Vận tải mở trở lại nhưng doanh nghiệp vẫn lo lắng
Ngày 1/10, bản kế hoạch hướng dẫn tạm thời tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không) do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ban hành chính thức có hiệu lực. Trong khi hành khách mừng rỡ vì từ đây giao thông sẽ thuận lợi hơn, song không ít doanh nghiệp vận tải lại thấy “lo lắng” bởi quy định riêng của các địa phương.
Theo hướng dẫn, việc tổ chức hoạt động vận tải hành khách sẽ được thực hiện dựa trên sự đánh giá nguy cơ và quy mô cấp độ dịch (cấp xã hoặc có thể ở quy mô tổ/đội, khu dân cư, khóm/ấp, thôn/xóm).
Riêng lĩnh vực vận tải đường bộ, Bộ GTVT đề nghị tiếp tục dừng hoạt động vận chuyển hành khách bằng phương tiện giao thông công cộng (trừ xe taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ có vách ngăn với khách, thanh toán điện tử) tại các địa phương/vùng có nguy cơ rất cao. Trường hợp phương tiện vận tải hành khách có hành trình bắt buộc phải đi qua thì không được dừng, đỗ. Bộ GTVT cũng có hướng dẫn cho vùng có nguy cơ cao (cấp 3); hướng dẫn cho địa phương/vùng có nguy cơ thấp (cấp 1) và trung bình (cấp 2)…
Dù ngày mong đợi hoạt động vận tải được “khơi thông” đã tới, song doanh nghiệp vận tải đường bộ tỏ ra không hào hứng với kế hoạch đi lại “bình thường mới” do lo ngại địa phương “dựng rào” hay có sự “vênh nhau” về quy định đi lại giữa các tỉnh, thành.
Theo ông Đỗ Anh Bằng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, với vận tải hàng hóa, suốt thời gian dài vừa qua, dù xe đã cấp QR Code (luồng xanh), Chính phủ, Bộ GTVT cũng nhiều lần yêu cầu địa phương không được “đẻ ra” các quy định riêng gây khó khăn cho vận tải hàng hóa, đứt gãy chuỗi sản xuất. Tuy nhiên, rất nhiều tỉnh, thành vẫn có quy định riêng để phòng, chống dịch. Đơn cử như Thái Nguyên vừa ban hành văn bản yêu cầu người về từ "vùng xanh" hoặc các địa phương, khu vực đã qua 14 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR trong vòng 72 giờ trước khi vào tỉnh.
Trường hợp không có giấy xét nghiệm trên phải thực hiện cách ly tại nhà 3 ngày và lấy mẫu xét nghiệm ít nhất 2 lần bằng phương pháp PCR, tự trả phí. Hay các tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Kạn, Hải Dương cũng có văn bản yêu cầu tất cả những người từ địa phương khác vào tỉnh này đều phải có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp PCR, thậm chí phải cách ly tại nhà 7-14 ngày. Mới đây nhất, UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị xem xét, chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam dừng các chuyến bay thương mại nội địa đến sân bay quốc tế Nội Bài, dừng vận tải hành khách bằng đường sắt đến Hà Nội.
Thông tin thêm, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng cho biết, để mở cửa vận tải xe khách, quan trọng nhất là phải có tiếng nói chung, thông suốt từ phía Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thì các văn bản đưa ra mới có giá trị về mặt quy phạm pháp luật, để từ đó đơn vị vận tải mới có thể mở hoạt động trở lại.
“Bộ GTVT muốn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải hoạt động trở lại sau thời gian dài bị “đóng băng” vì dịch nhưng địa phương đưa ra các quy định với quan điểm công tác phòng dịch phải thực hiện như thế mới đảm bảo. Hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải địa phương phải chấp hành đúng theo quy định nơi sở tại đưa ra”, ông Hải phân tích.
Nhìn nhận khi nới lỏng và dần dần bình thường trở lại sẽ có thời gian quá độ, chuyển tiếp, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đề nghị những giải pháp cho hoạt động vận tải không mang tính chất cố định mà luôn có sự biến động nên cần linh hoạt, uyển chuyển.
Hàng không tần suất tăng dần theo 4 giai đoạn
Kế hoạch của Bộ GTVT cũng nêu rõ, vận tải hàng không nội địa sẽ được khai thác trở lại theo 4 giai đoạn, áp dụng với các địa phương đã nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể, giai đoạn 1 (tối đa 10 ngày kể từ ngày 1/10/2021), tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 50% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4/2021 của hãng hàng không đó và có giãn cách ghế trên máy bay. Giai đoạn 2 (tối đa 10 ngày kể từ ngày kết thúc giai đoạn 1), tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 70% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4/2021 của hãng hàng không đó (không phải giãn cách ghế trên máy bay). Giai đoạn 3 (thực hiện kể từ khi kết thúc giai đoạn 2), tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá tần suất trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4/2021 của hãng hàng không đó (không phải giãn cách ghế trên máy bay). Giai đoạn 4 (trạng thái bình thường mới) sẽ được khai thác trở lại bình thường. Trong thời gian thực hiện các giai đoạn 1, giai đoạn 2, các đường bay mới, đường bay có tần suất 1 chuyến/ngày của mỗi hãng hàng không thì được khai thác với tần suất 1 chuyến/ngày; thực hiện giãn cách ghế trên máy bay trong giai đoạn 1.