Xe khách gắn mác xe hợp đồng vẫn bát nháo gom khách

Thứ Hai, 28/11/2022, 07:48

Gắn mác xe hợp đồng nhưng lại vận chuyển hành khách theo khung giờ và tuyến đường cố định từ Hà Nội về các tỉnh, những chiếc xe chở khách này thường sử dụng địa điểm trước cửa văn phòng hoặc những nơi công cộng để lập bến đón khách. Khi khách có nhu cầu, chỉ cần liên hệ đặt chỗ qua điện thoại sẽ được nhân viên hướng dẫn điểm đón xe gần nhất hoặc gom khách tại bất cứ địa điểm nào.

“Bến cóc” nhộn nhịp trước của công viên

Khu vực Công viên Cầu Giấy, quận Cầu Giấy lâu nay được biết đến là 1 trong những bãi "xe dù" đón khách khá nhộn nhịp với đủ các tuyến chạy từ Hà Nội về các tỉnh như Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình...

Trong vai người có nhu cầu đi từ Hà Nội về TP Thái Bình, ngày 23/11, chúng tôi liên hệ qua số tổng đài 0227.... của nhà xe Phiệt Học (Công ty TNHH TM&DV Vận tải Phiệt Học). Ngay sau khi bắt máy,  nhân viên đã tư vấn tận tình cho chúng tôi. Đầu tiên, người này hỏi chúng tôi về điểm khởi hành và điểm đến tại tỉnh Thái Bình rồi hỏi chúng tôi đang ở khu vực nào của TP Hà Nội.

Xe khách gắn mác xe hợp đồng vẫn bát nháo gom khách -0
Nhà xe Phiệt Học hẹn đón khách tại khu vực Công viên Cầu Giấy.

Khi chúng tôi cho biết đang ở khu vực quận Cầu Giấy thì nhân viên này hướng dẫn chúng tôi: "Nếu chị ở Cầu Giấy, chị đến đón xe ở Công viên Cầu Giấy, phía đoạn đường Trương Công Giai". Nhân viên này yêu cầu chúng tôi cung cấp tên, số điện thoại để đặt vé và điểm xuống xe tại Thái Bình để nhà xe sắp xếp. Đặc biệt, cứ cách 1h là nhà xe lại có 1 chuyến chạy về Thái Bình, bắt đầu từ 6h và kết thúc chuyến cuối cùng là 16h15. Vì vậy, hành khách không phải chờ đợi lâu, muốn đi lúc nào nhà xe sẵn sàng đáp ứng lúc đó. Có mặt theo đúng giờ xe hẹn tại Công viên Cầu Giấy, hình ảnh chúng tôi ghi lại được là có khoảng 3 chiếc xe Limousine màu đen cùng 2 xe khách loại 29 chỗ ngồi đang đỗ ở đây. Một bác xe ôm chờ khách trước cổng Công viên Cầu Giấy thấy chúng tôi liền hỏi: "Muốn đi xe khách về đâu? Phía bên kia có 2 xe chạy về Ninh Bình, bên này 2 xe chạy về Hải Dương. Còn phía đằng sau là xe Phiệt Học chạy về Thái Bình. Cứ 1 tiếng 1 chuyến". Ngay sát điểm đỗ xe của những chiếc xe này đều có các quán trà đá để khách đi xe đến tập kết chờ xe chuyển bánh. Xe chuẩn bị khởi hành, nhân viên các nhà xe lũ lượt mang hàng ra xếp lên xe. Một vài người khách lẻ lần lượt lên xe.

Nhà xe Hưng Thành (Công ty Thương mại vận tải du lịch Hưng Thành) có văn phòng tại số 287 Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Lần theo số điện thoại của nhà xe Hưng Thành, chúng tôi điện thoại để đặt chỗ đi xe khách từ Hà Nội về Đà Nẵng. Nhân viên nhà xe Hưng Thành đã nhanh chóng nhận lời và dặn tôi: "18h xe khởi hành, chị ra sớm khoảng 30 phút để nhân viên bên em sắp chỗ giường nằm tốt nhất". Nhân viên này cũng yêu cầu chúng tôi cung cấp tên tuổi, số điện thoại để lấy vé trước. 17h30 tại địa chỉ số 287 Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, một chiếc xe khách đang đỗ chềnh ềnh ngay lòng đường, choán gần hết nửa lòng đường chờ đón khách.

Cần liều thuốc "đặc trị"

Mang thông tin về "bến cóc" ở khu vực Công viên Cầu Giấy phản ánh với lực lượng Thanh tra Giao thông vận tải Hà Nội, ông Phan Anh Tuấn, Đội trưởng Đội Thanh tra Giao thông vận tải quận Cầu Giấy cho biết, hiện nay khu vực Công viên Cầu Giấy có nhiều tuyến đường chưa có tên hoặc giáp ranh các khu vực nên xuất hiện tình trạng xe chạy hợp đồng đến dừng đỗ xe tại đây. Tuy nhiên, các xe này không dừng đỗ cố định mà nay đây mai đó.

Ông Tuấn cho biết, qua theo dõi nắm tình hình, tại khu vực này không có biển cấm dừng đỗ nên không thể xử phạt các xe về lỗi cấm dừng đỗ. Bên cạnh đó, các xe này là xe hợp đồng nên họ thường có các "chiêu" để lách cơ quan chức năng khi bị kiểm tra. Khách đi xe sẽ được nhà xe điền tên vào hợp đồng. Thậm chí, có tình trạng khách còn đứng về phía nhà xe, nhận là khách đi theo hợp đồng nên gây khó khăn cho quá trình xử lý. Khi đang đỗ xe tại đây, chỉ cần thấy có lực lượng Thanh tra Giao thông là những xe này lập tức đóng cửa cho xe chạy đi.

Còn theo Đại úy Doãn Hữu Văn, Tổ trưởng Tổ Tuần tra kiểm soát, Đội CSGT số 6, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội - quản lý địa bàn quận Cầu Giấy, đối với những xe khách hoạt động dưới danh nghĩa xe hợp đồng gom khách, hiện lực lượng CSGT thuộc Đội CSGT số 6 chỉ mới dừng lại xử phạt ở các lỗi như dừng xe ở nơi có biển cấm dừng đỗ, hay đỗ xe không đúng quy định... Bởi lẽ, để tránh lực lượng chức năng kiểm tra, các nhà xe đều dặn khách khi được hỏi thông tin là người quen đi xe hoặc khách đặt xe hợp đồng. Chính vì vậy rất khó có thể xử lý được các xe này.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ tại khu vực Công viên Cầu Giấy hay văn phòng nhà xe Hưng Thành ở Trần Khát Chân, tại một số địa điểm khác trên địa bàn Thủ đô Hà Nội cũng xuất hiện các "bến cóc" gom khách của các xe khách đội lốt xe hợp đồng. Trước cửa văn phòng công ty, công viên, siêu thị, rạp xiếc... đều có thể trở thành "bến cóc". Bất cứ người dân muốn đi đâu cũng đều có xe khách đáp ứng nhu cầu mà không phải vào bến xe. Tình trạng này khiến cho mật độ giao thông Hà Nội đông đặc, ách tắc giao thông, phá vỡ luồng tuyến vận tải dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị vận tải. Đề nghị các cơ quan chức năng cần có liều thuốc "đặc trị" ngăn chặn hoạt động đón khách bát nháo của xe khách đội lốt xe hợp đồng này.

Muôn kiểu "xe dù, bến cóc" trá hình tại đất Cảng

Sau khi có phản ánh từ cơ quan báo chí và các doanh nghiệp, Sở GTVT Hải Phòng tổ chức phối hợp cùng các ngành, địa phương kiểm tra, xử lý tình trạng "xe dù, bến cóc", xe trá hình tuyến cố định, "xe ghép, xe tiện chuyến".

Cụ thể, theo báo cáo của Sở GTVT Hải Phòng, hiện đơn vị đang quản lý 467 xe khách tuyến cố định với hơn 200 tuyến, hoạt động tại 7 bến xe trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, còn có 3.260 xe hợp đồng, 3.022 xe taxi, 45 xe du lịch, 85 xe buýt. Với số lượng xe này, Hải Phòng là địa phương đứng thứ 3 cả nước, sau TP Hồ Chí Minh và Hà Nội về số lượng xe kinh doanh vận tải.

Sở GTVT Hải Phòng cũng ghi nhận, lượng xe nhiều, nhất là xe hợp đồng và xe khách tuyến cố định xảy ra tình trạng xe khách tuyến cố định bỏ bến với 135 lốt. Và một số doanh nghiệp có xe hợp đồng sử dụng như xe khách tuyến cố định. Ngoài ra, còn có một số lượng lớn xe con mang tên cá nhân, nhưng sử dụng để chở người, có thu tiền, thường được gọi là "xe ghép khách, xe tiện chuyến".

Hoạt động của các xe hợp đồng, xe tiện chuyến ảnh hưởng đến vận tải hành khách tuyến cố định và các bến xe. Để tăng thêm doanh thu, một số doanh nghiệp xe khách tuyến cố định sau khi rời bến tổ chức đón trả khách ngay gần khu vực bến xe, tại các văn phòng đại diện. Có xe chạy vòng vo đón khách, gây mất trật tự an toàn giao thông.

Tình trạng này gây ảnh hưởng đến hoạtđộng của các bến xe, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định. Cụ thể, theo phản ánh của các nhà xe vận tải khách tuyến cố định đang hoạt động tại bến xe Thượng Lý (phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng), thời gian gần đây, ở khu vực gần bến xe Thượng Lý xuất hiện một số bãi đỗ xe tự phát để đón khách. Đáng chú ý, bãi xe dạng này ngang nhiên treo biển "Dịch vụ gửi xe ôtô 24/7, lưu kho, trung chuyển, xếp dỡ hàng hóa", cùng với đó là nhiều xe giả danh tuyến cố định từ Hải Phòng đi các tỉnh khác.

Đại diện một nhà xe chạy tuyến cố định Hải Phòng - Hà Nội cho biết, trong khi các nhà xe như mình phải vào bến, chạy theo luồng, tuyến với những quy định nghiêm ngặt thì các xe không chính thống lại tìm cách lách luật, không bị chi phối bởi các điều kiện kinh doanh vận tải và tránh được nhiều loại chi phí khác. Điều này không chỉ gây bất bình đẳng trong hoạt động vận tải mà còn đẩy các nhà xe tuyến cố định đối mặt với nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Huy Bản, Trưởng ban Quản lý bến xe khách Thượng Lý cho biết thêm, hiện trên địa bàn TP Hải Phòng, số lượng các loại xe núp bóng hợp đồng tăng mạnh về quy mô hoạt động lẫn số lượng phương tiện. Không cần phải vào bến, xin cấp phép chạy tuyến cố định, các doanh nghiệp, nhà xe chỉ cần đăng ký chạy hợp đồng là có thể hoạt động công khai. Xe "hợp đồng" trá hình tuyến cố định thực ra không khác gì xe dù để lách luật tìm cách bắt khách…

Trong khi đó, theo Thanh tra Sở GTVT Hải Phòng, thời gian qua, lực lượng này đã làm việc với các doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp bến xe, bước đầu chấn chỉnh hoạt động xe khách tại bến xe Thượng Lý và bến xe Vĩnh Niệm. Tuy nhiên, đối với xe hợp đồng trá hình và xe ghép, xe tiện chuyến rất khó trong xử lý, do điều kiện về thiết bị kỹ thuật yếu kém, văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều sơ hở…

Tại cuộc họp do Sở GTVT Hải Phòng tổ chức, đại diện các địa phương, Hiệp hội vận tải và Công an TP Hải Phòng đều cho rằng, "xe dù, xe tiện chuyến" là những hoạt động vận tải thu tiền và trá hình như xe tuyến cố định, ảnh hưởng đến vận tải hành khách tuyến cố định, ảnh hưởng đến hoạt động của xe taxi và doanh nghiệp bến xe, gây mất trật tự an toàn giao thông. Và cuối cùng, các đơn vị này cũng chỉ thống nhất đề nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý…

Đến thời điểm này, đại diện Sở GTVT Hải Phòng cho biết, bước đầu sẽ tăng cường quản lý các văn phòng giao dịch của doanh nghiệp xe, bổ sung một số biển cấm dừng chung quanh các bến xe khách. Tiếp đó sẽ cùng các cơ quan, đơn vị thống nhất đề xuất, kiến nghị đến các cơ quan. (V. Huy)

Đức Quang
.
.
.