Trật tự an toàn giao thông đường sắt đảm bảo nhờ phối hợp liên ngành hiệu quả
Nhờ sự nỗ lực liên ngành Công an và Đường sắt, trong năm 2024, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường sắt đã có nhiều cải thiện. Tai nạn giao thông (TNGT) giảm, số vụ liên quan đến gây rối TTATGT như ném đất, đá lên tàu cũng được hạn chế. Điều này đã mang lại những dấu hiệu tích cực, thu hút người dân đến với đường sắt ngày một nhiều hơn.
Ngày 6/1, lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chia sẻ: Nhờ vào việc chú trọng định hướng phát triển các trụ cột, năm 2024, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã có những kết quả ấn tượng về kết quả sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam - dấu mốc lịch sử của ngành đường sắt, khẳng định vị trí, tầm quan trọng của giao thông vận tải đường sắt trong sự phát triển của đất nước. Một trong những thành công đóng góp vào kết quả trên là việc đảm bảo TTATGT.
Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, năm 2024, TNGT đường sắt xảy ra 193 vụ (khiến 76 người chết, 112 người bị thương), giảm 12 vụ so với cùng kỳ. Sự cố giao thông đường sắt là 636 vụ, giảm 32 vụ so với năm 2024. Sự cố có nguyên nhân khách quan là 361 vụ, nguyên nhân chủ quan là 275 vụ. Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên tàu, dưới ga cơ bản được giữ vững, không để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, cán bộ nhân viên các đơn vị đã có 210 lần trả lại tài sản cho hành khách bỏ quên trên tàu, dưới ga. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra 2 vụ trộm tài sản hành khách, giảm 1 vụ; 1 vụ vận chuyển hàng cấm, giảm 1 vụ so cùng kỳ; 11 vụ mất vật tư, phụ kiện đường sắt, giảm 1 vụ; 1 vụ gây rối an ninh trật tự, giảm 4 vụ; xảy ra 145 vụ ném đất, đá lên tàu, giảm 12 vụ. Có được kết quả trên, theo nhận định từ lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của Cục Cảnh sát giao thông nói chung và Công an các địa phương nói riêng.
Nhìn nhận vấn đề TTATGT đường sắt, Thượng tá Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng Phòng 6, Cục Cảnh sát giao thông cho hay, năm 2024, công tác bảo đảm trật tự ATGT đường sắt tiếp tục được Bộ Công an và Cục Cảnh sát giao thông quan tâm chỉ đạo. Để đáp ứng yêu cầu bảo đảm TTATGT đường sắt trong tình hình mới, Bộ Công an đã chỉ đạo xây dựng 2 Thông tư số 63/2024/TT-BCA, số 64/2024/TT-BCA để thay thế quy định về công tác kiểm tra, kiểm soát TTATGT đường sắt của lực lượng CSGT; theo đó đã phân công, phân cấp cụ thể tuyến, địa bàn, nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT đường sắt cho lực lượng CSGT thuộc Cục CSGT và Công an các địa phương, đồng thời quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng CSGT trong công tác bảo đảm TTATGT đường sắt… (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025).
Thượng tá Nguyễn Hồng Long còn cho hay, trước tình hình TNGT đường sắt, nhất là tai nạn tại các lối đi tự mở có diễn biến phức tạp, Cục CSGT đã tham mưu cho Bộ Công an có công văn gửi Bộ GTVT đề nghị chỉ đạo tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn, phòng ngừa TNGT đường sắt. Ngày 8/3/2024, Bộ GTVT đã có công văn chỉ đạo UBND các địa phương có đường sắt và các đơn vị trực thuộc liên quan thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn, phòng ngừa TNGT đường sắt theo kiến nghị của Bộ Công an; trọng tâm là chỉ đạo công tác xoá bỏ lối đi tự mở qua đường sắt và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn trong thời gian chờ xoá bỏ như bố trí người cảnh giới, cắm biển báo hạn chế phương tiện, làm đường gom, gờ gồ giảm tốc, thu hẹp chiều rộng…
Để phòng ngừa, làm giảm TNGT trên tuyến đường sắt huyết mạch quốc gia, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch chuyên đề số 3622/KH-C08-P6 về kiểm tra, xử lý vi phạm TTATGT đường sắt và xoá bỏ lối đi tự mở qua đường sắt trên tuyến đường sắt Hà Nội-TP Hồ Chí Minh; thành lập 7 tổ công tác do chỉ huy các đội đường sắt thuộc Cục CSGT làm tổ trưởng trực tiếp đôn đốc, phối hợp với Công an địa phương thực hiện. Thực hiện Kế hoạch 3622 của Cục CSGT, 100% Công an các địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện) trên tuyến đường sắt Hà Nội-TP Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc; Công an nhiều địa phương đã quyết liệt tham mưu và trực tiếp chủ trì, tham gia phối hợp với chính quyền địa phương, thanh tra Cục Đường sắt Việt Nam và các đơn vị đường sắt triên địa bàn kiểm tra, rà soát và tổ chức rào đóng, xoá bỏ lối đi tự mở trên địa bàn.
Sau 4 tháng thực hiện Kế hoạch 3622, Công an các địa phương trên tuyến đường sắt Thống Nhất đã chủ trì, phối hợp xoá bỏ được gần 200 lối đi tự mở qua đường sắt. (Hà Nam 30, Bình Định 22, Hà Nội 18, Quảng Ngãi 17, Nam Định 17…); đồng thời tổ chức hơn 2.000 ca kiểm tra, lập biên bản hơn 1.600 trường hợp vi phạm TTATGT đường sắt, phạt tiền hơn 1,1 tỷ đồng, tước 151 GPLX ôtô, môtô vi phạm. Kết quả trên đã góp phần quan trọng trong việc làm giảm TNGT đường sắt thời gian qua.
Đại diện Cục CSGT cho biết thêm, thời gian thực hiện Kế hoạch 3622 đã kết thúc vào ngày 31/12/2024 và đạt được những kết quả nhất định. Hiện tại, Công an 21 địa phương trên tuyến đường sắt Thống Nhất đang tiến hành tổng kết việc thực hiện kế hoạch. Tuy nhiên, hiện tại số lượng lối đi tự mở trên tuyến đường sắt Thống Nhất vẫn còn lớn, nhiều địa phương đã lên kế hoạch nhưng chưa thể tiến hành xoá bỏ lối đi tự mở. Do đó trong năm 2025, cùng với việc triển khai thực hiện 2 thông tư mới của Bộ Công an về kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT đường sắt, đơn vị sẽ tham mưu cho Cục CSGT chỉ đạo Công an các địa phương tiếp tục thực hiện Kế hoạch 3622, góp phần thực hiện Quyết định 358/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.