12 thuyền viên Việt Nam thoát khỏi địa ngục của cướp biển Somali

Thứ Ba, 07/08/2012, 10:35

Ngày 24/12/2010 có lẽ là một trong những ngày khó quên đối với 12 thuyền viên Việt Nam có mặt trên con tàu  FV Shiuh Fu-1 (Đài Loan). Cùng với 13 thuyền viên Trung Quốc và 1 thuyền viên Đài Loan, họ đã bị một nhóm cướp biển Somali tấn công và sau đó bị giam giữ suốt gần 600 ngày để đòi tiền chuộc. Nỗi ám ảnh về những tên cướp biển hung hãn của các thuyền viên Việt Nam đã được chúng tôi ghi lại, ngay sau khi các anh vừa đặt chân xuống sân bay Nội Bài.

I. Sáng sớm ngày 24/7/2012, khá đông người thân của các thuyền viên đã đứng ngồi vạ vật tại nhà ga sân bay quốc tế Nội Bài để chờ cái giây phút gặp lại những người "từ cõi chết trở về". Cho đến khoảng 15 giờ cùng ngày thì hàng trăm người thân cùng cánh báo chí đã vây chặt lối ra sảnh A ga quốc tế sân bay Nội Bài.

Chị Nguyễn Thị Quế, mẹ của thuyền viên Bùi Văn Hóa (Nghi Lộc, Nghệ An) nghẹn ngào bày tỏ: "Tui sướng lắm các chú ơi. Bị bắt gần hai năm trời thì mãi gần một năm, hắn mới gọi điện về một lần mà chẳng nói chi, chỉ khóc và bảo "nếu có gì xảy ra, con xin lỗi bố mẹ". Từ lúc biết tin cháu được cứu thoát khỏi tay bọn cướp biển mà tôi như thể sống lại lần thứ hai. Biết chiều nay cháu sẽ về đến Hà Nội nên suốt đêm qua ngồi trên xe khách từ Nghệ An ra đây mà tôi không ngủ được. Lo lắng, hồi hộp muốn vỡ tim ra đấy anh ạ…".

Đúng 15 giờ 40 phút, thuyền viên Nguyễn Thanh Tú (quê Nghi Lộc, Nghệ An) là người đầu tiên bước ra từ cổng kiểm soát an ninh. Lập tức bố mẹ Tú ào vào ôm chặt lấy con mình như thể sợ Tú sẽ biến đi một lần nữa. Bà Hoàng Thị Thu (ở Nghi Tiến, Nghi Lộc, Nghệ An) cùng hai con nhỏ lao vào ghì chặt thuyền viên Trần Văn Toàn, nức nở: "Con về đến đây là tốt quá rồi, phúc đức cao dày lắm con ơi...". Người thân của thuyền viên Nguyễn Văn Tâm (quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vừa ôm vừa sờ nắn cơ thể Tâm, vừa than: "Sao hồi mày đi mày béo tốt như ri mà giờ thân tàn ma dại thế này hở con…".

Chúng tôi có thể cảm nhận được niềm vui sướng tột cùng của thân nhân các thuyền viên. Lần lượt 10 thuyền viên (quê ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh) lao vào vòng tay của người thân trong những tiếng nức nở. Chỉ có thuyền viên Lưu Đình Sơn (quê Con Cuông, Nghệ An) không có ai ra đón vì bố mẹ Sơn vẫn đang ốm nằm ở nhà.

Người thân của các thuyền viên đứng chờ con em mình trở về tại sân bay Nội Bài.

II. Thuyền viên Bùi Văn Hóa kể, ngày 26/10/2008 anh lên tàu FV Shiuh Fu-1 cùng 11 thuyền viên người Việt Nam khác. Theo hợp đồng đã ký với Công ty Vạn Hoa (Hải Phòng) thì đến ngày 26/10/2011 hợp đồng kết thúc.

Tàu Shiuh Fu-1 có trọng tải khoảng 700 tấn, tiến hành đánh bắt cá su-lít (một loại cá ngừ) ở vùng biển Ấn Độ Dương. Trên tàu Hóa được giao nhiệm vụ chuyên trực máy. Mỗi ngày Hóa làm 2 ca, theo sự phân công của thuyền trưởng và thuyền phó. Vốn là dân đi biển từ bé, nên Hóa tỏ ra chăm chỉ hòa đồng với các thuyền viên rất nhanh. Thời gian thấm thoắt trôi, chỉ còn khoảng 10 tháng nữa là hết hợp đồng với tàu Đài Loan thì tai ương bỗng đâu ập đến.

Hóa còn nhớ rất rõ lúc ấy vào khoảng hơn 5 giờ sáng ngày 24/12/2010, thuyền trưởng đột ngột ra lệnh cắt hết lưới và tăng tốc. Khi ấy phần đông các thủy thủ đều đang ngủ say, chỉ có một vài người thức nên mọi việc triển khai rất chậm chạp. Con tàu chưa chạy được bao xa thì có hai canô rẽ sóng lao tới với tốc độ cực nhanh. Trên mỗi canô lố nhố 5-6 đối tượng với súng ống đầy mình, chẳng khác nào quỷ dữ hiện hình. Chúng nhanh chóng áp vào mạn tàu, dùng thang móc vào thành tàu để trèo lên. Mặc dù biết là bị cướp biển tấn công, song trước những họng súng tiểu liên cùng B40 chĩa vào tàu khiến thủy thủ đoàn chỉ biết chôn chân đứng nhìn.

Để lại hai tên trông canô, 10 tên đứa nào đứa nấy cao to, đen trùi trũi dùng súng lùa 26 thành viên trên tàu vào một chỗ. Ít phút sau, "tàu mẹ" cũng áp sát Shiuh Fu-1. Thêm gần 30 tên cướp biển ào ào nhảy sang. Chúng tước hết vũ khí, phương tiện liên lạc rồi dồn mọi người xuống boong. Khi phát hiện ở khoang thuyền trưởng vẫn còn giấu 2 khẩu súng, bọn cướp biển lập tức trói ngược tay, chân tất cả thuyền viên, bó lại kéo căng người lên 30 - 40 phút khiến không ai còn chút máu mặt. Lúc cởi trói thì không ai đủ sức đứng dậy nữa.

Sau khi bị khống chế, chúng tiếp tục dong tàu đi "nhử" các tàu khác để cướp. 15 ngày chỉ cướp được một tàu hỏng máy, chúng trở về vịnh đậu mấy ngày, sau đó dồn tất cả thuyền viên lên tàu, tống xuống hầm rồi bắt đầu lênh đênh một hành trình cướp bóc khác. Thuyền viên Nguyễn Văn Hải (20 tuổi, ở Quỳnh Lưu, Nghệ An) còn nhớ như in những giây phút kinh hoàng trên tàu. Chúng dồn 4 người vào một phòng, phía ngoài đều có 2 tay súng canh chừng 24/24 giờ. Mỗi ngày thuyền viên được ăn 2 bát cơm trắng vào lúc 7 giờ sáng và 5 giờ chiều. Ngày được đi vệ sinh 1- 2 lần dưới sự giám sát nghiêm ngặt. Những thuyền viên này ở dưới tầng hầm, làm phục dịch, kéo canô cho cướp biển trong vòng 10 tháng.

Ngoài việc bắt thuyền viên phục dịch, bọn cướp biển cũng liên tục tìm cách để gây sức ép đòi tiền chuộc. Trong thời gian này, thỉnh thoảng chúng bắt thuyền viên gọi điện về yêu cầu người nhà phải lên các công ty để nộp tiền chuộc. "Có lần để bắt gọi điện về đòi tiền chuộc, chúng trói thuyền trưởng theo cách trói ngoặt hết chân, tay vào nhau, kéo căng ra khiến máu không thể lưu thông được. Thuyền trưởng phải đập đầu xuống sàn để máu chảy ra, chúng thấy thế mới thả ra và bắt gọi điện về nhà - Hải kinh hoàng nhớ lại. Hôm 28 Tết Tân Mão, bọn chúng tiếp tục trói thuyền trưởng, khiến ông không chịu nổi phải gọi điện về nhà để yêu cầu thúc giục chủ tàu nhanh chóng chuyển tiền chuộc cho chúng”.

Niềm hạnh phúc vô bờ của các thuyền viên và gia đình sau những ngày bị cướp biển đày đọa.

III. Sau 10 tháng lênh đênh cùng cướp biển, chúng lại cho tàu quay về vịnh. Tại đây, chúng dồn tất cả lên một căn lều mái tôn rồi bắt tháo dỡ mọi thứ trên tàu. Từ đây, các thuyền viên Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu vào một cuộc đọa đày mới, thật chẳng khác nào địa ngục trần gian.

Bọn chúng đều mặc quần đùi, cởi trần và được trang bị súng trường hoặc súng K54. Không ngày nào chúng không đánh hoặc dọa bắn chết nếu khiến chúng không vừa ý. Tại đây không chỉ có một đám cướp mà có vài ba đám cướp, đám này đi cướp về xong thì được nghỉ vài ngày, đám kia lại lên đường. "Thật khó đoán được chúng có bao nhiêu tên trong khu vực giam giữ con tin, sáng mở mắt thấy cướp, tối trước khi nhắm mắt cũng thấy cướp" - thuyền viên Lưu Đình Hùng (22 tuổi, ở huyện Nghi Lộc, Nghệ An) kể.

Cách đây khoảng 3 tháng, toán cướp biển lùa 26 thủy thủ đoàn vào một khu sa mạc, nhìn đâu cũng chỉ thấy có cát trắng. Theo thuyền viên  thì nhìn qua xe ôtô cũng thấy thấp thoáng một vài khu dân cư, song các thuyền viên bị chở đến một nơi hoang vu khủng khiếp. Đoàn người được đưa đến dưới một gốc cây, rồi thả tại đấy. Toán cướp biển (lúc này đã được đổi sang một toán khác) dùng cây cối rào thành một khu, cấm không ai được bén mảng tới hàng rào. Hùng nói rằng, tất cả bị chúng "chăn như chăn dê".

Nơi đây có vẻ như là một trong số những "căn cứ địa" của bọn cướp. Bằng chứng là ở đây có cả phụ nữ, trẻ con. Hầu như tất cả bọn chúng đều mặc váy. Đám trẻ chỉ khoảng 9 - 10 tuổi cũng cầm súng gí vào đầu thuyền viên, bắt làm gì bọn tôi cũng phải làm. Một thuyền viên phỏng đoán: "Qua hành động của bọn chúng, chúng tôi hiểu được đây là một nhóm cướp có tổ chức khá bài bản, dạng như một công ty với khoảng 80 "nhân viên" ở độ tuổi từ 16 đến 45. Chúng có cả người thông ngôn và người đại diện để đứng ra đàm phán việc chuộc tàu, thả người...".

Một thuyền viên khác kể, trong số những lần hiếm hoi được quan sát hai bên trên đường di chuyển có thể thấy hàng chục người đàn ông - tất cả đều mang súng đang làm việc trên bãi biển với máy cắt kim loại dạng đĩa, dụng cụ hàn và các công cụ điện khác. Đây dường như là một sự chuẩn bị đội tàu thuyền cho các vụ cướp sắp tới. Phía sau "công xưởng" trên là hai chiếc xe tải được rửa sạch bóng đang đậu trên bãi cát.

Các thuyền viên chỉ được 3- 4 kg gạo một ngày để nấu. Cơm nấu xong lúc nào cũng có màu đất, còn nước ngọt, chúng mang đến thì nồng nặc mùi phân dê - ngửi đã thấy lộn mửa. Uống xong ai cũng bị đi ngoài khiến sức lực cạn kiệt nhanh chóng. Cả đoàn hầu như không được tắm giặt gì cả. Quần áo của ai rách quá thì được bọn chúng vứt cho một ít đồ thải để mặc. Do người chúng cao lớn nên ai mặc đồ của chúng cũng rộng thùng thình và hôi như cú.

Một toán cướp biển Somali.
Nhiều năm nội chiến liên miên ở Somali và sự thiếu vắng một chính quyền trung ương mạnh, cộng thêm vị trí chiến lược của nước này ở vùng Sừng châu Phi, nạn cướp biển ở Somali đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, tội phạm trên biển mới chỉ xuất hiện dưới hình thức đánh cá trộm ở các vùng biển của nước khác. Cánh cướp biển ban đầu chỉ được huy động để xua đuổi tàu đánh cá của nước khác khỏi những vùng biển nhiều cá. Tiếp đó chúng bắt đầu tấn công tàu buôn.

Sau khi Liên minh Tòa án Hồi giáo tăng ảnh hưởng ở Somali hồi năm 2006, hoạt động cướp biển có điều kiện nở rộ. Một số cướp biển là cựu ngư dân. Họ cầm súng ra khơi với lý do các con tàu nước ngoài đã đánh cá trộm ở vùng biển Somali, gây ảnh hưởng tới đời sống của họ. Số vụ cướp biển bắt đầu tăng dần lên và hình thức thu lời bằng tiền chuộc cũng xuất hiện.

Khi thấy hoạt động cướp biển mang lại nhiều lợi nhuận, các ông trùm ở Somali bắt đầu vào cuộc. Lực lượng này đã đưa những tên cướp biển tự phát vào tổ chức, trang bị vũ khí, phương tiện, huấn luyện cho chúng cách phối hợp tấn công con mồi. Bởi thế, không có gì lạ khi biết hải tặc Somali giờ đã có trong tay các thiết bị định vị toàn cầu, súng trường tấn công, súng phóng lựu, tàu cao tốc và điện thoại vệ tinh.

Nhờ sự hỗ trợ này, tỷ lệ thành công của các vụ tấn công ngoài khơi Somali đã tăng lên đáng kể và quy mô lực lượng cướp biển cũng đang mở rộng. Theo thống kê của các quan chức Somali, nước này hiện có khoảng 1.000 tên cướp biển. Bọn cướp thậm chí còn có "căn cứ địa" nằm ở Eyl, một thị trấn ở khu tự trị Puntland của Somali.

Bọn cướp luôn làm việc theo nhóm và hoạt động phối hợp rất tốt. Chúng thường di chuyển trên những chiếc xuồng cao tốc và có nhiều khi được thả ra từ trong lòng một con "tàu mẹ". Nhờ những "tàu mẹ" này, bọn cướp có thể tấn công những đoàn tàu nằm cách bờ rất xa. Chiến thuật của chúng nhìn chung là nổ súng bắn chặn, tiếp đó áp sát, leo lên tàu và khống chế thủy thủ đoàn. Một vụ cướp thường kết thúc trong thời gian rất ngắn, khiến nạn nhân không kịp trở tay.

Minh Tiến
.
.
.