Bẫy lừa việc làm và những “ông tướng” tự phong
Tự phong cho mình cấp hàm "Thiếu tướng Quân đội", Long đã cùng các đồng phạm của mình làm cho hơn 900 người sập bẫy xin việc.
Những “ông tướng” tự phong
Mặc dù chỉ là một người lao động tự do nhưng Hoa Hữu Long, sinh năm 1964 (trú tại số 7, ngách 2, ngõ 201 đường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã tự tạo cho mình vỏ bọc là một Thiếu tướng Quân đội, được phân công phụ trách việc tuyển quân cho một tập đoàn kinh tế. Để lấy niềm tin của người có nhu cầu xin việc, Long cùng các đồng phạm đã sử dụng các quyết định giả danh thuộc nhiều đơn vị khác nhau của Bộ Quốc phòng về việc Bộ này đang chuẩn bị thành lập Tập đoàn Đông Dương (phiên hiệu S10). Từ đó, các đối tượng âm thầm thu tiền, hồ sơ của những người có nhu cầu xin vào làm tại tập đoàn này. Mỗi người nếu muốn vào được công ty của Long phải nộp ít nhất từ 65 triệu đồng đến 150 triệu đồng, tùy theo cấp bậc, chức vụ sẽ được sắp xếp sau này. Để giữ kín hành vi lừa đảo, mỗi khi thu tiền của các bị hại, Hoa Hữu Long và các đồng phạm đều nhắc nhở bị hại “đây là đơn vị bí mật nên không được công khai cho ai biết, nếu để người ngoài biết sẽ hỏng việc”.
Các bị cáo trong phiên xét xử sơ thẩm. |
13 đồng phạm trong đường dây lừa đảo của Hoa Hữu Long đều được “phong” cấp bậc hàm và chức vụ. Cụ thể, bị cáo Mạc Phúc Hải, sinh năm 1964 (trú tại Ba Đình, Hà Nội) do quen biết với Long trong lĩnh vực đầu tư bất động sản giữa năm 2016, được Long lấy về tập đoàn và giao cho cấp bậc hàm Thiếu tướng, giữ chức vụ là Phó chủ tịch tập đoàn S10. Bị cáo Nguyễn Minh Sơn, sinh năm 1971 (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) thì được Long giao cho chức vụ là Phó tư lệnh tập đoàn. Bị cáo Phùng Thị Thanh Huế, sinh năm 1978 (trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) quen biết với vợ chồng Hoa Hữu Long từ trước nên khi Long “thành lập” tập đoàn đã mời Huế về làm việc, sau đó giao cho Huế đảm nhận chức vụ Chánh Văn phòng tập đoàn Đông Dương, cấp bậc hàm Đại tá. Riêng bị cáo Lê Hồng Giang, sinh năm 1976 (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) lại đến với tập đoàn Đông Dương qua sự giới thiệu của Mạc Phúc Hải. Khi về “đầu quân” cho công ty này, Giang được phong cấp hàm Trung tá, Thượng tá và sau cùng là Đại tá. Ở đây, Giang được phong chức vụ là Phó tư lệnh tập đoàn Đông Dương.
Trong số 13 đồng phạm, trợ thủ đắc lực nhất của Hoa Hữu Long chính là vợ anh ta - bị cáo Cao Thị Kim Loan (sinh năm 1970). Chức vụ của Loan trong tập đoàn này là Trưởng ban kiểm soát, Phó chính ủy tập đoàn Đông Dương, cấp bậc Đại tá, phụ trách tài chính. Với vai trò này Loan đã tích cực giúp sức cho chồng trong việc thu hồ sơ, lên danh sách và thu hơn 83,5 tỉ đồng của các bị hại rồi chuyển cho Long.
Tại buổi xét xử đầu tiên, Long một mực khẳng định mình là “đặc vụ”, hoạt động ngoại tuyến nên không có thông tin công khai, chỉ có thẻ chứng nhận nhưng đã làm mất. Bị cáo này cũng phủ nhận cáo buộc của Viện kiểm sát, tiếp tục cho rằng bản thân chỉ “làm theo mệnh lệnh của cấp trên là Trần Đức, mật danh T1”... Trước những lời khai này, HĐXX hỏi Long có hiểu Thiếu tướng là cấp bậc gì không, tại sao có thể một bước phong lên quân hàm Thiếu tướng trong khi chưa một ngày trong quân đội? Long im lặng không trả lời sau đó thừa nhận mình có sai phạm nhưng không lừa đảo.
Cũng giống với chồng, Cao Thị Kim Loan cương quyết phủ nhận liên quan đến Tập đoàn Đông Dương và cấp bậc Đại tá cùng chức danh Phó chính ủy phụ trách tài chính. Loan khai bản thân chỉ buôn bán dược phẩm, được chồng nhờ có ai đến đến nộp tiền thì thu và ghi lại.
Chị N. ngồi lặng lẽ nghe toà xử án. |
Trong quá trình mở rộng điều tra, ngoài việc làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Hoa Hữu Long và 13 đồng phạm, cơ quan điều tra còn điều tra, xác minh làm rõ vai trò của 13 đối tượng liên quan. Cụ thể những đối tượng này đã tham gia vào việc tuyển dụng, thu tiền của những người xin việc vào Tập đoàn Đông Dương. Hầu hết các đối tượng này đều có một đặc điểm chung là do có niềm tin với Hoa Hữu Long và Tập đoàn Đông Dương nên đã nộp hồ sơ cho bản thân rồi giới thiệu người thân, bạn bè cùng xin vào Công ty. Do không hưởng lợi gì từ việc “vô tình môi giới”, thậm chí khi thấy sự việc có dấu hiệu lừa đảo, những người này đã phải tự bỏ tiền túi để hoàn trả tiền cho những người mà mình môi giới. Do đó 13 đối tượng liên quan này không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Khốn khổ các nạn nhân
Ngồi lặng lẽ ở một góc toà, chị Nguyễn Thị N. (sinh năm 1992, trú tại Hà Nội) thỉnh thoảng lại thở hắt ra. Chị N. cũng hiểu rằng mình khó có thể lấy lại số tiền đã đưa cho vợ chồng bị cáo Nguyễn Minh Sơn để xin việc. Theo lời chị N. chia sẻ, do quen thân với vợ bị cáo Sơn nên khi thấy chị này nói công ty chồng mình đang tuyển người thì chị N. đã nhờ vợ Sơn xin cho một suất. “Lúc đầu em cũng đắn đo lắm, vì nghĩ rằng mọi việc không đơn giản thế. Em đã từng lên mạng tìm hiểu thông tin về Tập đoàn Đông Dương nhưng không thấy bất cứ dữ liệu nào. Khi em thắc mắc thì chị vợ anh Sơn bảo “nó đang chuẩn bị thành lập” nên vẫn còn bí mật, chưa công khai. Vì là chỗ thân thiết nên em không nghi ngờ gì chị ấy. Khi được vợ anh Sơn đồng ý xin việc hộ, vợ chồng em đã đi vay mượn khắp nơi được 120 triệu để đưa cho chị ấy. Cũng chính vì tin tưởng nhau nên khi đưa tiền em không viết giấy biên nhận gì hết” – bị hại N. cho biết.
Hơn 30 bị hại có mặt dự phiên toà. |
Nghe tin chị N. xin được việc vào công ty lớn nên bạn thân chị N. đã nhờ chị hỏi xem còn suất hay không. Chị N. hỏi vợ Sơn và được chị này cho biết vẫn còn dư 1 suất. Rất nhanh chóng, bạn chị N. mang 70 triệu đồng đến nộp cho vợ Sơn để xin việc. Sau một thời gian dài nhưng vẫn chưa có việc, chị N. cảm thấy ái ngại nên đã xui bạn đòi lại tiền. Tuy nhiên người này nói đã nộp vào rồi thì theo đến cùng.
Theo lời chị N. kể thì trong quá trình chờ đợi, chị nhiều lần gọi điện cho vợ Sơn hỏi khi nào có việc thì được vợ của bị cáo trả lời rằng công ty đang chuẩn bị hoàn thiện, cố chờ thêm một thời gian. Lần gần nhất là vào cuối năm 2017, chị N. nhận được câu trả lời từ vợ chồng Sơn rằng ra Tết sẽ đi làm. Tin tưởng, chị N. đã xin nghỉ công việc là giảng viên hợp đồng tại một Trường cao đẳng trên địa bàn Hà Nội. Chị N. kể lại: “Vì được hứa hẹn chắc nịch là vào đó sẽ được biên chế luôn, lại cộng thêm thời gian đó em đang mang bầu nên cả hai vợ chồng em quyết định nghỉ việc ở chỗ làm cũ, vừa để dưỡng thai vừa để đợi công việc mới”.
Tuy nhiên, ra Tết một thời gian dài chị N. cũng chưa được gọi đi làm. Lúc này chị N. sốt ruột nên đã gọi điện cho bị cáo Sơn nhưng điện thoại luôn trong tình trạng không liên lạc được. Vài ngày sau, chồng chị N. đi lắp camera cho một chung cư. Tại đây chồng chị đã nhìn thấy hình ảnh Sơn bị bắt được cắt ra từ camera. Sau khi thấy hình ảnh đó, chồng chị N. vội gọi về thông báo cho vợ. “Lúc chồng điện báo, em không tin nên đã gọi điện cho vợ anh Sơn thì chị ấy bảo anh Sơn bị bắt rồi. Em thực sự quá sốc, đứng không nổi. Lúc này em mới sinh con được 5 ngày. Sau đó em có nhờ người thân chở đến nhà anh Sơn, khi em đặt vấn đề đòi lại số tiền em đã đưa cho vợ chồng anh Sơn trước đó thì vợ anh Sơn nói anh Sơn cũng chỉ là bị hại, tiền đã đưa hết cho Hoa Hữu Long. Chị ấy bảo hiện chị ấy cũng chỉ là người làm công ăn lương nên không thể có một số tiền lớn trả lại cho em. Chị ấy hứa mỗi tháng trả cho em 1 triệu. Và em nhận được từ chị ấy tổng cộng 5 triệu rồi thôi”.
Bi kịch không dừng ở đó, bởi chị N. không chỉ mất số tiền của mình mà chị còn phải lo xoay tiền để trả cho người bạn thân vì dù vô tình thì chị vẫn là người “môi giới” dẫn đến việc bạn bị mất tiền. Lo vợ mới sinh vì quá lo lắng sẽ dẫn đến trầm cảm nên chồng chị N. đã phải đi vay bạn bè, người thân đủ 70 triệu trả cho bạn. Đến thời điểm này vợ chồng chị N. vẫn đang phải “kéo cày trả nợ”.
Anh T (người ngồi phía ngoài) đã phải bỏ ra gần 500 triệu đồng để trả lại người thân do tin nhầm người. |
Ngồi phía sau chị N. là chị Lê Thị H. 30 tuổi (Hà Nội). Chị H. đến dự phiên toà với tư cách người bị hại. Do quen biết với bị cáo Nguyễn Tân Mão nên vợ chồng chị đã bị đối tượng này lừa 300 triệu đồng với lời hứa hẹn sẽ xin việc cho cả hai vào Tập đoàn Đông Dương. Chị H. kể lại: “Chú ấy giới thiệu là Đại tá làm việc tại Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng. Chú ấy bảo Bộ Quốc phòng đang thành lập Tập đoàn Đông Dương nên có thể xin việc được cho 2 vợ chồng em tuỳ theo năng lực và chuyên ngành. Trước đó 2 vợ chồng em làm công nhân nên khi được hứa hẹn vào làm ở một công ty lớn lại biên chế luôn thì bọn em ai cũng mừng. Nhưng khi em đọc thấy thông tin trên Báo Nghệ An nói công ty đó không có thật, em thắc mắc với chú Mão thì chú ấy bảo là người ta tìm cách chống phá nên em lại tin. Lúc chú ấy bảo sắp có quyết định chính thức đi làm thì em đã xin nghỉ ở công ty và ở nhà đợi. Đợi đến khoảng một năm thì đọc được thông tin trên báo. Lúc đó em mới biết là mình bị lừa”. Cũng giống như chị N, cho đến thời điểm này vợ chồng chị H. vẫn đang phải lo trả nợ. “Cũng may hồi đó chồng em chưa nghỉ việc nên vẫn còn một người cáng đáng gia đình” – chị H. ngậm ngùi chia sẻ.
Trong số hơn 900 bị hại bị lừa trong vụ án này thì có vẻ anh Nguyễn Quý T. (trú tại Yên Hoà, Cầu Giấy) là người chịu thiệt hại nặng nề nhất. Do trước đó anh T. cùng làm chung công ty với bị cáo Lê Hồng Giang (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội). Khi Giang giới thiệu mình đang giữ một chức vụ nòng cốt tại Tập đoàn Đông Dương nên có thể xin được việc cho nhiều người thì anh T. đã nghĩ ngay tới 3 người cháu ruột của mình. Khi nhờ Giang xin việc cho 3 cháu mình, anh T. đã đưa cho Giang gần 500 triệu đồng. “Cũng giống như nhiều bị hại khác, phải đến khi báo chí đăng tải thông tin về đường dây lừa xin việc này tôi mới biết mình là nạn nhân. Tất cả cũng chỉ vì quen thân nên tin tưởng. Giờ mọi việc ra nông nỗi này thì tôi phải tự bỏ tiền ra để khắc phục cho các cháu của mình thôi chứ không lẽ bắt chúng nó phải gánh” – anh T. bức xúc nói.
Có lẽ đây là vụ án lừa đảo mà số lượng bị hại nhiều nhất từ trước tới nay với xấp xỉ gần 1.000 người. Tuy nhiên tại phiên toà xét xử sơ thẩm số lượng bị hại có mặt chỉ vào khoảng hơn 30 người. Phiên toà xét xử bị cáo Hoa Hữu Long và đồng phạm dự kiến diễn ra trong 4 ngày.