Trên 360 tỷ đồng cho một km đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Thứ Sáu, 05/05/2023, 15:52

Sáng 5/5, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cùng các đại biểu Quốc hội thuộc Đơn vị bầu cử số 4 tiếp xúc cử tri tại quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm.

Tại buổi tiếp xúc cử tri, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, việc xây dựng Vành đai 4 - Vùng Thủ đô mục tiêu theo Nghị quyết của Chính phủ đến 30/6/2023 phải bàn giao cơ bản 70% mặt bằng và tổ chức khởi công, đến 31/12/2023 bàn giao 100% mặt bằng. Tính đến thời điểm này, Hà Nội đã bàn giao 50% diện tích đất của dự án, gần 60% mồ mả được di chuyển.

“Có kết quả như vậy là nhờ sự vào cuộc trách nhiệm cao và quyết liệt của cấp ủy, chính quyền 7 quận, huyện có dự án đi qua; đặc biệt là nhờ sự ủng hộ của người dân. Sự đồng thuận của nhân dân rất quan trọng trong tất cả các công việc. Thuận lòng dân đều sẽ làm được”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, tổng số tiền giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 trên địa bàn Hà Nội (58,6km) là khoảng 13.000 tỷ đồng, bao gồm phần đường cao tốc, đường song hành hai bên và 30m chiều ngang dự trữ làm đường sắt quốc gia.

Trên 360 tỷ đồng cho một km đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô -0
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị.

“Tính ra, chi phí cho mỗi km đường Vành đai 4 vào khoảng hơn 360 tỷ đồng. Con số này không lớn nếu so với đầu tư cho đường Vành đai 2,5 (chỉ hơn 1km trên địa bàn quận Hoàng Mai mà chi phí hơn 2.500 tỷ đồng); đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (cũng chỉ hơn 1km, mà chi phí hơn 7.600 tỷ đồng). Nên chúng ta làm sớm được ngày nào, làm đồng bộ luôn một lần thì tiết kiệm được rất lớn. Tiền cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là đời sống người dân ổn định; không phải lo di dời, giải phóng mặt bằng”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nói.

Nêu kiến nghị cụ thể, ông Nguyễn Văn Tần (cử tri phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) đề nghị các đại biểu Quốc hội và TP có ý kiến đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) sớm bàn giao các ô đất đã quy hoạch xây dựng trường học, bãi đỗ xe... để lập dự án đầu tư phục vụ nhân dân. Đồng thời, TP hỗ trợ bố trí nguồn vốn từ ngân sách để xây dựng trường học; xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư cấp tạm bãi đỗ xe đáp ứng nhu cầu cấp thiết đang đặt ra.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đồng tình với ý kiến của cử tri quận Hoàng Mai vì đây là quận đông dân, nhu cầu xây dựng trường học, điểm đỗ xe rất cao.

Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng đã chỉ đạo các cấp ngành của TP đề nghị HUD bàn giao các ô đất bỏ hoang gần 20 năm để quận Hoàng Mai đầu tư xây dựng trường học, bãi xe. “TP đã kiến nghị và đang chờ ý kiến của Bộ Xây dựng về vấn đề này”, ông Quyền cho hay.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, theo phân cấp, việc xây dựng trường lớp và bãi xe là các dự án thuộc quận Hoàng Mai làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, nếu quận gặp khó khăn về nguồn lực thì có thể kiến nghị thành phố bố trí nguồn vốn sớm xây dựng trường học, bãi xe. Về kiến nghị điều chỉnh chiều cao, mật độ xây dựng trường ở quận Hoàng Mai, TP đã có nhiều ý kiến về vấn đề này. Trong đó, các trường trong nội thành được xây dựng 5 tầng, mật độ xây dựng là 50-60%. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho rằng, việc điều chỉnh như vậy chỉ nên áp dụng với từng trường hợp cụ thể.

Chia sẻ với cử tri, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ Xây dựng đã ủng hộ việc bàn giao các lô đất trên địa bàn phường Hoàng Liệt về thành phố để xây dựng trường học. Thời gian tới, TP sẽ chi trả cho HUD các khoản tiền đầu tư xây dựng hạ tầng tại các lô đất quy hoạch trường học.

Trên 360 tỷ đồng cho một km đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô -0
2 lô đất (C1/NT3 và C1/TH3; cạnh Khu đô thị HH Linh Đàm) chưa được đầu tư xây trường, hiện làm bãi đỗ xe.

Nói về vấn đề thiếu trường học ở quận Hoàng Mai, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cấp, ngành của TP phải thay đổi, không để nhà đầu tư bán hết nhà nhưng bỏ hoang đất xây trường học, bãi đỗ xe.

Ông Đinh Tiến Dũng cho biết, chủ trương của TP hiện nay là đối với dự án mới, dự án đang làm, chủ đầu tư phải xây dựng trường học, bệnh viện trước khi cho người dân vào ở.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị ngành quy hoạch phải rút kinh nghiệm, tránh lấy đất xây trường học, bệnh viện ở khu vực không thuận lợi.

Đề cập đến thực trạng thiếu bãi đỗ xe, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, để các khu đô thị trở nên xanh - sạch - đẹp thì phải quy hoạch lại thành các bãi đỗ xe nhiều tầng. “Nếu làm ngăn nắp, quy củ thì có cơ sở giải quyết các vấn đề của lòng đường, vỉa hè”, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng nói thêm.

Chi Linh
.
.
.