏ trốn dẫn đến việc người thân bị ảnh hưởng. Bởi vậy, trước khi vay mượn, mọi người nên cân nhắc xem món nợ đó mình có trả được không để những người thân trong gia đình không rơi vào cảnh "quýt làm cam chịu".

Mạnh Đức
.
.
.