Ứng phó với cước vận tải biển “leo thang”

Thứ Bảy, 27/07/2024, 08:23

Thời gian vừa qua, tình trạng tăng giá cước vận tải biển, ùn tắc cục bộ tại một số cảng khu vực châu Á, thiếu container rỗng đã có tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hoạt động XNK hàng hóa của Việt Nam đã tăng trưởng trở lại nhưng liên tục gặp khó khăn với tình hình bất ổn trên Biển Đỏ, chiến tranh Nga - Ucraina, quan hệ căng thẳng Israel - Iran lan rộng trong khu vực Trung Đông và một số yếu tố bất ổn khó lường khác đã làm cho cước và phụ phí hàng hải tăng phi mã. Tình trạng thiếu container rỗng và tình trạng tắc nghẽn ở một số cảng trung chuyển quốc tế lớn thực sự cần những giải pháp hỗ trợ trúng đích, thiết thực để hỗ trợ hoạt động XNK và hoạt động logistics của DN Việt Nam.

Ứng phó với cước vận tải biển “leo thang” -0
Doanh nghiệp cần phân luồng hàng hóa và tuyến đường thay thế khi giá cước vận tải biển tăng cao.

Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), các DN ngành gỗ và lâm sản đang “đau đầu” trước tình hình cước vận tải biển tăng đột biến. Theo phản ánh của DN, cước vận tải biển đi một số thị trường xa như Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) đã tăng lên 7.000-8.000 USD, thậm chí còn cao hơn nữa, trong khi cách đây khoảng một tháng chỉ ở mức độ 3.000-4.000 USD.

Hơn nữa, các DN còn đang khó đặt được container rỗng, phải chờ đợi rất lâu mới có container để vận chuyển. Theo ông Hoài, sản phẩm gỗ khá đặc thù và có đặc điểm cồng kềnh hơn so với các sản phẩm khác, dẫn đến chi phí vận tải biển rất cao.

Trao đổi với PV Báo CAND chiều 22/7, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistic Việt Nam (VLA) cho biết, trong hoạt động logistics, chi phí vận tải chiếm đến 60-70% tổng chi phí. Hiện giá cước vận tải đang tăng mạnh, ảnh hưởng nặng nề tới hiệu quả xuất khẩu của các DN Việt Nam. 6 tháng qua, chi phí vận tải biển tăng lên rất cao, nhiều tuyến vận tải kết nối từ Việt Nam, Đông Nam Á sang châu Âu hay bờ Đông, bờ Tây Hoa Kỳ đã tăng lên xấp xỉ giai đoạn COVID-19.

Nguyên nhân do ảnh hưởng của xung đột địa chính trị trên thế giới, khủng hoảng tại Biển Đỏ khiến các hãng tàu mẹ phải thay đổi lộ trình, thay vì đi trực tiếp qua kênh đào Suez thì phải vòng qua Mũi Hảo Vọng (Nam Phi), làm cung đường tăng lên trên 8.000 hải lý và thời gian kéo dài thêm từ 2-3 tuần. Điều này làm ảnh hưởng đến kế hoạch về tàu biển, kế hoạch giao hàng và ảnh hưởng cả đến chất lượng của hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng nông sản, thuỷ sản.

Trước tình hình thực tế khi xung đột tại Biển Đỏ vẫn đang gia tăng, ông Trần Trọng Kim, Bí thư thứ Nhất, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ả Rập Xê-út đề nghị DN tăng cường tìm các đầu mối nhập khẩu hàng hóa mà không đi qua khu vực Biển Đỏ (hiện nay hàng hóa đến Ả Rập Xê-út qua cảng khô Riyadh, cảng Dammam và Yanbu không bị ảnh hưởng).

Ông Trung cho rằng, trong giai đoạn này, DN XNK Việt Nam cần lưu ý điều chỉnh các cam kết trong hợp đồng thương mại, XNK cho phù hợp về điều khoản thời gian giao hàng hay bất khả kháng, đồng thời nghiên cứu các thị trường thay thế, tập trung vào các thị trường không bị ảnh hưởng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á…

Để ứng phó với tình trạng cước vận tải biển tăng cao, Bộ Công Thương đưa ra 6 giải pháp nhằm thúc đẩy XNK hàng hóa. Bộ Công Thương lưu ý các hiệp hội và DN gia tăng phối hợp, tập hợp DN hội viên cùng xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, vận chuyển, kế hoạch XNK hàng hoá làm cơ sở ký kết hợp đồng dài hạn với hãng tàu. Qua đó giảm thiểu tối đa tác động của giá cước, phụ phí trong giai đoạn thị trường quốc tế nhiều diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay. Đồng thời, phân luồng hàng hoá và tuyến đường thay thế. Bên cạnh tuyến đường biển hiện tại, DN XNK với châu Âu có thể xem xét các tuyến đường thay thế, trong đó có tuyến đường vận tải đa phương kết hợp, đi đường biển đến các cảng ở Trung Đông, sau đó đi đường hàng không, đường sắt hoặc đường bộ sang châu Âu. Cùng với đó, tăng cường tận dụng ưu đãi của các FTA.

Các hiệp hội ngành hàng XNK phối hợp với Bộ Công Thương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các cơ quan liên quan tăng cường phổ biến cho các DN XNK về các quy định của các hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm tạo thuận lợi thương mại, nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các hiệp định này. Các DN XNK phối hợp với cơ quan Hải quan, DN khai thác cảng đẩy nhanh tiến độ xử lý hàng hoá tồn đọng tại các cảng, góp phần thúc đẩy luồng hàng lưu thông và nâng cao năng lực xử lý hàng hoá tại cảng.

Lưu Hiệp
.
.
.