Tìm giải pháp xử lý vết nứt trên đỉnh đồi ở Cửa khẩu quốc tế Cha Lo

Thứ Sáu, 30/12/2022, 17:03

Vết nứt trên đỉnh đồi ở khu vực trung tâm Cửa khẩu quốc tế Cha Lo từ đầu năm 2022 đến nay vẫn tiếp tục mở rộng, gây nguy cơ sạt lở nghiêm trọng.

Ngày 30/12, tin từ UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, các đơn vị chức năng của tỉnh đang tìm phương án xử lý khu vực sạt lở, bảo đảm an toàn cho hoạt động của Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, huyện Minh Hoá, Quảng Bình.

Tìm giải pháp xử lý vết nứt trên đỉnh đồi ở Cửa khẩu quốc tế Cha Lo -0
Vết nứt từ đình đồi kéo xuống vẫn tiếp tục diễn ra làm ảnh hưởng đến các công trình liên quan. 

Được biết, từ đầu năm 2022, một vết nứt xuất hiện trên đỉnh đồi thuộc khu vực Cửa khẩu quốc tế Cha Lo. Ở vị trí trên mái ta-luy dương cũng có một số vết nứt tại một số kết cấu gia cố mái như dầm dọc, dầm ngang, khoá đỉnh mái... Sau đó, vết nứt kéo dài đến mép suối bao quanh công trình của cửa khẩu, đất đá sụt xuống, tạo thành vết lộ.

Qua đánh giá sơ bộ của cơ quan chức năng, vết nứt mới hình thành, bề rộng vết nứt khoảng 5-15cm, kéo dài đến mép suối bao quanh công trình (dài khoảng 150m), đất đá tự nhiên có hiện tượng sụt xuống, tạo thành khe hở, hai mép đường nứt chênh cao 30-40cm.

Tìm giải pháp xử lý vết nứt trên đỉnh đồi ở Cửa khẩu quốc tế Cha Lo -0
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình kiểm tra tại hiện trường vết nứt ở Cửa khẩu quốc tế Cha Lo. 

Kết quả quan trắc của Viện Địa chất trong tháng 6/2022 cho thấy, vết nứt đang mở rộng với tốc độ ngày càng lớn. Đến tháng 12 này, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Bình ghi nhận, bề rộng của vết nứt 180-230cm, gây nguy cơ sạt lở nghiêm trọng nếu trong điều kiện có mưa nhiều ngày.

Để bảo đảm an toàn cho hoạt động của cửa khẩu quốc tế Cha Lo, tỉnh Quảng Bình đang lựa chọn phương án xử lý khu vực sụt trượt khoảng 4,5ha, đào bốc khoảng 800.000m3 đất, đá tại khu vực sạt lở nhằm hạ tải qua được vết nứt và cung trượt, bảo đảm bảo ổn định mái taluy. Sau khi thực hiện sẽ tạo được mặt bằng để làm kho bãi cửa khẩu với diện tích khoảng 2,5ha. Tổng kinh phí thực hiện khoảng 120 tỷ đồng.

Sông Lam-Lam Hồng
.
.
.