Trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài tăng thời gian thu phí hoàn vốn

Thứ Năm, 16/06/2022, 17:38

Ngày 16/6, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện đã “đăng đàn” trả lời một số vấn đề “nóng” liên quan đến ngành trong thời gian gần đây.

Về xử lý bất cập tại trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, giai đoạn 2009 - 2010, các trạm thu phí hoàn vốn cho ngân sách nhà nước được Chính phủ cho phép có thể đặt ở bất kỳ vị trí nào để có tiền bảo trì và hoàn vốn cho nhà đầu tư.

Theo ông Huyện, năm 2012, Bộ GTVT đã có chủ trương di dời vị trí trạm thu phí này nhưng Chính phủ yêu cầu giữ nguyên.  Vì vậy, có đầy đủ tính pháp lý cho việc đặt vị trí trạm thu phí này như hiện nay. Trong hợp đồng kinh tế giữa cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, dự án phải tăng phí lên 1,5 lần vào năm 2012. Chính vì không di chuyển được vị trí đặt trạm nên Bộ GTVT không cho phép tăng phí. Việc này là vi phạm hợp đồng.

Cũng theo Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, khi có cầu Nhật Tân, doanh thu dự án chỉ đạt gần 40% so với phương án tài chính. Theo điều khoản phụ lục hợp đồng, nếu 2 năm liên tục doanh thu giảm trên dưới 10% buộc phải ký phụ lục hợp đồng tính lại thời gian thu phí; trong khi đó, dự án này doanh thu giảm đến 60%. Điều này lý giải vì sao tăng thời gian thu phí từ 16 năm lên 20 năm.

Doanh thu giảm trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài phải tăng thời gian thu phí hoàn vốn -0
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã kiến nghị Bộ GTVT đàm phán với nhà đầu tư di dời vị trí đặt trạm thu phí về tuyến tránh Vĩnh Yên.

Về xử lý bất cập trạm thu phí này, ông Huyện cho hay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã kiến nghị Bộ GTVT đàm phán với nhà đầu tư di dời vị trí đặt trạm thu phí về tuyến tránh Vĩnh Yên. Cách đây 3 năm đã dừng thu phí QL2, xóa được 2 trạm thu phí trên tuyến quốc lộ này. Khi đó, QL2 chỉ có 1 trạm thu phí. Sở dĩ trước đây không đưa lên được là do không đảm bảo quy định về khoảng cách vì có nhiều trạm thu phí. Cùng với việc di dời trạm về đúng vị trí cũng sẽ tăng phí cho nhà đầu tư lên 20.000 - 25.000 đồng thay vì 10.000 đồng hiện nay.

Việc này sẽ giúp rút ngắn thời gian thu phí của dự án. Phương án này phải đàm phán với nhà đầu tư chứ không thể dùng mệnh lệnh hành chính. Phương án 2 là trình Chính phủ dùng tiền ngân sách mua lại dự án. Tuy nhiên, trước mắt là đàm phán với nhà đầu tư theo phương án 1 sẽ hợp lý, nhà nước không phải bỏ tiền ngân sách và nhà đầu tư cũng có công ăn việc làm. Lý giải vì sao vừa qua có một số dự án dừng thu phí, ông Huyện cho biết, khi dự án có lợi nhuận trên 10%. Có dự án còn 4 năm thu phí nhưng do lưu lượng xe tăng đã giảm thời gian thu phí tạo lợi nhuận chỉ còn 1 năm. Như dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ sau này có thể giảm đến 5 năm thu phí, đỡ được mấy nghìn tỷ cho đất nước.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết hợp đồng dự án xây dựng QL2 cho phép trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài bắt đầu thu phí từ 1/1/2011, hoàn vốn trong 20 năm 4 tháng, cộng thêm 4 năm tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư. Như vậy, theo hợp đồng dự án này dự kiến kết thúc thu phí vào năm 2035. Dự án xây dựng QL2 đoạn tránh TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) được Chính phủ phê duyệt và Bộ GTVT ký kết với Công ty cổ phần BOT Vietracimex 8 theo hình thức BOT, có giá trị quyết toán đầu tư là hơn 500 tỷ đồng, thu phí từ 1/1/2011.

Phạm Huyền
.
.
.