Cán bộ hải quan để hàng lậu lọt lưới như thế nào?

Thứ Sáu, 20/06/2014, 14:40

Liên quan vụ 10 container hàng lậu ngang nhiên qua được "ải" hải quan và "rồng rắn" đánh tháo ra khỏi Cảng Vict (Q.7, TP HCM), đã gây sự chú ý của dư luận trong thời gian qua.

Ngày 6/6 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM (PC 46) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam và khám xét đối với 4 bị can: Nguyễn Phan Tường (45 tuổi, ngụ Q.5), nhân viên hải quan Khu vực 3 (KV3) TP HCM; Châu Thanh Nhàn (45 tuổi, ngụ Hóc Môn), nhân viên dịch vụ hải quan; Tạ Quang Trình (38 tuổi, ngụ Q.7), nhân viên dịch vụ truyền dữ liệu tại cảng Vict cùng tội "buôn lậu"; riêng Bùi Anh Tuấn (37 tuổi, ngụ Q.1), công chức Cục Hải quan TP HCM bị khởi tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Đặc biệt, khi vụ án này bị phát hiện, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công văn gửi Chủ tịch UBND TP HCM chỉ đạo các lực lượng chức năng điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của các đối tượng để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, đồng thời làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra vụ buôn lậu này.

Lô hàng lậu hơn 37 tỉ đồng lọt cửa Hải quan

Công ty TNHH Tân Nhật Huy Vĩnh Đạt (gọi tắt Công ty Tân Nhật Huy Vĩnh Đạt) thành lập ngày 21/10/2013 (trụ sở tại P.8, Q.11) do Hồ Sấm Dũng (27 tuổi, ngụ P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân) làm Giám đốc và Công ty TNHH Nhất Minh (gọi tắt Công ty Nhất Minh) thành lập ngày 27/8/2013 (trụ sở tại P.8, Q.6) do Hồ Thị Thu Sang (SN 1989, ngụ P.8, Q.6) làm Giám đốc và đại diện trước pháp luật. Cả hai công ty này đều có chức năng kinh doanh là: bán buôn đồ dùng khác cho gia đình, vải, hàng may sẵn, giày dép, vận tải…

Ngày 30/12/2013, Công ty Tân Nhật Huy Vĩnh Đạt do Hồ Sấm Dũng làm Giám đốc mở 6 tờ khai Hải quan số 11145, 11146, 11147, 11148, 11149, 11153 và Công ty Nhất Minh do Hồ Thị Thu Sang làm Giám đốc ký mở 4 tờ khai số 11150, 11151, 11152, 11154 nhập khẩu các mặt hàng gồm: Máy siết nắp chỉ dùng điện JGS880 (55 cái), ốc vít kim loại phi<5mm (400 kg), tay nắm cửa 96mm YA-1195 (200 cái), hình dán bằng giấy, nhựa các loại (100kg), phụ kiện đèn bằng sắt mạ sứ không đồng bộ (100kg), đầu nối dây điện/contact (8.000 cái), bóng đèn led loại thường 10w (5.000 cái), tụ điện bằng nhựa dùng cho đèn (5.500 cái), chụp đèn nhựa mini 8-10cm (20.900 cái), dây viền trang trí 200 kg. Tất cả các loại hàng hóa trên đều có xuất xứ Trung Quốc.

Tổng trị giá 10 container hàng hóa tương đương 930 triệu đồng và được các nhân viên hải quan (thuộc Chi cục Hải quan Khu vực 3) ký xác nhận kiểm hóa 10 container từ 16 giờ 50 phút đến 17 giờ 10 phút, theo tỉ lệ 5% và thông quan cùng ngày. 

Lúc 23 giờ ngày 30/12/2013, trinh sát Đội 2 - Phòng PC46 Công an TP HCM phối hợp với Đội 2A - Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP HCM bắt quả tang 10 container (40 feet) đang đánh tháo ra khỏi cảng Vict  (Q.7), đưa về kho của Chi cục QLTT trên đường Lũy Bán Bích (Q.Tân Phú). Tiến hành kiểm tra 10 container theo 10 tờ khai hải quan trên, lực lượng kiểm tra phát hiện số kiện hàng bị mở, rạch, không đúng tỉ lệ kiểm hóa 5%. Hàng hóa thực tế không đúng như khai báo và số lượng hàng thực tế lớn hơn nhiều so với số lượng khai báo.

Hàng hóa kiểm tra thực tế gồm có 721 danh mục mặt hàng với 6.526.936 đơn vị sản phẩm. Trong đó có một số mặt hàng cấm như: Màn hình vi tính đã qua sử dụng (147 cái), pháo điện các loại (1.364 dây)…; và một số lượng đặc biệt lớn hàng không khai báo như: rượu, mỹ phẩm, vải, bàn ghế, đồng hồ, hóa chất…

Theo xác định ban đầu của Chi cục QLTT, toàn bộ số hàng hóa tạm giữ có trị giá hơn 37 tỉ đồng.

Khi vụ việc bị phát hiện, hai giám đốc của hai công ty Tân Nhật Huy Vĩnh Đạt và Nhất Minh đã "biến mất".

Cán bộ hải quan tiếp tay buôn lậu

Trong quá trình điều tra, các manh mối trong vụ án cũng đã dần lộ diện. Người trực tiếp tổ chức thực hiện toàn bộ hành vi buôn lậu (với sự giúp sức của nhiều đối tượng) là Lâm Lương Quang (ngụ P.8, Q.5) - Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cường. Trong vụ án này, Lâm Lương Quang chính là người đứng tên nhận hàng trên vận tải đơn của Hãng tàu Yangming, WanHai.

Sau khi hàng về cảng, Quang đưa cho Châu Thanh Nhàn (nhân viên dịch vụ hải quan) 10 triệu đồng kèm theo 10 bộ hồ sơ gồm: invoice, packing list, hợp đồng ngoại, giấy giới thiệu ký khống của giám đốc Công ty Tân Nhật Huy Vĩnh Đạt và giám đốc Công ty Nhất Minh, cùng với mẫu tờ khai hải quan điện tử chưa ghi nội dung (có chữ ký khống của Giám đốc và con dấu Công ty Tân Nhật Huy Vĩnh Đạt và Công ty Nhất Minh), 2 token (USB chữ ký số), để Nhàn đến Cảng Vict thực hiện khai báo hải quan.

 

Kho hàng lậu 10 container được đưa về kho của Chi cục QLTT.

Dựa vào hồ sơ do Quang đưa, Nhàn giao cho Tạ Quang Trình (nhân viên dịch vụ truyền dữ liệu tại Cảng Vict) để làm thủ tục truyền dữ liệu khai báo hải quan điện tử cho Quang. Đồng thời, Quang còn cố ý chỉ đạo cho P.N.N. (nhân viên của Quang) lấy bảng kê khai hàng hóa khai báo không đúng số lượng, chủng loại hàng hóa của Công ty Tân Nhật Huy Vĩnh Đạt và Công ty Nhất Minh để gửi đến Tạ Quang Trình.

Theo nhận định của Cơ quan CSĐT, đây là vụ án buôn lậu hàng hóa có số lượng và giá trị đặc biệt lớn, có tổ chức, có sự phân công nhiệm vụ của từng thành viên và móc nối với cán bộ hải quan để thực hiện hành vi phạm tội. Ngoài đối tượng Lâm Lương Quang đã bị khởi tố ngày 7/3/2014, các đối tượng còn lại có vị trí, vai trò khác nhau.

Trong số các đối tượng bị bắt, Châu Thanh Nhàn là người đại diện Công ty Tân Nhật Huy Vĩnh Đạt và Công ty Nhất Minh trên giấy giới thiệu làm các thủ tục hải quan và cũng trực tiếp thuê, trả công cho P.V.C. để thực hiện việc cắt seal. Ngoài ra, Nhàn không tham gia vào việc kiểm hóa, nhưng đã ký khống xác nhận là đã tham gia kiểm hóa, tạo điều kiện "giúp" cho Lâm Lương Quang và các nhân viên hải quan ký xác nhận kiểm hóa giả mạo.

Còn Tạ Quang Trình làm dịch vụ truyền dữ liệu dựa trên 10 bộ hồ sơ của lô hàng. Mặc dù bảng kê khai truyền dữ liệu để khai báo hải quan không đúng với hồ sơ nhập khẩu, nhưng Trình vẫn thực hiện việc truyền dữ liệu để khai báo hải quan điện tử. Đồng thời, Trình cũng là người đã yêu cầu P.V.C. thực hiện việc cắt seal, rạch thùng hàng 10 container theo chỉ đạo của cán bộ hải quan Nguyễn Phước Tường.

Đối với hai cán bộ hải quan Nguyễn Phước Tường và Bùi Anh Tuấn, luôn cho rằng đã làm đúng quy trình kiểm hóa. Nhưng căn cứ vào lời khai của Lâm Lương Quang, Tạ Quang Trình, P.V.C.… và các thông tin trao đổi qua điện thoại giữa Nguyễn Phước Tường với Tạ Quang Trình, Lâm Lương Quang cùng với việc kiểm tra hàng hóa thực tế, Cơ quan CSĐT đã có đủ cơ sở để xác định các cán bộ hải quan đã không thực hiện nhiệm vụ kiểm hóa được phân công. Trong đó, Nguyễn Phước Tường đã có quan hệ, móc nối từ trước với các đối tượng làm thủ tục nhập khẩu để không kiểm hóa, ký hồ sơ hợp thức hóa giả tạo.

Các đối tượng (từ trái sang): Nguyễn Phan Tường, Bùi Anh Tuấn, Tạ Quang Trình, Châu Thanh Nhàn; Hồ Thị Thu Sang - Giám đốc công ty TNHH Nhất Minh, Hồ Sấm Dũng – Giám đốc công ty TNHH Tân Nhật Huy Vĩnh Đạt.

Cơ quan CSĐT cho biết, hành vi của 3 đối tượng trên, đã cấu thành tội "buôn lậu" với vai trò giúp sức. Ngoài ra, Nguyễn Phước Tường còn có vai trò là đồng phạm.

Riêng cán bộ hải quan Bùi Anh Tuấn, theo lời khai ban đầu của bị can này: Tại thời điểm tháng 12/2013, nhiệm vụ của nhân viên kiểm hóa được quy định tại Quyết định số 3046/QĐ-TCHQ ngày 27/12/2012 do Tổng cục Hải quan ban hành về quy trình thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại. Cụ thể, việc kiểm tra thực tế hàng hóa do cán bộ hải quan thực hiện.

Nội dung kiểm tra quy định tại Khoản 2, Điều 13 Thông tư 196/2012/TT-BTC đó là kiểm tra tên hàng, mã số, số lượng, trọng lượng, chủng loại, chất lượng, xuất xứ hàng hóa, nhãn hiệu, nhãn hàng hóa, ngày sản xuất, hạn sử dụng của hàng hóa; đối chiếu sự phù hợp giữa thực tế hàng hóa với mẫu lưu của nguyên liệu  hoặc mẫu sản phẩm theo từng loại hình tương ứng;…

Đối với 10 container hàng hóa của Công ty Tân Nhật Huy Vĩnh Đạt và Công ty Nhất Minh, Bùi Anh Tuấn cho rằng đã kiểm hóa tỉ lệ 5% là làm đúng quy trình kiểm hóa. Khi chuẩn bị kiểm hóa, Tuấn thấy container còn nguyên seal gốc, sau đó Châu Thanh Nhàn đại diện doanh nghiệp thuê người cắt seal, mở container để kiểm tra hàng.

Quá trình kiểm hóa, Tuấn xác định hàng hóa đựng trong bao PE, carton, và đối chiếu với thông tin hàng hóa khai báo trên tờ khai hải quan thấy đúng nên cho thông quan. Tuấn không nhớ mặt hàng đã kiểm tra là hàng gì.

Với hành vi của Bùi Anh Tuấn, Cơ quan CSĐT đã đủ  cơ sở kết luận Bùi Anh Tuấn đã không thực hiện nhiệm vụ được giao, bỏ mặc cho Nguyễn Phước Tường móc nối với các đối tượng buôn lậu, ký khống xác nhận việc kiểm hóa theo nhiệm vụ được phân công.

Nghi vấn lô hàng lậu không chỉ 10 container…

Ngày 14/2/2014, Cơ quan CSĐT đã có văn bản gửi Cục Hải quan TP HCM, trong đó đề nghị xác định số tiền trốn thuế đối với 10 container hàng vi phạm, xác định các tờ khai hải quan trước đây của Công ty Tân Nhật Huy Vĩnh Đạt và Công ty Nhất Minh nhập khẩu. Đến ngày 8/5/2014, Cục Hải quan TP HCM có văn bản thông báo đến Cơ quan CSĐT, trong đó Cục Hải quan TP HCM xác định, nếu hàng hóa trong 10 container được khai báo đầy đủ thì phải đóng số tiền thuế hơn 4,9 tỉ đồng.

Ngoài ra, qua rà soát theo yêu cầu, Cục Hải quan TP HCM cũng cho biết, trước khi 10 container hàng bị bắt giữ quả tang ngày 30/12/2013 thì từ ngày 9/11/2013, Công ty Tân Nhật Huy Vĩnh Đạt và Công ty Nhất Minh còn được thông quan 58 tờ khai hải quan hàng nhập khẩu tương tự qua Cảng Vict.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ngoài 10 container hàng nhập lậu đứng tên Công ty Tân Nhật Huy Vĩnh Đạt và Công ty Nhất Minh đã bị bắt quả tang, còn 14 container (40 feets) hàng có dấu hiệu buôn lậu nhập về Cảng Vict cũng nằm trong diện nghi ngờ là hàng nhập lậu chung với lô 10 container đã bị bắt. Đơn vị nhập khẩu 14 container hàng này cũng chính là Công ty Tân Nhật Huy Vĩnh Đạt do Hồ Sấm Dũng làm Giám đốc và Công ty Nhất Minh do Hồ Thị Thu Sang làm Giám đốc. Do 14 container hàng chưa được doanh nghiệp mở tờ khai thông quan nên được xếp vào hàng tồn đọng còn nằm tại cảng.

Ngày 28/4/2014, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn KV3 và PC 46 Công an TP HCM tiến hành kiểm tra hàng trong 14 container, phát hiện có hàng ngàn chủng loại hàng như: thiết bị loa, đèn led, văn phòng phẩm, máy móc ngành dệt may, dụng cụ trang trí phục vụ tết, vải, mỹ phẩm, thực phẩm... xuất xứ Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ… Phần lớn hàng trong container không đúng như tờ khai hải quan, số lượng hàng thực tế cũng lớn hơn rất nhiều so với khai báo hải quan.

Qua xác minh, Công ty Tân Nhật Huy Vĩnh Đạt và Công ty Nhất Minh hoàn toàn không có hoạt động gì tại địa chỉ đăng ký kinh doanh. Giám đốc hai công ty trên hiện đã bỏ trốn và Cơ quan CSĐT đã phát thông báo truy tìm hai đối tượng này. Vụ án đang được tiếp tục điều tra, mở rộng

K.Ngân
.
.
.