Việc đi lại qua nhiều tỉnh vẫn khó khăn

Chủ Nhật, 17/10/2021, 09:42

Nghị quyết 128 do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành từ ngày 12/10 đã cho phép nới lỏng các biện pháp hạn chế, tạo điều kiện cho người dân đi lại, lưu trú. Tuy nhiên, thực tế, do đặt nặng yêu cầu phòng chống COVID-19 và tình hình thực tiễn đặc thù, trong những ngày sau đó, một số địa phương vẫn chưa chấp hành nghiêm theo tinh thần nghị quyết. Thậm chí, có địa phương còn đặt ra những yêu cầu kiểm tra, ngăn chặn, hạn chế riêng.

Tại Đồng Nai, sau khi thống nhất với TP Hồ Chí Minh, những ngày qua các chốt cửa ngõ của địa phương này vẫn chỉ cho phép công nhân, người lao động lưu thông vào địa bàn bằng xe ôtô đưa đón hoặc ôtô cá nhân; chưa chấp nhận cho người lao động đi lại tự phát bằng xe gắn máy. Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, việc này nhằm tránh để phát sinh tình trạng người dân đi lại tự phát, không kiểm soát được trong khi dịch bệnh trên địa bàn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Về việc thống nhất thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho rằng chưa thể áp dụng đại trà trên địa bàn mà sẽ thực hiện theo lộ trình.

Tại Bình Phước và Bến Tre, xe ôtô các tỉnh đi qua địa phận vẫn bị niêm phong cửa xe. Người ngồi trên xe, kể cả tài xế sẽ không được phép mở cửa xe hay bước xuống xe trong suốt thời gian xe quá cảnh qua tỉnh. Người lưu thông qua địa bàn tỉnh vẫn phải thực hiện hàng loạt thủ tục khắt khe, phải tập trung thành đoàn chờ CSGT dẫn đoàn mới được phép di chuyển.

Từ đầu tháng 10 đến nay, tỉnh Đồng Tháp tiếp nhận hơn 30.000 người dân từ các tỉnh, thành trở về địa phương. Các trường hợp trở về kể cả đã tiêm vaccine (mũi 1 và đủ 2 mũi) sau khi kiểm tra thông tin đều phải chấp hành việc bố trí cách ly tập trung để test nhanh, sau đó mới áp dụng biện pháp cụ thể cách ly và theo dõi tại nhà hoặc phải cách ly tập trung.

Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết đến ngày 16/10, tỉnh vẫn duy trì các chốt kiểm soát cửa ngõ vào tỉnh. Việc duy trì các chốt kiểm dịch để kiểm soát về y tế, các trường hợp vào địa phương hoặc lưu thông qua Đồng Tháp vẫn phải đáp ứng các điều kiện về y tế. Trường hợp đã tiêm vaccine (mũi 1 và đủ 2 mũi) vẫn phải đáp ứng yêu cầu âm tính với SARS-CoV-2, nếu lưu trú tại tỉnh Đồng Tháp và thực hiện theo yêu cầu của địa phương là cách ly tại nhà hoặc cách ly tập trung. “Đồng Tháp đã nới lỏng và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tuy nhiên việc kiểm soát về y tế phải chấp hành”, ông Bửu nói.

Việc đi lại qua nhiều tỉnh vẫn khó khăn -0
Người dân kiểm tra y tế trên quốc lộ 53 tại chốt kiểm soát Mây Tức (huyện Càng Long, Trà Vinh).

Ghi nhận của phóng viên vào sáng 16/10, tại các chốt cửa ngõ vào tỉnh Trà Vinh, xe tải “luồng xanh và các trường hợp di chuyển liên tỉnh theo mục đích “công vụ” ra, vào địa phương đều được tạo điều kiện thuận lợi. Nhưng người dân di chuyển ra, vào tỉnh Trà Vinh, việc kiểm soát vẫn được thực hiện chặt chẽ. Để vào được tỉnh Trà Vinh, điều kiện bắt buộc phải có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, khai báo rõ ràng nơi đi, nơi đến và có sự đồng ý của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch đối với từng trường hợp cụ thể.

Người dân từ vùng dịch trở về và lưu trú ở Vĩnh Long, đã tiêm đủ hai mũi vaccine vẫn phải chấp hành việc cách ly tạm thời để theo dõi, chờ kết quả xét nghiệm sau đó mới áp dụng việc cách ly tập trung hoặc theo dõi sức khỏe tại nhà. “Trường hợp chưa tiêm vaccine, bắt buộc phải cách ly tập trung”, nhân viên trực và kiểm soát tại chốt, thông tin. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Long, các trường hợp trở về hoặc lưu trú tại tỉnh dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn phải yêu cầu có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Việc đi lại qua nhiều tỉnh vẫn khó khăn -0
Nhân viên trực chốt kiểm tra thông tin người dân từ Trà Vinh vào Vĩnh Long.

Tại TP Cần Thơ, chốt cửa ngõ qua cầu Cần Thơ nằm trên quốc lộ 1 vẫn duy trì kiểm soát và khai báo y tế. Các trường hợp lưu thông qua Cần Thơ để đến Hậu Giang và đi các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau rất thuận lợi. Người dân muốn vào Cần Thơ và lưu trú, ngoài việc có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, vẫn phải thực hiện việc theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà hoặc tập trung theo yêu cầu của địa phương.

UBND tỉnh An Giang vừa ban hành công văn quy định tạm thời về quản lý người dân ra/vào các tỉnh/thành đảm bảo các quy định phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, công dân đang làm việc tại An Giang có nguyện vọng ra ngoài tỉnh với mục đích công vụ, kinh doanh, học tập, điều trị bệnh, hoặc trở về gia đình... làm đơn đăng ký di chuyển (có thể đánh máy hoặc viết tay) gửi cơ quan có thẩm quyền để được xem xét.

Cụ thể, công dân, tổ chức hoạt động bên ngoài khu công nghiệp, phải gửi đơn xin phép đến Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố xem xét và có văn bản chấp thuận hỗ trợ, tạo điều kiện di chuyển ra khỏi tỉnh (kể cả quay trở lại địa phương). Đồng thời, công dân, tổ chức hoạt động bên trong Khu công nghiệp, phải làm đơn xin đăng ký di chuyển đến Trưởng ban Quản lý khu kinh tế tỉnh An Giang xem xét và có văn bản chấp thuận hỗ trợ, tạo điều kiện cho các công dân, tổ chức hoạt động trong các Khu chức năng kinh tế Cửa khẩu và Khu công nghiệp được di chuyển ra khỏi tỉnh (kể cả quay trở lại địa phương).

Ngoài ra, công dân muốn ra/vào tỉnh phải đáp ứng các điều kiện: Là người điều trị khỏi bệnh COVID-19 dưới 180 ngày (có giấy chứng nhận xuất viện sau điều trị COVID-19), đã tiêm chủng đủ liều vaccine hoặc đã tiêm chủng ít nhất 1 mũi đối với loại vaccine tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm (có giấy xác nhận tiêm chủng) và có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2 bằng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên có giá trị trong vòng 24h hoặc xét nghiệm RT-PCR có giá trị trong vòng 72h (kể từ thời điểm lấy mẫu).

Người dân vào địa bàn tỉnh An Giang phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2 bằng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên có giá trị trong vòng 24h hoặc xét nghiệm RT-PCR có giá trị trong vòng 72h (kể từ thời điểm lấy mẫu). Do tình trạng dịch bệnh COVID-19 ở An Giang đang  diễn biến phức tạp nên so với các địa phương khác, việc kiểm soát tại An Giang vẫn có phần chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, điều này không gây nên sự phản đối hay phản ứng.

Các địa phương khác, trước phản ứng của dư luận cũng đã có những thay đổi nới lỏng, phù hợp hơn. Từ 0h ngày 16/10/2021, Bà Rịa – Vũng Tàu đã cho phép người dân được di chuyển giữa các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, trừ những trường hợp đến/ đi từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3, cấp độ 4, hoặc cách ly y tế (vùng phong toả).  Người từ địa phương khác vào tỉnh không phải xuất trình kết quả xét nghiệm trên đường đi.

Sáng 16/10, trên Quốc lộ 51, tại chốt kiểm soát khu vực gần nhà máy Vedan vào buổi sáng cùng ngày, cả một đoàn xe kéo dài hàng trăm mét hướng từ phía Đồng Nai nối đuôi nhau di chuyển chậm đến các chốt của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Những xe “luồng xanh” vận chuyển hàng hóa được bố trí bãi đậu riêng để làm thủ tục, còn lại các phương tiện cá nhân vào tỉnh dù không phải xuất trình giấy xét nghiệm SARS-CoV- 2 nhưng đều phải vào các chốt để thực hiện khai báo y tế.

Do lượng người người đổ về khá nhiều, trong đó, nhiều người chưa cài đặt các phần mềm PC-COVID, Sổ sức khỏe điện tử hay VNIED nên đã xảy ra tình trạng tập trung đông người và ùn ứ tại các chốt. Sau khi thực hiện khai báo xong, mỗi người sẽ được đóng một dấu đỏ vào tay để lực lượng tuyến sau có thể nhận diện đã khai báo y tế và cho xe đi qua.

Người dân Tây Nguyên mệt mỏi chờ “quá cảnh” Bình Phước

Ngày 16/10, anh Đoàn Khắc Thụy cho biết, nhà anh ở TP Hồ Chí Minh, lúc còn đi lại được cách nay hơn 3 tháng, anh về nhà vợ ở Đắk Lắk. Được một thời gian thì dịch bùng phát, anh kẹt lại ở bên nhà vợ đến nay. Vừa qua, hay tin Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 cho người dân đi lại giữa các tỉnh, thành nên anh cùng gia đình rời Đắk Lắk trở lại TP Hồ Chí Minh đi làm việc.

Tuy nhiên, khi đến khu vực giáp tỉnh Bình Phước, anh bị lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt phòng, chống COVID-19, cửa ngõ vào Bình Phước chặn lại yêu cầu phải có giấy xét nghiệm âm tính, mặc dù tất cả đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng, chống dịch COVID-19. Lúc này anh và người thân phải quay ngược đến một cơ sở y tế của tỉnh Đắk Nông xét nghiệm, sau đó trở lại trình lực lượng chức năng trực tại chốt mới được di chuyển về TP Hồ Chí Minh.

Việc đi lại qua nhiều tỉnh vẫn khó khăn -0
Người dân mệt mỏi chờ dẫn qua địa phận tỉnh Đắk Nông và Bình Phước để đến Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai…

“Tôi thấy thủ tục lằng nhằng quá, người dân vô cùng bức xúc. Chúng tôi đến chốt vào khoảng 7h sáng nhưng mất thời gian đi xét nghiệm, khi tất cả có kết quả xét nghiệm âm tính quay lại chốt lại phải chờ nhiều tiếng đồng hồ, đến khoảng 13h khi tập hợp đủ số lượng người mới được dẫn đường di chuyển qua địa phận tỉnh Bình Phước. Tôi về đến nhà ở TP Hồ Chí Minh thì đã tối, tất cả mọi người đều rất mệt mỏi. Đấy là đi xe hơi còn đỡ chứ tôi thấy người dân đi xe máy từ Tây Nguyên muốn về TP Hồ Chí Minh khi đến chốt ở huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước đều phải nằm ngồi vạ vật chờ, khi đủ đông mới được lực lượng Công an dẫn đường qua địa phận Bình Phước”, anh Thụy nói.

Trước đó, ngày 14/10, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, nhà ở TP Hồ Chí Minh lên Đắk Lắk thăm người thân cũng bị kẹt lại tại đây. Hay tin Chính phủ nới lỏng việc di chuyển nên anh quyết định về lại TP Hồ Chí Minh bằng xe ôtô cá nhân nhưng cũng bị “hành” tương tự.

Theo tìm hiểu của phóng viên, lượng người từ các tỉnh Tây Nguyên đổ về các tỉnh, thành phố phía Nam qua Bình Phước những ngày gần đây hầu hết là người về quê tránh dịch từ đợt cuối tháng 7/2021. Biết tin TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, các tỉnh nới lỏng đi lại và mở cửa sản xuất trở lại nên họ quay về làm việc, học tập. Cũng có nhiều người từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đến Tây Nguyên, sau đó do dịch bùng phát nên bị kẹt lại tại đây. Trong số này nhiều người đã tiêm từ 1 đến 2 mũi vaccine phòng, chống COVID-19.

Một lãnh đạo tại chốt phòng, chống COVID-19 ở khu vực cửa ngõ huyện Bù Đăng cho hay thủ tục di chuyển ngang qua tỉnh Bình Phước để đi Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và các tỉnh, người dân cần các loại giấy tờ gồm: Giấy test nhanh âm tính có hiệu lực trong 72h hoặc test PCR có hiệu lực trong 72h; giấy thông báo đi làm của công ty hoặc giấy xác nhận của UBND cấp phường trở lên ở dưới TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… tiếp nhận công dân lên làm việc hoặc giấy cho phép di chuyển của Sở Giao thông - Vận tải của các tỉnh dưới đó; giấy tờ tùy thân. Các xe cá nhân như xe môtô, xe gắn máy và xe ôtô con sẽ tập kết tại cây xăng Toàn Long xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng, khi đủ số lượng người và xe, CSGT Công an tỉnh Bình Phước sẽ dẫn đoàn bàn giao cho Công an tỉnh Bình Dương tiếp tục dẫn đoàn tiếp. Khung giờ di chuyển thường vào khoảng 13h xuất phát đoàn 1 và 20h xuất phát đoàn 2 tùy vào số lượng người và xe thời gian có thể thay đổi.

Khoảng 1 tuần qua, lượng người dân từ các tỉnh Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai… về quê Tây Nguyên qua Bình Phước bắt đầu giảm mạnh. Trước đó, lúc cao điểm hơn 10.000 người/ngày (đầu tháng 10), nay giảm chỉ còn khoảng trên dưới 1.000 người/ngày. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, người từ các tỉnh Tây Nguyên đổ về TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai bắt đầu tăng mạnh.

Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước, từ ngày 3/10 đến nay, số lượng người quay lại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai có ngày hơn 1.200 người và dự báo sẽ tiếp tục tăng cao khi các tỉnh, thành tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, hoạt động sản xuất bình thường trở lại.

Văn Khoa - N.Cảnh

Phú Lữ - Văn Vĩnh – Trần Lĩnh – Đức Thắng
.
.
.