Vi phạm an toàn giao thông đường sắt: SOS!

Thứ Bảy, 17/08/2024, 11:25

Đường sắt là tuyến được ưu tiên, khi có tín hiệu như đèn báo, chuông, gác chắn kéo xuống hoặc hiệu lệnh của người gác chắn tại các đường ngang thì tất cả phương tiện và người lưu thông trên các tuyến giao thông đường bộ khác đều phải dừng để nhường đường.

Tuy nhiên, có rất nhiều người dân vẫn vô tư đậu phương tiện cơ giới sát đường sắt, tự mở lối cắt ngang để đi lại làm mất an toàn giao thông; nhiều người khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông không tuân thủ pháp luật, bất chấp tín hiệu cảnh báo, cố tình băng qua đường ngang... gây ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng.

Tai nạn do người điều khiển phương tiện đường bộ

Đã 18 ngày trôi qua, lái tàu Đoàn Hùng Hải vẫn chưa hết sang chấn tâm lý sau vụ tai nạn xảy ra tại nút giao giữa đường sắt với đường bộ Phạm Văn Thuận, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Sau một hồi lâu nghe ông Phạm Đình Phú, Phó Giám đốc Xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn trấn an tinh thần, anh Hải mới đồng ý nói chuyện với chúng tôi qua điện thoại.

1. ðu%3fng s%3ft 1.jpg -0
Tài xế ô tô không tuân thủ đèn tín hiệu, cố tình vượt rào chắn đường sắt, gây ra vụ tai nạn nghiêm trọng ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, ngày 28/7/2024.

Theo lời kể của anh, tối 28/7/2024, đoàn tàu mang số hiệu SNT5 do tổ lái của anh điều khiển chạy theo hướng Bắc - Nam. Khoảng 20h40, khi đến đường ngang có gác chắn tự động giao cắt với đường bộ Phạm Văn Thuận (Km 1696+458) thuộc địa phận TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai thì phát hiện một ô tô bán tải màu trắng cố tình vượt gác chắn đang băng ngang qua đường ray.

Ngay lập tức anh Hải kéo phanh, nhưng do khoảng cách quá gần nên chiếc ô tô đã bị đầu máy húc văng. Khi tàu dừng lại, anh Hải bảo lái phụ thông báo ngay với trực ban Xí nghiệp Đầu máy rồi chạy ngược lại điểm xảy ra tai nạn và phát hiện một người thu gom rác ven đường bị xe ô tô hất văng nằm bất động trên đường, trong xe ô tô bán tải có tài xế và 3 người khác bị thương nặng nên đã nhờ người dân đưa đến bệnh viện cấp cứu, đồng thời thông báo cho chính quyền và công an địa phương đến hỗ trợ.

Qua làm việc, Cơ quan công an xác định xe ô tô bán tải mang biển kiểm soát 60C-597.05 do Võ Văn Khải (sinh năm 1974, ngụ tỉnh Kiên Giang) điều khiển chở theo Mai Phú Phương (sinh năm 1982), Nguyễn Văn Nghĩa (sinh năm 2011) và Nguyễn Thị Út (sinh năm 1971). Người công nhân thu gom rác tên Lê Minh Tú, sinh năm 2000, tại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.

Trong vụ tai nạn, Nghĩa và Tú đã tử vong tại chỗ, còn lại anh Khải và chị Út bị thương nặng được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Ngoài ra, qua công tác khám nghiệm hiện trường và trích xuất camera hành trình của cả tàu hỏa và xe bán tải, Cơ quan công an cũng xác định do lái xe ô tô bán tải Võ Văn Khải khi di chuyển đến khu vực giao nhau với đường Phạm Văn Thuận và đường sắt không chú ý quan sát, không biết có tàu hỏa đang tới nên điều khiển xe chuyển hướng rẽ trái đi qua đường sắt. Khi phát hiện tàu hỏa đang lao tới thì mới hoảng loạn đạp phanh và bị tàu tông vào bên hông xe gây tai nạn.

Một vụ tai nạn thương tâm khác cũng khiến hai lái tàu Viên Đình Tuấn và Vũ Duy Nhất phải mất nhiều tháng trời điều trị cho ổn định tâm lý mới có thể quay lại trạng thái bình thường. Hôm đó, vào lúc 8h53 ngày 12/2/2024, hai anh Tuấn và Nhất đang điều khiển đầu máy, kéo đoàn tàu mang số hiệu HSE chạy theo hướng Bắc - Nam, khi đến đường ngang có gác chắn tự động đầu ga Hòa Đa (km 1184+300) thuộc địa phận xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên thì bất ngờ phát hiện hai phụ nữ điều khiển xe mô tô cố tình lách qua gác chắn tự động đã được hạ xuống, vượt qua đường ray.

3. ðu%3fng s%3ft 3.jpg -0
Hai cô gái ở tỉnh Phú Yên cố tình điều khiển phương tiện chui qua gác chắn tự động, băng qua trước mũi đầu máy xe lửa, gây tai nạn nghiêm trọng.

Do khoảng cách quá gần nên mặc dù kíp lái đã kéo phanh nhưng không kịp. Vụ tai nạn xảy ra khiến cô gái tên T.A.T (sinh năm 2006, ngụ thị trấn Chí Thạnh) tử vong tại chỗ, người còn lại tên T.T.N.Q (sinh năm 2006, ngụ huyện Tuy An) may mắn thoát chết, nhưng cũng bị thương nặng, phải đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên cấp cứu.

Ông Nguyễn Đình Sơn, Phó trưởng Phòng An toàn, Xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn cho biết, bản thân không ít lần từng đối mặt với các trường hợp vi phạm an toàn giao thông đường sắt. Theo đó, khi tàu chạy với tốc độ 60 km/h thì từ lúc kéo phanh đến khi dừng lại phải mất quãng đường từ 500-600 m, còn chạy 80 km/h thì phải mất 700-800 m, trong khi người đi bộ hoặc điều khiển phương tiện tham gia giao thông thường bất ngờ băng qua đường ray chỉ cách đầu máy xe lửa 30-50 m hoặc ngắn hơn nên dù có phanh cũng không kịp và tai nạn sẽ xảy ra. Chính vì vậy, mọi người khi đi bộ hoặc điều khiển phương tiện tham gia giao thông cần phải tuân thủ nghiêm Luật Giao thông và các quy định về đèn tín hiệu, chuông, gác chắn tại các đường ngang khi có tàu chạy qua.

untitled-1.jpg -0
Lái tàu Viên Đình Tuấn thất thần nhìn hiện trường vụ tai nạn.

Cũng theo ông Sơn, chỉ tính từ đầu năm đến nay, trên tuyến đường sắt từ TP Hồ Chí Minh đến Đà Nẵng đã xảy ra 51 vụ tai nạn, làm chết 39 người và 9 người khác bị thương. Hầu hết những vụ tai nạn đều do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không tuân thủ quy định về an toàn và không chấp hành tín hiệu giao thông gây ra; một vài vụ việc còn lại là do người bị trầm cảm lao vào đầu máy xe lửa tự sát (theo điều tra của Cơ quan công an). Những vụ tai nạn này không chỉ gây thiệt hại về người, tài sản của chính người điều khiển, mà còn gây thiệt hại về kinh tế cho ngành đường sắt như làm hư hỏng nhiều đầu máy xe lửa, làm đình trệ lịch trình chạy tàu, thậm chí nhiều chuyến phải hủy hành trình...

Ngoài ra, sau tai nạn phải sửa chữa đầu máy với kinh phí rất lớn nhưng chủ phương tiện vì nhiều lý do thoái thác hoặc chấp nhận ngồi tù chứ không thể bồi thường được. Một vấn đề khác cũng hết sức đau đầu đó là tai nạn đường sắt thường rất nghiêm trọng nên tổ lái sau khi gặp tai nạn thường bị ám ảnh tâm lý rất nhiều khiến họ phải nghỉ dài ngày để điều trị hoặc nhiều trường hợp xin nghỉ luôn, trong khi để đào tạo được một lái tàu phải tốn rất nhiều thời gian...

Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải cùng vào cuộc

Ông Phạm Đình Phú, Phó Giám đốc Xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn cho biết, không chỉ người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không tuân thủ luật và các quy định, cảnh báo của ngành đường sắt, gây ra hàng chục vụ tai nạn nghiệm trọng từ đầu năm đến nay, mà còn rất nhiều người dân thiếu ý thức, tự ý mở lối đi băng qua đường ray, gây ra rất nhiều vụ tai nạn. Những lối mở này, nếu rộng từ 3 m trở lên và xét thấy thật sự phục vụ nhu cầu đi lại của người dân thì ngành đường sắt sẽ lắp đặt gác chắn tự động, đèn và chuông báo tín hiệu, đồng thời có nhân viên trực 24/24 giờ, còn lại những lối nhỏ khác mà người dân tự mở thì do Ban An toàn giao thông các địa phương quản lý và xử lý nếu phát hiện vi phạm.

untitled-2.jpg -1
Sau mỗi vụ tai nạn, đoàn tàu thường phải dừng nhiều giờ để giải quyết khiến giao thông đường sắt bị gián đoạn.

Qua những lần phối hợp khảo sát thực tế tuyến đường sắt từ TP Hồ Chí Minh đi Đà Nẵng, ông ghi nhận có rất nhiều lối đi do người dân tự mở, mà cứ phá bỏ được ít hôm thì họ lại mở tiếp. Một số người còn dừng, đậu phương tiện cơ giới sát bên đường ray gây nguy hiểm cho việc chạy tàu. Đặc biệt, thời gian vừa qua còn xuất hiện tình trạng ném đá vào lái tàu.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, trên tuyến đường sắt từ TP Hồ Chí Minh đi Đà Nẵng đã xảy ra hơn 5 chục vụ ném đá lên tàu, trong đó các địa phương xảy ra nhiều nhất là Quảng Nam 8 vụ, Bình Định 8 vụ, Khánh Hòa 18 vụ, Bình Thuận 5 vụ, Đồng Nai 15 vụ. Những vụ ném đá này chủ yếu xảy ra vào mùa hè khi trẻ nhỏ là học sinh được nghỉ học trong khi các bậc cha mẹ chủ yếu làm công nhân trong các khu công nghiệp không có thời gian dạy dỗ, chăm sóc, quản lý con cái nên các cháu tụ tập rồi thực hiện hành vi ném đá vào lái tàu mà không hề ý thức được sự nguy hiểm mà mình gây ra.

Ngoài ra, còn có một vụ xuất phát từ thù hận vô cớ là trường hợp người dân ở Bình Thuận chăn thả gia súc bên cạnh đường ray, bị tàu đâm chết một con nên cho rằng lái tàu là thủ phạm, đã ném đá trả thù, sau đó còn kéo thêm người nhà ra gây áp lực cho lái tàu khi đoàn tàu dừng lại để xử lý vụ việc. Chỉ đến khi công an địa phương có mặt, giải thích cho họ hiểu rằng đường sắt là đường ưu tiên, ném đá và gây áp lực cho lái tàu là vi phạm pháp luật thì mọi người mới chấp nhận ký vào biên bản xử phạt vi phạm hành chính.

Hằng năm, ngành đường sắt đã xây dựng nhiều chương trình, phối hợp tuyên truyền về an toàn giao thông đường sắt trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, để hạn chế thấp nhất những vụ vi phạm, những vụ tai nạn không đáng có thì chỉ ngành đường sắt thôi là chưa đủ, mà rất cần Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố có tuyến đường sắt chạy qua tăng cường kiểm tra nhằm ghi nhận các tồn tại, bất cập về hạ tầng giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông để có phương án xử lý kịp thời.

Ngoài ra, các  địa phương cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân về việc tuân thủ các quy định về an toàn đường sắt, lắp thêm đèn và biển báo tại những điểm giao cắt; đồng thời quyết liệt trong việc xóa bỏ lối đi tự mở có trên địa bàn tỉnh quản lý theo Quyết định 358 của Thủ tướng Chính phủ... Có như vậy mới kéo giảm được tình trạng vi phạm an toàn giao thông đường sắt, hạn chế những vụ tai nạn xảy ra.

Đức Cương
.
.
.