Vận tải đường sắt: Muốn thông nhưng vẫn tắc
Mặc dù đã gửi văn bản đi xin ý kiến của 22 địa phương về kế hoạch chạy lại tàu Bắc Nam từ ngày 1/10, nêu rõ thời gian hồi âm trước 5h chiều 5/10, thế nhưng đến chiều 7/10, Cục Đường sắt Việt Nam chưa nhận được ý kiến phản hồi chính thống nào. Như vậy, ngành Đường sắt cũng lại rơi vào tình cảnh “muốn thông nhưng lại tắc” như ngành Hàng không, vận tải khách đường bộ.
Chiều 7/10, trao đổi nhanh với phóng viên, ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam - chia sẻ, tháng 9 năm 2019 (thời điểm chưa dịch), trung bình doanh thu vận chuyển khách của các đơn vị trong Tổng Công ty là khoảng 5 tỷ đồng/ngày. Nhưng sang đến tháng 9 năm 2020, khi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện, con số doanh thu đã giảm xuống còn 2 tỷ đồng/ngày. Đến tháng 9/2021, con số doanh thu từ việc vận chuyển khách gần như về 0 vì tàu dừng vận hành. Như vậy, mỗi ngày dừng chạy tàu là doanh nghiệp coi như mất đi vài tỷ đồng doanh thu. Do đó, hơn lúc nào hết, hiện nay khi dịch bệnh ở nhiều địa phương đã được kiểm soát, ngành Đường sắt rất mong được hoạt động trở lại.
Lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thông tin thêm: Hiện Tổng Công ty đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện,... sẵn sàng tổ chức chạy lại tàu khách trên các tuyến. Đơn vị này cũng sẽ chấp hành nghiêm các chỉ thị của Chính phủ, các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ GTVT trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo thông điệp “5K” trong quá trình giao tiếp và phục vụ khách hàng. Cùng đó, các đơn vị đường sắt phối hợp với Sở GTVT các địa phương xây dựng phương án kết nối với các phương tiện giao thông khác tại các nhà ga để phục vụ hành khách. Về nhân lực như lái tàu, nhân viên phục vụ trên tàu, đường sắt sẽ bố trí các nhân viên đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và đi tàu theo mô hình bong bóng nhằm giảm chi phí xét nghiệm, đồng thời vẫn đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định theo Hướng dẫn của Bộ GTVT về tổ chức hoạt động vận tải hành khách.
Trong khi đơn vị vận tải đã sẵn sàng, nhưng ngày 7/10, các đoàn tàu vẫn phải nằm im tại sân ga.Thông tin từ Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, đến chiều 7/10, Cục vẫn chưa nhận được phản hồi của các tỉnh, thành về kế hoạch tổ chức chạy lại tàu.
“Hiện chúng tôi mới nắm được thông tin từ Sở GTVT Phú Yên và Quảng Trị đề xuất UBND tỉnh thống nhất với kế hoạch chạy tàu này. Đà Nẵng cũng phản hồi đồng ý nhưng chưa gửi văn bản. Còn công văn phản hồi chính thức của UBND các tỉnh, chúng tôi chưa nhận được. Vì vậy, chưa thể chạy tàu khách như kế hoạch dự kiến”, lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam thông tin, đồng thời cho biết vẫn đang chờ phản hồi của các địa phương để có quyết định tiếp theo. Tuy nhiên, kế hoạch chắc chắn sẽ phải điều chỉnh theo tình hình thực tế từ ý kiến góp ý của các địa phương và nhu cầu tổ chức tàu khách của doanh nghiệp vận tải đường sắt.
Trước đó, Cục Đường sắt Việt Nam gửi công văn xin ý kiến 22 tỉnh, thành và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về kế hoạch tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Kế hoạch dự thảo này nêu chi tiết số đôi tàu trên các tuyến, dự kiến ngày chạy lại của từng đôi tàu theo từng giai đoạn, các ga dừng đón, trả khách trên các tuyến và việc tổ chức thực hiện.
Theo kế hoạch tạm thời của Cục Đường sắt Việt Nam, trên tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh: Từ ngày 7/10 trở đi, dự kiến tổ chức chạy lại đôi tàu SE7/SE8; Tiếp theo là các đôi tàu SE5/SE6, SE3/SE4. Từ ngày 8/10 trở đi, dự kiến tổ chức chạy lại đôi tàu NA1/2 tuyến Hà Nội - Vinh và đôi tàu LP5/6 tuyến Hà Nội - Hải Phòng. Từ ngày 15/10 trở đi, dự kiến chạy lại đôi tàu SE21/SE22 tuyến Đà Nẵng - Sài Gòn. Từ ngày 1/11trở đi, dự kiến chạy lại đôi tàu SNT1/2 tuyến Nha Trang - Sài Gòn và đôi tàu SPT1/2 tuyến Phan Thiết - Sài Gòn.