Chính sách và hạ tầng giao thông đang khiến người dân Hà Nội “mắc kẹt”

Tương lai nào cho giao thông Hà Nội? (bài cuối)

Thứ Tư, 04/10/2023, 08:24

Giao thông của TP Hà Nội không chỉ là bộ mặt của Thủ đô, là còn mang tầm quốc tế. Chính bởi điều này, tại hội thảo khoa học “Định hướng Quy hoạch Thủ đô TP Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” vừa diễn ra, vấn đề giao thông được đặc biệt quan tâm. Nhiều ý kiến, nhiều kịch bản giải pháp đã được đưa ra với kỳ vọng, giao thông TP Hà Nội sẽ sớm có một diện mạo mới, không tái diễn cảnh ùn tắc gây nhiều hệ lụy.

Các tuyến đường sắt đô thị sẽ tạo nên không gian phát triển mới của Thủ đô

Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô tới năm 2030, tầm nhìn đến 2050, tỷ lệ đường giao thông tính trên diện tích đất xây dựng của TP Hà Nội sẽ đạt 20 - 26% tại đô thị trung tâm, 16 - 23% cho các đô thị vệ tinh, thị trấn; mật độ giao thông 4 - 6,5km/km2; mật độ mạng lưới vận tải đạt 2 - 2,5km/km2; giao thông tĩnh đạt 3 - 4%. Quy hoạch cũng sẽ ưu tiên phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng, phấn đấu đến năm 2030 đáp ứng 50 - 55% nhu cầu đi lại; sau năm 2030 đáp ứng 65 - 70% tại các đô thị trung tâm. Đối với các đô thị vệ tinh, khả năng đáp ứng đến 2030 là 40%; sau năm 2030 là 50%.

9-tuyen-duong-sat-do-thi-ha-noi-duoc-quy-hoach-xay-dung-the-nao-1.jpg -0
Việc đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường sắt trên cao được kỳ vọng sẽ giải quyết các điểm nghẽn ùn tắc của Thủ đô.

Một trong những động thái mới nhất là dù cho các dự án đường sắt đô thị đang chậm tiến độ, song TP Hà Nội vẫn đề xuất phát triển thêm tuyến đường sắt mới với tổng đầu tư hơn 65.000 tỷ đồng. Kết quả nghiên cứu của UBND TP Hà Nội cho thấy, tuyến metro số 5 sẽ là tuyến đường sắt đô thị theo tiêu chuẩn đường đôi, điện khí hóa, với chiều dài hơn 38km, gồm hơn 6km đi ngầm, 2km đi trên cao và gần 30km đi trên mặt đất.

Dự án đi qua địa phận các quận Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm; các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, với 21 ga, gồm 6 ga ngầm, 14 ga trên mặt đất, 1 ga trên cao và 2 depot. Tuyến sử dụng đoàn tàu 4 toa cho giai đoạn từ năm 2025 - 2040 và cấu hình đoàn tàu 6 toa cho giai đoạn từ năm 2050 trở về sau. Số lượng phương tiện cần thiết cho từng thời kỳ là 26 đoàn tàu (4 toa) năm 2025; 37 đoàn tàu (4 toa) năm 2035 và 38 đoàn tàu (6 toa) năm 2050. Vận tốc thiết kế 120km/h và 90km/h đối với các đoạn đi ngầm; thời gian chờ tàu vào khoảng 3,3 phút.

Theo UBND TP Hà Nội, hệ thống đường sắt đô thị của thành phố đóng vai trò chính trong hệ thống vận tải hành khách công cộng tốc độ cao, khối lượng lớn, có chức năng gắn kết với các khu đô thị, khu công nghiệp, các trung tâm thương mại - dịch vụ - du lịch, trường học. Trong các tuyến đường sắt được phê duyệt, tuyến số 5 là tuyến giao thông xuyên tâm huyết mạch, kết nối xâu chuỗi các đô thị hiện đại và tương lai dọc đại lộ Thăng Long với khu vực đô thị trung tâm và trung tâm đô thị.

Tuyến số 5 hình thành cũng sẽ kết nối và trung chuyển hành khách với các tuyến số 2 (đoạn Nam Thăng Long đến Trần Hưng Đạo, đang trình phê duyệt điều chỉnh dự án), tuyến số 3 (đoạn Nhổn đến ga TP Hà Nội đang được xây dựng), tuyến số 4, 6, 8 (đang nghiên cứu), tuyến số 7 (đã được quy hoạch). Lãnh đạo TP Hà Nội cũng cho rằng, hiệu quả của dự án sẽ tác động tới việc thúc đẩy sự phát triển đô thị ngoài trung tâm, góp phần cơ cấu, sắp xếp phân bổ lại dân cư vùng đô thị lõi, phù hợp với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đề phát triển bền vững.

Dưới góc nhìn của chuyên gia giao thông đô thị - ông Phan Hoàng Phương (Viện Chiến lược và Phát triển GTVT) cho rằng, cần có cơ chế đặc thù đầu tư đường sắt đô thị theo mô hình TOD (Transit Oriented Development). TOD là lấy định hướng phát triển giao thông làm cơ sở cho phát triển, quy hoạch đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán. Hay nói cách khác, sự phát triển đô thị theo thuyết TOD là dựa trên định hướng phát triển của hệ thống giao thông công cộng. Rõ ràng với quy mô tương đương các siêu đô thị (có dân số trên 10 triệu dân) của TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hệ thống đường sắt đô thị là lời giải duy nhất cho bài toán tổ chức giao thông đô thị cũng như phân bổ lại mật độ dân cư phù hợp.

Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã nêu mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội (có tính kết nối với vùng Thủ đô) và TP Hồ Chí Minh vào năm 2035. Để thực hiện được mục tiêu trên, chuyên gia này cho rằng, cần nhanh chóng hoàn thiện quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị theo mô hình TOD kèm theo cơ chế, chính sách để triển khai mô hình này; huy động đa dạng nguồn lực đầu tư cho đường sắt đô thị (dự kiến mỗi đô thị lên đến 20 tỷ USD); xây dựng cơ chế đặc thù để rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư cũng như xuyên suốt quá trình thực hiện dự án.

Sẽ có 5 tuyến vành đai đô thị cùng nhiều cầu giảm tải phương tiện

Từ mục tiêu trên, Dự thảo định hướng quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, các đơn vị tư vấn, các chuyên gia đã đặt ra quan điểm về tổ chức không gian tương lai của Thủ đô là sẽ có 5 tuyến vành đai đô thị, cùng các trục giao thông hướng tâm, các tuyến đường sắt đô thị sẽ tạo nên các không gian phát triển mới.

Liên quan đến quan điểm tổ chức không gian, theo PGS.TS Phạm Tuấn Anh (Trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải) thì thành phố vệ tinh như thành phố phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và thành phố phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai) cần được chú trọng hơn về quy hoạch kết nối để đảm bảo giao thông thông suốt và đạt được mục tiêu giãn dân trong nội đô. Hiện quỹ đất dành cho hệ thống giao thông kết nối các khu vực này không còn nhiều, nếu chỉ chú trọng phát triển đô thị mà không lưu tâm đến kết nối thì sẽ khó đảm bảo được mục tiêu đề ra khi các khu thành phố vệ tinh hỗ trợ tốt cho khu vực trung tâm.

Cũng theo chuyên gia này, TP Hà Nội cần nghiên cứu để phát triển hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là giao thông kết nối giữa các khu trung tâm, các thành phố vệ tinh. Phát triển mạng lưới đường dạng ô bàn cờ, tránh tập trung quá đông vào trục chính, đồng thời giảm đô thị hóa tại các trục chính để giảm bớt áp lực giao thông.

“Muốn tạo động lực đột phá cho Thủ đô, các cơ chế chính sách phải tạo thuận lợi theo chiều hướng nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, giảm tập trung dân cư trong nội đô và kết nối giao thông thuận lợi giữa các cực tăng trưởng. Hiện nay, quy hoạch Thủ đô sau nhiều năm điều chỉnh, cấp phép tràn lan đã trở nên khó điều chỉnh, tập trung phân bổ nguồn lực, cư dân không đều và là sự cản trở rất lớn cho sự phát triển dài hạn của Thủ đô. Do đó, đề xuất Đề án quy hoạch phải có sự ổn định trong dài hạn, thực hiện nghiêm túc quy hoạch được phê duyệt để Đề án đạt được thành công”, PGS.TS Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh.

Về định hướng quy hoạch giao thông vận tải thành phố TP Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại diện đơn vị tư vấn, Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải, Bộ GTVT nêu, quy hoạch được lập với quan điểm phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, bền vững, hiện đại, dễ tiếp cận, thuận lợi, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và thân thiện với môi trường. Quy hoạch ưu tiên phát triển giao thông công cộng, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị, góp phần giải quyết ách tắc giao thông, tai nạn giao thông trên địa bàn.

Theo đó, hướng tuyến được điều chỉnh trên cơ sở 8 tuyến đã phê duyệt tại Quy hoạch 519 để từng bước hình thành các tuyến phân theo chức năng: Vành đai, hướng tâm. Trong đó các tuyến vành đai hình thành các tuyến trên cơ sở vành đai 1; 2,5 và 3; các tuyến hướng tâm; các tuyến kết nối với thành phố thuộc Thủ đô và đô thị vệ tinh, đầu mối vận tải lớn. Về nhà ga, dự kiến quy hoạch hệ thống nhà ga dùng chung tại giao cắt giữa các tuyến đường sắt đô thị và quy hoạch các ga đầu mối để kết nối với các địa phương khác trong vùng Thủ đô bằng đường sắt đô thị và đường sắt liên vùng.

Về mục tiêu, ưu tiên giải quyết ùn tắc tại các trục xuyên tâm khu vực cửa ngõ thành phố, bổ sung hệ thống cầu vượt sông đảm bảo quy mô 1-3km/cầu khu vực trung tâm và 3-5km/cầu khu vực ngoại thành. Nghiên cứu bố trí sân bay thứ hai cho Vùng Thủ đô TP Hà Nội tại khu vực phía Nam TP Hà Nội. Ưu tiên sớm hoàn thiện hệ thống đường sắt kết nối đến các cảng hàng không đảm bảo vận tải bằng đường sắt đóng vai trò chủ đạo…

Chính sách và mục tiêu phát triển giao thông TP Hà Nội được vạch ra rất rõ ràng và cụ thể. Nếu thực hiện suôn sẻ có thể nói, trong tương lai gần, TP Hà Nội sẽ rũ được nỗi ám ảnh ùn tắc trong mỗi người dân. Và người dân cũng không bị “mắc kẹt” giữa hạ tầng ngổn ngang, nếu đơn vị thực hiện các dự án trọng điểm không có những bước đi đúng đắn và chịu trách nhiệm về tiến độ. Người dân hy vọng Quy hoạch Thủ đô sớm được thông qua cũng được xem như là cơ hội, mang lại diện mạo mới cho giao thông TP Hà Nội.

Đặng Nhật-Chi Linh
.
.
.