Xóa lối đi tự mở qua đường sắt: Khó triệt để nếu địa phương cứ làm ngơ
Đề án bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) và xử lý dứt điểm lối đi tự mở (LĐTM) qua đường sắt được ban hành theo Quyết định số 358/2020 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 358) đặt ra mục tiêu trong 5 năm (từ 2020 đến 2025) sẽ xoá bỏ hoàn toàn gần 4000 LĐTM.
Hai năm qua, dù đốc thúc nhiều lần, song số LĐTM mới xoá bỏ được 388 vị trí nguy hiểm (khoảng 10%). Thực tế còn khá nhiều địa phương thờ ơ với việc này, dù đó là một trong những nguy cơ gây ra TNGT đường sắt.
Thống kê mới nhất từ Cục Đường sắt Việt Nam, trên địa bàn cả nước hiện có 3.623 vị trí LĐTM. Xác định xóa bỏ LĐTM là giải pháp căn cơ để hạn chế thấp nhất TNGT đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để đôn đốc các địa phương, doanh nghiệp. Trong năm 2021, 2022 cơ quan này đã ban hành 30 văn bản gửi Ban ATGT các tỉnh/thành phố; chỉ đạo, đôn đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị trực thuộc tăng cường chủ động phối hợp với chính quyền địa phương trong triển khai công tác TTATGT đường sắt...
Đại diện Sở GTVT tỉnh Nam Định cho biết, hiện tỉnh tiếp tục bố trí kinh phí để duy trì cảnh giới đảm bảo ATGT tại 9 vị trí giao cắt đường bộ - đường sắt; 6 tháng đầu năm 2022 đã xóa bỏ được 60 LĐTM. Cùng đó, đại diện Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa cũng thông tin, tỉnh đã quyết định đầu tư từ ngân sách tỉnh 15 tỷ đồng xây dựng 4 đoạn hàng rào - đường gom ngăn cách đường bộ - đường sắt dài hơn 2.300m để xóa bỏ các LĐTM nguy hiểm, thực hiện trong năm 2022 - 2023.
Bên cạnh đó, đến nay, đường sắt đã phối hợp cùng địa phương thực hiện rào thu hẹp và duy trì trạng thái tại 1.477/1.828 vị trí cần thu hẹp (đạt 81%); duy trì hiện trạng biển cảnh báo đã cắm tại 2.999/3.668 vị trí (đạt 82%); duy trì hiện trạng cảnh giới tại 370/601 vị trí giao cắt đường bộ - đường sắt cần cảnh giới (61,5%); cắm biển hạn chế phương tiện cơ giới tại các lối đi tự mở công cộng có chiều rộng 3m tại 187/755 vị trí (25%).
Mặc dù, Cục Đường sắt Việt Nam đã có nhiều văn bản đôn đốc, tuy nhiên, một số địa phương chưa thực hiện, tổ chức lập kế hoạch. Trên thực tế, lộ trình tổng thể để xóa bỏ LĐTM của một số địa phương còn chậm, đã có 30/34 tỉnh, thành phố đã ban hành, còn lại 4 tỉnh/thành phố và 1 doanh nghiệp (TKV) chưa ban hành kế hoạch, lộ trình thực hiện Đề án đảm bảo trật tự an toàn giao thông và xử lý dứt điểm LĐTM qua đường sắt như Lạng Sơn, Bình Dương, Bắc Ninh, Lâm Đồng và Tập đoàn Than - Khoáng Sản...
Điều này đang là cản trở, khó khăn trong việc cập nhật thông tin đối với các hạng mục công việc đảm bảo trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm LĐTM qua đường sắt. Tình hình vi phạm đất dành cho đường sắt còn tồn tại phức tạp như vi phạm kết cấu hạ tầng đường sắt chưa được giải tỏa là 11.518 vị trí; vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thông tin tín hiệu đường sắt là 5.800 vị trí.
Nguyên nhân là do nhiều địa phương không bố trí được nguồn vốn, ngân sách địa phương hạn hẹp chưa bố trí được để đáp ứng nhu cầu đầu tư xây dựng hàng rào, đường gom theo yêu cầu của Quyết định số 358/QĐ-TTg; Nguồn ngân sách của Trung ương giao cho địa phương để đầu tư xây dựng công trình phụ trợ (cầu vượt, hầm chui, đường ngang, hàng rào/đường gom...) chưa được cấp thẩm quyền bố trí theo lộ trình của Quyết định số 358/QĐ-TTg; Chính quyền địa phương (cấp xã) chưa thực sự chủ động, quan tâm thực hiện trách nhiệm bảo vệ đất dành cho đường sắt theo quy định, do vậy các vụ việc vi phạm đất dành cho đường sắt đang có nguy cơ lan rộng tại một số địa phương nơi có đường sắt đi qua như: UBND phường Dĩ An, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương; UBND các xã: Tam Anh Nam, Tam Nghĩa thuộc huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam; UBND các xã: Suối Cao, Xuân Thọ thuộc huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai; UBND các xã: Suối Kiết, Hàm Hiệp thuộc huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận...
Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Vũ Quang Khôi cho biết, mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng nếu không có giải pháp quyết liệt sẽ khó đảm bảo mục tiêu đề ra. "Mục tiêu Đề án 358 đặt ra là đến năm 2025 phải xóa bỏ hoàn toàn LĐTM. Giờ đã gần hết quý III/2022 vẫn còn tồn tại hơn 3.600 vị trí. Cục Đường sắt Việt Nam đã có nhiều văn bản đôn đốc, tuy nhiên công tác tổ chức lập kế hoạch, lộ trình tổng thể để xóa bỏ LĐTM của một số địa phương còn chậm. Vì thế chúng tôi đang rốt ráo làm việc với các địa phương để đẩy nhanh tiến độ", ông Khôi cho hay.
Cũng theo ông Khôi, Chính phủ, các Bộ, ngành cần ưu tiên bố trí vốn trong năm 2022 và các năm tiếp theo để các địa phương triển khai thực hiện các hạng mục công việc theo kế hoạch, lộ trình đã được phê duyệt tại Quyết định 358 và Quyết định số 1149 của Bộ GTVT. Đối với các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua, cần khẩn trương lập hồ sơ trình cấp thẩm quyền phê duyệt, bố trí nguồn vốn để triển khai thực hiện kế hoạch, lộ trình của Đề án đã được Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời, ưu tiên kinh phí đầu tư để thực hiện các công việc thuộc trách nhiệm của địa phương như xây dựng đường gom, công trình phụ trợ khác để xóa bỏ LĐTM, giải tỏa các công trình vi phạm. Cùng đó, các tỉnh/thành phố cần rà soát, bổ sung quy hoạch giao cắt đường bộ - đường sắt trên địa bàn, đề xuất bổ sung các vị trí dự kiến cần xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp đường ngang theo kế hoạch.