Xe đăng kiểm giảm mạnh, khó giữ chân đăng kiểm viên
Gần một tháng trước, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã phát đi thông cáo lo ngại về việc ùn tắc đăng kiểm vào dịp cuối năm. Nếu không có sự chuẩn bị trước, tình trạng này sẽ lại gây phiền phức cho người dân và đơn vị đăng kiểm.
Tuy nhiên, tại thời điểm này (đầu tháng 11/2023), nhiều trung tâm đăng kiểm(TTĐK) cho biết, lượng xe đến đăng kiểm không đông, thu không đủ bù chi và giá dịch vụ kiểm định đã không đổi 10 năm qua dẫn đến khó thu hút và giữ chân đăng kiểm viên.
Trung tâm liên tục báo lỗ
Chiều 5/11, trao đổi nhanh với phóng viên Báo CAND, ông Trần Quốc Hoan, phụ trách TTĐK 2903V (Hà Nội) cho biết, nếu như tháng 10 và tháng 11 năm 2022, mỗi ngày trung tâm đón trung bình 170 xe/ngày đến đăng kiểm.
Sang tháng 10 và 5 ngày đầu tháng 11/2023, mỗi ngày trung bình chỉ còn khoảng 80-90 xe đến đăng kiểm. Trong khi nhân lực và dây chuyền của trung tâm có thể phục vụ gần 200 xe mỗi ngày. Vì xe đến đăng kiểm vắng nên trong nhiều tháng, doanh thu của đơn vị không đủ bù chi. Trong 3 tháng 7,8,9 vừa qua, trung tâm đã lỗ hơn 1 tỷ. Đơn vị phải báo cáo về Cục Đăng kiểm Việt Nam xin hỗ trợ tiền trả lương đăng kiểm viên và tiền thuê đất.
Thực tế tại thời điểm này, đăng kiểm đang vắng, nhưng ông Hoan cho rằng, có thể sang tháng 12, lượng xe đến đăng kiểm sẽ tăng lên. Tuy nhiên, đơn vị có 10 đăng kiểm viên bậc cao thì có tới 6 người sắp bị kỷ luật về Đảng do có sai phạm từ trước, mà sau khi kỷ luật sẽ là buộc thôi việc. Lúc đó trung tâm sẽ chỉ còn lại 4 đăng kiểm viên bậc cao cùng một số đăng kiểm viên thực tập. Dù có tới 2 dây chuyền có thể hoạt động, nhưng nếu thiếu đăng kiểm viên làm việc, thì cũng không thể phục vụ kịp các xe đến trung tâm. Đây mới là mấu chốt của vấn đề “ùn tắc”.
Trên thực tế, qua tìm hiểu của phóng viên, hiện nay hầu hết TTĐK trên cả nước luôn trong tình trạng vắng vẻ, không còn cảnh phương tiện xếp hàng để chờ vào kiểm định như những tháng đầu năm vừa qua. Chia sẻ thêm về khó khăn, một lãnh đạo TTĐK khác trên địa bàn Hà Nội thông tin, các khoản thu của đơn vị chủ yếu vẫn từ giá dịch vụ kiểm định xe (từ 240.000 - 560.000 đồng/xe), tiền trích lại từ việc thu hộ phí bảo trì đường bộ (1,32% tổng số tiền thu). Tuy nhiên, lượng xe đến kiểm định sụt giảm trong những tháng qua dẫn đến thu không đủ bù chi (bình quân mỗi ngày khoảng 20-30 xe so với thời điểm trước kia là từ 120-140 xe/ngày). Vị này đưa ra dẫn chứng: Năm 2022, trung bình mỗi tháng, tiền thu được từ giá dịch vụ kiểm định xe khoảng 800 triệu đồng. Đến tháng 10/2023, dao động chỉ khoảng 150 triệu đồng, tiền phí bảo trì đường bộ doanh thu giảm hẳn một nửa cũng kéo theo khoản tiền trích lại thu hộ từ phí bảo trì đường bộ chỉ được khoảng vài chục triệu đồng. Với tiền thuê đất, điện nước, tiền chi trả lương cán bộ công nhân viên tại TTĐK, chưa kể tiền lãi ngân hàng, tiền khấu hao thiết bị máy móc và trong bối cảnh lượng xe giảm khoảng 70% như hiện nay, đơn vị sẽ lại tiếp tục lỗ gần 200 triệu đồng/tháng. Trung tâm đang gồng mình vượt qua khó khăn nhưng không thể kéo dài lâu, nếu không có kinh phí rất khó giữ đăng kiểm viên. Do đó, việc tăng giá kiểm định thực sự rất cấp thiết.
Đề xuất sớm tăng giá dịch vụ và thu nhập đăng kiểm viên
Ông Võ Thanh Bình, Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch đầu tư (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho rằng, giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới không thay đổi trong 10 năm qua dù nhiều yếu tố cấu thành lên mức giá trên đã biến đổi, đặc biệt là chi phí tiền lương, chi phí điện, nước và nhiều chi phí khác. Ngoài ra, miễn kiểm định đối với phương tiện đăng ký lần đầu và giãn chu kỳ đăng kiểm đối với xe không kinh doanh vận tải dưới 10 chỗ ngồi đã làm cho khối lượng công việc và doanh thu các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới hiện nay chỉ đạt 60-70% so với cùng kỳ năm trước. “Do đó, việc xem xét điều chỉnh mức thu giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới đang lưu hành là việc làm hết sức cần thiết”, ông Bình nhấn mạnh.
Đồng tình quan điểm, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam khẳng định, việc điều chỉnh giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới là cần thiết, là cơ sở để đảm bảo cho hoạt động kiểm định được ổn định lâu dài, để các đơn vị đăng kiểm duy trì hoạt động nhằm phục vụ nhu cầu người dân, đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ đăng kiểm viên tiếp tục gắn bó với nghề. “Để đáp ứng nhu cầu kiểm định trong dịp cuối năm, các đơn vị kiểm định cần phải bố trí nhân sự làm thêm giờ, làm thêm ngày thứ Bảy, Chủ nhật và phải trả lương tăng thêm theo quy định, cải thiện về thu nhập cho người lao động. Ngoài ra, khi giá kiểm định tăng sẽ thu hút nhiều trung tâm đăng kiểm mở thêm để đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp”, ông Quyền nói.
Về phương án điều chỉnh giá, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất lựa chọn điều chỉnh giá căn cứ vào các yếu tố chi phí cấu thành lên giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới ban hành từ năm 2013 và đề xuất điều chỉnh mức tăng giá trên cơ sở lựa chọn những yếu tố chi phí có nhiều biến đổi. Theo đó, mức tăng giá dao động từ 26-28% so với giá hiện hành, đồng thời, đây là mức giá tối đa.
Ngoài việc đề xuất tăng giá dịch vụ, mới đây Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có văn bản gửi các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trên toàn quốc về việc phối hợp với nhà cung cấp thiết bị chủ động rà soát toàn bộ tình trạng hoạt động của các thiết bị kiểm định đang hoạt động về tính ổn định, chính xác trong quá trình kiểm tra, đánh giá.