Vẫn nhức nhối xe quá tải trên nhiều tuyến đường
Trong năm 2022, tại các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, Thanh tra các Sở GTVT đã kiểm tra hơn 114.000 xe, trong đó có hơn 18.000 xe vi phạm, tước gần 3.000 giấy phép lái xe.
Đáng lưu ý, Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, kết quả nêu trên chưa phản ánh đầy đủ được tình trạng xe quá tải lưu thông trên các tuyến đường. Thực tế còn nhiều phương tiện cơi nới kích thước thành thùng, chở hàng quá khổ giới hạn, quá tải trọng chưa được phát hiện, xử lý.
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, cho đến thời điểm này, tình trạng xe quá tải vẫn tiếp diễn, lưu thông trên nhiều tuyến quốc lộ như: QL1, QL6, QL20, QL45, QL47, QL51, QL70, QL279, đường Hồ Chí Minh và một số đường địa phương - nơi có các mỏ vật liệu xây dựng, mỏ quặng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp, bến thủy nội địa. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng sử dụng xe đầu kéo kéo theo sơmi rơmoóc lắp ben thủy lực và thùng chở hàng gắn vào sát xi của sơmi rơmoóc dùng để chở quá tải hơn 200%, xe chở các thùng dạng container "phi tiêu chuẩn" đang lưu thông trên đường bộ thuộc các địa phương như Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai.
Nguyên nhân được Cục Đường bộ chỉ ra là do lực lượng chức năng còn mỏng, các chủ xe, lái xe tìm mọi cách để trốn tránh, lưu thông vào ban đêm, tuyến đường nhỏ nhằm qua mặt lực lượng chức năng. Một số địa bàn Thanh tra giao thông của các Sở GTVT mới chỉ kiểm soát xe quá tải trên quốc lộ được ủy quyền quản lý và đường địa phương. Các lực lượng khác còn chưa vào cuộc quyết liệt, đồng thời các công trình, dự án đồng loạt khởi công trở lại sau dịch COVID-19, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng tăng cao đã làm xe quá tải tái diễn. Việc kiểm tra và xử lý vi phạm về bốc xếp hàng hóa lên phương tiện tại các cơ sở đầu nguồn hàng, kho bãi, bến cảng còn chưa được duy trì thường xuyên, liên tục, do cần phải có sự phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương dẫn đến kết quả còn hạn chế. Một số địa phương có cảng, mỏ vào cuộc chưa quyết liệt kiểm soát xếp hàng hóa lên xe và chưa kiên quyết xử lý chủ đơn vị vi phạm.
Năm 2023, để xử lý tốt xe quá tải, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho hay, Cục sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về kiểm soát xe quá tải, trong đó trọng tâm là sửa đổi Luật Giao thông đường bộ và nâng cao hiệu quả tham mưu, bảo đảm ngăn chặn triệt để và có hiệu quả các vi phạm về tải trọng. Đồng thời, chỉ đạo các Sở GTVT, các Khu Quản lý đường bộ bố trí lực lượng, kinh phí, xử lý quyết liệt, triệt để, xử nghiêm đối với xe quá khổ, quá tải, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục về công tác kiểm soát tải trọng xe để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và đảm bảo trật tự ATGT. Đẩy nhanh quá trình ứng dụng khoa học công nghệ trong kiểm soát tải trọng xe như dùng cân tự động, đo kích thước phương tiện, hàng hóa tự động làm cơ sở để xử lý vi phạm hành chính, giảm áp lực cho lực lượng thanh tra, bảo đảm việc kiểm soát xe quá tải được thực hiện 24/24h, xử lý vi phạm đúng quy định, chống tiêu cực. Tăng cường mua sắm, trang bị thiết bị ghi hình, sử dụng thiết bị ghi hình để ghi lại hình ảnh phương tiện vi phạm, đặc biệt là các xe cơi nới kích thước thành thùng, làm cơ sở để lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính gửi về Cục Đăng kiểm Việt Nam để xử lý theo quy định.
Cũng liên quan đến vấn đề xe quá tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết, năm 2022, Thanh tra Sở đã xử lý 3.875 trường hợp chở hàng hóa không đảm bảo vệ sinh môi trường, phạt tiền hơn 12 tỷ đồng. Xử lý 1.506 trường hợp vi phạm về tải trọng phương tiện, phạt tiền hơn 17,2 tỷ đồng; vi phạm về kích thước thành thùng xe xử lý 194 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 1,7 tỷ đồng; vi phạm dừng, đỗ sai quy định xử lý 2.159 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 1,8 tỷ đồng.
Tương tự, thông tin từ Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, trong năm 2022 tuyến cao tốc: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây do đơn vị quản lý, khai thác có tổng lưu lượng xe đạt khoảng 53,3 triệu lượt, tăng 41,3% so với năm 2021. Tương đương với lưu lượng xe tăng cao, tổng doanh thu thu phí (đã bao gồm VAT) trên 4 tuyến cao tốc của VEC đạt 4.532 tỷ đồng, tăng 36,4% so với năm 2021. Qua kiểm soát cân tải trọng khoảng 1,4 triệu lượt xe trên hai tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, VEC đã phát hiện 17.165 lượt xe quá tải, trong đó từ chối phục vụ vào đường cao tốc 8.113 lượt xe và thống kê có 1.515 lượt xe vượt trạm.