Vượt qua lỗi lầm
Phút giây đưa đẩy
"Ra tù là tôi đã khác rồi. Tôi chỉ dám dại một lần thôi" - Đỗ Khắc Chí khẳng định thế, như thể anh đã nhận thức rất rõ những giá trị của cuộc sống này. Nhưng vì sao anh lại lý giải thế? Qua câu chuyện của anh, tôi được trở lại thời gian năm 1997, khi đó anh đang là một lái xe trẻ. "Tôi lái xe đường dài, chở hoa quả, chở hàng thuê đi khắp nơi. Lúc đó, mới ở tuổi 21, tôi nghe bạn bè nên đã mang tiền giả đi sử dụng", Chí cho biết.
Theo Chí kể lại, ngày đó gia đình anh nghèo lắm. Mẹ là công nhân, bố là người tàn tật nên lúc nào anh cũng muốn cuộc sống đỡ khổ. Thế nhưng công việc lái xe đường dài vô cùng vất vả, anh lại muốn có khoản tiền lớn để cải thiện cuộc sống. Một người bạn đã đưa cho anh tổng số tiền giả là 16 triệu đồng để đi lưu hành. Nếu tiêu thụ hết số tiền này thì khoản công anh nhận được bằng tiền lái xe một năm.
Nghe bùi tai, Chí đã nhận lời. Và chỉ mấy hôm sau, sau khi nhận tiền, anh đã đưa tiền đi tiêu thụ. Đầu mối lưu hành bị phát hiện, cuối cùng khai ra Chí là "đầu trò" của khoản tiền này. Tôi hỏi, vậy lúc đó anh có biết đấy là tiền giả? Chí bảo rằng, biết rõ, bởi người bạn đã nói rõ về bọc tiền, nhưng anh chưa nhận thức hết về hậu quả của nó. Cuối cùng tình huống đưa đẩy, khiến anh trở thành kẻ tội đồ.
Anh Đỗ Khắc Chí và con gái. |
Đỗ Khắc Chí bị bắt và bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang tuyên phạt 13 năm tù. Chàng trai sinh năm 1976 chấp hành cải tạo tại Trại Phú Sơn 4, Thái Nguyên. "Những ngày mới vào Trại, mặc cảm với tội lỗi đã khiến tôi rất buồn và tuyệt vọng, luôn sống thu mình. Được sự quan tâm của bố mẹ và người thân, đặc biệt là cán bộ quản giáo, tôi đã cố gắng hòa nhập cộng đồng và mong ước sớm được trở về. Trong trại giam, tôi được đào tạo để trở thành một thợ xây. Tôi xây dựng khá tốt", Chí tâm sự.
Với sức khỏe tốt, tay nghề khá, Đỗ Khắc Chí đã nhiều lần được giảm án và được tham gia lao động tại Khu di tích Nha Công an Trung ương, tại huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Tại đây, anh được đặc xá nhân dịp Quốc khánh 2/9/2005, được trở về trước thời hạn 5 năm. Chí bộc bạch: "Khỏi phải nói là tôi vui thế nào. Tôi đã chờ đợi ngày ấy để được trở về đoàn tụ với gia đình, giúp đỡ bố mẹ tôi đang gặp khó khăn nhưng vẫn phải lo lắng cho tôi".
Không ngừng vươn lên
Trở về nhà với hai bàn tay trắng, bố mẹ còn rất nghèo nên Chí cảm thấy xót xa, bởi bố mẹ sinh ra anh, nuôi anh lớn mà chưa báo đáp được gì, còn anh thì đã khiến bố mẹ phải mang tiếng xấu. Lúc này, anh đã là một chàng trai tuổi 30, anh hứa với bố mẹ: "Con sẽ không để bố mẹ phải khổ nữa. Con đã được học trường "đại học" ở trong tù, rất thấm thía rồi".
Cái cần nhất của anh khi đó là hòa nhập cộng đồng, lao động sản xuất tạo ra vật chất. Nhưng làm công việc gì đây? Chí tự nhủ và thấy mất phương hướng. Bố anh bảo con trai, hãy đi làm công việc tay chân, phù hợp với sức khỏe của con, hoặc là đi làm thợ xây, hai là làm xe ôm. Và anh tiếp tục làm nghề rửa xe, cộng với lái ôtô thuê.
Từ năm 2007, Chí chuyển sang mua vườn rừng khai thác để bán gỗ về Hà Nội và xuất đi các công ty nước ngoài. Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho anh vay 20 triệu đồng để mua 3 con trâu kéo gỗ. Kinh tế ngày càng vững vàng trong sự quyết tâm của Chí. Từ năm 2011, Chí là người thứ hai ở huyện Bắc Quang mở xưởng bóc gỗ. Anh xây dựng được 5 xưởng bóc gỗ, đóng trên các địa bàn khu vực xung quanh thị trấn Việt Quang và có lúc tạo việc làm cho hơn 100 lao động địa phương.
Chí hồ hởi khoe: "Có tháng cao điểm, số tiền lương tôi trả cho công nhân lên đến 550 triệu đồng. Công việc mấy năm đó thuận lợi khiến tôi có tiền tích lũy, và lấy được vợ".
Một năm nay, thị trường gỗ thiếu ổn định, Chí đã chuyển sang làm vận tải hàng. Được biết căn biệt thự của vợ chồng anh đang hoàn thiện với tổng mức đầu tư cả đất và nhà khoảng 3,2 tỷ đồng. Chí thổ lộ, anh đã có một thời tuổi trẻ ấu trĩ, giờ trở về với xã hội, được cộng đồng, được các cơ quan chức năng, trong đó có Công an địa phương tạo điều kiện để vươn lên, làm lại cuộc đời. Đó là những điều anh sẽ cố gắng nhớ ghi.
Ghi nhận tấm gương tái hòa nhập cộng đồng của anh Chí, Đại tá Vũ Văn Thanh, Trưởng Công an huyện Bắc Quang cho biết: Anh Đỗ Khắc Chí là tấm gương điển hình vượt qua bóng tối lầm lỗi và mặc cảm quá khứ để trở về đời thường, vươn lên làm giàu chân chính, từng bước tái hòa nhập cộng đồng. Anh phát triển sản xuất kinh doanh giỏi, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Năm 2014, anh vinh dự được nhận Bằng khen về tấm gương điển hình tiên tiến trong công tác tái hòa nhập cộng đồng của Bộ Công an.